Tìm kiếm "năng mưa"

  • Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái

    Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái
    Đầu thì hớt chải tóc tém bảy ba
    Mặc áo bà ba khăn rằn choàng cổ
    Thấy cô em gái Ba Xuyên ngồ ngộ
    Nên muốn cùng ai thố lộ đôi lời
    Cấy cày cực lắm em ơi
    Theo anh về vườn ăn trái một đời ấm no
    – Gái Ba Xuyên tuy quê mùa dân dã
    Tóc dài bỏ xõa áo vải bà ba
    Nắng táp mưa sa mà mịn da dài tóc
    Không đẹp bằng ai nhưng vừa vóc
    Tuy quê quýt nhưng không thích trai vườn
    Trai mà dở dở ương ương
    Ngồi không hái trái hết đường tương lai

  • Rủ nhau bước xuống ruộng vàng

    Rủ nhau bước xuống ruộng vàng
    Nơi lộng tiếng hát, nơi vang tiếng cười
    Những trông lúa chín mà vui
    Bông ngã bông cúi, bông thời gió lay
    Lưỡi liềm bán nguyệt cầm tay
    Lúa vàng nghìn gốc, muôn cây thu về
    Bõ khi mưa nắng dãi dề
    Bõ công dậy sớm, thức khuya bấy chầy
    Trồng cây ăn quả có ngày
    Đất kia đâu phụ công này mà lo

  • Vè gái hư

    Ai ơi lẳng lặng mà nghe
    Người xưa để lại bài vè gái hư
    Nấu cơm bữa thiếu bữa dư
    Bữa sống bữa khét bữa như cháo bồi
    Đụng đâu cũng lết vào ngồi
    Lấm lem vạt áo như nùi giẻ lau
    Quần thì ống thấp ống cao
    Đầu bù tóc rối tào lao suốt ngày
    Ngồi lê đôi mách thật tài
    Sáng thì đôi chối chiều thì phân bua
    Tính tình quạu quọ câu mâu
    Gặp trai cọ vế ngoẹo đầu múa may
    Người thì lúc lắc lúc lay
    Hở hang mất nết nhướng mày vảnh môi

  • Khó thay công việc nhà quê

    Khó thay công việc nhà quê
    Quanh năm khó nhọc dám hề khoan thai
    Tháng chạp thì mắc trồng khoai
    Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà
    Tháng ba cày vỡ ruộng ra
    Tháng tư bắc mạ thuận hòa mọi nơi
    Tháng năm gặt hái vừa rồi
    Bước sang tháng sáu lúa trôi đầy đồng
    Nhà nhà vợ vợ chồng chồng
    Đi làm ngoài đồng sá kể sớm trưa
    Tháng sáu tháng bảy khi vừa
    Vun trồng giống lúa bỏ chừa cỏ tranh
    Tháng tám lúa giỗ đã đành
    Tháng mười cắt hái cho nhanh kịp người
    Khó khăn làm mấy tháng trời
    Lại còn mưa nắng thất thời khổ trông
    Cắt rồi nộp thuế nhà công
    Từ rày mới được yên lòng ấm no.

  • Nón này em sắm ở đâu

    Nón này em sắm ở đâu
    Dọc ngang mấy thước, móc khâu mấy lần
    Em mà đáp được như thần
    Thì anh trả nón đưa chân anh về
    – Nón này em sắm chợ Giầu
    Dọc ngang thước rưỡi, móc khâu năm đường
    Nón này chính ở làng Chuông
    Làng Già lợp nón, Khương Thường bán khua
    Hà Nội thì tết quai tua
    Có hai con bướm đậu vừa xung quanh
    Tứ bề nghiêng nón chạy quanh
    Ở giữa con bướm là hình ông trăng
    Nón này em sắm tiền trăm
    Ai trông cái nón ba tầm cũng ưa
    Nón này che nắng che mưa
    Nón này để đội cho vừa đôi ta
    Nón này khâu những móc già
    Em đi thử nón đã ba năm chầy
    Muốn em chung mẹ chung thầy
    Thì anh đưa cái nón này em xin.

