Tìm kiếm "sắc nước"

  • Dù anh văn hoá lớp mười

    Dù anh văn hoá lớp mười
    Anh chưa ra trận, em thời không yêu
    Dù anh sắc sảo, mỹ miều
    Nếu không ra trận, không yêu làm chồng

    Dị bản

    • Dù em nhan sắc tuyệt vời
      Em không đánh Mỹ, anh thời không yêu
      Dù em duyên dáng, mỹ miều
      Nếu không đánh Mỹ, đừng kêu muộn chồng

  • Xưa kia anh bủng anh beo

    Xưa kia anh bủng anh beo
    Tay bưng bát thuốc, tay đèo múi chanh
    Bây giờ anh mạnh anh lành
    Anh mê nhan sắc anh tình phụ tôi
    Thà tôi xuống giếng cho rồi

    Dị bản

    • Khi anh mặt bủng da chì
      Tay bưng bát thuốc, tay thì bát canh
      Bây giờ anh đẹp anh xinh
      Anh lấy vợ lẽ, phụ tình thiếp tôi

  • Ai về Phú Lộc gửi lời

    Ai về Phú Lộc gửi lời
    Thư này một bức nhắn người tri âm
    Mối tơ chín khúc ruột tằm
    Khi tháng tháng đợi khi năm năm chờ
    Vì tình ai lẽ làm lơ
    Cắm sào quyết chí đợi chờ bến xuân
    Ước sao chỉ Tấn tơ Tần
    “Sắc cầm hòa hợp” lựa vần “quan thư”
    Đôi bên ý hiệp lòng ưa
    Đắp đền công thiếp lại vừa lòng anh
    Thiếp thời tần tảo cửi canh
    Chàng thời nấu sử sôi kinh kịp thì
    Một mai chúa mở khoa thi
    Bảng vàng chói lọi có đề tên anh

  • Tôi ở Cao Lãnh, tôi nghèo quá xá

    Tôi ở Cao Lãnh, tôi nghèo quá xá
    Tôi chèo vô Cà Mau, Rạch Giá
    Tôi mua ít giạ khoai lang
    Tôi bán một giạ lời được một cắc
    Tôi trở về thấy anh ngồi sòng tứ sắc
    Thời tôi kể chắc ảnh thua rồi
    Trời ơi, nhà nghèo con dăm bảy đứa
    Gạo tôi kiếm từng nồi anh có biết không?

    Dị bản

    • Tôi ở Trà Vinh nghèo quá
      Tôi chèo chiếc ghe vô Cà Mau, Rạch Giá
      Tôi mua ít tạ khoai lang
      Tôi đi thẳng Trà Bang
      Tôi bán một tạ lời mấy cắc
      Tôi trở về nhà thấy anh ngồi sòng tứ sắc
      Tôi kể chắc ảnh thua rồi.
      Úy trời đất ôi!
      Con đùm con đeo năm bẩy đứa,
      Gạo em kiếm từng nồi anh có thấy không?

  • Ngồi tựa vườn đào

    Ngồi tựa vườn đào
    Thấy người thục nữ ra vào
    Lòng những vấn vương
    Gió lạnh đêm trường
    Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường
    Cô để đó chờ ai?
    So chữ sắc tài
    Yêu nhau chớ để cho người trăng gió hái hoa
    Nguyện với trăng già
    Tơ hồng kết lại một nhà đầm ấm yên vui
    Ngồi tựa vườn đào
    Thấy người tri kỷ ra vào
    Em những ngẩn ngơ
    Tháng đợi năm chờ
    Nỗi niềm tâm sự bây giờ biết ngỏ cùng ai

    Dị bản

    • Ngồi tựa vườn đào
      Thấy người thục nữ ra vào
      Lòng những vấn vương
      Nửa chăn để đó, nửa giường,
      Em để chờ ai
      So chữ sắc tài
      Có công gắn bó, ai người phụ nghĩa quên công
      Nên chăng đấy vợ, đây chồng
      Bõ công cầu khẩn tơ hồng xe duyên

