Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Gió độc Gò Công
    Một tên gọi dân gian của trận bão năm Giáp Thìn (1904).
  2. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  3. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  4. Bà Nà - Núi Chúa
    Một dãy núi nằm ở phía tây thành phố Đà Nẵng hiện nay. Đây là dãy núi cổ, tuổi trên 400 triệu năm, nhờ những khối đá hoa cương và thạch anh bền vững nên chóp núi còn khá cao (1.487m so với mặt nước biển). Hiện nay Bà Nà - Núi Chúa là điểm đến du lịch nổi tiếng của cả miền Trung.

    Bà Nà - Núi Chúa

    Bà Nà - Núi Chúa

  5. Vũng Thùng
    Tức vịnh Hàn, hay cửa biển Đà Nẵng.
  6. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Lậu
    Để lộ (phương ngữ Nam Bộ, nguyên là âm Hán Việt của chữ lậu 漏).
  8. Cẩm Phô
    Tên một làng có từ lâu đời thuộc địa phận phố cổ Hội An, Quảng Nam. Tại đây có đình và chợ cũng có tên là Cẩm Phô. Tên nhân vật Cẩm Phô trong tác phẩm Trại Hoa Vàng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chính là lấy từ địa danh này.

    Đình làng Cẩm Phô

    Đình làng Cẩm Phô

  9. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  10. Phú Thọ
    Một tỉnh miền núi, trung du thuộc vùng Đông Bắc nước ta, giáp với các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Sơn La; có tỉnh lỵ là thành phố Việt Trì. Phú Thọ được coi là vùng đất tổ, tương truyền tại nơi đây các vua Hùng đã dựng nhà nước Văn Lang, với kinh đô là Phong Châu, tức xung quanh thành phố Việt Trì ngày nay. Đây là vùng đất có nhiều lễ hội, đáng kể nhất là lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương.

    Cảnh đẹp đầm Ao Châu (Hạ Hòa, Phú Thọ)

    Cảnh đẹp đầm Ao Châu (Hạ Hòa, Phú Thọ)

  11. Kẻ Ngọ
    Địa danh cũ nay thuộc xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
  12. Ngòi
    Đường nước nhỏ chảy thông với sông hoặc đầm, hồ.
  13. Ba làng Trà Lũ
    Ba làng Trà Trung, Trà Bắc và Trà Đoài (ba thôn Trung, Bắc, Nam) thuộc huyện Giao Thủy, xã Xuân Trường, trấn Nam Định, nay là xã Trà Lũ, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là nơi nghĩa quân của Phan Bá Vành rút về cố thủ khi bị quân triều đình đàn áp.
  14. Trành
    Lưỡi gươm hoặc lưỡi dao cùn và không còn phần cán.
  15. Quân tử nhất ngôn
    Nói một lời (nhất ngôn), giữ chữ tín, được cho là tính cách của người quân tử theo quan niệm Nho giáo.
  16. Có bản chép: hú.
  17. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  18. Ngoắc
    Vẫy (phương ngữ).
  19. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  20. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Có bản chép: Trăm tấm ván vạn thằng quân.
  22. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  23. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  24. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  25. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  26. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  27. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  28. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  29. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  30. Tông chi
    Các chi trong một họ nói chung.