Tìm kiếm "ông nội"

  • Ông trẳng ông trăng

    Ông trẳng ông trăng
    Xuống chơi với tôi,
    Có bầu có bạn,
    Có bát cơm xôi,
    Có nồi cơm nếp,
    Có nệp bánh chưng,
    Có lưng hũ rượu,
    Có khướu đánh đu,
    Thằng cu vỗ chài,
    Bắt trai bỏ giỏ,
    Cái đỏ ẵm em,
    Đi xem đánh cá,
    Có rá vo gạo,
    Có gáo múc nước,
    Có lược chải đầu,
    Có trâu cày ruộng,
    Có muống thả ao,
    Ông sao trên trời.

  • Ông trăng khuyết, ông trăng lại tròn

    Ông trăng khuyết, ông trăng lại tròn
    Gái tơ quá lứa, mất giòn, không xinh
    Vẳng tai nghe lời nói hữu tình
    Chim lồng không lẽ cất mình bay cao
    Gớm ghê thay cái số huê đào
    Cởi ra thời khó, buộc vào như chơi
    Chàng Thúc sinh quen thói bốc trời
    Trăm nghìn đổ một trận cười như không
    Chường vô chăn gối loan phòng
    Thiếp tôi ra tựa cái bóng đèn chong đêm dài
    Vả thiếp tôi nay phận gái nữ hài
    Thấy chàng quân tử tài trai anh hùng
    Gương bạch Nhật sánh với quạt thanh phong
    Sao chàng chẳng tới cái tiết mùa đông lạnh lùng
    Chường nằm đâu nhủ thiếp tôi cùng.

  • Ru em em théc cho muồi

    Ru em em théc cho muồi
    Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
    Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
    Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh
    Chợ Dinh bán áo con trai
    Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim

    Dị bản

    • Bồng em mà bỏ vô nôi
      Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
      Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
      Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh
      Chợ Dinh bán nón quan hai
      Bán thao quan mốt, bán quai năm tiền

    Video

  • Nhớ khi anh nói anh thề

    Nhớ khi anh nói anh thề
    Con dao lá trúc đặt kề tóc mai
    Bây giờ anh đã nghe ai
    Con dao lá trúc, tóc mai thẹn thùng
    Bây giờ không vẫn hoàn không
    Giấm thanh đổ biển mấy thùng cho chua
    Nói ra thiên hạ hồ đồ
    Tiếng tăm em chịu bao giờ cho vơi
    Nói ra em chỉ thẹn lời
    Kìa ông trăng sáng soi đôi cau vàng

  • Đắng khổ qua, chua là chanh giấy

    Đắng khổ qua, chua là chanh giấy
    Dầu ngọt cho mấy cũng tiếng cam sành
    Giặc Lang Sa đánh tới châu thành
    Dù ai ngăn qua đón lại, dạ cũng không đành bỏ em

    Dị bản

    • Đắng khổ qua, chua là chanh giấy
      Dầu ngọt cho mấy cũng tiếng cam sành
      Thương em, anh đừng dỗ đừng dành
      Cậy mai dong tới nói, cha mẹ đành, em sẽ ưng.

  • Hỡi anh làm thợ nơi nao

    Hỡi anh làm thợ nơi nao
    Để em gánh đục, gánh bào đi theo
    Cột queo anh đẽo cho ngay
    Anh bào cho thẳng, anh xoay một bề
    Bốn cửa chạm bốn con nghê
    Bốn con nghê đực chầu về xứ Đông
    Bốn cửa chạm bốn con rồng
    Ngày thời rồng ấp tối thời rồng leo
    Bốn cửa chạm bốn con mèo
    Đêm thời bắt chuột, ngày leo xà nhà
    Bốn cửa chạm bốn con gà
    Đêm thì gà gáy, ngày ra bới vườn
    Bốn cửa chạm bốm con lươn
    Ngày thì chui ống tối trườn xuống ao
    Bốn cửa chạm bốn con dao
    Chăm thì liếc sắc, chăm chào thì quen
    Bốn cửa chạm bốn cây đèn
    Ngày thì đèn tắt tối thì đèn chong
    Bốn cửa chạm bốn cái cong
    Để em gánh nước tưới hồng tưới hoa
    Ngày mai khi anh về nhà
    Trăm năm em gọi anh là chồng em

  • Đu đủ tía, giềng giềng cũng tía

    Đu đủ tía, giềng giềng cũng tía,
    Khoai lang giâm, ngọn mía cũng giâm.
    Củi kia chen lộn với trầm,
    Em giữ sao cho khỏi, kẻo lầm, bớ em

    Dị bản

    • Ô rô tía, dền dền cũng tía,
      Đọt lang giâm, đọt mía cũng giâm.
      Em nói với anh nhiều tiếng thâm trầm,
      Bây giờ anh gá duyên chỗ khác, ruột em bầm như dưa

    • Đu đủ tía ngọn rau dền cũng tía
      Khoai lang giâm ngọn mía cũng giâm
      Mù u chụm lộn với tràm
      Em giữ sao cho trọn đạo kẻo làng cười chê.

