Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

  2. Nhợ
    Cũng gọi là rợ, dây thừng nhỏ làm bằng gai hoặc xơ dừa, dùng để trói, buộc hoặc làm dây câu.
  3. Mèo mả gà đồng
    Mèo mả chỉ mèo sống hoang ngoài nghĩa địa. Về gà đồng, có ý kiến cho rằng chỉ con ếch, nhưng theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì đơn giản là gà hoang ở ngoài đồng (đối lập với gà nuôi trong nhà, và tạo thành cặp đẳng lập: mèo ở mả / gà ở đồng). Cả câu chỉ "những hạng người không có căn cứ, vô lại, ví như những kẻ trốn chúa lộn chồng" (Từ điển Truyện Kiều - Đào Duy Anh). Ngày nay thành ngữ này cũng dùng để chỉ chuyện quan hệ nam nữ lăng nhăng, không chính đáng.
  4. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  5. Hải Vân
    Một con đèo nằm giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng (trước đây là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) ở phía Nam. Đèo còn có tên là đèo Ải Vân hoặc đèo Mây, vì trên đỉnh đèo thường có mây bao phủ. Đèo Hải Vân một bên là biển, một bên là dốc núi dựng đứng, có tiếng hiểm trở, nhưng đồng thời cũng là một danh thắng từ trước đến nay.

    Đèo Hải Vân

    Đèo Hải Vân

  6. Dĩ lỡ
    Đã lỡ, đã trót làm việc gì (phương ngữ Nam Bộ).
  7. Bất quản
    Không quản, không kể.
  8. Chính chuyên
    Tiết hạnh, chung thủy với chồng (từ Hán Việt).
  9. Cồng
    Nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Nhân dân ta thường đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, hoặc khi ra trận để cổ vũ tinh thần quân sĩ.

    Cồng chiêng

    Cồng chiêng

  10. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  11. Ngõ Trạm
    Tên một con đường ngắn thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nguyên Ngõ Trạm ngày xưa là phố Hà Trung bây giờ (trước gọi Ngõ Trạm cũ hay Ngõ Trạm chính), phố bây giờ mới mở từ thời Pháp thuộc (ngày trước gọi Ngõ Trạm mới). Về tên gọi Ngõ Trạm, theo Doãn Kế Thiện trong Hà Nội cũ (1943): "Ngõ ấy có một cái nhà trạm, nhận các công văn ở trong tỉnh chuyển đệ đi các nơi. Cái nhà ấy ở vào giữa phố. Chừng bốn mươi năm trước, từ phía Hàng Da đi xuống, ai qua phố ấy, thường vẫn thấy về bên tay phải, một cái nhà một tầng, chật hẹp và lụp xụp, bên ngoài che mành mành. Đó tức là nhà trạm, tới nay vì người ở đông, người ta đã thay đổi mất hẳn cái di chỉ của nhà ấy rồi."

    Phố Ngõ Trạm

    Phố Ngõ Trạm

  12. Tạm Thương
    Tên một ngõ thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời nhà Nguyễn đây là nơi đặt một cái kho tạm để thu thóc lúa thuế của dân trước khi chuyển vào kho chính, nên mới có tên gọi Tạm Thương (kho tạm).

    Ngõ Tạm Thương ngày nay

    Ngõ Tạm Thương ngày nay

  13. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  14. Miễu Bà Trang
    Một ngôi miếu thuộc thôn Ngân Sơn, xã An Thạch, nay là thị trấn Chí Thạnh, Tuy An, Phú Yên. Tương truyền Bà Trang là người giúp vua Gia Long trốn thoát khỏi cuộc truy kích của quân Tây Sơn.
  15. Đền Bà Sứ
    Tên ngôi đền nằm ở cánh đồng cùng tên, nay thuộc địa phận xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
  16. Bến Bà Bang
    Một bến đò thuộc xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
  17. Kỳ Lộ
    Cũng gọi là sông Cái, một con sông lớn chảy qua tỉnh Phú Yên. Sông dài 120 km, bắt nguồn từ vùng núi La Hiên cao trên 1000 m tại giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai, chảy qua các huyện Đồng Xuân, Tuy An, đổ ra cửa biển Tiên Châu với một phân lưu đổ vào đầm Ô Loan. Các chi lưu của nó là Cà Tơn, suối Cối, Thác Dài. Đoạn chảy trên địa phận tỉnh Phú Yên dài 76 km. Phần thượng lưu của sông chảy giữa các dãy núi, nên hẹp, sâu và có độ dốc lớn. Mùa mưa trên sông hay có lũ. Do có đặc điểm như vậy, hàng ngàn năm những chân núi mà sông đi qua bị bào mòn tạo ra nhiều cảnh quang thiên nhiên đẹp và nên thơ. Tới hạ lưu, sông rộng hơn; hai bên bờ có nhiều bãi cát phẳng. Mùa hè nước sông trong veo tươi mát màu ngọc bích, có nơi nhìn thấy đáy sông.

    Sông Kỳ Lộ

    Sông Kỳ Lộ

  18. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  19. Bánh dầu
    Phần xác của đậu phộng sau khi ép lấy dầu, được ép lại thành bánh tròn. Bánh dầu có thể dùng làm phân bón hoặc thức ăn cho gia súc.

    Bánh dầu

    Bánh dầu