Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Gà lôi
    Tên chung của một số giống chim cùng loại với gà, sống hoang. Thường gặp nhất ở nước ta có lẽ là gà lôi lông trắng, có lưng trắng, bụng đen, đuôi dài.

    Gà lôi lông trắng

    Gà lôi lông trắng

  2. Chả
    Món ăn làm từ thịt, cá hay tôm băm hoặc giã nhỏ, ướp gia vị, rồi rán hoặc nướng, dùng để ăn kèm cơm hay bún, bánh cuốn, bánh phở. Ở miền Bắc, món này được gọi là chả.

    Chả quế

    Chả quế

  3. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  4. Lọng
    Đồ dùng để che phía trên đầu, gần giống cái dù nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, thường được sử dụng trong nghi lễ hoặc đám rước, để thể hiện địa vị xã hội. Ngày xưa, lọng được sử dụng cho vua, quan, chức sắc; ngày nay, lọng chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

    Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung bằng tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn ta để chống thấm nước. Lọng còn thường được trang trí nhiều màu sắc và họa tiết tùy theo địa vị của người sử dụng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

  5. Sườn
    Sờn (phương ngữ Nam Bộ).
  6. Trọng
    Nặng (từ Hán Việt). Cũng đọc là trượng.
  7. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  8. Trắc
    Loại cây lớn, cho gỗ quý, thường dùng để làm đồ thủ công mĩ nghệ, chạm khảm...

    Khay gỗ trắc khảm xà cừ

    Khay gỗ trắc khảm xà cừ

  9. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  10. Mắm
    Một loại cây rừng ngập mặn, gặp rất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Có bốn loại mắm: mắm lưỡi đồng, mắm đen, mắm ổi, mắm quăn. Tuy có giá trị kinh tế không đáng kể, mắm cùng các loại cây khác như bần, đước... giữ một vai trò rất quan trọng trong việc giữ đất, lấn biển.

    Cây mắm

    Cây mắm

  11. Đước
    Một loại cây rất thường gặp ở miền Tây Nam Bộ. Cây đước mọc thành rừng ở các vùng bờ biển bùn lầy, có bộ rễ rất lớn gồm một rễ cọc và rất nhiều rễ phụ đâm sâu xuống, giúp cây bám chặt lấy đất. Rừng đước ngập mặn có một vai trò rất lớn trong việc chống xói lở đất, giữ phù sa, cải tạo đất, đồng thời là môi trường sinh thái cho nhiều loài động vật nhỏ khác.

    Rừng đước

    Rừng đước

  12. Tràm
    Một loại cây mọc hoang thành rừng ở đồi núi và vùng ngập mặn. Ở nước ta, Cà Mau nổi tiếng là xứ nhiều tràm. Tràm thường được dùng lấy gỗ hoặc cất tinh dầu từ hoa và lá.

    Rừng tràm ở Long An

    Rừng tràm ở Long An

  13. Dừa nước
    Một loài cây thuộc họ Cau, thân mọc ngang trong bùn, lá và cuống hoa đâm lên trên, tán lá khá cao và rộng. Dừa nước sinh trưởng rất dễ dàng nơi nước chảy chậm, bùn lầy phù sa: hạt dừa nước già trôi nổi theo thủy triều, có khi nảy mầm ngay trong nước, mọc thành cây khi dạt vào bùn. Người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nước ta rất quen thuộc với loài cây này vì gần như ở ven bờ kênh rạch nào, dừa nước cũng mọc thành hàng rậm rạp; hơn nữa lá dừa nước là vật liệu chính để lợp nhà tại đây. Tuy trái và mật cuống hoa dừa nước chứa nhiều dinh dưỡng, nhưng người dân nước ta chưa chú ý đến nguồn lợi này.

    Hái trái dừa nước ở Bến Tre.

    Hái trái dừa nước ở Bến Tre.

  14. Bài ca dao này tả lại quá trình lấn biển tự nhiên gắn liền với sự hình thành làng xóm ở vùng đồng bằng ven biển Nam Bộ nước ta. Ban đầu, ở bờ biển, cây mắm và cây đước giữ lại phù sa, mọc lấn dần ra biển. Nước nơi cửa sông dần dần bớt mặn vì biển lùi xa và nhờ khả năng lọc nước của cây đước, cây tràm từ từ mọc tạo thành rừng. Đến lúc nước sông đã đủ ngọt, đất thuần, cây dừa nước có thể mọc được, xóm làng mới hình thành. Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã kể lại quá trình mở đất này thông qua câu chuyện về một gia đình đi khai hoang trong truyện ngắn Rừng Mắm, tập truyện Ký Thác:

    "Bờ biển nầy mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước. Phù sa là đất bùn mềm lủn và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được."

