Tìm kiếm "Sông Cầu"

  • Hoa từ bi dãi nắng dầm sương

    Hoa từ bi dãi nắng dầm sương
    Hoa cam hoa quýt anh thương hoa nào
    Anh thương hoa mận hoa đào
    Còn bên hoa cúc lọt vào tay ai
    Đào kia chưa thắm đã phai
    Thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu
    Xin chàng đừng phụ hoa ngâu
    Tham vời phú quý đi cầu mẫu đơn
    Dù chàng trăm giận nghìn hờn
    Bông hoa dạ hợp đương cơn Tấn Tần

  • Thơ thằng Lía

    Ngàn năm dưới bóng thái dương,
    Biết bao là sự lạ thường đáng ghi,
    Noi nghề hàng mặc bấy nay,
    Một pho dị sự vắn dài chép ra.
    Trước là giải muộn ngâm nga,
    Sau nêu gương nọ đặng mà soi chung.
    Xưa kia có một phú ông,
    Vợ chồng chuyên một nghề nông nuôi mình,
    Bấy lâu loan phụng hòa minh,
    Xóm làng kiêng nể tánh tình thiện lương.
    Tuy là sành sỏi ruộng nương,
    Ông bà xấu số gặp đường chẳng may,
    Thuở trước cũng chẳng thua ai,
    Tiền dư bạc sẵn tháng ngày thung dung,
    Ruộng vườn khai khẩn khắp cùng,
    Thôn lân đều thảy có lòng bợ nâng.
    Đến nay nhằm buổi lao lung,
    Ruộng nương thất phát vô cùng thảm thương,
    Tháng ngày khổ hại trăm đường,
    Bảy năm chịu sự tai ương nguy nàn,
    Bấm gan cam chịu gian nan,
    Vợ chồng đau đớn đoạn tràng thiết tha.
    Lần hồi ngày lụn tháng qua,
    Nghèo nàn túng tíu gẫm đà thói quen,
    Thét rồi cũng chẳng than phiền,
    Cắn răng mà chịu đảo điên qua hồi.
    Lão mụ tuổi đã lớn rồi,
    Vợ bốn mươi chẵn chồng thời bốn ba,
    Đêm ngày lo tính gần xa,
    Chẳng con kế tự thật là đáng lo,
    Choanh ngoảnh chồng vợ đơn cô,
    Tuổi già sức yếu biết nhờ cậy ai?

  • Bên ni sông, em bắc cái cầu năm mươi tấm ván

    Bên ni sông, em bắc cái cầu năm mươi tấm ván
    Bên kia sông, em lập cái quán năm, bảy từng thương
    Cái quán năm, bảy từng thương là để người thương em buôn bán
    Cái cầu năm mươi tấm ván là để người thương em đi
    Trách ai bạc nghĩa, vô nghì
    Bây giờ có đôi, có bạn không nói tiếng gì với em

  • Sông Thu chẳng thiếu đò đưa

    Sông Thu chẳng thiếu đò đưa
    Bùi khoai Chợ Được, mát dừa Kiến Tân
    Quế Sơn cau mít mấy tầng
    Mê lòn bon Đại Lộc, nhớ rượu cần Trà My

    Dị bản

    • Sông Thu chẳng thiếu đò đưa
      Ngọt khoai Tiên Đoã, mát dừa Kiến Tân
      Quế Sơn núi liếp mấy tầng
      Mê lòn bon Đại Lộc, nhớ rượu cần Trà My

  • Ngó xuống sông Hương, nước xanh như tàu lá

    Ngó xuống sông Hương, nước xanh như tàu lá
    Ngó về Đập Đá, phố xá nghinh ngang
    Từ ngày Tây lại sứ sang
    Cầu Trường Tiền khác bến, chợ Đình Ngang đổi dời
    Ới em ơi, em ăn ở làm cho có đất có trời
    Đừng ham duyên mới phụ lời nước non

    Dị bản

    • Ngó xuống sông Hương, nước xanh như tàu lá
      Ngó về Đập Đá, phố xá nghinh ngang
      Từ ngày Tây lại sứ sang
      Đi xâu, nộp thuế, làm đàng không ngơi.