    • Ngọn dền dền tía, ngọn tía tô cũng tía
      Ngọn khoai lang giâm, ngọn mía cũng giâm
      Mai dong tốt nói em lầm
      Bây giờ nghĩ lại giận bầm lá gan

  • Bước sang tháng sáu giá chân

    Bước sang tháng sáu giá chân
    Tháng chạp nằm trần bức đổ mồ hôi
    Con chuột kéo cày lồi lồi
    Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong
    Vườn rộng thì thả rau rong
    Ao sâu vãi cải lấy ngồng làm dưa
    Đàn bò đi tắm đến trưa
    Một đàn con vịt đi bừa ruộng nương
    Voi kia nằm dưới gậm giường
    Cóc đi đánh giặc bốn phương nhọc nhằn

  • Ngọn cờ phất ngọn lau cũng phất

    Ngọn cờ phất ngọn lau cũng phất
    Nồi đồng sôi nồi đất cũng sôi
    Hai ta duyên nợ thề bồi
    Dù xa nhau đi nữa chỉ tại ông trời không xe

    Dị bản

    • Ngọn cờ phất, ngọn lau cũng phất
      Nồi đồng sôi nồi đất cũng sôi,
      Bậu với qua duyên nợ rã rời
      Tới lui chi nữa, đứng ngồi uổng công.

    • Ngọn cờ phất, ngọn lau cũng phất
      Nồi đồng sôi, nồi đất cũng sôi
      Anh với em nhân duyên đã mãn rồi
      Còn chi lên xuống đứng ngồi với em.

  • Vè cầu Doumer

    Cầu sắt mà bắc ngang sông
    Chàng ơi sang tỉnh mà trông chẳng lầm
    Hà Nội bắc sang Gia Lâm
    Tính cây lô mét độ năm cây tròn
    Họa hình Tây bắc ống nhòm
    Ngắm đi ngắm lại xem còn cong không
    Giở về hội nghị cộng đồng
    Đến năm Mậu Tuất khởi công bắc cầu
    Mộ phu khắp cả đâu đâu
    Xây từ Ái Mộ bắt đầu xây ra
    Bắc qua con sông Nhị Hà
    Chia khoang làm nhịp, mười ba cột vừa
    Lập mưu xây được bây giờ
    Chế ra cái chụp để mà bơm lên
    Bơm hết nước đến bùn đen
    Người chết như rạ vẫn phải len mình vào

  • Vè chửi Pháp và vua quan

    Tổ cha thằng bố cu gồ
    Làm cho tao phải dọn đồ xuống ao
    Giường thờ thì ngâm xuống ao
    Lại bắt ông vải chui vào bụi năn
    Vợ chồng nói chuyện thì thầm
    Đêm ngày cắp bị ra nằm cồn Me
    Nằm thì lắng tai mà nghe
    Nó đang đốt ở ngoài nghè Phú Vinh
    Súng thì nó bắn ình ình
    Mẹ con giật mình lại phải chạy xa
    Sớm mai nó đốt Mỹ Đà
    Cửa nhà tan nát, vại cà sạch không
    Bấy giờ vợ mới biểu chồng
    “Thôi thôi ta phải dốc lòng xin đi”
    Chồng thì nó bắt cu li
    Vợ thì mặt bủng da chì mà lo
    Chẳng qua đến lúc mạt đồ
    Nước Nam có đám sao cờ mọc ra
    Triều đình bảy vía còn ba
    Quân Tây vừa dọa đái ra đầy quần
    Cho nên mới khổ đến dân
    Tổ tiên cũng bị muôn phần lao đao.

