Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  2. Tháng một
    Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
  3. Chạp
    Tháng thứ mười hai âm lịch. Có thuyết cho chạp do đọc trạch từ tiếng Hán lạp nguyệt mà ra.
  4. Lực điền
    Người làm ruộng có sức khỏe.
  5. Bắt bộ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bắt bộ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  6. Kỳ Tân, An Chuẩn
    Tên hai làng thuộc xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nằm ngay ngã ba nơi con sông Vệ đổ ra biển. Đây là nơi có nghề làm nước mắm truyền thống của tỉnh Quảng Ngãi, kéo dài đến tận bây giờ.
  7. Nga Khê
    Một làng nay thuộc xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nằm bên bờ sông Hồng. Xưa kia làng có nghề dệt lụa; tương truyền lụa Nga Khê dùng để tiến vua.
  8. Đũi
    Một loại vải dệt bằng sợi kéo từ kén cắn tổ của tằm tơ. Ở những kén tằm già được nhà nuôi tằm để lại để gây giống, hoặc không ươm tơ kịp, nhộng tằm cắn kén để chui ra thành con ngài, làm cho tơ kén bị đứt, không thể ươm thành tơ được nữa, mà chỉ có thể dùng để kéo thành sợi đũi. Vải đũi thô hơn lụa, nên xưa kia được cho là loại vải thường, chỉ nhà nghèo mới mặc.
  9. Chi Long
    Tên một làng nay thuộc xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
  10. Nam Xá
    Một làng nay thuộc xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Làng có nghề làm hương (nhang).
  11. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  12. Đại Hoàng
    Một làng nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đây là quê hương của nhà văn Nam Cao. Làng xưa kia trồng nhiều trầu không, và trầu ngon có tiếng.
  13. Lên voi xuống chó
    Sự thay đổi địa vị, quyền lực hay số phận thất thường, lúc thấp lúc cao, lúc phát đạt lúc lụn bại.
  14. Bảo Đại
    (1913-1997) Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đồng thời cũng là quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (3/1945) và Quốc gia Việt Nam (7/1949). Ông sinh tại Huế, là con vua Khải Định, có tên huý là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông có một câu nói nổi tiếng khi chính thức thoái vị và trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho cách mạng vào ngày 23 tháng 8 năm 1945: Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Cuối đời ông sống lưu vong tại Pháp và qua đời trong lặng lẽ vào ngày 31 tháng 7 năm 1997, thọ 85 tuổi.

    Vua Bảo Đại

    Vua Bảo Đại

  15. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  16. Thông
    Tên loài cây thân gỗ, thẳng và cao, thường xanh (lá hầu như xanh quanh năm), nhựa thơm, quả nón, thường mọc trong các rừng rậm nhiệt đới khắp nước ta. Trong quan niệm Nho giáo, thông cũng tượng trưng cho người quân tử.

    Đồi thông Đà Lạt

    Đồi thông Đà Lạt

  17. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  18. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  19. Họ
    Những người thuộc đàng trai (hoặc đàng gái) trong đám cưới. Cũng gọi là họ nhà trai, họ nhà gái.
  20. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  21. Kí lục
    Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  22. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  23. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  24. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  25. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  26. Kim Lũ
    Một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bên bờ sông Tô Lịch. Ngoài tên Hán Việt Kim Lũ nghĩa là sợ tơ vàng, làng còn có tên Nôm là làng Lủ hay kẻ Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng có truyền thống khoa bảng, là quê hương của các danh nhân Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu, Tản Đà...
  27. Bồ đề
    Còn gọi tắt là cây đề, một loại cây lớn, có ý nghĩa thiêng liêng trong quan niệm của Ấn Độ giáo, Kì Na giáo và Phật giáo. Tương truyền thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm ngồi thiền định dưới một gốc cây như vậy và đạt giác ngộ, trở thành một vị Phật (Thích Ca), từ đó cây có tên bồ đề (theo âm tiếng Phạn bodhi, có nghĩa là giác ngộ, thức tỉnh).

    Cây bồ đề

    Cây bồ đề

  28. Tàu
    Cách nhân dân ta gọi nước Trung Quốc hay người Trung Quốc (người Hoa), thường có ý khinh miệt. Theo học giả An Chi, chữ này có gốc từ tào 曹 (quan lại). Bác sĩ Trần Ngọc Ninh giảng là do chữ Tào là họ cuả Ngụy Tào Tháo. Lại có tên Ba Tàu, đến nay vẫn chưa thống nhất nguồn gốc của tên này.
  29. Làm giàu bất nhân, làm nhân bất phú
    Làm giàu thì khó ăn ở nhân từ, có đạo nghĩa, và ngược lại.