Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Khi bị bỏng tay, người ta thường sờ vào dái tai cho đỡ nóng.
  2. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  3. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  4. Lậu
    Để lộ (phương ngữ Nam Bộ, nguyên là âm Hán Việt của chữ lậu 漏).
  5. Hòn Khoai
    Một hòn đảo nằm trong cụm đảo cùng tên, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tên gọi này được giải thích theo hai cách: trên đảo có nhiều khoai và đảo có hình dáng củ khoai. Đây là một hòn đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã. Hiện nay cụm đảo Hòn Khoai là một điểm đến du lịch có tiếng của tỉnh Cà Mau.

    Phong cảnh Hòn Khoai

    Phong cảnh Hòn Khoai

  6. Hòn Đá Bạc
    Tên một cụm gồm hai hòn đảo thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đây là một cụm đảo đá nhỏ nhưng có phong cảnh rất đẹp, là một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng ở Cà Mau.

    Hòn Đá Bạc

    Hòn Đá Bạc

  7. Hòn Nhum
    Tên một cụm đảo nay thuộc ấp Hòn Ngang, xã Sơn Hải, Kiên Lương, gồm các đảo Nhum Ông, Nhum Bà, Nhum Tròn, Nhum Mốt, Nhum Giếng... Gọi tên các đảo này là hòn Nhum vì xưa kia trên các hòn này có rất nhiều cây nhum. Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí: “Cây thiết tung tục gọi là cây nhum (ngoài Bắc gọi mỳ), giống như cây dừa mà có nhiều gai, thớ gỗ màu đen mà cứng bền, dùng làm cột nhà, sàn nhà, xẻ ra làm tấm khắc liễn đối rất tốt, lại dùng làm đồn lũy vì có gai nhọn và cứng.” Các đảo Hòn Nhum cùng với những đảo lân cận như Hòn Heo, Hòn Dê, Hòn Ngang, Hòn Đước, Hòn Đụn, Hòn Dừa... được xem là "Hạ Long của miền Nam."

    Cụm đảo Hòn Nhum

    Cụm đảo Hòn Nhum

  8. Tiều phu
    Người hái củi (chữ Hán tiều có nghĩa là củi).
  9. Cá buôi
    Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng: Cá buôi là "thứ cá sông tròn mình, nhỏ con mà có nhiều mỡ." Đó là một loại cá có tập tính sống thành bầy đàn. Khi đàn cá trưởng thành, chúng tách ra sống thành từng cặp. Và người đi bắt cá buôi thường bắt một lần được cả cặp, do con cá đi cùng cứ lẩn quẩn bên người bạn tình vừa bị bắt. Cá buôi có đặc điểm là chỉ ăn bọt nước và phiêu sinh vật nhỏ trong nước phù sa nên ruột rất sạch. Người ta chỉ có thể đánh bắt, chứ không câu được.
  10. Đồn
    Chỗ trú đóng của quan chức nhà nước.
  11. Quan phủ
    Tên thường gọi cho chức tuần phủ. Ở nước ta, tuần phủ có từ thời nhà Nguyễn, học theo phép quan chế của nhà Thanh. Tuần phủ ở Việt Nam cũng là người đứng đầu một tỉnh nhỏ, khác với tổng đốc là quan kiêm quản vài tỉnh hoặc đứng đầu một tỉnh lớn.
  12. Thuế đò
    Một loại phí đường sông do quan chức địa phương yêu cầu các chủ đò phải nộp khi có việc phải đi qua đoạn sông đó
  13. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  14. Hữu thủy hữu chung
    Có trước có sau.
  15. Bò đất, ngựa gỗ
    Người hay vật bất tài, vô dụng.
  16. Bưng
    Vùng đồng lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác. Từ này có gốc từ tiếng Khmer trapéang (vũng, ao), ban đầu đọc là trà bang, trà vang, sau rút lại còn bang rồi biến âm thành bưng. Bưng cũng thường được kết hợp với biền (biến âm của biên) thành bưng biền.
  17. Cúm núm
    Một loại chim thuộc họ gà nước, cũng gọi là gà nước hoặc gà đồng, gặp nhiều ở những vùng đồng cỏ ngập nước Nam Bộ, có tiếng kêu "cúm, cúm." Người dân Nam Bộ thường hay đánh bắt cúm núm làm món ăn, vì thịt cúm núm rất mềm, ngon.

    Cúm núm

    Cúm núm

  18. Truyện Kiều
    Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.

    Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...

  19. Đây là hai câu thứ 2463 và 2364 trong Truyện Kiều, là suy nghĩ của Từ Hải khi Thúy Kiều khuyên quy hàng triều đình:

    Một tay gây dựng cơ đồ,
    Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành!
    Bó thân về với triều đình,
    Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?