Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Gió Lào
    Loại gió khô và nóng xuất hiện ở nước ta từ đầu tháng tư đến giữa tháng chín. Vì hình thành từ vịnh Thái Lan, di chuyển theo hướng Tây Nam - Đông Bắc qua Campuchia và Lào, vượt Trường Sơn vào nước ta nên gió có tên là gió Lào, còn có các tên là gió nam hoặc gió phơn Tây Nam (foehn có nguồn gốc từ tiếng Đức föhn chỉ loại gió ấm ở vùng núi Alps). Gió thổi đập vào người nóng như cào da thịt nên cũng gọi là gió nam cào.
  2. Gió mùa Đông Bắc
    Tên gọi dân gian là gió bấc, một loại gió lạnh thổi vào mùa đông, thường kèm theo mưa phùn.
  3. Kinh nghiệm của ngư dân.
  4. Chợ Gò Chàm
    Tên một phiên chợ ở Bình Định. Trước đây chợ ở cách thị trấn Bình Định khoảng hai cây số về phía Bắc. Vùng này có tên là xứ Lam Kiều vì trồng nhiều cây chàm để nhuộm vải, vì vậy chợ có tên chữ là Lam Kiều thị. Đúng ra phải gọi là chợ Cầu Chàm, nhưng dân chúng lại quen gọi là chợ Gò Chàm. Bởi đó, có người còn cho rằng chợ được lập trên vùng đất gò có nhiều mồ mả người Chàm. Năm 1940, chợ Gò Chàm dời vào khu đất phía đông bắc bên ngoài thành Bình Ðịnh, sát với khu phố của thị trấn và đổi tên là chợ Bình Ðịnh, hay chợ Thành, nhưng dân chúng vẫn quen gọi tên cũ. Chợ mới vẫn giữ vai trò lớn nhất tỉnh, nhóm chợ mỗi ngày và mỗi tháng có sáu phiên vào các ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28. Ngoài ra, xưa nay vẫn giữ lệ phiên chợ 23, 28 tháng chạp âm lịch nhóm suốt ngày đêm và đông hơn các phiên chợ khác trong năm.

    Chợ Bình Định ngày nay

    Chợ Bình Định ngày nay

  5. Chợ Giã
    Còn gọi là chợ Quy Nhơn, một phiên chợ ở tỉnh Bình Định, thuộc làng Chánh Thành (bao gồm phường Hải Cảng, Trần Phú và một phần phường Trần Hưng Đạo và phường Lê Lợi ngày nay), cùng với chợ Thị Nại (chợ Quy Nhơn ngày nay) là những trung tâm mua bán sầm uất vào bậc nhất của cảng Thị Nại với các sản phẩm như gạo, củi, vôi, ngư cụ dưới thời nhà Nguyễn.
  6. Chợ Dinh
    Một ngôi chợ nay thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
  7. Chợ Huyện
    Một địa danh nay là làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Chợ Huyện nổi tiếng với món nem chua cùng tên.

    Cổng làng Chợ Huyện

    Cổng làng Chợ Huyện

  8. Nem chợ Huyện
    Nem ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là đặc sản rất nổi tiếng của tỉnh Bình Định.

    Nem chợ Huyện

    Nem chợ Huyện

  9. Quán Ngỗng
    Một cái chợ ở thôn Chánh Định, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, sát với huyện An Nhơn, Bình Định. Chợ Quán Ngỗng hình thành từ thời kì người Chàm thành Đồ Bàn sống chung với người Việt, (khoảng thế kỉ 17, 18). Có tên như vậy vì chợ bán nhiều gia cầm.
  10. Gò Chim
    Tên một cái chợ ở thôn Phú Giáo xã Cát Thắng, huyện Phù Cát, Bình Định. Trước kia chợ nổi tiếng có nhiều thợ bạc khéo tay. Ngày nay chợ vẫn còn hoạt động.
  11. Cầu Chàm
    Tên chữ là Lam Kiều, một địa danh nằm ở phía Bắc Bình Định ngày trước. Tại đây có trồng nhiều cây chàm để nhuộm nên gọi là Cầu Chàm, sau đọc trại ra thành Gò Chàm.
  12. Đập Đá
    Một địa danh nay là một phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày xưa đây là vùng sông nước, nhân dân phải đắp đập bổi để canh tác, gọi là đập Thạch Yển, sau là đập Thạch Đề tức là Đập Đá. Nằm ở phía đông thành Đồ Bàn xưa của Chiêm Thành và thành Hoàng Đế sau này của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc, nơi đây hội tụ nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo để cung cấp cho vua quan và các thân bằng quyến thuộc chi dùng: dệt vải, rèn, đúc đồng, gốm, kim hoàn...

    Hiện nay Đập Đá là một địa điểm du lịch có tiếng của Bình Định.

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

  13. Vũng Nồm
    Địa danh thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay, còn có tên là thôn Xương Lý.

    Vũng Nồm

    Vũng Nồm

  14. Vũng Bấc
    Một địa danh thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay, còn có tên là thôn Hưng Lương.

    Vũng Bấc

    Vũng Bấc

  15. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  16. Hàng
    Đồ hay vải dệt mỏng bằng tơ nói chung.
  17. Bận
    Mặc (quần áo).
  18. Thạch tín
    Cũng gọi là nhân ngôn (vì chữ tín 信 gồm chữ nhân 亻và chữ ngôn 言 ghép lại), là tên gọi chung của một số hỗn hợp chứa chất Asen (Arsenic) và hợp chất của Asen với Oxy, rất độc, nhưng đồng thời là một vị thuốc trong đông y.
  19. Mã tiền
    Cây thân gỗ, cao tới 25 m, mọc hoang ở miền rừng núi. Hoa trắng hoặc vàng nhạt, có mùi thơm. Quả thịt hình cầu, có hạt dẹt như chiếc khuy áo. Hạt mã tiền (mã tiền tử) vị đắng, tính hàn, rất độc, được dùng trong đông y làm thuốc xoa bóp, chữa liệt nửa người, chó dại cắn, trị ghẻ...

    Lá và quả mã tiền

    Lá và quả mã tiền

  20. Có bản chép: Người hèn bạn với người sang.
  21. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  22. Nằm co
    Tư thế nằm co rút chân tay lại khi thấy lạnh hoặc buồn.
  23. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  24. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  25. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  26. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  27. Có bản chép: Thế gian dại dại, khôn khôn.
  28. Mưa rừng cọ, gió rừng thông
    Mưa trong rừng cọ nghe tiếng rất lớn, do lá cọ có bản rộng, dày, cứng. Tương tự, do thông có nhiều lá kim nên gió thổi nghe mạnh hơn so với thực tế.
  29. Sơn Tịnh
    Tên một huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây có núi Thiên Ấn, một trong hai biểu tượng của tỉnh (cùng với sông Trà Khúc tạo thành cặp núi Ấn - sông Trà).

    Núi Ấn

    Núi Ấn

  30. Núi Chân Trâu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Núi Chân Trâu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  31. Bàu Ông Xá
    Têm một bàu nước thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Tương truyền ông Xá là người đã đưa dân đến hai làng An Thiết (xã Tịnh Bình) và Lâm Lộc (xã Tịnh Hà) rồi khuyến khích họ chăm lo các nghề làm thủ công khéo tay bên cạnh nghề làm ruộng như làm nón, chế tác sừng. Hai nghề này vẫn tiếp tục phát triển và tồn tại đến nay.
  32. Có bản chép: cầu Rừng Xanh. Cả hai địa danh này đều chưa được xác định.