  • Vè hoa

    Hoa nhài thoang thoảng bay xa
    Mùi thơm khác hẳn, thật là có hương
    Hoa cúc không sợ thu sương
    Để màu ẩn dật, mùi hương đậm đà
    Hoa sen mùa hạ nở ra
    Ở bùn mà lại không pha sắc bùn
    Hoa mai chót vót đỉnh non
    Trắng như bông tuyết hãy còn kém xa
    Mẫu đơn phú quý gọi là
    Hải đường sắc đẹp nhưng mà không hương
    Hoa quỳ nhất ý hướng dương
    Hoa liễu trong trắng, trông thường như bông
    Phù dung mọc ở bên sông
    Hoa đào gặp được gió đông mới cười

  • Cái gì mà thấp, cái gì mà cao?

    Cái gì mà thấp, cái gì mà cao?
    Cái gì sáng tỏ hơn sao trên trời?
    Cái gì em trải anh ngồi?
    Cái gì thơ thẩn ra chơi vườn đào?
    Cái gì mà sắc hơn dao?
    Cái gì phơn phớt lòng đào thì em bảo anh?
    Cái gì trong trắng ngoài xanh?
    Cái gì soi tỏ mặt anh, mặt nàng?
    Cái gì xanh, đỏ, trắng, vàng?
    Cái gì ăn phải dạ càng tương tư?
    Cái gì năm đợi tháng chờ?
    Cái gì em đội phất phơ trên đầu?
    Cái gì sắc hơn dao cau?
    Cái gì tiện chũm cho nhau ăn cùng?
    Một quan là mấy trăm đồng?
    Một mối tơ hồng là mấy trăm dây?
    Một cây là mấy trăm cành?
    Một cành là mấy trăm hoa?
    Em ngồi em giảng cho ra,
    Thì anh kết nghĩa giao hòa cùng em
    – Đất thì thấp, trời thì cao
    Ngọn đèn sáng tỏ hơn sao trên trời
    Chiếu hoa em trải anh ngồi
    Khi buồn thơ thẩn ra chơi vườn đào
    Con mắt em sắc hơn dao
    Trứng gà phơn phớt lòng đào hỡi anh
    Cau non trong trắng ngoài xanh
    Gương tàu soi tỏ mặt anh, mặt nàng
    Chỉ ngũ sắc xanh, đỏ, trắng, tím, vàng
    Bùa yêu ăn phải dạ càng tương tư
    Đôi ta năm đợi, tháng chờ
    Cái khăn em đội phất phơ trên đầu
    Con mắt anh liếc sắc hơn dao cau
    Cau non tiện chũm cho nhau ăn cùng
    Một quan là sáu trăm đồng
    Một mối tơ hồng là sáu trăm dây
    Một cây là sáu trăm cành
    Một cành là sáu trăm hoa
    Thưa anh em đã giải ra
    Mong anh kết nghĩa giao hòa cùng em!

  • Rắp toan cưỡi ngựa ra về

    Rắp toan cưỡi ngựa ra về,
    Chàng đề câu đối thiếp đề câu thơ,
    Mải vui ngồi chốn đám cờ,
    Tưởng nhân duyên ấy bao giờ cho quên.
    Chàng về giữ việc bút nghiên,
    Đừng ham nhan sắc mà quên học hành.
    Một mai kiếm được khoa danh,
    Trước là rạng nghiệp sau mình vinh thân.

  • Đôi ta như ruộng năm sào

    Đôi ta như ruộng năm sào
    Cách bờ ở giữa làm sao cho liền?
    Đôi ta như thể đồng tiền
    Đồng sấp đồng ngửa đồng nghiêng đồng nằm
    Đôi ta như thể con tằm
    Cùng ăn một lá cùng nằm một nong
    Đôi ta như thể con ong
    Con quấn con quýt con trong con ngoài
    Đôi ta như thể con bài
    Đã quyết thì đánh đừng nài thấp cao
    Đôi ta như đá với dao
    Năng liếc năng sắc năng chào năng quen

  • Đôi ta như thể con tằm

    Đôi ta như thể con tằm,
    Cùng ăn một lá cùng nằm một nong.
    Đôi ra như thể con ong,
    Con quấn con quýt con trong con ngoài.
    Đôi ta như thể quân bài,
    Chồng đánh vợ kết chẳng sai ván nào.
    Đôi ta như thể con dao,
    Năng liếc thì sắc, năng chào thì quen

