Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  2. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  3. Mạn
    Mượn (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  4. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  5. Trung Kính Hà
    Tên Nôm là kẻ Giàn, một làng nay thuộc địa phận quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là một làng thuần nông, nhiều ruộng đất, giỏi thâm canh.
  6. Đông Ngạc
    Tên nôm là làng Vẽ hay kẻ Vẽ, một làng cổ ở nằm sát chân cầu Thăng Long, thuộc huyện Từ Liêm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km. Đông Ngạc được coi là một trong những làng cổ nhất của Hà Nội. Làng còn được gọi là "làng tiến sĩ" do có rất nhiều vị tiến sĩ Hán học và Tây học, đồng thời nổi tiếng với nghề truyền thống là làm nem.
  7. Đỉa
    Một loại động vật thân mềm, trơn nhầy, sống ở nước ngọt hoặc nước lợ, miệng có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Tên gọi này có gốc từ từ Hán Việt điệt.

    Con đỉa

    Con đỉa

  8. Ba ba
    Động vật họ rùa mai mềm, thường có kích cỡ nhỏ hơn rùa, sống ở các vùng nước ngọt (hồ, ao, sông ngòi, đầm, v.v.). Ở nước ta có 5 loài rùa mai mềm: ba ba Nam Bộ, ba ba gai, giải, ba ba trơn, và giải sin hoe. Ba ba có bốn chân, không có đuôi, đầu có vẩy nhỏ, miệng nhiều răng.

    Con ba ba

    Con ba ba

    Hướng dẫn định dạng các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, 2010)

  9. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  10. Cồng
    Nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Nhân dân ta thường đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, hoặc khi ra trận để cổ vũ tinh thần quân sĩ.

    Cồng chiêng

    Cồng chiêng

  11. Nông Sơn
    Tên một huyện của tỉnh Quảng Nam, trước đây là phía Tây của tỉnh Quế Sơn. Tại đây có mỏ than Nông Sơn, thuộc địa bàn xã Quế Trung.
  12. Bảo An
    Tên một làng nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bảo An là một làng có nghề nấu đường truyền thống từ thế kỉ 17, nhưng hiện nay đã mai một.

    Xem phóng sự Nghề xưa còn một chút này về nghề nấu đường ở Bảo An.

  13. Trà My
    Một địa danh thuộc miền núi của tỉnh Quảng Nam, nay là hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, là địa bàn sinh sống của các dân tộc Ca Dong (Xê Đăng), M'nông, Co và Kinh. Trà My từ lâu nổi tiếng với đặc sản là cây quế.
  14. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  15. Lụy sa cúc dục
    Nước mắt rơi (lụy sa) vì nghĩ công nuôi nấng (cúc dục) của cha mẹ.
  16. Trần ai
    Vất vả, khổ sở.
  17. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Không vãng nỏ lai
    Không qua không lại.
  19. Rứa răng
    Thế sao (phương ngữ miền Trung).
  20. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  21. Tham phú phụ bần
    Vì ham giàu (phú) mà phụ bạc người nghèo khó (bần).
  22. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  23. Rẫy
    Đất trồng trọt ở miền rừng núi, có được bằng cách phá rừng, đốt cây rồi trồng tỉa.
  24. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  25. Trống bỏi
    Trống bằng giấy cho trẻ con chơi, hai bên có hai sợi dây, đầu buộc một hạt nặng, đập vào mặt giấy thành tiếng khi xoay nhanh.

    Trống bỏi

    Trống bỏi

  26. Sớ lỡ
    Lỡ, lầm (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  27. Rủng rải
    Thủng thỉnh, thủng thẳng (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  28. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  29. Hà Tu
    Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

  30. Chân sâu quảng
    Chứng bệnh do chân bị vết thương mà không chữa khỏi, biến thành sâu quảng (mỗi ngày ăn sâu xuống và lan rộng thêm ra), mụn đau nhức và ngứa, chung quanh mụn be bờ cao. Về tên gọi chân sâu quảng, có người cho rằng chứng chân sâu đi kèm với bệnh sốt rét là chứng lở loét nổi tiếng khó trị, lại thường thấy ở vùng Quảng Ninh nên người ta mới gọi là chứng sâu Quảng.
  31. Mạch
    Đường dẫn từ vật/ trạng thái này đến vật/ trạng thái kia. Ở đây mạch được hiểu là những kênh tiềm ẩn bên trong các vật che chắn như dừng, vách, có thể làm rò rỉ thông tin.
  32. Tai vách mạch dừng
    Lấy nghĩa từ câu tục ngữ "Dừng có mạch, vách có tai", nghĩa là đằng sau những vật che chắn như dừng, vách có thể có những cách làm rò rỉ thông tin. Đây là câu lưu ý những trường hợp cần giữ mồm giữ miệng khi ăn nói để tránh vạ vào thân.
  33. Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba
    Theo theo quan niệm dân gian, ngày 3 và ngày 7 âm lịch mỗi tháng là những ngày xấu, không nên khởi sự làm ăn hoặc đi xa.
  34. Giang
    Sông lớn (từ Hán Việt).
  35. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.