Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Khăn vuông mỏ quạ
    Khăn hình vuông, được chít khéo léo thành hình nhọn như chiếc mỏ quạ trước trán. Áo tứ thân, yếm, khăn mỏ quạ, nón quai thao là những trang phục truyền thống của phụ nữ Kinh Bắc xưa.

    Phụ nữ miền Bắc trong trang phục truyền thống áo tứ thân, yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao

    Phụ nữ miền Bắc trong trang phục truyền thống áo tứ thân, yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao

  2. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  3. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  4. Đũa bếp
    Đũa to và dài, dùng khi nấu nướng (lật các món chiên xào, xới cơm, nhấc nồi...). Miền Bắc gọi là đũa cả.

    Đôi đũa bếp

    Đôi đũa bếp

  5. Chìa vôi
    Que để lấy vôi từ trong ống vôi và quẹt lên lá trầu, dùng khi ăn trầu.

    Ống vôi

    Ống vôi

  6. Bứa
    Một loài cây có cành đâm ngang, lá có chất chua nên thường được dùng làm rau gia vị hoặc nấu canh chua, quả ăn được.

    Quả bứa

    Quả bứa

  7. Chà
    Cành cây có nhiều nhánh nhỏ, thường dùng để rào hoặc thả dưới nước cho cá đến ở. Miền Trung có chỗ gọi là (cành nè, cây nè).

    Dỡ chà

    Dỡ chà

  8. Tày
    Bằng (từ cổ).
  9. Để chế
    Để tang. Theo phong tục, khi một người qua đời thì những người thân phải để tang để tưởng nhớ, tùy theo quan hệ xa gần mà thời hạn để tang khác nhau.
  10. Rành rạnh
    Rõ ràng một cách chắc chắn, không thể nào sai được.

    Cổ kì oai ấy còn rành rạnh
    Cung điểu ca đâu khéo tỏ tường

    (Vịnh Hàn Tín - Lê Thánh Tông)

  11. Người dùng roi, voi dùng búa
    Dạy người thì phải dùng roi, dạy voi thì phải dùng búa (cây đòng). Tùy đối tượng mà có cách dạy bảo, giáo dục khác nhau.
  12. Hoa sói
    Còn gọi là hoa hòe hay hoa trân châu, một loại cây cho hoa màu trắng đục, rất thơm, thường được dùng để ướp trà. Bốn loài hoa được dùng ướp trà hương là hoa sen (có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười), hoa lài (vùng Phú Thọ Hòa, Gò Vấp), hoa ngâu (Bình Định) và hoa sói (Bảo Lộc, Lâm Đồng).

    Hoa sói

    Hoa sói

  13. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  14. Đàn bầu
    Còn gọi là đàn độc huyền hoặc gọi tắt là đàn độc, vì chỉ có duy nhất một dây. Hộp đàn làm bằng ống tre hay gỗ, bầu đàn được làm từ một nửa quả bầu khô. Trước đây, dây đàn trước đây được làm bằng tơ, sau này thay bằng dây kim loại. Đàn bầu là một loại nhạc khí truyền thống rất độc đáo của dân tộc ta và chỉ duy nhất người Việt Nam mới có. 

    Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải về những nét độc đáo của đàn bầu Việt Nam đây và nghe nghệ sĩ ưu tú Thanh Tâm diễn tấu đàn bầu tại đây.

    Đàn bầu Việt Nam

    Đàn bầu Việt Nam

  15. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  16. Bánh hạt sen
    Gọi tắt là bánh sen, một số nơi gọi là kẹo hạt sen, loại bánh ngọt làm bằng bột vo nhỏ như hạt sen, ngoài bọc bằng giấy bóng kính nhiều màu. Bánh thường gặp trong dịp Tết nguyên đán.

