Tìm kiếm "xác"

  • Bao giờ hết đước Năm Căn

    Bao giờ hết đước Năm Căn
    Ông Trang hết cá, Viên An hết rừng
    Khai Long hết xác cá đường
    Mũi Cà Mau đó ta nhường cho bây.

    Dị bản

    • Cà Mau mà hết cá đường
      Nước Hòn Khoai hết ngọt mới nhường cho bây.

  • Ba mươi tết, tết lại ba mươi

    Ba mươi tết, tết lại ba mươi
    Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách
    Một tay cầm cái dù rách
    Một tay xách cái chăn bông
    Em đứng bờ sông
    Em trông sang bên nước người
    – Hỡi chú chiệc ơi là chú chiệc ơi!
    Một tay em cầm quan tiền
    Một tay em xách thằng bù nhìn em ném xuống sông
    Quan tiền nặng thì quan tiền chìm
    Bù nhìn nhẹ thì bù nhìn nổi
    Ối ai ơi! Của nặng hơn người!

  • Bồng em đi dạo vườn cà

    Bồng em đi dạo vườn cà
    Trái non chấm mắm, trái già làm dưa
    Làm dưa ba bữa chưa chua,
    Chị kia xách dĩa lại mua ba đồng
    Ba đồng mắc lắm chị ơi
    Cho thêm mớ nữa cho vừa bữa ăn

  • Con nít con nít

    Con nít con nít
    Cái hình nhỏ xít
    Đội mũ lá mít
    Cỡi ngựa tàu cau
    Đứa trước đứa sau
    Rủ nhau một lũ
    Ăn rồi đi ngủ
    Ngủ dậy đi chơi
    Xuống nước tập bơi
    Lên bờ đánh đá
    Miệng thổi kèn lá
    Tay xách cờ tre
    Rủ nhau hè hè
    Giả đò đánh giặc

  • Trèo lên cây chót vót cây khô,

    Trèo lên cây chót vót cây khô
    Ngó về đồng ruộng thấy bốn cô chưa chồng
    Cô Hai cấy lúa vừa xong
    Cô Ba chưa chồng bản ngản bơ ngơ
    Cô Tư tuổi hãy còn thơ
    Cô Năm còn dại còn khờ
    Tôi đây ở vậy mà chờ bốn cô
    Vái trời cho có lúa bồ
    Tôi qua cưới hết bốn cô đem về
    Cô Hai lo tảo bán tần
    Cô Ba xách nước, dưỡng thân mẹ già
    Cô Tư xách chổi chăn gà, chăn heo
    Cô Năm gá nghĩa tình chung với mình
    Năm thê bảy thiếp chúng mình đông vui

  • Đồng ếch đồng ác

    Đồng ếch đồng ác
    Con đã về đây
    Giường chiếu chẳng có
    Thiệt thay trăm đường
    Ban ngày ếch ở trong hang
    Đêm khuya thanh vắng xở xang ra ngoài
    Trời cho quan tướng nhà trời
    Thắt lưng bó đuốc tìm tôi làm gì
    Tìm tôi bắt bỏ vào thời
    Tôi kêu ì ộp, chẳng rời tôi ra
    Sáng rạng ngày ra
    Con dao cái thớt xách mà đem băm
    Ba thằng cầm đũa nhăm nhăm
    Thằng gắp miếng thịt, thằng nhằm miếng da
    Một thằng gắp miếng tù và
    Nó thổi phì phà, nó lại khen ngon

    Dị bản

    • Hồn ếch ta đã về đây
      Phải năm khô cạn, ta nay ở bờ
      Ở bờ những hốc cùng hang
      Chăn chiếu chẳng có trăm đường xót xa
      Lạy trời cho đến tháng ba
      Được trận mưa lớn ta ra ngồi ngoài
      Ngồi ngoài rộng rãi thảnh thơi
      Phòng khi mưa nắng ngồi ngoài kiếm ăn
      Trước kia ta vẫn tu thân
      Ta tu chẳng được thì thân ta hèn
      Ta gặp thằng bé đen đen
      Nó đứng nó nhìn nó chẳng nói chi
      Ta gặp thằng bé đen sì
      Tay thì cái giỏ tay thì cần câu
      Nó có chiếc nón đội đầu
      Khăn vuông chít tóc ra màu xinh thay
      Nó có cái quạt cầm tay
      Nó có ống nứa bỏ đầy ngóe con
      Nó có chiếc cán thon thon
      Nó có sợi chỉ sơn son mà dài
      Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
      Nó giật một cái đã sai quai hàm
      Mẹ ơi lấy thuốc cho con
      Lấy những lá ớt cùng là xương sông
      Ếch tôi ở tận hang cùng
      Bên bè rau muống phía trong bè dừa
      Thằng Măng là chú thằng Tre
      Nó bắt tôi về làm tội lột da
      Thằng Hành cho chí thằng Hoa
      Mắm muối cho vào, ơi hỡi đắng cay!