  • Vè bài chòi

    Bài chòi bài tới là ba mươi lá
    Dang tay xớn xá là cái gã Ông Ầm
    Hay đi sụp hầm, là anh Tứ Cẳng
    Một dề trăng trắng, là chị Bạch Huê
    Ăn cận nằm kề, là anh Chín Gối
    Ba chìm bảy nổi, là chị Sáu Ghe
    Lập bạn lập bè, là anh Năm Dụm
    Hay đùm hay túm, Tứ Xách đã quen
    Quần áo lèng teng, Nhì Nghèo cực khổ
    Hay bươi hay mổ, là chị Ba Gà
    Có ngạnh có ngà, là anh Tứ Tượng
    Phủ màn treo trướng, là chị Tám Dừng
    Ướt áo ướt quần, là anh Ngũ Trợt
    Rung cây không rớt, Tứ Móc thiệt hay
    Con mắt nhắm ngay, Tam Quăng thiệt giỏi

  • Vè bần phú

    Thảo một bài bần phú,
    Luận đôi câu nhơn nghĩa tinh vi.
    Kẻ đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Người thất thế, thất thi thất nghiệp.

    Cũng có kẻ cực già đời mãn kiếp,
    Cũng có người phong lưu tự bé chí già.
    Việc ấy nghĩ không ra,
    Chẳng biết tại căn hay là tại số?

    Cũng có kẻ ở phường, ở phố,
    Cũng có người sầu giả lâm bô.
    Đã khắp trong cửu quận mười đô,
    Vì hai chữ phú bần lợn lạo.

  • Một trăm thứ dầu dầu chi không ai thắp

    – Một trăm thứ dầu, dầu chi không ai thắp?
    Một trăm thứ bắp, bắp chi chẳng ai rang?
    Một trăm thứ than, than chi không ai quạt?
    Một trăm thứ bạc, bạc chi bán chẳng ai mua?
    Trai nam nhi anh đối đặng, gái bốn mùa xin theo
    – Một trăm thứ dầu, dầu xoa không ai thắp
    Một trăm thứ bắp, bắp chuối chẳng ai rang
    Một trăm thứ than, than thân không ai quạt
    Một trăm thứ bạc, bạc tình bán chẳng ai mua
    Trai nam nhi anh đối đặng, gái bốn mùa tính sao?

    Dị bản

    • – Trong trăm loại dầu, dầu chi là dầu không thắp?
      Trong trăm thứ bắp, bắp chi là bắp không rang?
      Trong trăm thứ than, than chi là than không quạt?
      Trong ngàn thứ bạc, bạc chi là bạc không đổi không tiêu?
      Trai nam nhi chàng đối đặng, dải lụa điều em trao
      – Trong trăm loại dầu, nắng dãi mưa dầu là dầu không thắp
      Trong trăm thứ bắp, lắp bắp mồm miệng là bắp không rang
      Trong trăm thứ than, than thở than thân là than không quạt
      Một ngàn thứ bạc, bạc tình bạc nghĩa là bạc không đổi không tiêu
      Trai nam nhi anh đà đối đặng, dải lụa điều ở đâu?

    Video

  • Chợ Sài Gòn bán chó, chợ Thầy Phó bán heo

    Chợ Sài Gòn bán chó, chợ Thầy Phó bán heo
    Thương em anh bơi xuồng xuống, lúc đứng lúc chèo
    Cả ngày đường xa vắng, nhưng em chê phận anh nghèo phải khổ tấm thân.

    Dị bản

    • Chợ Ngã Năm bán chó, chợ Thầy Phó bán heo
      Thương em, anh giang xuồng lên xuống, lúc nghỉ lúc chèo
      Cả ngày đường xa mưa nắng, em chê phận anh nghèo, thiệt khổ tấm thân anh.