  • Hồi nào thề thốt bóng xoài

    Hồi nào thề thốt bóng xoài
    Chàng nguyền thiếp nguyện có sai đâu là
    Bởi vì lỗ miệng người ta
    Chòm ong nhóm kiến, biểu anh mà xa em
    Thế gian dạm miệng nói gièm
    Nẫu nói mược nẫu đừng đem vào lòng
    Ba năm giữ trọn chữ tòng
    Có nực em quạt, ngọn gió lồng em che
    Nào ai phóm phỉnh đừng nghe
    kêu mược cú ngoài hè can chi
    Đừng nghe lời nói thị phi
    Đừng nghe chiếc đũa phân ly đồng tiền
    Anh về giữ trọn căn duyên
    Mấy lời giao xin nhớ mấy lời nguyền xin ghi

  • Phú bói giò gà

    Đầu năm ra mắt mồng ba
    Cúng ông Hành Khiển cùng là Hành Binh
    Bói giò phải bói cho tinh
    Xem tường màu sắc chân hình rủi may
    Đôi giò cần để thẳng ngay
    Nhuận hồng vàng ánh năm nay chắc giàu
    No rồi chụm móng khít khao
    Đỡ cái chặt chẽ cũng giàu cũng sang
    Đỏ mà gân máu nổi loang
    Là điềm hao của tan hoang cửa nhà
    Trắng xanh bền bệt thây ma
    Ấy điềm tang chế ông bà cháu con
    Da gà tươi mượt vàng son
    Đi thi chắc đậu đi buôn chắc lời
    Khe chân gà hở tơi bời
    Tiền vô nhiều cũng phủi rồi tay không

  • Anh đau tương tư nằm trên bộ vạc

    Anh đau tương tư nằm trên bộ vạc
    Hồn anh thất lạc xuống dưới Diêm đình
    Ông vua phán quở: Anh vì tình thác oan
    Em ơi, một mai anh chết, em đừng có đến để tang
    Bởi tại nơi em mà thiên hạ luận bàn.

    Dị bản

    • Anh đau tương tư nằm trên bộ vạc
      Hồn anh thất lạc, thác xuống Diêm đình
      Diêm Vương ổng hỏi sự tình,
      Tui lụy vì tình, tui mới thác oan.

  • Mời chư vị giai nhân tài tử

    Mời chư vị giai nhân tài tử
    Tới đây nghe tôi thử pháo tre
    Của bán ra không phải nói khoe
    Thời thực vật sắm vừa túc dụng
    Có pháo nhiều đốt cũng vui tình
    Từ cựu thời bộc trước nhi thinh
    Có pháo mới văn minh xuân nhựt
    Dưới con cháu cũng vui cũng ức
    Trên ông bà khỏi bực khỏi phiền
    Nếu như mà cứ giữ tiếc tiền
    Lấy gì đặng minh niên hỉ hạ
    Coi như lễ Tết Tây trong dã
    Lại có ngày kỷ niệm ngoài kinh
    Pháo Điện Quang đốt tựa lôi đình
    Phí của nọ vui tình không tiếc
    Vậy nên mời… biết phải thiệt vui hung
    Luật vui xuân ai cũng nên dùng
    Có pháo mới đùng đùng là thú
    Cùng mấy người no đủ tiêu xoay
    Đều xúm lại hàng này
    Mua pháo nầy về đốt
    Vốn tôi không nói tốt
    Hay thiệt tình có một mình tôi
    Nhiều người bán xảo làm mồi
    Đốt đây khá về rồi dại dở
    Có kẻ làm kêu cũng đỡ
    Vấn nhiều tay tôi sợ không đều
    Của bán ra là biết bao nhiêu
    Một mình vấn nên kêu đều đặn
    Mười như chục tiếng kêu đúng đắn
    Đốt cả trăm cũng chẳng điếc câm
    Tiếng nổ lên chuyển động sơn lâm
    Như đại bác vang gầm trời đất
    Hễ đốt thì xác tan bay mất
    Không khi nào gió phất ngún hừng
    Của tôi làm, tôi đã biết chừng
    Xin quý chức mua đừng có ngại
    Để đốt thử vài trái
    Nghe có phải hay không
    Đang buổi chợ mua đông
    Tôi cũng trông bán đắt
    Giá pháo nầy mỗi chục mỗi cắc
    Xin bà con mua hắt tôi về
    Pháo tôi đây thiệt hết ngõ chê
    Bằng có ngại đứng xê ra cho tôi thử đốt: đùng, đùng…

  • Hai ngang ba phết

    Hai ngang ba phết,
    Từ Hà Nội cho đến kinh thành
    Quan sầu dân thảm hỏi anh chữ gì?
    – Hai ngang ba phết là chữ thất,
    Thất là thất thủ kinh đô,
    Quan sầu dân thảm vì mưu đồ ông Quận thâm.

