Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  2. Vông nem
    Còn gọi là cây vông, một loại cây thân có thể cao đến mười mét, có nhiều gai ngắn. Lá vông thường được dùng để gói nem hoặc để làm thuốc chữa bệnh trĩ, mất ngủ…

    Hoa và lá vông nem

    Hoa và lá vông nem

  3. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  4. Phù Lưu
    Một ngôi làng cổ ở Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, còn gọi là làng Giầu, Chợ Giầu. Làng có truyền thống buôn bán và văn hóa. Vào các thế kỷ 15, 16, 17, Phù Lưu là một làng chợ lớn nên mới có tên chữ là Thị thôn (làng chợ). Nay Thị Thôn là tên một thôn ở xã Hán Quảng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
  5. Xống
    Váy (từ cổ).
  6. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  7. Khoa trường
    Khoa cử và trường thi, chỉ việc thi cử nói chung.
  8. Lang
    Cách gọi cũ của người làm nghề thầy thuốc, thường là Đông y.
  9. Trong chữ thượng 上 thì chữ nhất 一 nằm dưới (không thể ở trên). Trong chữ hạ 下 thì chữ nhất nằm trên (không thể nằm dưới). Trong hai chữ chỉ 止 và nghi 宜 thì chữ nhất nằm dưới. Trong hai chữ bất 不 và khả 可 thì chữ nhất lại nằm trên.

    Tương truyền câu này do một nhà sư đặt ra để đố Lê Quý Đôn, lúc ấy còn kiêu ngạo cho treo tấm bảng Thiên hạ nghi nhất tự lai vấn 天下疑一字來問 (ai không hiểu chữ gì thì đến mà hỏi) ngoài cổng. Điều lí thú là câu này còn có thể hiểu là "Ai không hiểu chữ nhất thì đến mà hỏi."

  10. Rương
    Hòm để đựng đồ (sách vở, quần áo...) hoặc tiền vàng, thường làm bằng gỗ, có móc khóa.

    Cái rương

    Cái rương

  11. Kèn Tây
    Tên chung nhân dân ta đặt cho các loại kèn đồng được du nhập từ thời Pháp thuộc.
  12. La Cầu
    Một làng nay thuộc xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
  13. Ông làng La, bà làng Chảy
    Theo truyền thuyết, nàng Nương Nguyệt tài giỏi lấy chàng trai đất La Cầu. Khi thi văn, đấu võ khi nào nàng cũng nhường chồng. Người chồng lại tưởng vợ kém thua mình nên tự đắc. Đến khi đất nước có giặc ngoại xâm, tướng sĩ bốn phương tôn Nương Nguyệt làm tướng cầm quân chống giặc. Người chồng tự ái đòi thi đấu, nếu ai thắng thì người ấy được làm tướng. Nàng Nương Nguyệt biết chồng không thể đảm đương được việc lớn nên đã gạt tình riêng, quyết không nhường bước cho chồng như những lần trước. Tất nhiên là phần thắng thuộc về Nương Nguyệt. Tủi hổ chàng bỏ về quê không đi đánh giặc nữa, rồi chết và hóa thành con cá gáy. Nương Nguyệt sau khi thắng giặc về, biết tình cảnh của chồng ra nông nỗi ấy, lấy làm thương. Nàng khóc nước mắt chảy ngập cả đồng, tràn bốn phương nên làng mới có tên là làng Chảy. Sau Nương Nguyệt chết hóa thành con sáo, cứ xập xòe bay trên mặt nước tìm bóng chồng qua hình ảnh con cá gáy.
  14. Xáng
    Máy dùng để đào kênh và nạo vét bùn. Con kênh do xáng đào mà có gọi là kênh xáng.

    Máy xáng cạp nạo vét bùn

    Máy xáng cạp nạo vét bùn

  15. Cái Tre
    Một địa danh nay thuộc xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
  16. Chắc
    Nhau (phương ngữ Quảng Bình). Đánh chắc nghĩa là đánh nhau. Một chắc hoặc riêng chắc nghĩa là một mình.

    Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni:
    Dân chúng cầm tay lắc lắc:
    “Độc lập nhớ rẽ viền chơi ví chắc!”

    (Nhớ - Hồng Nguyên)

  17. Thầy nhà, lá vườn
    Phương thuốc chữa bệnh lúc nào cũng ở quanh nhà.
  18. Câu này và câu dưới có bản chép:
    Chiều vào khám lớn
    Như thái tử vào lầu
  19. Bâu
    Cổ áo.
  20. Trong bài này có nghĩa là "áo giáp sắt."
  21. Trường An
    Kinh đô Trung Quốc thời nhà Hán và nhà Đường, ngày nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

    Hán và Đường là hai triều đại có thời gian cai trị lâu dài, có ảnh hưởng văn hóa sâu rộng đối với các nước lân cận, vì thế "Trường An" hay "Tràng An" cũng được dùng để phiếm chỉ nơi kinh đô. Ở Việt Nam, kinh đô Hoa Lư thời Đinh, Tiền Lê, và kinh đô Thăng Long thời Lí, Trần, Hậu Lê đều được gọi là Tràng An.