  • Đồng ếch đồng ác

    Đồng ếch đồng ác
    Con đã về đây
    Giường chiếu chẳng có
    Thiệt thay trăm đường
    Ban ngày ếch ở trong hang
    Đêm khuya thanh vắng xở xang ra ngoài
    Trời cho quan tướng nhà trời
    Thắt lưng bó đuốc tìm tôi làm gì
    Tìm tôi bắt bỏ vào thời
    Tôi kêu ì ộp, chẳng rời tôi ra
    Sáng rạng ngày ra
    Con dao cái thớt xách mà đem băm
    Ba thằng cầm đũa nhăm nhăm
    Thằng gắp miếng thịt, thằng nhằm miếng da
    Một thằng gắp miếng tù và
    Nó thổi phì phà, nó lại khen ngon

    Dị bản

    • Hồn ếch ta đã về đây
      Phải năm khô cạn, ta nay ở bờ
      Ở bờ những hốc cùng hang
      Chăn chiếu chẳng có trăm đường xót xa
      Lạy trời cho đến tháng ba
      Được trận mưa lớn ta ra ngồi ngoài
      Ngồi ngoài rộng rãi thảnh thơi
      Phòng khi mưa nắng ngồi ngoài kiếm ăn
      Trước kia ta vẫn tu thân
      Ta tu chẳng được thì thân ta hèn
      Ta gặp thằng bé đen đen
      Nó đứng nó nhìn nó chẳng nói chi
      Ta gặp thằng bé đen sì
      Tay thì cái giỏ tay thì cần câu
      Nó có chiếc nón đội đầu
      Khăn vuông chít tóc ra màu xinh thay
      Nó có cái quạt cầm tay
      Nó có ống nứa bỏ đầy ngóe con
      Nó có chiếc cán thon thon
      Nó có sợi chỉ sơn son mà dài
      Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
      Nó giật một cái đã sai quai hàm
      Mẹ ơi lấy thuốc cho con
      Lấy những lá ớt cùng là xương sông
      Ếch tôi ở tận hang cùng
      Bên bè rau muống phía trong bè dừa
      Thằng Măng là chú thằng Tre
      Nó bắt tôi về làm tội lột da
      Thằng Hành cho chí thằng Hoa
      Mắm muối cho vào, ơi hỡi đắng cay!

  • Em về Kẻ Chợ em coi

    Em về Kẻ Chợ em coi
    Kìa dinh quan lớn, kìa chòi bắn cung
    Con ngựa hồng bao tiền, bao hậu
    Các quan trào áo bậu lưng đai
    Súng anh vác vai, hỏa mai anh tọng nạp
    Anh bắn mai này đùng đùng dạ dạ
    Anh bắn mai này trả nợ nhà vương
    Thương anh gối đất nằm sương

    Dị bản

    • Đường ra Kẻ Chợ xem voi
      Kìa bãi tập trận nhà chòi bắn cung
      Bắn con ngựa hồng báo tiền báo hậu
      Các quan võ thần mặc áo nậu thắt lưng xanh
      Khẩu súng vác vai chân anh quỳ đạp
      Anh đánh trận này, anh đuổi trận này giả nợ nhà vua.
      Bõ công dãi nắng dầm mưa.

Chú thích

  1. Cổ Ngư
    Tên một con đê ngăn giữa hồ Trúc Bạchhồ Tây, được cho là đắp hồi đầu thế kỉ 17 để tiện việc đánh bắt cá. Ban đầu đê được gọi là Cố Ngự (nghĩa là "giữ cho vững"), sau đọc trại thành Cổ Ngư, nay là đường Thanh Niên, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội.

    Đường Thanh Niên

    Đường Thanh Niên

  2. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  3. Yên Phụ
    Tên cũ là Yên Hoa, một làng cổ nằm ven Hồ Tây, có nghề nuôi cá cảnh và nghề làm hương đốt. Nay là phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Ô Yên Phụ nằm ở làng là một trong năm cửa ô nổi tiếng từ thời xưa của Hà Nội.
  4. Yên Quang
    Tên làng nay là khu vực đầu phố Cửa Bắc đến đền Quán Thánh, Hà Nội, nằm về phía nam hồ Trúc Bạch.
  5. Nhơn Ái
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ.
  6. Áo bà ba
    Một loại áo phổ biến ở các địa phương miền Nam, ở miền Bắc gọi là áo cánh. Áo không có bâu (cổ áo), được xẻ ở hai bên hông, vạt áo ngắn ngang hông, có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi.