  • Con cọp mắc cạn dưới sông

    Con cọp mắc cạn dưới sông
    Con thỏ trông thấy chổng mông lên gào
    Giọng thấp rồi lại giọng cao
    Gào lâu mỏi miệng thỏ vào nằm queo
    Bao giờ chuột đến với mèo
    Cóc theo bắt bướm vịt trèo ngọn cau
    Thì ta đây mới hết thảm sầu

  • Tay anh cầm chai rượu buồng cau

    Tay anh cầm chai rượu buồng cau
    Đi ngả đàng sau, thầy mẹ chê khó
    Đi đàng cửa ngõ, chú bác chê nghèo
    Nhằm chừng duyên nợ cheo leọ
    Sóng to thuyền nặng không biết chống chèo có qua không

    Dị bản

    • Một tay anh cầm chai rượu
      Một tay anh xách buồng cau
      Đi ngõ sau cha mẹ chê anh khó
      Đi ngã trước chú bác nói anh nghèo
      Nhắm chừng duyên nợ cheo leo
      Sợ nước to sóng nậy, liệu có chống chèo chi được không?

  • Quả địa cầu có bốn đại dương

    Một quả cầu có bốn đại dương
    Dương dương dương cái giường đi ngủ
    Ngủ ngủ ngủ cái tủ đựng tiền
    Tiền tiền tiền cô tiên biết múa
    Múa múa múa công chúa biết bay
    Bay bay bay tàu bay hạ cánh
    Cánh cánh cánh đòn gánh qua sông
    Sông sông sông bông hồng mới nở
    Nở nở nở Thị Nở Chí Phèo
    Phèo phèo phèo con mèo ăn vụng
    Vụng vụng vụng cái bụng nó to
    To to to con bò ăn cỏ
    Cỏ cỏ cỏ tao bỏ mày đi
    Đi đi đi tao phi mày chết
    Chết chết chết là hết cuộc đời.

  • Đồng ếch đồng ác

    Đồng ếch đồng ác
    Con đã về đây
    Giường chiếu chẳng có
    Thiệt thay trăm đường
    Ban ngày ếch ở trong hang
    Đêm khuya thanh vắng xở xang ra ngoài
    Trời cho quan tướng nhà trời
    Thắt lưng bó đuốc tìm tôi làm gì
    Tìm tôi bắt bỏ vào thời
    Tôi kêu ì ộp, chẳng rời tôi ra
    Sáng rạng ngày ra
    Con dao cái thớt xách mà đem băm
    Ba thằng cầm đũa nhăm nhăm
    Thằng gắp miếng thịt, thằng nhằm miếng da
    Một thằng gắp miếng tù và
    Nó thổi phì phà, nó lại khen ngon

    Dị bản

    • Hồn ếch ta đã về đây
      Phải năm khô cạn, ta nay ở bờ
      Ở bờ những hốc cùng hang
      Chăn chiếu chẳng có trăm đường xót xa
      Lạy trời cho đến tháng ba
      Được trận mưa lớn ta ra ngồi ngoài
      Ngồi ngoài rộng rãi thảnh thơi
      Phòng khi mưa nắng ngồi ngoài kiếm ăn
      Trước kia ta vẫn tu thân
      Ta tu chẳng được thì thân ta hèn
      Ta gặp thằng bé đen đen
      Nó đứng nó nhìn nó chẳng nói chi
      Ta gặp thằng bé đen sì
      Tay thì cái giỏ tay thì cần câu
      Nó có chiếc nón đội đầu
      Khăn vuông chít tóc ra màu xinh thay
      Nó có cái quạt cầm tay
      Nó có ống nứa bỏ đầy ngóe con
      Nó có chiếc cán thon thon
      Nó có sợi chỉ sơn son mà dài
      Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
      Nó giật một cái đã sai quai hàm
      Mẹ ơi lấy thuốc cho con
      Lấy những lá ớt cùng là xương sông
      Ếch tôi ở tận hang cùng
      Bên bè rau muống phía trong bè dừa
      Thằng Măng là chú thằng Tre
      Nó bắt tôi về làm tội lột da
      Thằng Hành cho chí thằng Hoa
      Mắm muối cho vào, ơi hỡi đắng cay!