    Bánh hạt sen

    Bánh hạt sen

  17. Bánh cam
    Một loại bánh hình tròn nhìn giống quả cam, làm bằng bột nếp, nhân đậu xanh, bên ngoài phủ nhiều mè (vừng), được rán trong dầu, ăn rất ngọt và thơm. Bánh cam được bán nhiều ở các chợ và hàng rong, là một món quà mà trẻ em rất ưa thích. Miền Bắc gọi bánh này là bánh rán, ở một số địa phương miền Trung thì gọi là bánh ram.

    Bánh cam

    Bánh cam

  18. Bánh tét
    Có nơi gọi là bánh đòn, một loại bánh của miền Trung và miền Nam, tương tự như bánh chưng ở miền Bắc. Bánh làm bằng gạo nếp, hình trụ dài, gói bằng lá chuối, có thể có nhân đậu và thịt mỡ hoặc không có nhân, khi ăn thì cắt thành khoanh tròn. Những dịp giỗ Tết không thể thiếu món bánh này.

    Một dĩa bánh tét

    Một dĩa bánh tét

  19. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  20. Hủ lậu
    Cũ kĩ, lạc hậu, không còn hợp thời nữa.
  21. Bánh tổ
    Một loại bánh tết truyền thống của Quảng Nam. Bánh được chế biến từ nếp và đường, đựng trong những cái "rọ" bằng lá chuối. Bánh dẻo, ngọt, có thể cắt ăn ngay hoặc chiên giòn.

    Bánh tổ

    Bánh tổ

  22. Công hầu
    Công và hầu, nghĩa gốc là hai chức lớn trong triều đình phong kiến, nghĩa rộng là chức tước, đỗ đạt.

    Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai
    Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế

    (Đôi câu đối của Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm)

  23. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  24. Hột cơm còn dính kẽ răng
    Cơm (được người khác cho) ăn còn dính ở kẽ răng (đã mở miệng chê bai hoặc phản bội).
  25. Sông Lam
    Còn gọi là sông Ngàn Cả hay sông Cả, một trong hai con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang, Lào. Phần chính sông Lam chảy qua Nghệ An, phần cuối hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh, đổ ra biển tại cửa Hội.

    Sông Lam

    Sông Lam

  26. Nông sờ
    Rất cạn, cạn nhìn thấy đáy.

    Sông Tương một giải nông sờ
    Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.
    (Truyện Kiều)

  27. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  28. Bài ca dao này là niềm tiếc thương của nhân dân với nhà yêu nước Phan Đình Phùng.
  29. Thấy bà
    Cách nói nhấn mạnh thể hiện ý: nhiều hơn bình thường, rất, lắm (khẩu ngữ).
  30. Thịt thà
    Thịt thực phẩm nói chung
  31. Hổng
    Không (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  32. Đố
    Thanh tre hay gỗ đóng dọc ở vách, cùng với những thanh ngang gọi là mè, tạo thành "khung xương" cho vách đất.
  33. Bánh chưng
    Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.

    Bánh chưng

    Bánh chưng

  34. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  35. Nghiến đốt
    Cọ xát thật mạnh nhằm làm mòn phẳng các đốt lồi lên trên thân cây tre. Đây là một công đoạn trong sơ chế tre trúc.
  36. Nhà chữ môn
    Nhà được xây theo lối cổ, gồm một ngôi ở giữa và hai ngôi hai bên, nhìn như chữ môn 門.
  37. Câu này và câu sau có bản chép "nhà chữ môn" thành "nhà năm gian."
  38. Bình văn
    Bình luận, nhận xét về văn chương. Đây là một cách dạy học, đồng thời là một nét văn hóa xưa.

    Bình văn (tranh Lê Huy Miến)

    Bình văn (tranh Lê Huy Miến)

  39. Khánh
    Nhạc cụ gõ làm bằng tấm đồng, thường có hình giống lưỡi rìu, treo lên bằng một sợi dây.

    Cái khánh

    Cái khánh

  40. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  41. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)