    Áo bà ba cùng với khăn rằn được coi là một trong những đặc trưng văn hóa Nam Bộ, mặc dù hiện nay áo đã được "cải tiến" khá nhiều.

    Về nguồn gốc tên áo, nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba” (Văn minh miệt vườn).

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  7. Khăn rằn
    Một loại khăn đặc trưng của người Nam Bộ, thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn.

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  8. Ba Xuyên
    Tên một phủ dưới thời nhà Nguyễn, gồm ba tổng: Vĩnh Định, Phong Nhiêu và Phong Thạnh. Từ năm 1889, Pháp nâng phủ lên thành tỉnh, lấy tên cũ là Sóc Trăng.
  9. Bán nguyệt
    Nửa hình tròn (bán nguyệt từ Hán Việt nghĩa là nửa mặt trăng).
  10. Bấy chầy
    Từ ấy đến nay, bao lâu nay (từ cổ).

    Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
    Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
    (Truyện Kiều)

  11. Cháo bồi
    Một món cháo dân dã, nấu cùng với bột bán, bẹ môn xắt khúc, tôm tươi lột vỏ, giò heo...

    Cháo bồi

    Cháo bồi

  12. Câu mâu
    Hay quạu, hay bắt lỗi bắt phép (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Paulus Của).
  13. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  14. Thước
    Đơn vị đo chiều dài cổ ở nước ta. Một thước ngày đó bằng 40 cm. Ngày nay một thước được hiểu là 1 m.
  15. Phù Lưu
    Một ngôi làng cổ ở Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, còn gọi là làng Giầu, Chợ Giầu. Làng có truyền thống buôn bán và văn hóa. Vào các thế kỷ 15, 16, 17, Phù Lưu là một làng chợ lớn nên mới có tên chữ là Thị thôn (làng chợ). Nay Thị Thôn là tên một thôn ở xã Hán Quảng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
  16. Quang Trung
    Một làng nay thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, có tên nôm là làng Chuông. Làng nổi tiếng với nghề làm nón lá. Chợ làng cũng gọi là chợ Chuông, chuyên bán nón và các nguyên vật liệu làm nón.

    Phơi lá lụi để làm nón

    Phơi lá lụi để làm nón

  17. Làng Già
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Làng Già, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  18. Khương Thượng
    Còn có tên khác là làng Sại, trại Ông Đình, làng Đình Gừng, một làng cổ nay thuộc địa bàn phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Làng có giếng cổ được cho là vết tích của "giếng Cao Biền."
  19. Khua
    Vành tròn đan bằng tre hoặc đay, gắn vào lòng nón để đội cho chắc.

    Khâu nón lá thủ công

    Khâu nón lá thủ công

  20. Quai thao
    Còn gọi quai tua, phần quai để giữ nón quai thao. Một bộ quai thao gồm từ hai đến ba sợi thao (dệt từ sợi tơ) bện lại với nhau, gọi là quai kép, thả võng đến thắt lưng. Khi đội phải lấy tay giữ quai ở trước ngực để tiện điều chỉnh nón.

    Chiếc nón quai thao ngày xưa

    Chiếc nón quai thao ngày xưa

  21. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  22. Bài tới
    Một trò chơi bài rất phổ biến ở miền Trung ngày trước. Bộ bài 60 con chia làm ba pho, được chia cho hai phe, mỗi phe ba người, mỗi người lấy sáu con bài, xây bài trên tay. Người chọn đi bài, trước tiên rút một con bài bỏ ra, lệ cấm dùng các con bài có dấu triện đỏ (Ông ầm, Thái tử, Đỏ mỏ). Những tay bài khác, nếu có con bài giống con bài chợ (bài vừa được đánh ra) thì rút con ấy ra bắt và đi một con bài khác. Các tay bài khác lại tiếp tục bắt và đi cho đến khi có một tay bài tới là hết một ván bài. Tới bài tức là khi trên tay chỉ còn hai lá bài và lúc đó, người đi bài đã đi đúng tên một trong hai con bài mà mình đang chờ để tới.