    Dị bản

    • Hai ngang ba phết kết lại chữ chi?
      Chàng mà đối được, thiếp thì theo không.
      – Hai ngang ba phết kết lại chữ thất,
      Thất là mất, mất nước mất nhà,
      Dân sầu dân thảm từ thuở Tây qua lại giừ

  • Vè bài chòi

    Bài chòi bài tới là ba mươi lá
    Dang tay xớn xá là cái gã Ông Ầm
    Hay đi sụp hầm, là anh Tứ Cẳng
    Một dề trăng trắng, là chị Bạch Huê
    Ăn cận nằm kề, là anh Chín Gối
    Ba chìm bảy nổi, là chị Sáu Ghe
    Lập bạn lập bè, là anh Năm Dụm
    Hay đùm hay túm, Tứ Xách đã quen
    Quần áo lèng teng, Nhì Nghèo cực khổ
    Hay bươi hay mổ, là chị Ba Gà
    Có ngạnh có ngà, là anh Tứ Tượng
    Phủ màn treo trướng, là chị Tám Dừng
    Ướt áo ướt quần, là anh Ngũ Trợt
    Rung cây không rớt, Tứ Móc thiệt hay
    Con mắt nhắm ngay, Tam Quăng thiệt giỏi

Chú thích

  1. Bánh chưng
    Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.

    Bánh chưng

    Bánh chưng

  2. Khướu
    Loại chim nhỏ, lông dày xốp, thường có màu xỉn, cánh tròn, chân khỏe và cao, thích nghi với việc di chuyển trên mặt đất và các cành cây. Chim khướu có nhiều loài khác nhau, có tiếng hót hay và vang xa nên thường được nuôi làm cảnh.

    Chim khướu

    Chim khướu

  3. Có bản chép: Chiếu.
  4. Chài
    Loại lưới hình nón, mép dưới có chì, chóp buộc vào một dây dài, dùng để quăng xuống nước chụp lấy cá mà bắt. Việc đánh cá bằng chài cũng gọi là chài.

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

  5. Đỏ
    Con gái (phương ngữ Bắc Bộ).
  6. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  7. Thúc sinh
    Một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúc sinh có nghĩa là thư sinh họ Thúc. Thúc sinh là một thương nhân, đã có vợ là Hoạn Thư, song lại đem lòng yêu Thúy Kiều. Thúc sinh chuộc Kiều khỏi chốn lầu xanh và giấu vợ cưới Kiều làm lẽ. Hoạn Thư biết được, bắt cóc Kiều về hành hạ, Thúc sinh nhu nhược không dám làm gì, Thúy Kiều phải đến nương nhờ cửa Phật.

    Khách du bỗng có một người
    Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
    Vốn người huyện Tích Châu Thường
    Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri

  8. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  9. Hài
    Giày, dép. Thường được dùng để chỉ giày thời xưa.
  10. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  11. Bạch nhật
    Mặt trời sáng (từ Hán Việt).
  12. Thanh phong
    Gió mát (từ Hán Việt).
  13. Théc cho muồi
    Ngủ cho say (phương ngữ miền Trung).
  14. Chợ Cầu
    Tên một cái chợ ở làng Phù Lương, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
  15. Nam Phổ
    Còn gọi là Nam Phố, tên một làng nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tại đây có một đặc sản nổi tiếng là bánh canh Nam Phổ. Trước đây ở vùng đất này cũng có nghề trồng cau truyền thống - cau Nam Phổ là một trong những sản vật tiêu biểu của Phú Xuân-Thuận Hóa ngày xưa.

    Bánh canh Nam Phổ

    Bánh canh Nam Phổ

  16. Chợ Dinh
    Còn gọi là chợ Dinh Ông, một cái chợ ở đường Chi Lăng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế. Chợ được gọi như thế vì lúc trước vùng này có nhiều dinh thự các ông hoàng, bà chúa hay quan lớn.
  17. Triều Sơn ở Hương Trà, Mậu Tài ở Phú Vang. Tất cả các địa danh trong bài ca dao này là ở Thừa Thiên - Huế.
  18. Có bản chép: bán lim.
  19. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  20. Dao lá trúc
    Dao sắc bén và mỏng như lá trúc.
  21. Giấm thanh
    Thứ giấm có vị chua thanh, được làm từ rượu và các loại tinh bột hoặc trái cây.
  22. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  23. Hồ đồ
    Không phân biệt rõ ràng đúng sai, kết luận vội vàng.
  24. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  25. Mướp đắng
    Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.

