Phan An

Sáng lập và chịu và trách nhiệm kĩ thuật cho Ca dao Mẹ. Tác giả của Quẩn quanh trong tổ, Trời hôm ấy không có gì đặc biệt, và Con chim khổng tước còn hót vang ngày mở đất. Hiện đang sống và làm việc tại Munich, Cộng hòa Liên bang Đức.

Bài đóng góp:

Chú thích

  1. Hàng
    Đồ hay vải dệt mỏng bằng tơ nói chung.
  2. Thế
    Thế chấp, giao tài sản để làm tin khi vay tiền.
  3. Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu dã nan tàng
    Một câu trong sách Minh Tâm Bửu Giám, có nghĩa là: Làm điều thiện hay điều ác thì sớm muộn cũng đều có báo ứng, cao bay xa chạy cũng khó trốn thoát.
  4. Không dạ oán thiên
    Không (có lòng) căm hận ông trời.
  5. Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác
    Theo Minh Tâm Bửu Giám: Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác, tử tế tư lường, thiên địa bất thác. Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, nhược hoàn bất báo, thời thần vị đáo. (Tích chứa điều thiện thì gặp thiện, tích chứa điều ác thì gặp ác, phải suy nghĩ cho kĩ, trời đất không khi nào sai lầm cả. Người làm điều thiện thì có điều thiện trả lại, người điều ác thì có điều ác trả lại, nếu chưa thấy trả lại thì là chưa đến ngày giờ).
  6. Mưu thâm họa diệt thâm
    Mưu mô càng hiểm độc thì tai họa đem lại (cho bản thân) càng tai hại.
  7. Đề lao
    Tù ngục.
  8. Thời vận bất tề
    Vận số không được bình thường, suôn sẻ.

    Ta hô! Thời vận bất tề, mệnh đồ đa suyễn
    (Than ôi! Thời vận chẳng bình thường, đường đời nhiều ngang trái)
    (Đằng Vương các tự - Vương Bột).

  9. Căn nợ
    Món nợ nần của đôi trai gái từ kiếp trước phải trả trong kiếp này, theo giáo lí nhà Phật.
  10. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  11. Sông (từ Hán Việt).
  12. Quới
    Quý (phương ngữ Nam Bộ). Như quới nhơn, quới nương, quới tử... Cách nói này hiện nay ít dùng.
  13. Chém tre chẳng dè đầu mặt
    Đầu mặt (mắt tre) rất rắn. Chém tre mà chém vào đầu mặt thì lâu mới được và có khi mẻ dao. Câu này ý nói: Không kiêng nể kẻ quyền thế có khi gây hại cho công việc.
  14. Trăng
    Hai tấm ván khoét lỗ, đóng lại để cùm chân kẻ có tội.
  15. Tầm đàng
    Tìm đường (cách nói của người Nam Bộ cũ).
  16. Nghinh tân yếm cựu
    Đón mới, bỏ cũ.
  17. Tham phú phụ bần
    Vì ham giàu (phú) mà phụ bạc người nghèo khó (bần).
  18. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  19. Tứ diện
    Bốn mặt (từ Hán Việt).
  20. Dươn
    Duyên (phương ngữ Nam Bộ).
  21. Thanh
    Người Tàu đời Mãn Thanh (Trung Quốc).
  22. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  23. Tửng
    Người con trai, thằng nhỏ (từ tiếng Hán đinh, đọc giọng Quảng Đông).
  24. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  25. Hai câu này có thể hiểu là "nghe bậu than thân bậu mà qua cảm thấy thân mình cũng (không kém phần) tệ hại."
  26. Linh đinh
    Lênh đênh (phương ngữ Nam Bộ). Nghĩa rộng là nay đây mai đó.
  27. Tỉ như
    Giống như, cũng như (phương ngữ Nam Bộ).
  28. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  29. Nhơn đạo
    Nhân đạo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  30. Khá
    Nên (từ cổ). Trong văn thơ cổ ta cũng hay gặp cụm từ "chớ khá," nghĩa là "không nên, không được."
  31. Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, thoại bất đầu cơ bán cú đa
    Uống rượu mà gặp bạn hiểu mình thì ngàn chén cũng là còn ít, nói chuyện mà không hợp nhau thì nửa câu cũng là còn nhiều. Đây là hai câu thơ trong bài Xuân nhật Tây Hồ ký Tạ Pháp tào vận (Ngày xuân ở Tây Hồ gửi vần thơ đến quan Pháp tào họ Tạ) của Âu Dương Tu, một nhà thơ sống vào đời nhà Tống, Trung Quốc.
  32. Hồ Việt
    "Hồ" chỉ các dân tộc sống về phía bắc, "Việt" chỉ các dân tộc sống về phía nam Trung Quốc ngày trước. Hồ Việt chỉ sự xa xôi cách trở.

    Chữ rằng: Hồ Việt nhứt gia
    Con đi tới đó trao qua thơ này

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  33. Nhập sơn cầm hổ dị, khai khẩu khốc nhơn nan
    Vào núi bắt hổ thì dễ, mở miệng nhờ đỡ người khác thì khó.
  34. Bán lộ trình
    Được nửa đường.
  35. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  36. Nhân tâm
    Lòng người (từ Hán Việt).
  37. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  38. Bạn
    Người bạn gái, thường được dùng để chỉ người mình yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  39. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  40. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu
    Những vật có cùng tiếng thì đáp lại nhau, những vật có cùng khí chất thì tìm đến nhau. Ý nói người hay vật có cùng bản chất thì hòa hợp với nhau, những người có cùng chí khí thì tìm đến với nhau.
  41. Gò Công
    Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.

    Phong cảnh Gò Công Đông

    Phong cảnh Gò Công Đông

  42. Mỹ Tho
    Thành phố tỉnh lị thuộc tỉnh Tiền Giang. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Khmer srock mé sa, mi so, nghĩa là "xứ có người con gái nước da trắng." Lịch sử hình thành của vùng đất này bắt nguồn từ khoảng thế kỷ 17, một nhóm người Minh Hương di cư từ Trung Quốc đã được chúa Nguyễn cho về định cư tại đây và lập nên Mỹ Tho đại phố. Đô thị này cùng với Cù Lao Phố (thuộc Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay) là hai trung tâm thương mại lớn nhất tại Nam Bộ lúc bấy giờ. Trải qua nhiều lần bị chiến tranh tàn phá, Mỹ Tho đại phố mất dần vai trò trung tâm thương mại về tay của vùng Sài Gòn - Bến Nghé.

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay là một đầu mối giao thông quan trọng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có thế mạnh về thương mại - dịch vụ và du lịch. Một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của Mỹ Tho là hủ tiếu.

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay

    Hủ tiếu Mỹ Tho

    Hủ tiếu Mỹ Tho

  43. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm