Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ngộ
    Điên dại.
  2. Thông ngôn
    Phiên dịch (bằng miệng). Đây là một từ cũ, thường dùng trong thời Pháp thuộc. Người làm nghề thông ngôn cũng gọi là thầy thông.
  3. Thư lại
    Viên chức trông coi việc giấy tờ ở công đường thời phong kiến, thực dân. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành thơ lại.
  4. Sống cục đất, mất cục vàng
    Khi còn sống thì hắt hủi coi rẻ (như cục đất), đến khi chết thì mới thương tiếc cúng bái (như cục vàng).
  5. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  6. Mãng cầu
    Miền Bắc gọi là na, một loại cây ăn quả cho quả tròn có nhiều múi (thực ra, mỗi múi là một quả) khi chín có vị ngọt, mùi rất thơm. Lá, hạt và rễ mãng cầu cũng là những vị thuốc dân gian.

    Trái mãng cầu

    Trái mãng cầu

  7. Lợn bột
    Lợn đã bị hoạn (thiến), nuôi để lấy thịt.
  8. Đây là hai câu trong bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, một thi sĩ Trung Quốc thời Đường. Nguyên văn Hán Việt:

    Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
    Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
    Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
    Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

    Trần Trọng Kim dịch:

    Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
    Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
    Con thuyền đậu bến Cô Tô
    Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

  9. Phán mại
    Mua bán (phán: bán, mại: mua).
  10. Vĩnh Long
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất này được thành lập năm 1732 với tên là châu Định Viễn (thuộc dinh Long Hồ), sau lần lượt có các tên Vĩnh Trấn, Vĩnh Thanh, Vĩnh Long, Vĩnh Trà, Cửu Long, trước khi trở lại tên Vĩnh Long vào năm 1992. vào cuối thế kỉ 18, đây chiến trường diễn ra nhiều cuộc giao chiến ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh. Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút oanh liệt đánh tan năm vạn quân Xiêm cũng diễn ra tại đây.

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

  11. Bùi Hữu Nghĩa
    (1807 - 1872), trước có tên là Bùi Quang Nghĩa, hiệu Nghi Chi; từng làm quan nhà Nguyễn, đồng thời là nhà thơ và là nhà soạn tuồng của Việt Nam.

    Ông sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới, nghèo nhưng ham học. Năm 1835, ông đỗ Giải nguyên (thủ khoa) kỳ thi Hương nên còn được gọi là Thủ khoa Nghĩa. Là người liêm chính nên Bùi Hữu Nghĩa không được lòng quan trên, và vì vậy đường công danh gặp nhiều bất trắc. Ông là người có tài về thơ nhưng lại nổi danh về tuồng hát bội. Khắp miền Nam kỳ lục tỉnh vào khoảng giữa cuối thế kỷ 19 không ai không biết đến tài năng của ông. Các bản tuồng nổi tiếng của ông: Tây du, Mậu tòng, Kim Thạch kỳ duyên.

  12. Phan Thanh Giản
    (1796 - 1867) Danh sĩ và đại thần triều Nguyễn, học rộng, thanh liêm, nhưng do dự và nhu nhược trong cơn quốc biến. Ông là người đại diện cho triều đình Tự ĐứcHòa ước Nhâm Tuất, theo đó ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường được nhượng cho Pháp. Nhân dân thời ấy có câu "Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân" (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước, triều đình coi rẻ nhân dân). Vào cuối đời, ông làm quan tại Vĩnh Long. Ngày 4/8/1867, sau 17 ngày tuyệt thực, Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự vẫn.

    Đền thờ Phan Thanh Giản hiện ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre. Và từ rất lâu, nhân dân ở vùng núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang vẫn coi ông là một vị thần Thành Hoàng. Ngoài ra ông còn được thờ tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long.

    Phan Thanh Giản

    Phan Thanh Giản

  13. Ngũ Hành Sơn
    Còn có tên là núi Non Nước, một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, trên một diện tích khoảng 2 km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn) và Thổ Sơn, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh nổi tiếng của Đà Nẵng.

    Ngũ Hành Sơn

    Ngũ Hành Sơn

  14. Luống
    Từ dùng để biểu thị mức độ nhiều, diễn ra liên tục, không dứt.

    Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
    Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao

    (Nỗi lòng Tô Vũ - Bùi Giáng)

  15. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  16. Hiệp
    Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  18. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  19. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  20. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Dầu
    Dù (phương ngữ Nam Bộ).
  22. Biệt tích
    Hoàn toàn không có tin tức hay dấu vết gì.
  23. Có bản chép: "Anh đi đường ấy xa xa".
  24. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  25. Con nước
    Cũng gọi là ngọn nước, chỉ sự lên xuống của mực nước sông theo thủy triều.
  26. Cửa Mô
    Tên một vùng biển nay thuộc địa phận huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.