    Mướp đắng

    Mướp đắng

  26. Chanh giấy
    Loại chanh có vỏ mỏng, nhiều nước.

    Chanh giấy

    Chanh giấy

  27. Cam sành
    Một loại cam có vỏ dày, sần sùi, thịt có màu cam hoặc vàng đậm, nhiều nước, được xem là một giống cam rất ngon.

    Quả cam sành

    Quả cam sành

  28. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  29. Châu thành
    Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.
  30. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  31. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  32. Bào
    Đồ dùng nghề mộc, gồm hai lưỡi thép đặt trong khối gỗ, hai bên có tay cầm, dùng để làm nhẵn mặt gỗ. Động tác sử dụng bào cũng gọi là bào. Những việc đau lòng cũng được ví von là xót như bào, ruột xót gan bào...

    Cái bào

    Cái bào

  33. Queo
    Cong, bị biến dạng.
  34. Nghê
    Một loài vật trong thần thoại Việt Nam, tương tự như lân trong thần thoại Trung Hoa. Nghê có hình dạng giống chó, không có sừng, mình thon nhỏ, chân như chân chó, dáng thanh, đuôi dài vắt ngược lên lưng. Trước cửa các đền chùa, miếu mạo thường có đặt tượng nghê đá.

    Nghê đá tại cổng vào đền Gióng ở Gia Lâm

    Nghê đá tại cổng vào đền Gióng ở Gia Lâm

  35. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  36. Rồng ấp
    Hay rồng phủ, giao long (交龍), một loại họa tiết cổ thường thấy trong các kiến trúc thời Lý, Trần, có hình hai con rồng quấn nhau hay đuôi xoắn vào nhau.

    Họa tiết rồng ấp trên cột đá chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh)

    Họa tiết rồng ấp trên cột đá chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh)

  37. Liếc
    Miết đi miết lại lưỡi dao vào đá mài hoặc vật cứng để dao sắc hơn.
  38. Cong
    Đồ đựng nước hoặc gạo, làm bằng sành, hông phình, miệng rộng, hình dáng như cái .
  39. Thầu dầu
    Một loài cây cùng họ với sắn (khoai mì), lá có cuống dài, quả có gai, chứa hạt có chất dầu dùng làm dầu xổ, dầu thắp. Thầu dầu tía còn có tên là đu đủ tía.

    Cây thầu dầu

    Cây thầu dầu

  40. Giềng giềng
    Còn gọi là lâm vố, loài cây thân gỗ, mọc nhiều ở những chỗ trống vùng đồng bằng và trong các đồng cỏ khô, trên đất sét cát, từ Quảng Trị đến Ðồng Nai. Cây có cụm hoa đẹp. Nhựa, hạt, vỏ và hoa đều được dùng làm vị thuốc.

    Hoa giềng giềng

    Hoa giềng giềng

  41. Giâm
    Cắm hay vùi xuống đất ẩm một đoạn cành, thân hay rễ cây để thành một cây mới. Cũng phát âm và viết là giăm.
  42. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  43. Ô rô
    Tên khác là ô rô gai, ô rô nước, ắc ó, lão thử lặc, là một cây nhỏ, cao 0,5-1,5m. Thân tròn nhẵn, màu lục nhạt, có lấm tấm đen. Thường mọc tại các bãi nước lợ, bãi biển, cửa sông và hai bên bờ sông gần biển khắp nước ta. Cây ô rô là một vị thuốc dân gian.

    Ô rô

    Ô rô

  44. Rau dền
    Một loại rau có tính mát, giàu sắt, là món ăn dân dã phổ biến với người Việt Nam. Ở Việt Nam chủ yếu có hai loại rau dền là dền trắng và dền đỏ (tía). Rau dền thường được luộc hay nấu canh.

    Rau dền đỏ

    Rau dền đỏ

  45. Đọt
    Ngọn thân hay cành cây còn non (đọt ổi, đọt chuối), hoặc phần trên cùng của cây cao (đọt dừa, đọt cau, đọt tre...).
  46. Gá duyên
    Kết thành nghĩa vợ chồng.
  47. Có bản chép: Đu đủ tía, dền dền cũng tía.
  48. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  49. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  50. Chụm
    Đun lửa bằng củi.
  51. Tràm
    Một loại cây mọc hoang thành rừng ở đồi núi và vùng ngập mặn. Ở nước ta, Cà Mau nổi tiếng là xứ nhiều tràm. Tràm thường được dùng lấy gỗ hoặc cất tinh dầu từ hoa và lá.

