Hệ thống chú thích

  1. Tương
    Qua lại lẫn nhau.
  2. Tương cờ
    Tương kỳ (từ Hán Việt), nghĩa là hứa hẹn với nhau.

    Từ rằng: Tâm phúc tương cờ
    Phải người trăng gió vật vờ hay sao?

    (Truyện Kiều)

  3. Tượng Gambetta
    Còn gọi là tượng Ba Hình, Bức tượng của Léon Gambetta, một chính khách người Pháp chủ trương ủng hộ chính sách thuộc địa, được Pháp cho xây dựng ở quảng trường chợ Cũ Sài Gòn (nay là giao lộ Lê Duẩn - Pasteur), sau được chuyển vào khuôn viên Tao Đàn (nên người dân gọi là vườn Ông Thượng). Theo học giả Vương Hồng Sển trong cuốn Sài Gòn Năm Xưa thì năm 1945 khi Nhật đến Việt Nam, "chánh phủ Pháp muốn thâu dụng số đồng dùng vào chiến tranh, sai thợ nấu lão Gambetta, thì hỡi ôi! Thân lão là ersatz (thế phẩm), đồ đồng giả, không dùng được..."

    Tượng Gambetta tron vườn Tao Đàn

    Tượng Gambetta trong vườn Tao Đàn

  4. Tương giao
    Giao thiệp, kết thân với nhau (từ cổ).
  5. Tượng khỉ và chó ở chùa Cầu
    Bốn pho tượng được thờ ở chùa Cầu, Hội An: đầu phía Tây cầu đặt hai tượng khỉ, đầu phía Đông đặt hai tượng chó.

    Tượng khỉ ở chùa Cầu

    Tượng khỉ ở chùa Cầu

    Tượng chó ở chùa Cầu

    Tượng chó ở chùa Cầu

  6. Tương liên
    Có mối quan hệ gắn kết với nhau (từ Hán Việt).
  7. Tương phùng
    Gặp nhau (từ Hán Việt).
  8. Tường Sơn
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Vùng này cũng được mệnh danh là xứ Dừa, với đặc sản là bánh gai dừa, đồng thời có các địa danh liên quan đến dừa: dốc Dừa, chợ Dừa...
  9. Tương tàu
    Một loại đồ chấm làm từ đậu nành trộn với muối và bột mì rang để lên men và phơi nắng, có nguồn gốc từ Trung Hoa. Sau quá trình lên men, phần nước được chắt ra gọi là nước tương (xì dầu), phần xác đậu (bã) còn lại gọi là tương tàu. Tương tàu có rất nhiều biến thể tùy theo vùng miền.

    Tương tàu

    Tương tàu

  10. Tương thân
    Thương yêu lẫn nhau (từ Hán Việt).
  11. Tương tri
    Hiểu nhau, biết rõ lòng nhau (từ Hán Việt).
  12. Tuống Trùng
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tuống Trùng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  13. Tương tư
    Nhớ nhau (từ Hán Việt). Trong văn thơ, tương tư thường được dùng để chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương trong tình yêu trai gái.

    Gió mưa là bệnh của Trời
    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

    (Tương tư - Nguyễn Bính)

  14. Tườu
    Con khỉ, dùng với ý bỡn cợt, mắng, rủa.
  15. Túp
    Từ dùng để chỉ đơn vị nhà nhỏ, thấp, che lợp sơ sài.
  16. Tửu bất túy nhơn, nhơn tự túy
    Trích từ câu hát bội:

    Tửu bất túy nhơn, nhơn tự túy
    Hoa bất mê nhơn, nhơn tự mê.

    (Người tự say rượu chứ không phải rượu làm người say
    Người tự mê hoa chứ không phải hoa mê người.)

  17. Tửu điếm
    Quán rượu (từ Hán Việt).
  18. Tựu Liệt
    Một làng cổ nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  19. Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tọa thị
    Hễ rượu vào là như chó điên ngồi giữa chợ (chữ Hán).
  20. Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, thoại bất đầu cơ bán cú đa
    Uống rượu mà gặp bạn hiểu mình thì ngàn chén cũng là còn ít, nói chuyện mà không hợp nhau thì nửa câu cũng là còn nhiều. Đây là hai câu thơ trong bài Xuân nhật Tây Hồ ký Tạ Pháp tào vận (Ngày xuân ở Tây Hồ gửi vần thơ đến quan Pháp tào họ Tạ) của Âu Dương Tu, một nhà thơ sống vào đời nhà Tống, Trung Quốc.