Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  2. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  3. Không ăn không mần, giờ Dần cũng dậy
    Thói quen dậy sớm của nhà nông, cũng để nhắc nhở nền nếp con cái trong nhà không nên ngủ trưa.
  4. Bưng
    Vùng đồng lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác. Từ này có gốc từ tiếng Khmer trapéang (vũng, ao), ban đầu đọc là trà bang, trà vang, sau rút lại còn bang rồi biến âm thành bưng. Bưng cũng thường được kết hợp với biền (biến âm của biên) thành bưng biền.
  5. Cỏ bàng
    Còn gọi là cói bàng hay gọi tắt là bàng, một loài cỏ cao, thân rỗng, thường mọc thành đồng những vùng đất nhiễm phèn miền Tây Nam Bộ. Củ bàng có thể ăn thay cơm, thân bàng dùng để đan nhiều đồ dùng hữu ích như đệm lót, giỏ xách, bao (cà ròn), nón, võng, nóp (một loại nệm nằm), thậm chí cả buồm cho tàu ghe hay áo mặc. Nghề đan bàng do đó là nghề kiếm sống của nhiều người dân Nam Bộ trước đây, hiện đang được phục hồi sau một thời gian mai một, chủ yếu tập trung vào chế tác hàng mỹ nghệ.

    Đêm đêm trong ánh trăng mờ
    Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng

    (Trường ca Đồng Tháp Mười - Nguyễn Bính)

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đan (đươn) bàng

    Đan (đươn) bàng

  6. Bàu
    Chỗ sâu trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng.

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

  7. Củi đậu nấu đậu
    Cảnh anh em nồi da nấu thịt. Tương truyền Tào Thực, con trai thứ của Tào Tháo, là một người rất thông minh. Khi con cả là Tào Phi lên ngôi, vì sợ Tào Thực oán hận làm phản nên bắt Tào Thực phải làm một bài thơ sau bảy bước đi, nếu làm không được sẽ bị chém. Tào Thực vâng lời, đọc bài thơ sau, người đời gọi là Thất bộ thi (thơ bảy bước):

    Chử đậu nhiên đậu cơ
    Đậu tại phủ trung khấp
    Bản tự đồng căn sinh
    Tương tiễn hà thái cấp?

    Phan Kế Bính dịch:

    Cẳng đậu đun hạt đậu
    Hạt đậu khóc hu hu
    Cùng sinh từ một gốc
    Thui nhau nỡ thế ru?

  8. Như tuồng
    Như có vẻ.
  9. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  10. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  11. Bồ nông
    Một loài chim săn cá, có chiếc mỏ dài và túi cổ họng lớn đặc trưng để bắt con mồi.

    Bồ nông

    Bồ nông

  12. Giăng ca
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Giăng ca, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  13. Chợ Lẫm
    Tên một phiên chợ thuộc thôn Mỹ Huân, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngôi chợ có cây đa cổ thụ tán nhánh tỏa ra che mát cả một vùng. Trước đây chợ nổi tiếng phồn thịnh. Từ ngày chợ Thứ thiết lập, người dân khắp nơi về nhóm họp thì chợ Lẫm thưa dần rồi không tồn tại nữa.
  14. Đà
    Màu nâu sẫm. Ở một số tỉnh miền Trung (Phú Yên, Bình Định...) màu này cũng được gọi là màu dà. Thuốc nhuộm màu dà được lấy từ cây dà.

    Da thuộc màu đà

    Da thuộc màu đà

  15. Nệ
    Bận tâm, bận lòng, chú ý, chấp nhặt.
  16. Trâm
    Một loại cây gỗ cao, tán rộng, có quả nạc nhỏ hình bầu dục thon, xanh lúc ban đầu, khi chín chuyển sang màu hồng và cuối cùng có màu tím đen, ăn có vị ngọt chát.

    Quả trâm chín

    Quả trâm chín

  17. Chày giã gạo
    Ngày xưa người ta giã gạo trong cối, dùng chày. Chày là một cây gỗ cứng, nặng, đầu nhẵn, phần giữa thuôn nhỏ (gọi là cổ chày).