    Rừng tràm ở Long An

    Rừng tràm ở Long An

  52. Đạo
    Lẽ sống mà con người nên giữ gìn và tuân theo (theo quan niệm cũ).
  53. Tía tô
    Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Cây và lá tía tô

    Cây và lá tía tô

  54. Giá
    Lạnh buốt.
  55. Vãi
    Ném vung ra.
  56. Ngồng
    Thân non của một số cây như cải, thuốc lá... mọc cao lên và ra hoa. "Ngồng" cũng có nghĩa là trổ hoa ở các loại cây này.

    Ngồng cải

    Ngồng cải

  57. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  58. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  59. Thầy giò
    Người làm nghề bói bằng cách xem giò gà sau khi cúng. Hình thức bói này trước đây rất phổ biến ở các địa phương miền Trung.
  60. Lau
    Loại cây họ sậy, thân ống xốp, mọc nhiều ở các vùng đồi núi. Lau có lau có màu xám bạc, mọc nhiều thành thảm rất đặc trưng, nên cũng thường gọi là cây bông lau. Hoa lau có thể được thu hoạch để làm gối, đệm.

    Lau

    Lau

  61. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  62. Cầu Long Biên
    Cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898 - 1902), là cây cầu sắt dài thứ nhì thế giới thời bấy giờ (sau cầu Brooklyn ở Mỹ). Cầu ban đầu mang tên viên Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer, dân gian hay gọi là cầu sông Cái, cầu Bồ Đề, cầu Dốc Gạch. Năm 1954, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Là một cây cầu lâu năm và có giá trị lịch sử, hiện nay có nhiều đề xuất tu sửa, cải tạo cầu Long Biên.

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ XX

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ 20

  63. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  64. Gia Lâm
    Địa danh nay là một huyện ngoại thành, ở về phía Đông của thành phố Hà Nội. Tại đây nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng, đồng thời là quê hương của hai nhân vật trong Tứ Bất Tử: Chử Đồng Tử và Thánh Gióng, cùng với nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử khác: Nguyên phi Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, Lý Thường Kiệt...
  65. Cây lô mét
    Còn đọc là ki lô mét, mượn từ tiếng Pháp kilomètre.
  66. Có nhiều con số về chiều dài cầu Long Biên, nhưng cũng chỉ trên dưới 2 km.
  67. Tức năm 1898, năm làm lễ khởi công xây dựng cầu Doumer - tên ban đầu của cầu Long Biên.

    Chữ khắc trên tấm biển kim loại ở đầu cầu ghi nhận thời gian hoàn thành xây cầu (1899 - 1902), và hãng thầu là Daydé & Pillé (hãng Eiffel không trúng thầu, đến năm 1938 mới trúng hợp đồng gia cố cầu).

    Chữ khắc trên tấm biển kim loại ở đầu cầu ghi nhận thời gian hoàn thành xây cầu (1899 - 1902), và hãng thầu là Daydé & Pillé có trụ sở ở Paris.

  68. Mộ phu
    Tuyển mộ dân phu (những người làm công việc chân tay nặng nhọc).
  69. Ái Mộ
    Tên một làng cũ, nay thuộc địa bàn quận Long Biên, Hà Nội.
  70. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  71. Nhịp cầu
    Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
  72. Rạ
    Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.

    Mái rạ

    Mái rạ

  73. Từ dùng để chửi thực dân Pháp (mũi lõ, mũi gồ).
  74. Ông vải
    Ông bà (từ Nôm cổ).
  75. Năn
    Cũng viết là năng, còn gọi là mã thầy, một loại cỏ mọc hoang trên những cánh đồng ngập nước. Phần củ ăn được, lá được dùng làm vị thuốc.

    Củ năn (năng)

    Củ năn (năng)

  76. Cồn Me
    Địa danh thuộc thôn Đông Lạc, xã Hoàng Trạch, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  77. Nghè
    Một hình thức của đền miếu. Nghè có thể là nơi thờ thành hoàng ở làng nhỏ được tách ra từ làng gốc, cũng có thể là một ngôi đền nhỏ ở một thôn nhằm thuận tiện cho dân sở tại trong sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính của làng xã khó đáp ứng nhu cầu thờ cúng thường nhật.

