Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  2. Doi
    Phần bãi ở biển hoặc sông hồ nhô ra mặt nước, được tạo thành từ cát và bùn đất do sóng bồi vào.

    Doi cát ở Trường Sa

    Doi cát ở Trường Sa

  3. Vịnh
    Phần biển ăn sâu vào đất liền, có cửa mở rộng ra phía khơi với chiều rộng đáng kể.

    Vịnh Cam Ranh thuộc thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

    Vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa.

  4. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  5. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  6. Đèn Châu Đốc
    Thời Pháp thuộc, Châu Đốc lần lượt là tên của một "hạt tham biện," rồi là một tỉnh lấy thị xã Châu Đốc ngày nay làm tỉnh lỵ. Trước mặt thị xã Châu Đốc là sông Hậu, vốn là tuyến đường thủy quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long. Do sông rất rộng và có nhiều cồn nhỏ ở giữa sông, người Pháp đã đặt một ngọn đèn cao (chưa rõ ở địa điểm nào) nhằm làm mốc cho thuyền bè qua lại.
  7. Gò Công
    Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.

    Phong cảnh Gò Công Đông

    Phong cảnh Gò Công Đông

  8. Gió độc Gò Công
    Một tên gọi dân gian của trận bão năm Giáp Thìn (1904).
  9. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  10. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  11. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  12. Ngàn
    Rừng rậm.
  13. Nhân kiệt địa linh
    Từ chữ Hán 人傑地靈, theo Hán Đại thành ngữ đại từ điển thì có thể có hai nghĩa là "Chỉ nơi có nhân vật kiệt xuất ra đời hoặc đến (ở, hoạt động...), nhờ đó mà trở nên nổi tiếng" và "Nhân vật kiệt xuất thì sinh ra ở vùng đất đai linh tú." Thành ngữ này có biến thể trong tiếng Việt là Địa linh nhân kiệt, cũng có câu Địa linh sinh nhân kiệt.
  14. Hoành Sơn
    Tên một dãy núi ở phía nam tỉnh Hà Tĩnh, phía bắc tỉnh Quảng Bình. Hoành Sơn và sông Gianh là biểu trưng lịch sử, văn hoá, địa lý của tỉnh Quảng Bình. Thế kỷ 17, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói với sứ của chúa Nguyễn Hoàng "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân," nghĩa là "một dải Hoành Sơn có thể dung thân đời đời." Nguyễn Hoàng đã vượt Hoành Sơn vào đến Thuận Hóa và dựng nên nghiệp lớn của các chúa NguyễnĐàng Trong và nhà Nguyễn sau này.

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

  15. Bàn Độ
    Tên một ngọn núi ở địa phận xã Đỗ Chữ về phía bắc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Núi nằm giáp biển, trên núi có đầm, gọi là đầm Thủy Tiên, tương truyền nước có tiên nữ trong đầm đi ra. Đời Trần, vua Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành, khi thuyền qua đây bị sóng gió không tiến được, phải đem người cung nữ là Nguyễn Bích Châu đặt lên cái mâm đồng dâng cho thủy thần, bấy giờ thuyền mới đi được, nên gọi tên là núi Bàn Độ.
  16. Ròng
    Thuần nhất, tinh khiết.
  17. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  18. Tầm gửi
    Còn gọi là chùm gửi, là tên gọi chung của một họ thực vật sống bán kí sinh trên những cây khác. Có khoảng 1300 loại tầm gửi, vài loại trong số đó có tác dụng chữa bệnh.

    Một chùm tầm gửi trên cây gạo

    Một chùm tầm gửi trên cây gạo

  19. Dựa vào, gắn vào.
  20. Son
    Còn trẻ chưa có vợ, chưa có chồng.
  21. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  22. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  23. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  24. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  25. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  26. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  27. Phú Bông
    Tên một làng nay thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  28. Trà Đỏa
    Còn gọi là Trà Đóa hoặc Tiên Đõa, một vùng quê nay là thôn Trà Đỏa, thuộc xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tại đây đất cát có độ ẩm sâu, lớp dưới hạt rời, chịu được nắng nóng nên thích hợp với giống khoai lang củ tròn to, bột mịn và ngọt. Khoai lang Trà Đỏa là đặc sản nổi tiếng của miền quê Quảng Nam.
  29. Sông Thu Bồn
    Tên con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum (phần thượng lưu này được gọi là Đak Di), chảy lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam (đoạn chảy qua các huyện Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh - bắt đầu qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên mới được gọi là Thu Bồn), đổ ra biển tại cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia tạo thành hệ thống sông lớn gọi là hệ thống sông Thu Bồn, có vai trò quan trọng đối với đời sống và văn hóa người Quảng.

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

  30. Ông phó
    Tên gọi dân gian của những người có học vị Phó bảng thời phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945). Đây là những người dự thi Hội mà không đủ điểm đỗ Tiến sĩ, được lấy đỗ thêm để khuyến khích, tên ghi vào một bảng phụ, nên gọi là Phó bảng. Theo Đại Nam thực lục, học vị này có từ năm 1829, do vua Minh Mạng chủ trương.
  31. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  32. Bài ca dao này bắt nguồn từ việc "lên đồng." Để có cơ sở mà tin tưởng rằng hồn lên đồng đúng là hồn của người trong gia đình, gia chủ thường phái thử bằng nhiều câu hỏi riêng tư. Câu "hồn thác ban ngày hay ban đêm?" là một trong số những câu hỏi này. Vì "hồn" trong bài ca dao là lừa đảo, nên trả lời ấm ớ.
  33. Án Đổ
    Tên một làng nay thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
  34. Có bản chép: Kim Tử.
  35. Hà Trung
    Tên cũ là Tống Sơn, một huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa.
  36. Chợ Nghè
    Một ngôi chợ nay thuộc địa phận xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
  37. Chợ Go
    Chợ thuộc kẻ Go, Thiệu Đô, Thanh Hóa.
  38. Núi Go, huyện Thiệu Đô, Thanh Hóa.
  39. Hồng Đô
    Gọi tắt là làng Hồng, một làng thuộc xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Làng có nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm là trồng dâu nuôi tằm và dệt nhiễu.

    Phơi tơ ở làng Hồng Đô

    Phơi tơ ở làng Hồng Đô

  40. Vạc
    Một làng nay thuộc xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  41. Cổ Đô
    Một thôn thuộc xã Trà Sơn, tổng Vận Quy, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên ngày trước, nay là một phần của xã Thiệu Đô, tỉnh Thanh Hóa.
  42. Trà Đông
    Cũng gọi là Chè Đông, tên Nôm là kẻ Chè, xa xưa gọi là kẻ Rỵ, một làng nay thuộc địa phận xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Làng có nghề đúc đồng truyền thống (nên cũng gọi là làng Trà Đúc), đồng thời là quê hương của những danh nhân nổi tiếng như Trấn Quốc Công, Bộc Xạ Tướng Công Lê Lương, nhà sử học Lê Văn Hưu...
  43. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)