Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sự đời
    Từ tục, chỉ bộ phận sinh dục của người phụ nữ.
  2. Có bản chép: Sự đời như cái lá đa. (Lá đa cũng là từ cũ chỉ bộ phận sinh dục nữ.)
  3. Nhất nhật bất kiến như tam thu hề
    Trích từ bài Thái Cát thuộc Kinh Thi. Câu đầy đủ là:

    Bỉ thái tiêu hề,
    Nhất nhật bất kiến
    Như tam thu hề.

    Nghĩa là: Người đi cắt cỏ tiêu, một ngày không thấy nhau, tựa như ba thu (chín tháng) chưa gặp.

  4. Huống chi ba mùa thu đã trôi qua mà không hề gặp mặt (nghĩa Hán Việt).
  5. Cầu thượng gia
    Tên đầy đủ là "thượng gia hạ kiều," một cấu trúc cầu có phía trên là nhà, phía dưới là cầu, thường gặp nhất ở các tỉnh Bắc Bộ. Cầu thường là nơi nối liền đôi bờ giữa khung cảnh có cây cao, bóng cả, lòng sông vừa phải, thuận tiện thi công vòm trụ, mái cầu giúp người bộ hành khi vào cầu có thể trú mưa, tránh nắng, an toàn như mái nhà của mình. Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan được cho là người tạo nên kiến trúc cầu này.

    Cầu thượng gia

    Cầu thượng gia

  6. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  7. Giá thú bất luận tài
    Cưới xin không cần bàn đến tiền bạc (thành ngữ Hán Việt).
  8. Bô Bô
    Tên một nữ thần trong văn hóa dân gian Quảng Nam. Tương truyền, Bô Bô là nữ tướng Chiêm Thành, chỉ huy trận đánh giữa quân Chiêm và đạo quân của vua Lê Thánh Tông. Thua trận, bà dẫn quân rút về định cố thủ ở kinh đô Mỹ Sơn, nhưng đến làng Thu Bồn (nay thuộc xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) thì voi ngã, bà bị giết chết. Hiện nay vẫn còn đền thờ bà ở đây.
  9. Phường Chào
    Tên một nữ thần trong dân gian Quảng Nam. Theo thần phả biên soạn năm Khải Định thứ 4 (1919) thì bà tên là Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25 tháng 2 năm Cảnh Thịnh bát niên (1800) tại làng Phường Chào (thuộc châu Phiếm Ái), nay thuộc thôn Mỹ Phiếm, xã Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam. Ở trần gian được 17 năm, ngày 19 tháng 11 năm Gia Long thứ 16 (1817), bà hiển linh tại đất Phường Chào và được vua sắc phong làm thần, được nhân dân lập miếu thờ.
  10. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Ba Gà.
  11. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Truyện Kiều
    Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.

    Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...

  13. Đây là câu sáu đầu tiên và câu bát cuối cùng (câu thứ 3254) của Truyện Kiều:

    1. Trăm năm trong cõi người ta
    2. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
    ...
    3253. Lời quê chắp nhặt dông dài
    3254. Mua vui cũng được một vài trống canh.

  14. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  15. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  16. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  17. Long mốt long hai
    (Làm việc) Sơ sài, qua quýt.
  18. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  19. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Nhì Bánh (Bánh Hai).
  20. Tim la
    Tên gọi cũ của bệnh giang mai. Có nơi ghi tiêm la.
  21. Bát đàn
    Bát nông lòng, làm bằng đất nung thô có tráng men, thời xưa thường dùng.
  22. Có bản chép: Ai ơi đừng phụ bát đàn.
  23. Ễnh ương
    Loài động vật thuộc họ ếch nhái, da trơn, bụng lớn, có tiếng kêu to. Ễnh ương thường xuất hiện vào mùa mưa (mùa sinh sản), nên nhân dân ta hay đánh bắt ễnh ương vào mùa này. Thịt ễnh ương giàu chất đạm, có vị ngọt bùi, beo béo, xương giòn và thơm, chế biến được nhiều món ăn ngon.

    Ễnh ương

    Ễnh ương

  24. Bán bò tậu ễnh ương
    Ngớ ngẩn, không biết làm ăn, bán đi thứ tốt để mua về một thứ không ra gì.
  25. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Nhì Bí.