    Nghè La ở thôn Nam Thành, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, TP. Bắc Giang

    Nghè La ở thôn Nam Thành, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, TP. Bắc Giang

  78. Phú Vinh
    Một làng thuộc xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  79. Mỹ Đà
    Cũng gọi là làng Mỹ hay kẻ Mỹ, một làng thuộc xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Xã này nay là một phường trực thuộc thành phố Thanh Hóa.
  80. Vại
    Đồ đựng bằng sành, gốm, hình trụ, lòng sâu, để đựng nước hoặc mắm.

    Vại nước

    Vại nước

  81. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  82. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  83. Mạt đồ
    Cùng đường (từ Hán Việt). Mạt: cuối cùng, ngọn. Đồ: Đường lối.
  84. Sao chổi
    Còn có tên gọi dân gian là sao cờ hoặc sao tua, một thiên thể gần giống một tiểu hành tinh nhưng cấu tạo chủ yếu không phải từ đất đá, mà từ băng. Chúng bay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo rất dẹt, khi đi vào vòng trong Hệ Mặt trời thì được mặt trời chiếu sáng, từ đó mới sinh ra các ánh sáng rực rỡ như ta thấy khi quan sát từ Trái Đất.

    Ngày xưa, theo quan niệm dân gian, sao chổi xuất hiện thường được cho là điềm loạn lạc.

    Sao chổi

    Sao chổi

  85. Ba hồn chín vía
    Quan niệm dân gian cho rằng người có ba hồn, nam có bảy vía và nữ có chín vía. Ba hồn gồm: Tinh (sự tinh anh trong nhận thức), Khí (năng lượng làm cho cơ thể hoạt động) và Thần (thần thái của sự sống). Bảy vía ở đàn ông cai quản hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi và miệng. Chín vía ở nữ giới cai quản bảy thứ như ở nam giới cộng thêm hai vía ở lỗ vú và lỗ sinh dục để đẻ và nuôi con.
  86. Hốt hỏa lôi đình
    (Tính tình, cư xử) nóng như lửa (hỏa), như sấm sét (lôi).
  87. Tâm thần bất định
    Trạng thái tâm lí không ổn định (nóng nảy, lo lắng...).
  88. Thân sinh
    Người đẻ ra mình, nói với nghĩa kính trọng. Ông thân sinh là cha, bà thân sinh là mẹ.
  89. Hũ lớn làm bằng sành sứ, thường để đựng nước uống, rượu.

    Cái vò

    Cái vò

  90. Xáng
    Đánh, đập mạnh một cái gì (xáng chén, xáng bạt tai...).
  91. Gièm
    Đặt điều nói xấu.
  92. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  93. Mược
    Mặc kệ (phương ngữ miền Trung).
  94. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  95. Phỉnh phờ
    Nói dối hoặc dùng lời lẽ ngọt ngào đường mật để dụ dỗ người khác.
  96. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  97. Thị phi
    Phải và không phải. Chỉ sự đồn đại, chê bai.

    Kẻ yêu nên ít lời cao hạ,
    Người ghét càng nhiều tiếng thị phi.

    (Than thân - Nguyễn Hữu Chỉnh)

  98. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  99. Hành khiển
    Tên chung của mười hai vị thần văn (gọi là Thập nhị Đại vương Hành khiển) thay mặt Ngọc Hoàng – vị vua của thiên giới - trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ 12 con giáp. Bắt đầu là năm Tý, năm cuối cùng là năm Hợi, hết năm Hợi lại quay trở lại với vị Đại vương hành khiển của 12 năm trước. Vào đêm giao thừa người ta làm lễ cúng tế để tiễn hành khiển cũ và đón hành khiển mới. Đọc thêm về Hành binh, Hành khiển và Pháp quan.
  100. Hành binh
    Tên chung của mười hai vị thần võ thay mặt Ngọc Hoàng trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ của 12 con giáp. Xem thêm: Hành khiển.
  101. Bói giò gà
    Cũng gọi là xem chân giò, một nghi thức tín ngưỡng dân gian sử dụng chân gà để đoán việc lành dữ. Xem thêm.
  102. Vạc
    Giát giường bằng tre, gỗ, hay giường đóng bằng tre (phương ngữ). Có nơi đọc là vạt.
  103. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  104. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  105. Tài tử giai nhân
    Người con trai có tài, người con gái có sắc. Chỉ những người tài sắc nói chung.

