Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thủ tiết
    Giữ trọn tiết nghĩa. Từ này thường được dùng cho người phụ nữ giữ trọn lòng chung thủy với chồng.
  2. Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi
    Vốn xấu xa, hèn kém (chó ghẻ) nhưng lại tưởng mình có danh có giá (có mỡ đằng đuôi) nên sinh ra kiêu căng, hợm hĩnh.
  3. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  4. Chầu rày
    Giờ đây (phương ngữ Trung và Nam Bộ).

    Chầu rày đã có trăng non
    Để anh lên xuống có con em bồng

    (Hát bài chòi)

  5. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  6. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  7. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  8. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  10. Vũng Dông
    Một vũng biển nhỏ thuộc Sông Cầu, Phú Yên. Tại đây trước kia có nhiều con dông, cư dân thường làm bẫy bắt để làm thức ăn cho gia đình và bán lại cho khách.

    Con dông

    Con dông

  11. Vũng Lấm
    Còn gọi là Vũng Lắm, Ao Xóm Lưới, một địa danh nay thuộc thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Gọi là Vũng Lấm vì dọc theo bờ vũng này toàn đất bùn. Phía Đông vũng có cửa thông ra biển, thời xưa tấp nập thương thuyền vào ra buôn bán, trao đổi phẩm vật. Thời bình, Vũng Lấm là thương cảng sầm uất, thời chiến nó trở thành một quân cảng quan trọng. Vịnh Xuân Đài - Vũng Lấm là nơi các văn thân Cần Vương dùng làm căn cứ địa kháng Pháp.

    Vũng Lấm (Ảnh: Dương Thanh Xuân)

    Vũng Lấm (Ảnh: Dương Thanh Xuân)

  12. Vũng Chào
    Tên một vũng biển thuộc huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Có tên như vậy vì mỗi lần ngư dân đánh bắt được các loại cá to (cá bò, cá ngừ...), các ghe thuyền lái buôn vào mua cá, dân phải tiếp đón, chào mời niềm nở với họ.
  13. Vũng La
    Một địa danh nay thuộc xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ở đây có hai mỏm núi nhô ra biển nên cá thường vào ẩn trú. Mỗi lần có mẻ cá dạt vào, ngư dân hô hoán la to, báo hiệu cùng nhau đem thuyền lưới ra bắt, lệ ấy thành quen, từ đó có tên là Vũng La.
  14. Những địa danh trong bài ca dao này là tên các vũng biển nhỏ thuộc huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Từ Đào Nại, một dãy núi chạy xuống phía đông bao bọc vịnh Xuân Đài. Bờ vịnh do ảnh hưởng, của dãy núi nên chỗ thì nhô ra, chỗ lại trũng lõm vào tạo thành năm cái vũng, tên từng vũng đều có ý nghĩa riêng biệt.
  15. Mây
    Tên chung của khoảng hơn 600 loài dây leo thuộc họ cọ, thân có nhiều gai, mọc nhiều ở các vùng rừng núi nước ta. Gỗ mây rất dẻo, được khai thác để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình như bàn, ghế, đan giỏ đựng... Loài mây được trồng và sử dụng nhiều nhất ở nước ta là mây nếp.

    Dây mây

    Dây mây

  16. Chuồn chuồn
    Tên chung của một bộ côn trùng gồm hơn 4500 loài, chia thành hai nhóm lớn: chuồn chuồn ngô và chuồn chuồn kim, khác nhau chủ yếu ở tư thế của cánh khi đậu và hình dạng của ấu trùng. Chuồn chuồn có đầu tròn và khá lớn so với thân được bao phủ phần lớn bởi hai mắt kép lớn hai bên, hai bên có cánh mỏng, dài, mỏng và gần như trong suốt. Trẻ em ở thôn quê thường bắt chuồn chuồn chơi.

    Chuồn chuồn

    Chuồn chuồn

  17. Mía mưng
    Một giống mía ngọt, nhiều nước, dễ trồng, chịu được úng ngập.
  18. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  19. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  20. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  21. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  22. Nam Định
    Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...

    Đền Trần ở Nam Định

    Đền Trần ở Nam Định

  23. Đàn ông bán nhà, đàn bà bán lợn
    Mỗi người có một sở trường, một khả năng riêng.
  24. Mỹ Lại
    Một thôn nay thuộc xã Sơn Mỹ, Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là quê hương nơi quan đại thần Trương Đăng Quế (1793-1865) trở về hưu trí, về sau có nhiều người thuộc dòng họ Trương làm quan to trong triều đình nhà Nguyễn.
  25. Công hầu
    Công và hầu, nghĩa gốc là hai chức lớn trong triều đình phong kiến, nghĩa rộng là chức tước, đỗ đạt.

    Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai
    Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế

    (Đôi câu đối của Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm)

  26. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  27. Hai Vai
    Còn có tên là lèn Dặm hoặc núi Di Lĩnh, một ngọn núi đá vôi (lèn) nằm giáp ranh giữa 3 xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lèn Hai Vai có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Theo truyền thuyết, ông Đùng đánh giặc ngoại xâm đã đứng từ trên cao ném đá vào quân thù, tạo ra lèn Hai Vai, lèn Cờ, và lèn Trống.

    Lèn Hai Vai

    Lèn Hai Vai

  28. Ông Đùng
    Nhât vật khổng lồ đã ra tay đánh giặc trong truyền thuyết tỉnh Nghệ An. Đứng từ trên cao, ông Đùng ném đá vào quân thù và tạo ra 3 lèn (núi đá): lèn Hai Vai có hình dạng một ông tướng cụt đầu, lèn Cờ có hình cờ rách, và lèn Trống nhìn như cái trống thủng.

    Lèn Hai Vai

    Lèn Hai Vai

  29. Chợ Rồng
    Một ngôi chợ ở Nam Định, nay nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường Ngô Quyền, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Chợ Rồng được xây dựng năm 1922, có một tầng, rộng hơn 7.000 m². Năm 1991 chợ bị cháy lớn, bị hư hỏng nặng và được xây lại vào năm 1992, cao ba tầng và rộng 10.000 m² như hiện nay.

    Chợ Rồng ngày trước

    Chợ Rồng ngày trước