  • Cơ khổ cho đứa giữ trâu

    Cơ khổ cho đứa giữ trâu
    Ăn quán nằm cầu khóc mẹ kêu cha
    Hai hàng nước mắt nhỏ sa
    Cách sông trở hói biết nhà mẹ đâu?
    Tinh sương thức dậy mở trâu
    Nón nảy chẳng có lấy đầu che mưa
    Thân tôi đi sớm về trưa
    Vác cày vác bừa cho mỏi hai vai
    Chúa thuê quan mốt chẳng giả quan hai
    Tôi ở với ngài cho chẵn ba năm

  • Thương ai ra ngóng vào trông

    Thương ai ra ngóng vào trông
    Thương ai ra đứng bờ sông đợi chờ
    Thương ai đi ngẩn về ngơ
    Đêm mất giấc ngủ, ngày ngơ ngẩn sầu
    Thương ai ra đứng đầu cầu
    Lược sưa biếng chải, gương tàu biếng soi
    Chiếu hoa bỏ vắng không ngồi
    Phòng loan bỏ vắng mặc người quay tơ
    Muốn cho đó đợi đây chờ
    Đừng như hoa lý hững hờ, ai ơi

  • Thuyền anh đà đến bến anh ơi

    Thuyền anh đà đến bến anh ơi
    Sao anh chẳng bắt cầu noi lên bờ?
    Ðặng cơn nước đục lờ đờ
    Cắm sào đợi nước bao giờ cho trong?
    Con sông kia nước chảy đôi dòng
    Ðèn khêu đôi ngọn em trông ngọn nào?
    Trông thấp em lại trông cao
    Ngọn đèn sáng tỏ như sao trên trời
    Em ơi gần bến xa vời

Chú thích

  1. Từ bi
    Còn gọi là cây đại bi, long não hương, mai hoa não, có lẽ vì có mùi gần giống như mùi long não. Cây thuộc loại cây bụi nhỏ, mọc hoang, thân và lá có lông mịn, lá hình trứng, hai đầu nhọn, mép lá có răng cưa, vò lá thấy thơm mùi long não. Cây từ bi là vị thuốc chữa được nhiều bệnh như cảm sốt, cúm, ra mồ hôi, đau bụng do ăn không tiêu, ho nhiều đờm, gãy xương, vết lở loét, sưng đau, mất ngủ, tâm thần kích thích, phù nề, viêm xoang...

    Cây từ bi

    Cây từ bi

  2. Mận
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

  3. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  4. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  5. Ngâu
    Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).

    Hoa và quả ngâu

    Hoa và quả ngâu

  6. Mẫu đơn
    Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...

    Hoa mẫu đơn

    Hoa mẫu đơn

  7. Dạ hợp
    Còn gọi là cây hoa trứng gà, một loại cây cho hoa màu trắng, ra đơn độc ở kẽ lá, rất thơm, dùng ướp chè được. Hoa dạ hợp tượng trưng cho sự êm ấm của vợ chồng và hôn nhân hạnh phúc.

    Hoa dạ hợp

    Hoa dạ hợp

  8. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  9. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  10. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  11. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  12. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  13. Thung dung
    Thong dong.
  14. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  15. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  16. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  17. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  18. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  19. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  20. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  21. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).
  22. Rui
    Thanh tre hoặc gỗ đặt theo chiều dốc của mái nhà để đỡ những thanh đặt dọc (gọi là thanh mè).

    Rui mè

    Rui mè

  23. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  24. Tửng
    Người con trai, thằng nhỏ (từ tiếng Hán đinh, đọc giọng Quảng Đông).
  25. Vô nghì
    Không có tình nghĩa (từ cũ). Cũng nói bất nghì.
  26. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  27. Sông Thu Bồn
    Tên con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum (phần thượng lưu này được gọi là Đak Di), chảy lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam (đoạn chảy qua các huyện Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh - bắt đầu qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên mới được gọi là Thu Bồn), đổ ra biển tại cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia tạo thành hệ thống sông lớn gọi là hệ thống sông Thu Bồn, có vai trò quan trọng đối với đời sống và văn hóa người Quảng.

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

  28. Chợ Được
    Một địa danh thuộc xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Theo truyền thuyết, vào năm 1852 (năm Tự Đức thứ 5) một lần nữ thần Phường Chào vân du qua thôn Phước Toản (Phước Ấm) thấy nơi đây có cỏ cây rậm rạp, thôn cư hẻo lánh, trông ra bóng nắng trên cát chói lòa nhưng phong cảnh lại hữu tình nên muốn lập chợ. Ban đầu, Bà hóa thân thành một cô gái mở một quán nước bên đường, người qua kẻ lại ngày một đông, dần dà phát triển thành chợ. Để ghi nhớ công ơn Bà, nhân dân lập miếu thờ gọi là Lăng Bà, đặt tên chợ bà lập là chợ Được, và tổ chức lễ rước Bà hằng năm.