    Dập dìu tài tử giai nhân
    Ngựa xe như nước, áo quần như nêm

    (Truyện Kiều)

  106. Thực vật
    Đồ ăn uống, đồ dùng sinh hoạt nói chung.
  107. Túc dụng
    Đủ dùng (từ Hán Việt).
  108. Cựu thời
    Thời trước, thời xưa (từ Hán Việt).
  109. Bộc
    Phơi bày, bộc bạch (từ Hán Việt).
  110. Nhi thinh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhi thinh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  111. Xuân nhựt
    Xuân nhật, ngày xuân (từ Hán Việt).
  112. Ức
    Ham, muốn (từ cũ).
  113. Minh niên
    Năm nay (từ Hán Việt).
  114. Hỉ hạ
    Vui mừng, chung vui. Như hỉ hả, hể hả.
  115. Chốn quê mùa. Ở đây ý chỉ Bình Định.
  116. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  117. Điện Quang
    Tên một hiệu pháo nổi tiếng ngày trước. Pháo Điện Quang tuy nhỏ nhưng nổ rất giòn giã, không có viên lép, xác pháo đều.

    Pháo Điện Quang

    Pháo Điện Quang

  118. Lôi đình
    Sấm sét (từ Hán Việt).
  119. Hung
    Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  120. Tiêu xoay
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tiêu xoay, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  121. Ngún hừng
    Ngún (thường nói về lửa) là cháy ngầm; hừng là cháy phừng lên, dấy lên. Ngún hứng là chập chờn không đều lửa.
  122. Hắt
    Dứt khoát (phương ngữ Trung Bộ).
  123. Đây là lời các gian hàng bán pháo Tết rao bằng cách hát theo điệu bài chòi, thường thấy ngày xưa ở chợ Gò (Tuy Phước, Bình Định). Chợ Gò ngày ấy mỗi dịp Tết lại bán pháo rất nhiều, nên còn gọi là chợ Pháo. Bài này do thi sĩ Sinh Hòa cung cấp, dẫn bởi Trần Đình Thái trong sách Ai có về Qui Nhơn (1973).
  124. Chữ thất 失 (mất, như trong thất thủ 失守, tam sao thất bản 三抄失本), gồm có năm nét: hai nét ngang, ba nét phết.
  125. Nguyễn Văn Tường
    Một nhân vật lịch sử của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh năm 1824 tại Triệu Phong, Quảng Trị, làm quan đến chức phụ chính đại thần dưới triều Nguyễn, chủ trương đánh Pháp. Năm 1874, do tình thế bắt buộc, ông phải đại diện triều đình kí kết hòa ước Giáp Tuất, công nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Năm 1884, ông cùng Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi lên ngôi. Năm 1885, trận Kinh thành Huế thất bại, ông cùng Tôn Thất Thuyết phò vua bôn tẩu khắp nơi. Sau ông về trở về hợp tác với Pháp, chịu nhiều nghi kị. Sau ông bị đày đi Tahiti và mất ở đó vào ngày 30/7/1886.

    Từng có nhiều nhận xét khen chê của hậu thế về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Tường, nhưng cho đến nay đã thống nhất: ông là người có công với dân tộc.

    Nguyễn Văn Tường

    Nguyễn Văn Tường

  126. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  127. Dừ
    Giờ, bây giờ. Còn đọc là giừ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  128. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  129. Bài tới
    Một trò chơi bài rất phổ biến ở miền Trung ngày trước. Bộ bài 60 con chia làm ba pho, được chia cho hai phe, mỗi phe ba người, mỗi người lấy sáu con bài, xây bài trên tay. Người chọn đi bài, trước tiên rút một con bài bỏ ra, lệ cấm dùng các con bài có dấu triện đỏ (Ông ầm, Thái tử, Đỏ mỏ). Những tay bài khác, nếu có con bài giống con bài chợ (bài vừa được đánh ra) thì rút con ấy ra bắt và đi một con bài khác. Các tay bài khác lại tiếp tục bắt và đi cho đến khi có một tay bài tới là hết một ván bài. Tới bài tức là khi trên tay chỉ còn hai lá bài và lúc đó, người đi bài đã đi đúng tên một trong hai con bài mà mình đang chờ để tới.

    Bài chòi cũng dùng bộ bài này, nhưng chỉ chơi vào ngày Tết và không có tính ăn thua đỏ đen như bài tới.

  130. Dề
    Phương ngữ Trung Bộ, chỉ những thứ kết lại với nhau thành mảng lớn (một dề lục bình, một dề rác rến...)
  131. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  132. Dừng
    Thanh bằng tre nứa cài ngang dọc để trát vách.

    Vách đất trát lên tấm dừng

    Đất trát lên tấm dừng làm vách nhà

  133. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).