  • Nữ nhi là phận tam tùng

    Nữ nhi là phận tam tùng
    Tới đây em hỏi góp anh hùng:
    Ai mà đem lửa đốt cung nhà Tần?
    Ai mà ôm khảy đờn thần?
    Ai làm rung chuyển hồng trần một khi?
    Ai mà ngắt ngọn rau vi?
    Ai mà tưởng Phật ngồi thì bồng lai?
    Ai mà sanh đặng tám trai?
    Lại thêm hai gái sắc tài in nhau?
    Ai mà mắt sáng như thau?
    Ai mà bắt gả con đào về Phiên?
    Ai mà hãm hại Vân Tiên?
    Ai mà nhảy xuống huỳnh tuyền uổng oan?
    Phận gái em hỏi tràn lan
    Như nam nhi anh đối đặng
    Thời nữ em nguyền ôm gói theo anh!

  • Ớ cô Hai mày ơi

    – Ớ cô Hai mày ơi!
    Ta thấy cô Hai mày bảnh lảnh bẻo lẻo,
    Ta cũng muốn tình tang tang tình.
    Đi đâu đứng đó một mình,
    Lại đây ta hỏi tiết trinh lẽ nào.
    Có thương ta, ta mới bước vào,
    Phượng loan cất cánh hòa giao ân tình.
    – Nghe lời nói đó thất kinh,
    Bông sen tàn ai nỡ cắm lộc bình bát xưa.
    Cóc mà mang guốc ai ưa,
    Đỉa đeo chân hạc, sao vừa mà mong.
    Thôi thôi, đừng tưởng đừng hòng.
    Ta đây có xấu, cũng con dòng lương gia.
    Vô duyên ở vậy tới già,
    Dại chi lấy chú, để thiên hạ mà cười chê.
    Vụng về dốt nát đủ bề,
    Suốt năm suốt tháng, giữ bề ở trai.
    – Ớ cô kia, đừng khoe sắc khoe tài,
    Tốt xinh chi đó, chê ai trai cày.
    Sử kinh ta nắm trong tay,
    Tỉ như vua Thuấn còn cày Lịch Sơn.
    Mãi Thần lúc trước khổ bần,
    Trọng Yêm, Hàn Tín ra thân khó hèn.
    – Thôi thôi, chú đừng nhắc tích vòng vo,
    Mấy ông thủa trước, ai so cho bằng.
    Chú ăn học sao không thấy đi thi,
    Ăn thì xó bếp, nằm thì chuồng trâu.
    Chạng không xứng chạng, đừng cầu uổng công.

Chú thích

  1. Hệ giáo dục phổ thông miền Bắc từ năm 1956 đến năm 1985 chia làm ba cấp: cấp I bốn năm, cấp II và cấp III mỗi cấp ba năm, tổng cộng là mười năm.
  2. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  3. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  4. Bủng beo
    Chỉ thể trạng người ốm yếu, có nước da nhợt nhạt như mọng nước.
  5. Có bản chép: Nào khi anh bủng anh beo.
  6. Vông nem
    Còn gọi là cây vông, một loại cây thân có thể cao đến mười mét, có nhiều gai ngắn. Lá vông thường được dùng để gói nem hoặc để làm thuốc chữa bệnh trĩ, mất ngủ…

    Hoa và lá vông nem

    Hoa và lá vông nem

  7. Châu
    Hạt ngọc trai.
  8. Phú quý
    Giàu có và sang trọng (từ Hán Việt).
  9. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  10. Tao nhã
    Thanh cao, nhã nhặn (từ Hán Việt).
  11. Khinh
    Nhẹ, coi nhẹ (từ Hán Việt).
  12. Mựa
    Chớ, đừng (từ cổ).