  15. Thần Phù
    Còn có tên Càn môn (cửa Càn Phù), Thần Đầu, Tiểu Khang. Xưa là cửa biển có tầm chiến lược để thuyền bè từ Bắc tiến vào Nam, thuộc tỉnh Ninh Bình, dưới thời Nguyễn một phần bị tách về tỉnh Thanh Hóa. Nay chỉ còn là vùng đất nằm ở hai bên cửa biển cũ đã lùi sâu trong đất liền hơn 10 km, hiện thuộc ranh giới giữa 2 xã Yên Lâm, Yên Mô, Ninh Bình và Nga Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa.

    Địa danh này gắn liền với nhiều truyền thuyết lịch sử, hiện còn lưu nhiều cổ tích như đền thờ Áp Lãng Chân Nhân, đình làng Phù Sa thờ Triệu Việt Vương, bia đá cửa Thần Phù...

    Cửa Thần Phù ngày nay

    Cửa Thần Phù ngày nay

  16. Hình dong
    Hình dung, hình dáng bên ngoài (từ Hán Việt).
  17. Chớ bán gà ngày gió, chớ bán chó ngày mưa
    Ngày gió gà dễ bị toi, ngày mưa thì chó xấu mã.
  18. Bánh phu thê
    Còn gọi là bánh xu xê, xu xuê, một loại bánh ngọt cổ truyền, thành phần chủ yếu là bột gạo, bột năng, đậu xanh, đường trắng, được gói trong hai lớp lá chuối và lá dừa, tùy nơi mà bánh có màu sắc và nhân khác nhau. Bánh tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng, thường được dùng trong các dịp cưới hỏi.

    "...Bánh xu xê. Cái tên kì khôi này ở đâu mà ra? Thứ bột vàng và trong như hổ phách ấy, dẻo và quánh dưới hàm răng, là một thứ bánh rất ngon. Dù sao, cũng là một thứ bột thẳng thắn, vì nó dễ cho ta đoán trước để mà thèm thuồng những cái ngon ngọt hơn ẩn náu bên trong. Qua cái màu vàng óng ánh ấy, màu trắng của sợi dừa và màu vàng nhạt của đậu thêm một sắc nóng ấm và thân mật. Tôi bao giờ cũng ưa thức ăn nào có một hình sắc đẹp đẽ, cái đẹp lúc trông ngắm giúp nhiều cho cái thưởng thức lúc ăn lắm." (Hà Nội băm sáu phố phường - Thạch Lam)

    Bánh phu thê

    Bánh phu thê

  19. Trân đồng Táo đồng Dành, Thành đồng Lau đồng Sậy
    Bà Nguyễn Thị Trân và ông Trương Văn Thành là hai vợ chồng quê ở làng Đạo Sử, huyện Lang Tài, nay thuộc xã Phá Lãng, huyện Gia Lương tỉnh Bắc Ninh, có công chiêu mộ được nhiều nghĩa quân theo cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu (thế kỷ 18). Sau hai vợ chồng được cử về làng chăm lo binh lương trên 4 cánh đồng: Táo, Dành, Lau, Sậy.
  20. Ông Đùng bà Đà
    Đôi vợ chồng khổng lồ vào thời hỗn mang trong thần thoại Việt Nam, có thân hình rất cao lớn và sức khoẻ phi thường.

    Rước ông Đùng bà Đà (tranh dân gian)

    Rước ông Đùng bà Đà (tranh dân gian)

  21. Ông Đa, bà Mít
    Hai nhân vật trong chuyện kể dân gian, lấy tên từ cây đa và cây mít, mang ý nghĩa tâm linh.
  22. Nha lại
    Người giúp việc cho quan tri huyện, tri phủ.
  23. Kẻ Mơ
    Tên một vùng đất rộng lớn ở phía Đông Nam thành Thăng Long xưa, bao gồm Hoàng Mai, Tương Mai, Hồng Mai (sau đổi thành Bạch Mai vì kị húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) và Mai Động ngày nay. Làng Hoàng Mai có rượu cúc và rượu mơ rất nổi tiếng, nên gọi là làng Mơ Rượu. Làng Mai Động lại có nghề làm đậu phụ rất ngon, gọi là Mơ Đậu. Còn ở làng Tương Mai, các nhà ven đường đều mở hàng cơm, nên có tên khác là Mơ Cơm.
  24. Thài lài
    Cây thân cỏ, thường mọc hoang ở những nơi đất ẩm, lá hình trái xoan nhọn, hoa màu xanh lam hay tím. Được dùng làm thuốc chữa viêm họng, viêm thận, phù thũng, phong thấp, viêm khớp, rắn cắn...

    Cây và hoa thài lài trắng

    Cây và hoa thài lài trắng

  25. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)