  • Chưa đi chưa biết Cửa Ông

    Chưa đi chưa biết Cửa Ông
    Đến đây mới biết đường không lối về
    Phu sắng-tẩy ai thuê mà đánh
    Thẻ than sàng ai bán mà mua
    Nhà quê còn có ngày mùa
    Đi nhặt, đi mót hột thừa mà ăn
    Ở đây rét đói quanh năm
    Đi câu cá: rủi, đi săn: hổ vồ
    Khu Bò Đái xương khô rải rác
    Bến Lò Vôi mấy xác bồng bềnh
    Lạc loài bể khổ mông mênh
    Thân vờ xơ xác lênh đênh chét mòn
    Trót nghe bầu bạn ra đây
    Lạ thung, lạ thổ, lạ cây, lạ nhà
    Đồn Cẩm Phả sơn hà bát ngát
    Huyện Hoành Bồ đá cát mênh mông
    Ai ơi đứng lại mà trông
    Kìa khe nước độc, nọ ông hùm già
    Vui gì mà rủ nhau ra
    Làm ăn khổ cực nghĩ mà tủi thân.

  • Vè nói láo

    Tiếng đồn quả thiệt chẳng sai
    Có người nói láo không ai dám bì
    Lội ngang qua biển một khi
    Thấy tàu đương chạy tôi ghì ngừng như không
    Lên rừng tôi vác đá hàn sông
    Gặp cọp tôi bồng về để nuôi chơi
    Nhà tôi có trồng một bụi cải trời
    Lá bằng cái sịa kinh thời tôi quá kinh
    Dưa gang của tôi cái hột bằng cái chình
    Sức tôi một mình ăn hết nồi ba
    Tôi trồng chơi có một dây khổ qua
    Nó ra một trái tôi xách mà năm ky

  • Bao phen biển tiến biển lui

    Bao phen biển tiến biển lui,
    Chúa thiêng quan giỏi đứng ngồi nơi đâu,
    Biết bao nông nỗi buồn đau,
    Nào ai tế độ siêu cầu cho ai?
    Ở ăn chưa kịp yên vui,
    Chúa quan đâu đã đứng ngồi ngay bên,
    Muôn vàn đóng góp không tên,
    Rằng cho phần xác phần hồn thảnh thơi!

  • Vè bài chòi

    Bài chòi bài tới là ba mươi lá
    Dang tay xớn xá là cái gã Ông Ầm
    Hay đi sụp hầm, là anh Tứ Cẳng
    Một dề trăng trắng, là chị Bạch Huê
    Ăn cận nằm kề, là anh Chín Gối
    Ba chìm bảy nổi, là chị Sáu Ghe
    Lập bạn lập bè, là anh Năm Dụm
    Hay đùm hay túm, Tứ Xách đã quen
    Quần áo lèng teng, Nhì Nghèo cực khổ
    Hay bươi hay mổ, là chị Ba Gà
    Có ngạnh có ngà, là anh Tứ Tượng
    Phủ màn treo trướng, là chị Tám Dừng
    Ướt áo ướt quần, là anh Ngũ Trợt
    Rung cây không rớt, Tứ Móc thiệt hay
    Con mắt nhắm ngay, Tam Quăng thiệt giỏi

Chú thích

  1. Đước
    Một loại cây rất thường gặp ở miền Tây Nam Bộ. Cây đước mọc thành rừng ở các vùng bờ biển bùn lầy, có bộ rễ rất lớn gồm một rễ cọc và rất nhiều rễ phụ đâm sâu xuống, giúp cây bám chặt lấy đất. Rừng đước ngập mặn có một vai trò rất lớn trong việc chống xói lở đất, giữ phù sa, cải tạo đất, đồng thời là môi trường sinh thái cho nhiều loài động vật nhỏ khác.