    Giã gạo bằng chày

    Giã gạo bằng chày

  18. Cao Lãnh
    Thành phố đồng thời là tỉnh lị của tỉnh Đồng Tháp. Cao Lãnh cũng là tên một huyện của tỉnh Đồng Tháp, cách thành phố Cao Lãnh 8 km về hướng Đông-Nam.
  19. Khương Thượng
    Công thần mở nước của nhà Chu bên Trung Hoa vào thế kỉ 11 trước Công Nguyên. Ông họ Khương tên Thượng, tự Tử Nha nên còn gọi là Khương Tử Nha. Tổ tiên ông được phong ở đất Lữ, về sau ông lại được tôn làm Thái Công Vọng, nên còn được gọi là Lữ Thượng hay Lữ Vọng (Lã Vọng). Hình ảnh của ông thường được thần thoại hóa thành một người phép thuật cao siêu, được thần tiên trợ giúp, có tài hô mưa gọi gió, vãi đậu thành binh.

    Tương truyền Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá bằng dây không mắc móc câu ở bờ sông Vị, sau thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn gặp ông, rất ngưỡng mộ và tôn làm thầy. Hình tượng Khương Thượng câu cá trở thành một điển tích nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa.

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

  20. Đá Dàn
    Tên một con suối phát nguyên ở vùng núi Phú Lạc, thuộc Bình Khê (tỉnh Bình Định), chảy xuống Kiên Ngãi, Thuận Yên, rồi chảy ra suối Thuận Ninh. Suối còn một tên nữa là suối Cây Cóm.
  21. Ruộng bờ, cờ xe
    Bờ ruộng có vai trò rất quan trọng, cũng như quân xe trong cờ tướng.
  22. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  23. Có bản chép: lời.
  24. Có giả thuyết rằng bài ca dao này nói về câu chuyện của bà Phi Yến (tên thật là Lê Thị Răm), thứ phi của Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long), và hoàng tử Cải con bà. Tương truyền khi Nguyễn Ánh muốn gửi con cả là hoàng tử Cảnh sang Pháp để cầu viện chống lại quân Tây Sơn, bà Phi Yến đã can ngăn chồng đừng làm việc "cõng rắn cắn gà nhà." Tức giận, Nguyễn Ánh đày bà ra một hòn đảo nhỏ ở Côn Lôn. Khi quân Tây Sơn tấn công, Nguyễn Ánh cùng cung quyến và đám người tùy tùng xuống thuyền chạy ra đảo Phú Quốc. Hoàng tử Cải lúc bấy giờ mới 4 tuổi (có bản chép là 5) không thấy mẹ đâu, khóc lóc đòi mẹ. Nguyễn Ánh tức giận, ném con xuống biển. Xác hoàng tử Cải dạt vào bãi san hô và được người dân vớt lên chôn cất. Hay tin con mất, bà Phi Yến khóc lóc rất thảm thiết. Dân làng thương xót, đặt ra câu hát này.

    Hiện nay ở Côn Đảo vẫn còn miếu Bà thờ bà Phi Yến, và miếu Cậu thờ hoàng tử Cải.

    Miếu Bà Phi Yến ở Côn Đảo

    Miếu Bà Phi Yến ở Côn Đảo

  25. Trầu hương
    Một loại trầu, sở dĩ có tên gọi như vậy là nhờ vào mùi thơm rất đặc trưng. Ngọn lá trầu hương dày và có vị cay hơn so với các loại trầu khác.

    Trầu

    Trầu

  26. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  28. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Ngũ Trợt.
  29. Có bản chép: Dẫu ngay không hái.
  30. Có bản chép: người.
  31. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  32. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  33. Ngụ cư
    (Người) từ nơi khác đến và sinh sống ở nơi không phải là quê hương của mình.
  34. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  35. Biên Hòa
    Địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Nai, nổi tiếng với đặc sản bưởi Biên Hòa. Trong thời kì Pháp thuộc, người Pháp mở nhiều đồn điền cao su tại đây, đồng thời xây dựng ga xe lửa Biên Hòa thuộc tuyến xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho phục vụ cho nhu cầu vận chuyển nhân công và thành phẩm.

    Bưởi Biên Hòa

    Bưởi Biên Hòa

  36. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên