Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  2. Thị phi
    Phải và không phải. Chỉ sự đồn đại, chê bai.

    Kẻ yêu nên ít lời cao hạ,
    Người ghét càng nhiều tiếng thị phi.

    (Than thân - Nguyễn Hữu Chỉnh)

  3. Nhơn ngãi
    Nhân nghĩa (phương ngữ Nam Bộ).
  4. Ái ân
    Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
  5. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  7. Choa
    Tôi, tao, mình. Cách xưng hô của ngôi thứ nhất (phương ngữ của một số tỉnh miền Trung).
  8. Khác thể
    Chẳng khác nào, giống như.
  9. Nác
    Nước (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  10. Khái
    Con hổ.
  11. Lòi
    Lùm cây, bụi rậm (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  12. "Xanh cọng, nóng nác" chỉ việc luộc rau chưa chín. Cả câu ý nói hấp tấp, thiếu chín chắn thì dễ gặp tai vạ.
  13. Cơm đắp đầu gối
    Chỉ hành động ăn lót dạ, bắt nguồn từ thói quen của người nông dân.
  14. Mộ
    Mến phục.
  15. Bài này nói về dòng họ của Thoại Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y. "Ba vua" gồm có: Dục Đức (con trai của Thoại Thái Vương, bị phế truất và bỏ đói cho đến chết), Thành Thái (con trai của vua Dục Đức, chủ trương chống Pháp nên bị đày ra đảo Réunion), và Duy Tân (con trai vua Thành Thái, cùng bị đày với cha).
  16. Nhất niên nhất lệ
    Mỗi năm (chỉ có) một lần.
  17. Hát trống quân
    Hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và trung du Việt Nam, kể từ Thanh Hóa trở ra Bắc. Hát trống quân ở mỗi địa phương có khác nhau về làn điệu, lối hát và thời điểm hát, nhưng đều mang một số điểm chung như: những người tham gia chia thành hai bên "hát xướng" và "hát đáp", lời ca thường mang tính ứng đối, sử dụng trống dẫn nhịp gọi là "trống thùng", giữa những câu đối đáp có đoạn ngừng gọi là "lưu không".

    Hát trống quân thường được tổ chức vào rằm tháng bảy, tháng tám âm lịch, ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội. Trong những ngày mùa, vào chiều tối, những người thợ gặt ở nơi khác đến thường tổ chức hát với nhau hoặc với trai gái trong làng.

    Hát trống quân

    Hát trống quân

    Xem phóng sự Hát trống quân - Nét dân ca của đồng bằng Bắc Bộ.

  18. Gióng
    Còn gọi là quang, đồ vật làm bằng mây, gồm có đế gióng và 4 hay 6 quai gióng. Gióng được dùng kết hợp với đòn gánh - đòn gánh ở giữa, hai chiếc gióng hai bên, để gánh gạo và các loại nông sản khác.

    Quang gánh

    Quang gánh

  19. Sớt sưa
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Sớt sưa, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  20. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tứ Gióng.
  21. Miệt Hai Huyện
    Còn có tên là miệt Chợ Thủ hay miệt Ông Chưởng ("miệt" là phương ngữ Nam Bộ chỉ vùng, miền). Đây là địa danh chỉ vùng cù lao Ông Chưởng, nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, không phải là địa danh Chợ Thủ ở Thủ Dầu Một, Bình Dương. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, cái tên Hai Huyện bắt nguồn từ tên huyện Tân Bình và huyện Phước Long, hai đơn vị hành chính đầu tiên được chúa Nguyễn thiết lập ở miền Nam, tương ứng với Sài Gòn và Biên Hòa ngày nay. Khi quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh tiến quân vào đánh Campuchia, người dân và binh sĩ từ hai huyện này đã theo chân ông đến An Giang lập nghiệp.

    Miệt Chợ Thủ xưa nay là khu vực trù phú, văn minh ở miền Tây. Tại đây có nghề vẽ tranh kiếng thủ công và nghề mộc khá nổi tiếng.

    Tranh kiếng ở Chợ Mới, An Giang

    Tranh kiếng ở Chợ Mới, An Giang

  22. Miệt vườn
    Tên gọi chung cho khu vực nằm trên những dải đất giồng phù sa dọc theo hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang tại đồng bằng sông Cửu Long. "Miệt" là phương ngữ Nam Bộ chỉ vùng, miền. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, miệt vườn bao gồm các tỉnh Tiền Giang, Gò Công, Trà Vinh, Sa Đéc, Vĩnh Long, một phần của tỉnh Cần Thơ và một phần của tỉnh Đồng Tháp. Ngành nông nghiệp chính trên những vùng đất này là lập vườn trồng cây ăn trái.  Đất đai miệt vườn là phù sa pha cát màu mỡ, sạch phèn, lại không bị ảnh hưởng của lũ lụt và nước mặn. Do vậy, miệt vuờn được coi là khu vực đất lành chim đậu, có nhiều tỉnh lị phồn thịnh, sầm uất. Nhiều loại trái cây ngon của miệt vuờn đã trở nên nổi tiếng, gắn liền với địa danh như xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), quýt Lai Vung (Đồng Tháp), vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), ...

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

  23. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  24. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  25. Công giáo
    Còn được gọi là Thiên Chúa giáo, Kitô giáo hoặc đạo Giatô, một tôn giáo có niềm tin và tôn thờ đức Chúa Trời, Giêsu, các thánh thần. Chữ công có nghĩa là chung, phổ quát, đón nhận mọi người chứ không riêng cho dân tộc hay quốc gia nào. Xuất hiện ở nước ta từ khoảng thế kỉ 16, Công giáo phát triển khá mạnh cho đến ngày nay.

    Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

    Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

  26. Dông
    Bỏ chạy mất (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Phỉnh phờ
    Nói dối hoặc dùng lời lẽ ngọt ngào đường mật để dụ dỗ người khác.