  22. Giáp trụ
    Từ chữ giáp 甲 áo dày, áo giáp, và trụ 冑 mũ đội ra trận để phòng tên đạn.
  23. Có bản chép: Như Kim Tòng kết tụi.
  24. Câu này và câu dưới có bản chép:

    Đi làm ngoài bụi
    Như thái tử đi săn

    Ngoài ra còn thêm hai câu:

    Cuốc vá lăng xăng
    Như Trương Phi thử võ
    Ngồi mà lượm cỏ
    Như Thái Thượng điểm binh

  25. Khương Thượng
    Công thần mở nước của nhà Chu bên Trung Hoa vào thế kỉ 11 trước Công Nguyên. Ông họ Khương tên Thượng, tự Tử Nha nên còn gọi là Khương Tử Nha. Tổ tiên ông được phong ở đất Lữ, về sau ông lại được tôn làm Thái Công Vọng, nên còn được gọi là Lữ Thượng hay Lữ Vọng (Lã Vọng). Hình ảnh của ông thường được thần thoại hóa thành một người phép thuật cao siêu, được thần tiên trợ giúp, có tài hô mưa gọi gió, vãi đậu thành binh.

    Tương truyền Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá bằng dây không mắc móc câu ở bờ sông Vị, sau thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn gặp ông, rất ngưỡng mộ và tôn làm thầy. Hình tượng Khương Thượng câu cá trở thành một điển tích nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa.

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

  26. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Kẻ bể
    Làng biển.
  28. Giã
    Làm cá (từ cũ).
  29. Cá trắng
    Một loại cá nước ngọt sống chủ yếu ở sông, suối, có thân hình nhỏ dẹp, con to nhất cỡ bằng hai ngón tay người lớn. Cá trắng nướng có hương vị thơm ngọt hấp dẫn.

    Cá trắng nướng

    Cá trắng nướng

  30. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  31. Cá khoai
    Còn gọi là cá cháo, cá chuối, một loài cá sống chủ yếu ở biển, đôi khi ở nước lợ. Cá có thân dài, hình ống hơi dẹp, dài trung bình khoảng 10-27 cm, thịt mềm, có màu trắng đục, xương rất ít, chỉ có một đường sụn chạy dọc theo sống lưng, đầu to, mắt nhỏ, miệng rộng có nhiều răng cứng, nhọn và rất sắc. Cá khoai được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn như cháo cá khoai, canh cá khoai nấu ngót, nấu riêu, nhúng mẻ, làm khô nướng hay làm lẩu, v.v.

    Canh chua cá khoai

    Canh chua cá khoai

  32. Cá lẹp
    Một loài cá nhỏ, màu trắng bạc, thân mềm nhũn, sống ở biển hay vùng nước lợ. Cá lẹp nướng kẹp với lộc mưng chấm ruốc tôm (ruốc hôi) là món ăn quen thuộc của người dân Nghệ Tĩnh. Cá lẹp còn được làm mắm (một loại mắm xổi, tức mắm chỉ ép với muối vài ba ngày là ăn được).

    Cá lẹp

    Cá lẹp

  33. Cá mai
    Một loài cá biển nhỏ, mảnh, khoảng chừng ngón tay trỏ, thịt trong, săn chắc. Cá mai được ăn tươi và làm khô, với món ăn nổi tiếng nhất có lẽ là gỏi cá mai, một đặc sản của các địa phương khu vực Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà…

    Gỏi cá mai

    Gỏi cá mai

  34. Quý hồ
    Miễn sao, chỉ cần (từ Hán Việt).
  35. Trẻ trồng na, già trồng chuối
    Na là loại cây lâu năm, muốn trồng na lấy quả thì phải trồng từ lúc trẻ. Còn chuối là loại cây một năm, sớm cho quả, người già trồng vẫn được hưởng thành quả của mình.
  36. Tam Quan
    Thị trấn phía bắc tỉnh Bình Định, thuộc huyện Hoài Nhơn. Đây nổi tiếng là "xứ dừa" của Bình Định.

    Dừa Tam Quan

    Dừa Tam Quan

  37. Phỉ
    Đủ, thỏa mãn. Như phỉ chí, phỉ dạ, phỉ nguyền...
  38. Ăn mày đánh đổ cầu ao
    Ăn mày được ít gạo mang ra cầu ao đãi để về thổi cơm, chẳng may lại đánh đổ xuống nước mất. Ý nói đã nghèo lại khổ thêm. Người ta thường dùng câu này để than phiền rằng, đã khổ lại gặp sự không may, đã nghèo lại gặp thêm cảnh khốn khó. Ý nghĩa cũng gần giống câu “chó cắn áo rách”. (Tục ngữ lược giải - Lê Văn Hòe)
  39. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  40. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  41. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.