    Chăn dân mựa nữa mất lòng dân
    (Nguyễn Trãi)

  13. Tửu điếm
    Quán rượu (từ Hán Việt).
  14. Trà đình
    Quán trà (từ Hán Việt).
  15. Phú Lộc
    Một làng nay thuộc xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, có nghề truyền thống là làm hương (nhang).
  16. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  17. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  18. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  19. Sắt cầm
    Đàn sắt và đàn cầm, hai loại đàn của Trung Quốc. Tương truyền, đàn sắt do vua Phục Hy chế ra vào khoảng gần ba nghìn năm trước công nguyên, còn đàn cầm do vua Thuấn chế ra khoảng một nghìn năm sau đó. Đàn sắt và đàn cầm thường được đánh hòa với nhau, vì vậy chữ sắt cầm, duyên cầm sắt được dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

    Chàng dù nghĩ đến tình xa
    Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ

    (Truyện Kiều)

  20. Quan thư
    Bài thơ mở đầu Kinh Thi. Thật ra những bài thơ trong Kinh Thi đều không có tiêu đề, người biên soạn thường lấy một hai từ đầu của bài thơ để đặt cho dễ nhớ. Riêng ở đây từ “quan thư” có thể hiểu là tiếng “chim thư kêu.” Bốn câu đầu của bài như sau:

    Quan quan thư cưu
    Tại hà chi châu.
    Yểu điệu thục nữ,
    Quân tử hảo cầu

  21. Hiệp
    Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
  22. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  23. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  24. Kinh sử
    Sách vở Nho giáo nói chung. Thời xưa sách vở được phân làm bốn loại: kinh (kinh điển), sử (lịch sử), tử (lời của các nhà tư tưởng), tập (tuyển tập văn thơ).
  25. Thì
    Thời, lúc.
  26. Chúa
    Chủ, vua.
  27. Từ đâu này đến cuối, có bản chép:

    Một mai chiếm bảng xuân vi
    Ấy là đề diệp tinh kỳ từ đây
    Ai ơi nghe thiếp lời này

  28. Cao Lãnh
    Thành phố đồng thời là tỉnh lị của tỉnh Đồng Tháp. Cao Lãnh cũng là tên một huyện của tỉnh Đồng Tháp, cách thành phố Cao Lãnh 8 km về hướng Đông-Nam.
  29. Cà Mau
    Tỉnh ven biển ở cực Nam nước ta, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm. Tên gọi Cà Mau có gốc từ tiếng Khmer “Tưk Kha-mau” có nghĩa là nước đen - màu nước đặc trưng ở đây là màu đen do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh rụng xuống. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã, hệ thống sông ngòi chằng chịt, và có nguồn dự trữ sinh thái phong phú.

    Phong cảnh Cà Mau

    Phong cảnh Cà Mau

  30. Rạch Giá
    Địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang. Có ý kiến cho rằng tên "Rạch Giá" có nguồn gốc từ việc vùng đất này có rất nhiều cây giá mọc hai bên bờ rạch. Vào thời vua Gia Long, Rạch Giá là một vùng đất chưa khai khẩn, còn hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người Khmer. Dưới thời kháng chiến chống Pháp, Rạch Giá là căn cứ địa của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Thành phố Rạch Giá ngày nay có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, đường biển, đường bộ và đường hàng không nhằm kết nối với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á.
  31. Giạ
    Đồ đong lúa đan bằng tre (có chỗ ghép bằng gỗ), giống cái thúng sâu lòng, thường đựng từ 10 ô trở lại, thường thấy ở miền Trung và Nam (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của). Một giạ ta tùy địa phương lại có giá trị khác nhau, từ 32 cho tới 45 lít, giạ tây (thời Pháp đô hộ) chứa 40 lít. Đến giữa thế kỉ 20 xuất hiện loại giạ thùng được gò bằng tôn, chứa 40 lít.

    Giạ đong lúa

    Giạ đong lúa bằng gỗ

  32. Cắc
    Cách người Nam Bộ gọi đồng hào. Theo học giả An Chi, đây là biến âm của 角 giác, nghĩa là hào.
  33. Tứ sắc
    Tên một trò chơi bài lá phổ biến ở Trung và Nam Bộ. Bộ bài tứ sắc có 28 lá khác nhau, chia thành 4 màu (đỏ, vàng, xanh, trắng) và 7 cấp bậc: Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt.

