Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lê Văn Khôi
    Tên thật là Bế-Nguyễn Nghê, còn được gọi là Hai Khôi, Nguyễn Hựu Khôi hoặc Bế Khôi, là con nuôi của Lê Văn Duyệt và là người thủ lĩnh cuộc nổi dậy chống lại nhà Nguyễn ở thành Phiên An (tức thành Bát Quái) vào năm 1833. Đầu năm 1834, ông mất vì bệnh phù thũng; đến năm 1835 thì thành Phiên An thất thủ, mộ ông bị cho khai quật để báo thù. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép:

    Tra xét nơi chôn thây tên nghịch Khôi, đào lấy xương đâm nát chia ném vào hố xí ở 6 tỉnh (Nam Kỳ) và cắt chia từng miếng thịt cho chó, đầu lâu thì đóng hòm đưa về kinh (Huế) rồi cùng đầu lâu những tên phạm khác bêu treo khắp chợ búa nam bắc, xong vất xuống sông. Còn bè đảng a dua không cứ già trẻ trai gái đều ở vài dặm ngoài thành chém ngay, rồi đào một hố to vất thây lấp đất, chồng đá làm gò dựng bia khắc: nơi bọn nghịch tặc bị giết, để tỏ quốc pháp.

    Nơi chôn chung những người theo Lê Văn Khôi – tổng cộng 1.831 người – được gọi là mả Ngụy, mả Ngụy Khôi, hoặc mả Biền Tru, nằm ở gần Mô Súng, tức khoảng gần Ngã Sáu (Công trường Dân Chủ), đường Cách Mạng Tháng Tám và đầu đường 3 tháng 2, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.

  2. Vụt
    Vứt (phương ngữ Trung Bộ, thường được phát âm thành dụt).
  3. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  4. Phán mại
    Mua bán (phán: bán, mại: mua).
  5. Nại
    Nề hà, lấy làm điều (từ cổ, nay ít dùng).
  6. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  7. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  8. Thiếp
    Từ Hán Việt chỉ người vợ lẽ, hoặc cách người phụ nữ ngày xưa dùng để tự xưng một cách nhún nhường.
  9. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  10. Ga
    Gà (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  11. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  12. Dặm
    Đơn vị đo chiều dài được dùng ở Việt Nam và Trung Quốc ngày trước. Một dặm dài 400-600 m (tùy theo nguồn).
  13. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  14. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  15. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Ba Bụng.
  16. Văn nhân
    Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.

    Trông chừng thấy một văn nhân,
    Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

    (Truyện Kiều)

  17. Quýt
    Một loại cây thân gỗ. Quả hình cầu hơi dẹt, màu xanh, vàng da cam hay đỏ, vỏ mỏng, nhẵn hay hơi sần sùi, không dính với múi nên dễ bóc; cơm quả dịu, thơm, ăn có vị ngọt; hạt trắng xanh. Hoa, lá, vỏ, xơ và múi quýt cũng là những vị thuộc dân gian.

    Quả quýt

    Quả quýt

  18. Quỳnh
    Tên gọi chung cho loài cây cảnh có hoa thường nở về đêm, được mệnh danh là nữ hoàng bóng đêm. Dân ta có có thói quen trồng quỳnh chung với cây cành giao. Hoa quỳnh từ lâu đã đi vào thơ văn và nhạc.

    Hài văn lần bước dặm xanh
    Một vùng như thể cây quỳnh cành giao

    (Truyện Kiều)

    Nghe bài Chuyện đóa quỳnh hương của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

    Hoa quỳnh trắng

    Hoa quỳnh trắng

  19. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  20. Hồi
    Cũng gọi là tai vị, một loại cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Bắc, cho quả có nhiều cánh giống hoa nên thường được gọi là hoa hồi. Hồi là một loại dược liệu (hồi hương) và hương liệu, và cũng là một gia vị dùng khi nấu phở.

    Quả hồi

    Quả hồi

  21. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  22. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  23. Cuốc
    Nông cụ gồm một bản sắt bén (gọi là lưỡi cuốc) gắn vào ống tre cật để cầm (gọi là cán cuốc), dùng để đào xới đất. Động tác đào xới đất bằng cuốc cũng gọi là cuốc đất.

    Cuốc đất

    Cuốc đất

  24. Mai
    Còn gọi cái thêu, thuổng hay xuổng, một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào cán dài, để đào, xắn đất.

    Nông cụ

  25. Đây là độ dài vừa phải của cán cuốc và cán mai. Dài hơn hoặc ngắn hơn đều bất tiện.
  26. Ngũ liên
    Trống đánh từng hồi năm tiếng một, âm điệu thúc giục.
  27. Thi Phổ
    Tên một làng nay là thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có nghề làm mạch nha truyền thống nổi tiếng cả nước.
  28. Trước đây vào mỗi mùa mưa, dân làng Thi Phổ thường đánh trống chầu để thúc giục, cổ võ dân làng đắp đập hay sửa đập, và đặc biệt là báo động cho dân làng khi đập bị tràn hoặc vỡ.
  29. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị