Tìm kiếm "mưa phùn"

Chú thích

  1. Lạc
    Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.

    Hạt lạc (đậu phộng)

    Hạt lạc (đậu phộng)

  2. Đậu nành
    Một giống đậu rất phổ biến ở nước ta và trên cả thế giới. Hạt đậu nành được sử dụng rất đa dạng, bao gồm dùng trực tiếp (rang, luộc, nấu canh, nấu chè...) hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa...

    Hạt và các sản phẩm từ đậu nành

    Hạt và các sản phẩm từ đậu nành

  3. Sả
    Một loại cỏ cao, sống lâu năm, có mùi thơm như chanh. Tinh dầu sả được dùng để ướp tóc. Thân cây sả có thể làm gia vị.

    Sả

    Sả

  4. Rau húng
    Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.

    Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.

    Rau húng

    Húng lủi (húng Láng)

  5. Hát chầu văn
    Còn gọi là hát văn hay hát bóng, một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền có xuất xứ từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo). Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát chầu văn là cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Vào thời gian này, thường có các cuộc thi hát để chọn cung văn. Từ năm 1954, hát văn dần dần mai một vì hầu đồng bị cấm do bị coi là mê tín dị đoan, và chỉ phát triển trở lại từ những năm 1990. Hiện nay, hát chầu văn được xem như một di sản văn hóa phi vật thể.

    Hát chầu văn

    Hát chầu văn

    Nghe Những bài hát chầu văn hay nhất của nghệ sĩ Xuân Hinh.

  6. Khăn chầu áo ngự
    Cách gọi chung của những trang phục hầu đồng, tế lễ, được các ông đồng bà cốt mặc trong những buổi hát chầu văn, để các chư thánh giá ngự. Những trang phục này có nhiều họa tiết rồng phượng, được chia thành các thứ bậc: màu đỏ cờ là ngôi đệ nhất, màu xanh lá cây tươi là ngôi thứ hai, màu trắng là ngôi thứ ba...

    Khăn chầu áo ngự

    Khăn chầu áo ngự

  7. Cung văn
    Người làm nghề hát chầu văn trong buổi lên đồng.

    Cung văn

    Cung văn

  8. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy

  9. Triệu Vân
    Tự là Tử Long (nên cũng gọi là Triệu Tử), một danh tướng nhà Thục, thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Một trong Ngũ Hổ tướng (cùng với Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu và Hoàng Trung), ông có công rất lớn trong việc thành lập nhà Thục Hán. Triệu Tử Long thường được nhắc đến với trận Đương Dương trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, trong đó ông một mình một ngựa đưa ấu chúa Lưu Thiện vượt vòng vây của địch, chém gãy 2 lá cờ to, cướp 3 ngọn giáo, cướp được gươm Thanh Cang, trước sau giết được hơn 50 tướng Tào.

    Hình vẽ Triệu Vân

    Hình vẽ Triệu Vân

  10. Gia Cát Lượng
    Tên chữ là Khổng Minh, biệt hiệu là Ngọa Long (rồng nằm), quân sư của Lưu Bị và thừa tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông giỏi cầm quân, có tài nội trị, ngoại giao, lại hết lòng trung thành, được đời sau gọi là "vạn đại quân sư" (vị quân sư muôn đời). Ảnh hưởng của Gia Cát Lượng trong dân gian rất lớn - những người có trí tuệ xuất chúng thường được xưng tụng là Khổng Minh tái thế.

    Gia Cát Lượng

    Gia Cát Lượng

  11. Sái
    Phần bã thuốc phiện, thuốc lào còn lại sau khi hút. Người hút thuốc phiện, sau khi hút cữ đầu tiên, nếu còn thòm thèm mà không còn tiền thì thường nạo sái trong ống thuốc ra để hút lại.

    Dân gian có từ "hưởng sái" chính là từ chữ này.

  12. Cao Biền
    Một viên tướng của nhà Đường (Trung Hoa), giữ chức Tiết độ sứ, cai quản Giao Châu (tên gọi của nước ta khi ấy) từ năm 866 đến năm 875. Theo Cựu Đường thư, Cao Biền liệt truyện thì Cao Biền thuộc dòng dõi thế gia, từ bé đã giỏi văn chương, lại có tài võ nghệ. Trong văn hóa Việt Nam có nhiều huyền thoại về nhân vật này như Cao Biền giỏi địa lí, thuật số, thường cưỡi diều bay đi yểm những chỗ có long mạch, hay chuyện Cao Biền rải đậu thành binh...
  13. Gia Cát cầu phong
    Một điển tích được trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung nhưng không có thật trong lịch sử. Theo đó, Lưu Bị và Tôn Quyền liên minh với nhau chống lại quân Tào Tháo với danh nghĩa triều đình. Chu Du muốn dùng hỏa công để phá thủy quân của Tào Tháo, nhưng không có gió thuận vì bấy giờ là mùa đông. Cuối cùng trước khi trận Xích Bích diễn ra, Khổng Minh lập đàn cầu gió. Trời liền nổi gió Đông, thuyền của quân Tào bắt lửa cháy rụi.
  14. Tào Tháo
    Một nhà quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc, được người Việt Nam biết đến chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, theo đó ông được miêu tả là một người gian hùng và đa nghi. Trong lịch sử, Tào Tháo là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc, và có công rất lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng (Huỳnh Cân) và nạn Đổng Trác.