    Bài tứ sắc

    Bài tứ sắc

  34. Trà Vinh
    Tên một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer: chữ viết, lễ hội, đền chùa... Tại đây cũng có nhiều đặc sản như cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; rượu Xuân Thạnh, bánh tét, bánh tráng ba xe, mắm kho, bún nước lèo...

    Chùa Kompong Ksan tại Trà Vinh

    Chùa Kompong Ksan tại Trà Vinh

    Bún nước lèo - đặc sản Trà Vinh

    Bún nước lèo - đặc sản Trà Vinh

  35. Trà Bang
    Một địa danh nay thuộc huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng.
  36. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  37. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  38. Ngọc Hoàng Thượng Đế
    Thường được gọi tắt là Ngọc Hoàng, cũng gọi là Ngọc Đế hoặc Thiên Đế, vị vua tối cao của bầu trời, cai quản Thiên đình trong quan niệm của Trung Quốc và Việt Nam. Theo thần thoại, Ngọc Hoàng Thượng Đế là người trần, tu luyện một nghìn bảy trăm năm mươi kiếp, mỗi kiếp mười hai vạn chín nghìn sáu trăm năm. Ngọc Hoàng cai quản toàn bộ lục giới : Nhân, Thần, Ma, Yêu, Quỷ, Tiên.

    Hình tượng Ngọc Hoàng

    Hình tượng Ngọc Hoàng

  39. Thiên Lôi
    Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
  40. Thủy Tế
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thủy Tế, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  41. Viền
    Về (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  42. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  43. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  44. Tri kỉ
    Người thân thiết, hiểu rõ mình, từ chữ tri (biết) và kỉ (mình).
  45. Bõ công
    Đáng công.
  46. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  47. Mẫu đơn
    Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...

    Hoa mẫu đơn

    Hoa mẫu đơn

  48. Hải đường
    Loài cây nhỡ, sống nhiều năm, họ Chè. Lá dài, dày, mặt trên bóng, mép có nhiều răng cưa. Hoa mọc từ 1 đến 3 đóa ở gần ngọn cây, ngọn cành; hoa có cuống dài, tràng hoa đỏ tía, nhiều nhị đực. Hoa nở vào dịp Tết Âm lịch, đẹp nhưng không thơm.

    Hoa hải đường

    Hoa hải đường

  49. Dã quỳ
    Còn có tên là cúc quỳ, sơn quỳ hoặc hướng dương dại, một loại cây cho hoa màu vàng mọc nhiều ở các khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới. Ở nước ta, dã quỳ được người Pháp đưa vào các đồn điền ở Lâm Đồng, sau dần mọc hoang khắp các tỉnh Tây Nguyên.

    Hoa quỳ

    Hoa quỳ

  50. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  51. Phù dung
    Còn gọi là mộc phù dung, địa phù dung, mộc liên, loại cây thân nhỡ có hoa, lá có năm cánh, hoa lớn, có hai loại là hoa đơn và hoa kép, hoa nở xòe to bằng cái bát, chất cánh xốp, trông như hoa giấy. Hoa thay đổi màu sắc từ sáng đến chiều (sáng trắng, trưa hồng, chiều đỏ).

    Hoa phù dung

    Hoa phù dung

  52. Câu này có lẽ lấy ý từ hai câu thơ của Thôi Hộ thời Đường:

    Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong

    Dịch:

    Mặt người giờ ở nơi nao?
    Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông.

  53. Tương tư
    Nhớ nhau (từ Hán Việt). Trong văn thơ, tương tư thường được dùng để chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương trong tình yêu trai gái.

    Gió mưa là bệnh của Trời
    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

    (Tương tư - Nguyễn Bính)

  54. Dao cau
    Thứ dao nhỏ và sắc, dùng để bổ cau.

    Dao cau

    Dao cau

  55. Chũm
    Phần đầu và đuôi của quả cau.
  56. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  57. Tơ hồng
    Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.