    Lễ rước Bà Chợ Được

    Lễ rước Bà Chợ Được

  29. Kiến Tân
    Tên một làng nằm ở tả ngạn sông Thu Bồn, đoạn chảy qua Hội An, tỉnh Quảng Nam.
  30. Quế Sơn
    Tên một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Có ý kiến cho rằng gọi tên như vậy vì khu vực này có một ngọn núi này mọc rất nhiều cây quế.

    Nghe bài hát Quế Sơn đất mẹ ân tình của nhạc sĩ Đình Thậm.

  31. Bòn bon
    Một loại cây cho trái ăn được, mọc nhiều ở các vùng rừng núi Quảng Nam (nơi bòn bon còn được gọi là lòn bon). Trái bòn bon còn có hai tên quý phái hơn do vua nhà Nguyễn ban: nam trân, tức "(trái) quý ở phương nam" và trung quân, tương truyền vì trong khi trốn tránh quân Tây Sơn, nhờ có trái bòn bon ăn cứu đói mà nhóm quân phò chúa mới cầm cự được. Ưu ái này còn được biểu hiện qua việc chạm hình bòn bon vào Nhân đỉnh, tức đỉnh thứ nhì trong Cửu Đỉnh ở sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Trước năm 1854 triều đình có đặt quan trông coi việc thu hoạch bòn bon ở thượng nguồn sông Ô Gia, tỉnh Quảng Nam để tiến kinh. Ba huyện Đại Lộc, Quế Sơn và Tiên Phước nay vẫn nổi tiếng là xuất xứ bòn bon ngon và ngọt.

    Bòn bon

    Bòn bon

  32. Đại Lộc
    Tên một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng, phía Đông giáp huyện Điện Bàn, phía Đông Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Nam giáp huyện Quế Sơn, phía Tây Nam giáp huyện Nam Giang, phía Tây Bắc giáp huyện Đông Giang. Người dân sinh sống chủ yếu bằng các nghề trồng lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày, cây hoa màu, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, đan lát, làm nhang, thợ hồ, chế tác đá, đi rừng, tìm trầm, kỳ nam, khai thác dầu rái, buôn bán trao đổi...
  33. Rượu cần
    Tên gọi chung của người Việt đối với loại rượu đặc sản được một số dân tộc thiểu số nước ta ủ men trong các bình, hũ, ché... không qua chưng cất, khi đem ra uống phải dùng các cần làm bằng tre trúc đục thông lỗ để hút rượu. Rượu cần được làm từ bắp ngô, củ sắn hoặc gạo tẻ, khi có lễ đặc biệt quan trọng thì dùng gạo nếp, nhiều khi rất cầu kì. Uống rượu cần là một phong tục truyền thống của đồng bào Tây Nguyên, rượu được đem ra uống trong những dịp lễ hội hoặc để tiếp đãi khách quý.

    Uống rượu cần

    Uống rượu cần

  34. Trà My
    Một địa danh thuộc miền núi của tỉnh Quảng Nam, nay là hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, là địa bàn sinh sống của các dân tộc Ca Dong (Xê Đăng), M'nông, Co và Kinh. Trà My từ lâu nổi tiếng với đặc sản là cây quế.
  35. Trà Đỏa
    Còn gọi là Trà Đóa hoặc Tiên Đõa, một vùng quê nay là thôn Trà Đỏa, thuộc xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tại đây đất cát có độ ẩm sâu, lớp dưới hạt rời, chịu được nắng nóng nên thích hợp với giống khoai lang củ tròn to, bột mịn và ngọt. Khoai lang Trà Đỏa là đặc sản nổi tiếng của miền quê Quảng Nam.
  36. An Thái
    Tên một làng nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng nằm ven bờ sông Côn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về hướng tây bắc, nổi tiếng là một trong những nôi võ của Bình Định. Tại đây vào ngày rằm tháng 7 hằng năm có tổ chức lễ hội đổ giàn.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  37. An Vinh
    Một làng nay thuộc xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Làng từ xưa đã nổi tiếng là đất võ, đặc biệt có nhiều phụ nữ có tài võ nghệ.
  38. Ngọc Trản
    Tên một ngọn núi thuộc địa phận làng Ngọc Hồ, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Núi này xưa có tên là Hương Uyển Sơn, sau mới đổi tên là Ngọc Trản (có nghĩa là chén ngọc), dân gian quen gọi là Hòn Chén. Trên núi có điện Hòn Chén, thờ Thiên Y Thánh Mẫu.