    Tào Tháo

    Tào Tháo

  15. Trận Xích Bích
    Một trận đánh lớn diễn ra vào mùa đông năm 208, thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Trong trận này, liên quân Tôn Quyền-Lưu Bị đã đánh bại 80 vạn binh của Tào Tháo bằng hỏa công, mở đầu định hình thế chân vạc chia ba thiên hạ. Trận Xích Bích đã được tiểu thuyết hóa trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung với các tình tiết hư cấu như Gia Cát lập đàn cầu phong, thuyền cỏ mượn tên...
  16. Trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, sau khi bại trận Xích Bích, Tào Tháo dẫn tàn quân tháo chạy, nhưng liên tục bị các cánh quân của Lã Mông, Lăng Thống, Cam Ninh, Triệu Vân, Trương Phi phục kích đổ ra đánh, trước khi bị quân của Quan Vân Trường chặn lại ở đường hẻm Hoa Dung. Tại đây Tào Tháo đã phải van xin Quan Vũ "vì tình xưa nghĩa cũ" mà tha mạng. Chi tiết này không có thật trong lịch sử.
  17. Đay
    Một loại cây thuộc họ bông gòn, chiều cao từ 2 - 5 m, vỏ cây dùng để làm sợi. Trong Chiến tranh Đông Dương, Pháp và Nhật đã bắt dân ta "nhổ lúa trồng đay" nhằm phục vụ chiến tranh (sản xuất quân trang, quân phục), làm sản lượng lương thực bị giảm mạnh, góp phần gây nên nạn đói năm Ất Dậu ở miền Bắc.

    Cây đay

    Cây đay

  18. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  19. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  20. Tỉa
    Trồng bằng cách gieo hạt (bắp, đậu...). Ở một số vùng từ nãy cũng gọi là trỉa.
  21. Vỏng vảnh
    Như đỏng đảnh.
  22. Đô Lương
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Nghệ An.
  23. Cát Ngạn
    Một địa danh nay thuộc xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cát Ngạn cũng là tên một tổng của Nghệ An ngày trước.
  24. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  25. Thốt nốt
    Loại cây thuộc họ cau, mọc nhiều ở các tỉnh khu vực Nam Bộ giáp với Campuchia. Tên gọi thốt nốt trong tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Khmer th'not. Dịch ngọt từ các bông mo non của thốt nốt được cô đặc để sản xuất một loại đường thô gọi là đường thốt nốt, có vị ngọt thanh.

    Cây thốt nốt

    Cây thốt nốt

  26. Bánh trôi nước
    Một loại bánh làm bằng bột gạo nếp, hình tròn, nhân đường phèn, trên rắc vừng hoặc sợi dừa nạo. Bánh trôi cùng với bánh chay thường được ăn trong dịp Tết Hàn thực vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm.

    Ở miền Nam có một món ăn tương tự là chè trôi nước (cũng gọi là chè xôi nước), nhưng nhiều nước đường hơn, có khi cho thêm nước cốt dừa.

    Bánh trôi nước

    Bánh trôi nước

  27. Trong trào ngoài quận
    Cả trong triều đình và các quận ngoài, ý nói khắp mọi nơi. Còn nói nội triều ngoài quận.
  28. Sở Khanh
    Tên một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều. Vốn là một gã ăn chơi, Sở Khanh đã lừa Thúy Kiều rằng y thật lòng yêu thương và muốn cứu nàng khỏi chốn lầu xanh, nhưng cuối cùng lại "quất ngựa truy phong." Cái tên Sở Khanh ngày nay thường được dùng để chỉ những kẻ chuyên đi lừa những người con gái nhẹ dạ.
  29. Đàng điếm
    Cũng viết là điếm đàng, nghĩa đen là người lang thang ngoài đường (đàng) trong quán (điếm), hiểu rộng là những kẻ "hay phỉnh phờ, lường gạt, thường hiểu là đứa hay ngồi lều ngồi chợ hay toa rập làm điều gian lận" (Đại Nam quấc âm tự vị).
  30. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  31. Bánh xèo
    Một loại bánh làm bằng bột, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá, đúc hình tròn. Tùy theo mỗi vùng mà cách chế biến và thưởng thức bánh xèo có khác nhau. Ở Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, đậu phộng. Ở miền Nam, bánh có cho thêm trứng, chấm nước mắm chua ngọt. Ở miền Bắc, nhân bánh xèo còn có thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non...

    Bánh xèo

    Bánh xèo

  32. Đã thèm
    Chán chường (phương ngữ Trung Bộ).
  33. Còng gió
    Loại còng ở biển, chạy rất nhanh. Nhân dân ta thường bắt còng gió làm mắm hoặc làm món ăn, nhất là trong những ngày biển động.

    Còng gió

    Còng gió

  34. Cầm
    Giao tài sản cho người khác làm tin để vay tiền.
  35. Nhà dây thép
    Bưu điện. Gửi điện tín được gọi là "đánh dây thép." Từ này xuất hiện từ thời Pháp thuộc, hiện nay ít được dùng.
  36. Choa
    Tôi, tao, mình. Cách xưng hô của ngôi thứ nhất (phương ngữ của một số tỉnh miền Trung).
  37. Tủm hủm
    Tùm hum, rậm rạp và lộn xộn (cách phát âm của người Nghệ Tĩnh).
  38. Cấy
    Cái, một cái (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  39. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).