    Dây tơ hồng

    Dây tơ hồng

  58. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  59. Rắp toan
    Sắp sửa (từ cũ).
  60. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  61. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  62. Năng
    Hay, thường, nhiều lần.
  63. Liếc
    Miết đi miết lại lưỡi dao vào đá mài hoặc vật cứng để dao sắc hơn.
  64. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  65. Tần
    Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

  66. Hồng trần
    Bụi hồng (từ cũ, văn chương). Tự điển Thiều Chửu giảng: Sắc hồng là mầu đỏ tươi hơn các sắc đỏ khác, cho nên gọi các kẻ được yêu dấu vẻ vang là hồng. Chốn bụi hồng là chỉ các nơi đô hội.

    Đùng đùng gió giật mây vần
    Một xe trong cõi hồng trần như bay

    (Truyện Kiều)

  67. Núi Bồng Lai
    Một vùng cảnh đẹp thần tiên trong thần thoại Trung Quốc. Truyền thuyết này du nhập vào Nhật Bản và trở thành truyền thuyết về Hōrai. Theo đó, có thuyết cho rằng núi Bồng Lai chính là núi Phú Sĩ. Bồng Lai cũng là tên một thị xã ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nhưng chưa có chứng cứ xác thực liệu đây có phải là nơi mà thần thoại miêu tả hay không. Cụm từ "bồng lai tiên cảnh" nay được dùng phổ biến để chỉ những nơi cảnh đẹp như chốn thần tiên.

    Bức họa vẽ cảnh "Bồng Lai tam đảo".

    Bức họa vẽ cảnh "Bồng Lai tam đảo"

  68. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  69. Con đào
    Cách người Nam Bộ trước đây gọi người con gái.
  70. Thổ Phồn
    Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
  71. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  72. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  73. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  74. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  75. Lương
    Hiền lành, tử tế (từ Hán Việt).
  76. Gia
    Nhà (từ Hán Việt).
  77. Thuấn, Nghiêu
    Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
  78. Tương truyền thuở thiếu thời, trước khi được vua Nghiêu của nhà Đường Nghiêu truyền ngôi cho, ông Thuấn thường phải đi cày đất làm ruộng ở Lịch Sơn, huyện Lỗ Sơn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
  79. Chu Mãi Thần
    Một nhân vật đời Hán ở Trung Quốc. Điển tích kể rằng thuở hàn vi, nhà nghèo, Mãi Thần phải đi đốn củi rừng đem bán nhưng có tính ham đọc sách, thường treo sách đầu gánh, vừa đi vừa đọc. Vợ là Thiệt Thê không chịu nổi cảnh nghèo túng, bỏ đi lấy chồng khác. Sau Mãi Thần được công thành danh toại, trên đường vinh quy thì gặp lại vợ cũ. Thiệt Thê xin tha lỗi, cho nàng trở lại làm vợ. Mãi Thần lấy bát nước đầy, đổ xuống đất, bảo nếu hốt lại đầy bát nước như trước, sẽ nhận nàng về làm vợ như xưa.

    Chèo cổ Việt Nam có vở Chu Mãi Thần ra đời vào thế kỉ 19, không rõ tác giả. Đến nay, người ta chỉ còn trích diễn một vở hài phát triển trên vở này có tên Tuần ti đào Huế.

    Vở chèo Tuần ti đào Huế.

  80. Phạm Trọng Yêm
    Một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống, Trung Quốc. 
  81. Hàn Tín
    Một danh tướng thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, có công giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên nhà Hán. Ông cùng với Trương LươngTiêu Hà được đời sau xưng tụng là Hán triều tam kiệt (ba vị hào kiệt nhà Hán). Sau khi thiên hạ bình định, Hán Cao Tổ Lưu Bang vì e ngại tài năng của Hàn Tín nên giáng chức ông xuống thành Hoài Âm hầu, tước quyền bính. Đến năm 196 TCN, Hàn Tín mưu phản, bị Lã Hậu giết cả ba họ.

    Trong lịch sử Trung Quốc, Hàn Tín là một trong những danh tướng được nhắc đến nhiều nhất. Nhiều điển tích, điển cố như cơm phiếu mẫu, lòn trôn giữa chợ, câu nói "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn..." là từ ông mà ra.

  82. Đồng chạng
    Cùng lứa, cùng tuổi (phương ngữ Nam Bộ). Chạng là cách đọc trại của trượng.