Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  2. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  3. Chiềng
    Trình, trình bày (từ cổ).
  4. Bõ công
    Đáng công.
  5. Nghi vệ
    Nghi phục và thị vệ theo hầu quan hay vua.

    Nghi vệ một vị quan nhà Nguyễn

    Nghi vệ một vị quan nhà Nguyễn

  6. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  7. Vinh quy
    Trở về một cách vẻ vang (thường nói về người thi đỗ các khoa thi xưa kia). Từ này thường được dùng trong cụm "vinh quy bái tổ" (trở về bái lạy tổ tiên).

    Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
    Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
    Tôi ra đón tận gốc bàng
    Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem.

    (Thời trước - Nguyễn Bính)

  8. Ngả
    Giết thịt (ngả trâu, ngả lợn...).
  9. Hoàng ân
    Ơn vua (từ Hán Việt)
  10. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  11. Hương án
    Bàn thờ, thường để bát hương và các vật thờ cúng khác.

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

  12. Xa Lang
    Một làng nay thuộc xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Làng có nghề mộc truyền thống rất nổi tiếng. Ở đây còn có đền Trúc, nơi thờ các tướng sỹ trận vong của nghĩa quân Lam Sơn, gần đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.

    Nghề mộc ở Xa Lang

    Nghề mộc ở Xa Lang

  13. Chùa Thượng
    Tên chữ là Phù An Tự, một ngôi chùa 300 tuổi nay tọa lạc tại địa phận thôn Bến Hầu, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
  14. Cửa tam quan
    Cũng gọi là cổng tam quan, mái tam quan, loại cổng có ba lối đi thường thấy ở chùa chiền theo lối kiến trúc truyền thống.

    Cổng tam quan chùa Láng

    Cổng tam quan chùa Láng

  15. Đền Cả Du Đồng
    Cũng gọi là đền Cả Tổng Du Đồng hoặc Tự Đồng, thuộc địa phận thôn Vĩnh Thành, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trước đây thuộc thôn Vĩnh, tổng Du Đồng, phủ Đức Thọ. Đền thờ ông Bùi Thúc Ngật, có công khai phá chiêu dân lập nên xóm làng của Tổng Du Đồng thời nhà Lê.

    Đền Cả Du Đồng

    Đền Cả Du Đồng

  16. Đây các công trình kiến trúc, văn hóa với độ tinh xảo cao có tiếng ở Hà Tĩnh.
  17. Rau tập tàng
    Các loại rau trộn lẫn với nhau, mỗi loại một ít, thường dùng để nấu canh. Có nơi gọi là rau vặt.

    Rau tập tàng

    Rau tập tàng

  18. Con tập tàng: con đẻ hoang.
  19. Có bản chép: Nhớ răng.
  20. Cô phòng
    Buồng riêng của người sống cảnh cô đơn (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ cảnh cô đơn của người phụ nữ không chồng hoặc xa chồng.

    Đình thoa trường nhiên tư viễn nhân,
    Độc túc cô phòng lệ như vũ.

    (Ô dạ đề - Lí Bạch)

    Tản Đà dịch:
    Dừng thoi buồn bã nhớ ai,
    Phòng không gối chiếc, giọt dài tuôn mưa.

  21. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  22. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  23. Hồi
    Quay về (từ Hán Việt).
  24. Cố hương
    Quê cũ (từ Hán Việt).

    Sao chưa về cố hương?
    Chiều chiều nghe vượn hú
    Hoa lá rụng buồn buồn
    Tiễn đưa về cửa biển
    Những giọt nước lìa nguồn

    (Hương rừng Cà Mau - Sơn Nam)

  25. Cao Miên
    Gọi tắt là Miên, phiên âm sang tiếng Việt của từ "Khmer," chỉ dân tộc Khơ Me. Cao Miên còn là cách người Việt gọi nước Campuchia, với cư dân chủ yếu là người Khơ Me.
  26. Lò Gò
    Một địa danh nằm gần biên giới Việt Nam - Campuchia, nay thuộc tỉnh Tây Ninh.
  27. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  28. Xiêm
    Tên gọi trước đây của nước Thái Lan, cũng gọi là Xiêm La.
  29. Chưng Đùng
    Hay Chân Đùng, một địa danh nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Tên gọi Chưng Đùng được hình thành là do cách phát âm trại của miền Nam mà ra.
  30. Chun
    Chui (phương ngữ).
  31. Tùng
    Cây thuộc họ thông, thân và tán có dáng đẹp. Tùng có rất nhiều loại, có loại cao lớn, cũng có loại làm cảnh nhỏ. Theo quan điểm Nho giáo, cây tùng thường được ví với lòng kiên trinh, người quân tử.

    Loại tùng bách mọc trên núi

    Loại tùng bách mọc trên núi

  32. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  33. Bồng Miêu
    Tên một địa danh trước là thôn Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, nay là thị trấn Bồng Miêu, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Đây là khu vực có nhiều mỏ vàng, dân gian hay gọi là mỏ Bồng Miêu hay mỏ Bông Miêu. Mỏ vàng này bao gồm các khu Hố Gần, Hố Ráy, Thác Trắng, Núi Kẽm. Mỏ đã từng được người Chăm phát hiện và khai thác từ hơn nghìn năm trước, rồi lần lượt người Trung Quốc, Việt và Pháp cũng đã đến đây khai thác khá thành công. Hiện nay mỏ vàng Bồng Miêu đang được Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu thuộc Tập đoàn Olympus Pacific Mineral Inc. Canada quản lý và khai thác.

    Khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu

    Khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu

  34. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  35. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  36. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  37. Rầy
    La mắng (phương ngữ).
  38. Hữu thủy vô chung
    Có trước mà không có sau.
  39. Gáo
    Đồ có cán dùng để múc nước, thường làm bằng sọ dừa hoặc vỏ trái mù u, cũng có nơi làm bằng vỏ bầu sấy khô.

    Gáo

    Gáo

  40. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

  41. Favorit
    Ta gọi là Pha-vơ-rít, nhãn hiệu một loại xe đạp của Tiệp Khắc cũ.

    Xe đạp Favorit

    Xe đạp Favorit

  42. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  43. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  44. Tui
    Tôi (khẩu ngữ).
  45. Giọt châu
    Giọt lệ, giọt nước mắt.