Tìm kiếm "dép hài"

Chú thích

  1. Đông Việt
    Một làng thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Xã này hiện là một phường trực thuộc thành phố Thanh Hóa.
  2. Họa đồ
    Bức tranh vẽ cảnh vật, sông núi (từ Hán Việt).
  3. Thuyền rồng
    Loại thuyền có trang trí, chạm khắc hình rồng, ngày xưa là thuyền dành cho vua chúa. Dân tộc ta cũng có truyền thống đua thuyền rồng trong các dịp lễ hội.

    Mô hình thuyền rồng triều Nguyễn

    Mô hình thuyền rồng triều Nguyễn

    Đua thuyền rồng trên sông Hàn, Đà Nẵng

    Đua thuyền rồng trên sông Hàn, Đà Nẵng

  4. Vóc, lĩnh, trừu là các loại vải dệt bằng tơ.
  5. Vợ lẽ
    Vợ hai, vợ thứ.
  6. Dầu
    Dù (phương ngữ Nam Bộ).
  7. Thanh Nghĩa
    Tên một làng thuộc xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Đây là một làng cổ ở đồng bằng sông Hồng, hình thành từ thời Lý. Đình làng thờ Thành hoàng Lý Công Bình, được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 2009. Hằng năm làng tổ chức hội vào ngày 25/10 âm lịch.
  8. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  9. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  10. Tày
    Bằng (từ cổ).
  11. Bạc Liêu
    Một địa danh thuộc miền duyên hải Nam Bộ. Vùng đất này từ xưa đã là nơi sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau: người Hoa, người Việt, người Khmer, người Chăm... Tên gọi “Bạc Liêu,” đọc giọng Triều Châu là "Pô Léo," có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi biển. Ý kiến khác lại cho rằng "Pô" là "bót" hay "đồn," còn "Liêu" có nghĩa là "Lào" (Ai Lao) theo tiếng Khmer, vì trước khi người Hoa kiều đến sinh sống, nơi đó có một đồn binh của người Lào. Người Pháp thì căn cứ vào tên Pô Léo theo tiếng Triều Châu mà gọi vùng đất này là Pêcherie-chaume có nghĩa là "đánh cá và cỏ tranh."
  12. Tam Quan
    Thị trấn phía bắc tỉnh Bình Định, thuộc huyện Hoài Nhơn. Đây nổi tiếng là "xứ dừa" của Bình Định.

    Dừa Tam Quan

    Dừa Tam Quan

  13. Bến Tre
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cũng được gọi là đất Trúc (thị xã Bến Tre trước đây còn có tên là Trúc Giang). Đây là vùng đất gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... Bến Tre cũng rất nổi tiếng vì trồng rất nhiều dừa, nên còn được gọi là Xứ Dừa.

    Dừa Bến Tre

    Dừa Bến Tre

  14. Hậu Giang
    Tên một nhánh của sông Cửu Long, đổ ra biển Đông qua cửa Tranh Đề và cửa Định An. Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Hậu chạy qua tỉnh An Giang, làm ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Đồng Tháp và Cần Thơ, Vĩnh Long và Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng.

    Bình minh trên sông Hậu (khúc chảy qua Châu Đốc)

    Bình minh trên sông Hậu (khúc chảy qua Châu Đốc)

  15. Hòa An
    Một xã thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Vùng này trước kia có nghề trồng và làm thuốc lá với thương hiệu thuốc lá Hòa An nổi tiếng một thời, nay không còn.
  16. Ngũ Kiên
    Một xã thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
  17. Nón cời
    Nón lá rách, cũ.

    Đội nón cời

    Đội nón cời

  18. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  19. Điếu
    Đồ dùng để hút thuốc (thuốc lào hoặc thuốc phiện). Điếu để vào trong cái bát gọi là điếu bát. Điếu hình ống gọi là điếu ống.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  20. Sưa
    Thưa (phương ngữ).
  21. Ngài
    Người (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  22. Tràng Lưu
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, từ xưa đã là một vùng đất văn vật. Gái Tràng Lưu thông minh, xinh đẹp, nết na có tiếng.
  23. Rựa
    Một loại công cụ có lưỡi dài, cong, cán dài, dùng để chặt cây, phát quang. Lưu ý, cái rựa khác với dao rựa, một loại dao lớn, bản to, sống dày, mũi bằng, dùng để chặt, chẻ.

    Cái rựa

    Cái rựa

  24. Trộn với nước rồi khuấy hay nhào kĩ.
  25. Bách hoa
    Trăm hoa (từ Hán Việt).
  26. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng

  27. Lan
    Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)