    Bài chòi cũng dùng bộ bài này, nhưng chỉ chơi vào ngày Tết và không có tính ăn thua đỏ đen như bài tới.

  23. Dề
    Phương ngữ Trung Bộ, chỉ những thứ kết lại với nhau thành mảng lớn (một dề lục bình, một dề rác rến...)
  24. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  25. Dừng
    Thanh bằng tre nứa cài ngang dọc để trát vách.

    Vách đất trát lên tấm dừng

    Đất trát lên tấm dừng làm vách nhà

  26. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Thảo
    Viết ra.
  28. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  29. Đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Được thời thì được lễ nghi (chữ Hán).
  30. Thất thế
    Mất thế lực, mất chỗ tựa. Từ chữ Hán thất 失 (mất) và thế 勢 (thế lực).
  31. Thất nghiệp
    Không có nghề nghiệp, việc làm.
  32. Mãn kiếp
    Suốt đời, cho đến tận lúc chết (thường nói về việc không hay).
  33. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  34. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  35. Căn
    Gốc rễ (chữ Hán). Khái niệm căn thường được gặp trong lí thuyết Phật giáo, chỉ những điều căn bản, gốc rễ của nhận thức, sự việc.

    Thiện căn ở tại lòng ta
    Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
    (Truyện Kiều)

  36. Số kiếp
    Vận mệnh của một đời người.
  37. Lâm bô
    Có nguồn gốc từ danh từ limbo trong tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là một nơi giam cầm các linh hồn hay đang ở vào một tình trạng nào đó dang dở.
  38. Cửu
    Số chín, thứ chín (từ Hán Việt)
  39. Lợn lạo
    Có thể là cách đọc trại đi của từ lộn lạo.
  40. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  41. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  42. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  43. Chợ Thầy Phó
    Tên mới là chợ Hựu Thành, một cái chợ ở Thầy Phó, tỉnh Vĩnh Long.

    Chợ Thầy Phó hiện nay

    Chợ Thầy Phó hiện nay

    Xem phóng sự về chợ Thầy Phó.

  44. Xở xang
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Xở xang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  45. Thời
    Cái giỏ cá (phương ngữ).
  46. Tù và
    Dạ dày ếch, hay được chế biến thành các món ăn.

    Tù và ếch xào măng

    Tù và ếch xào măng

  47. Ngóe
    Loại nhái rất nhỏ, thân hình chỉ lớn bằng đầu ngón tay cái.
  48. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  49. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  50. Trào
    Triều (từ cũ).
  51. Hỏa mai
    Cái mồi lửa, dùng để đốt dây mồi cho cháy trước khi bắn.
  52. Áo nậu
    Áo vải màu có nẹp, ngày trước phu, lính hoặc những người mang đồ rước mặc trong những dịp long trọng.

    Áo nậu

    Áo nậu

  53. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  54. Cẩm Nang
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cẩm Nang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  55. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  56. Cử Nại
    Tên Nôm là kẻ Nại, một làng nay thuộc xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
  57. Nón cời
    Nón lá rách, cũ.

    Đội nón cời

    Đội nón cời

  58. Cắng
    Một giống chim trĩ.
  59. Miết
    Hoài, mãi (phương ngữ Trung Bộ và Nam Bộ).
  60. Lan
    Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

  61. Huệ
    Một loài cây nở hoa rất thơm về đêm. Vì đặc tính độc đáo ấy, huệ còn có tên là dạ lai hương (thơm về đêm). Huệ được dùng nhiều trong việc cúng, lễ mà ít dùng để tặng nhau. Lưu ý phân biệt với hoa huệ tây, còn gọi là hoa loa kèn.

    Hoa huệ

    Hoa huệ