    Điện Hòn Chén trên núi Ngọc Trản

    Điện Hòn Chén trên núi Ngọc Trản

  39. Vạn
    Làng chài.
  40. Kim Long
    Tên một ngôi làng thuộc đất Hà Khê, phía Tây thành nội Huế. Năm 1636, chúa Nguyễn lúc bấy giờ là Nguyễn Phước Lan dời phủ đến xứ này và đổi tên Hà Khê thành Kim Long (rồng vàng). Làng Kim Long thành phủ Kim Long. Phủ Kim Long tồn tại 51 năm, sau đó năm 1687, phủ chính được dời về làng Phú Xuân. Tên Kim Long hiện nay được dùng khá phổ biến tại vùng Kim Long xưa như: phường Kim Long, đình Kim Long, cầu Kim Long, chợ Kim Long, bến đò Kim Long, và đường Kim Long.

    Trước đây vùng đất này có tên là Kim Luông. Theo học giả An Chi, chữ Luông trong địa danh này chính là âm gốc của chữ Long (rồng).

    Sơ đồ thủ phủ Kim Long

    Sơ đồ thủ phủ Kim Long

  41. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  42. Đập Đá
    Tên một con đập nổi tiếng của Huế, bắt ngang qua một nhánh sông Hương, ngăn cho dòng nước từ thượng lưu không chảy về phía hạ lưu và ngăn nước mặn từ biển Thuận An chảy vào các cánh đồng lúa.

    Đập Đá

    Đập Đá

  43. Công sứ
    Chức danh cai trị của người Pháp trong thời kì Pháp thuộc, đứng đầu một tỉnh.
  44. Cầu Tràng Tiền
    Còn có tên gọi là cầu Trường Tiền, một chiếc cầu gồm sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương, ngay trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương. Tràng Tiền hay Trường Tiền đều có nghĩa là "công trường đúc tiền" vì chiếc cầu này được xây gần công trường đúc tiền của nhà Nguyễn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian này trở thành tên chính thức. Trước đó, cầu còn có các tên gọi khác: cầu Đông Ba (do ở gần chợ Đông Ba), cầu Mây, cầu Mống, Thành Thái, Clémenceau, và Nguyễn Hoàng.

    Cầu Tràng Tiền

    Cầu Tràng Tiền

  45. Chợ An Cựu
    Một ngôi nằm bên bờ Bắc sông An Cựu, xưa thuộc làng An Cựu, huyện Hương Trà, nay thuộc phường Phú Hội, thành phố Huế. Trước đây, chợ có tên là chợ Đường Ngang vì nó nằm trên một trong những đường ngang thẳng góc với sông Hương. Chợ có từ thời Minh Mạng. Năm 1835, khu vực chợ được dùng để dựng Nam Trường Đình, về sau có người Hoa buôn bán đông đúc. Nay chợ vẫn là một trong những chợ sầm uất ở phía Nam thành phố Huế.

    Chợ An Cựu ngày nay

    Chợ An Cựu ngày nay

  46. Vị trí chợ An Cựu ngày xưa bây giờ là Nhà Văn hóa trung tâm thành phố Huế. Trước đây, vì gần đó có trại lính Pháp nên người Pháp bắt chợ phải dời đến địa điểm hiện nay.
  47. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  48. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  49. Nậy
    Lớn (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  50. Sả
    Một loại cỏ cao, sống lâu năm, có mùi thơm như chanh. Tinh dầu sả được dùng để ướp tóc. Thân cây sả có thể làm gia vị.

    Sả

    Sả

  51. Xở xang
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Xở xang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  52. Thời
    Cái giỏ cá (phương ngữ).
  53. Tù và
    Dạ dày ếch, hay được chế biến thành các món ăn.

    Tù và ếch xào măng

    Tù và ếch xào măng

  54. Ngóe
    Loại nhái rất nhỏ, thân hình chỉ lớn bằng đầu ngón tay cái.
  55. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  56. Cơ khổ
    Cơ (chữ Hán 飢) nghĩa là đói. Cơ khổ nghĩa là đói khổ, thường được dùng để than vãn.
  57. Hói
    Nhánh sông con, nhỏ, hẹp, do tự nhiên hình thành hoặc được đào để dẫn nước, tiêu nước.

    Hói Quy Hậu

    Hói Quy Hậu

  58. Chúa
    Chủ, vua.
  59. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  60. Giả
    Trả (phương ngữ Bắc Bộ).
  61. Có bản chép: Đó phụ đây.
  62. Có bản chép: biển.
  63. Sưa
    Thưa (phương ngữ).
  64. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  65. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  66. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  67. Noi
    Đi (từ cổ).
  68. Vời
    Khoảng giữa sông.