    Rừng đước

    Rừng đước

  2. Năm Căn
    Một địa danh thuộc tỉnh Cà Mau, phía Đông tiếp giáp biển Đông, phía Tây tiếp giáp vịnh Thái Lan. Đây là vùng đất thấp, kênh rạch chằng chịt bao bọc những cánh rừng sú vẹt, đước, bần, mắm... với nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng biển vô cùng phong phú.

    Theo truyền miệng trong dân gian thì tên gọi "Năm Căn" đã có từ hơn 200 năm nay. Đầu tiên, có một người Hoa Kiều tên là Chệt Hột đến đây dựng lên năm căn trại đáy, phía trên bờ thì làm rẫy. Công việc làm ăn rất phát đạt do nguồn cá tôm dồi dào và chưa có người khai thác. Thấy có nhiều hoa lợi nên những người Hoa Kiều và người Việt cũng đến đây làm ăn sinh sống, lần hồi trở nên đông đúc. Vì có vị trí thuận lợi về đường sông nên ghe xuồng thường qua lại chỗ này, và người ta căn cứ vào dấu hiệu là dãy trại đáy năm căn xuất hiện đầu tiên để gọi tên, lâu ngày thành địa danh "Năm Căn."

    Một ngã ba sông ở Năm Căn

    Một ngã ba sông ở Năm Căn

  3. Ông Trang
    Tên một cửa biển nơi sông Cái Lớn đổ ra biển, nay thuộc địa phận thị trấn Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Cồn cát ở đây cũng có tên là cồn Ông Trang, nơi hội tụ của nhiều loài thủy hải sản, đồng thời là nơi các đàn chim di trú dừng chân kiếm ăn mỗi khi bay về phương Nam. Hiện nay cồn Ông Trang là điểm du lịch hấp dẫn của Cà Mau.

    Đàn chim trên cồn Ông Trang

    Đàn chim trên cồn Ông Trang

  4. Viên An
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Địa hình Viên An chủ yếu là kênh rạch chằng chịt, nhiều rừng tràm, đướcsú vẹt.
  5. Khai Long
    Tên một bãi cát giồng uốn lượn dọc bờ biển thuộc ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là một vùng đất trù phú, có nhiều loài thủy hải sản sinh sống như tôm, cua, các loại cá, nghêu, sò huyết, vọp, ốc len… Hiện nay Khai Long đang được khai thác thành một bãi biển du lịch.

    Phong cảnh Khai Long

    Phong cảnh Khai Long

  6. Cá đường
    Một loại cá đặc sản của tỉnh Cà Mau, ngoài ra còn được tìm thấy ở vịnh Bắc Bộ nước ta. Cá đường có màu vàng, có thể dài tới 1 mét 6, vảy tròn nhỏ cỡ đồng xu, mỏng như lá lúa. Trước đây, hằng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch tại huyện Ngọc Hiển diễn ra hội cá đường, người dân đánh bắt được rất nhiều cá. Ngày nay, cá đường ngày càng trở nên hiếm đi giảm do ô nhiễm môi trường và đánh bắt quá mức. Thịt cá đường có thể làm khô mặn, nhưng phần giá trị nhất là bong bóng cá đường vì có thể được chế tạo thành chỉ khâu dùng trong phẫu thuật.

    Đánh bắt cá đường

    Đánh bắt cá đường

  7. Ngày xưa vào ngày hội cá đường, vì số lượng cá đánh bắt được quá nhiều, người dân làm cá chỉ giữ lại bong bóng cá (có giá trị cao), còn xác cá thì bỏ đi.
  8. Cà Mau
    Tỉnh ven biển ở cực Nam nước ta, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm. Tên gọi Cà Mau có gốc từ tiếng Khmer “Tưk Kha-mau” có nghĩa là nước đen - màu nước đặc trưng ở đây là màu đen do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh rụng xuống. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã, hệ thống sông ngòi chằng chịt, và có nguồn dự trữ sinh thái phong phú.

    Phong cảnh Cà Mau

    Phong cảnh Cà Mau

  9. Hòn Khoai
    Một hòn đảo nằm trong cụm đảo cùng tên, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tên gọi này được giải thích theo hai cách: trên đảo có nhiều khoai và đảo có hình dáng củ khoai. Đây là một hòn đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã. Hiện nay cụm đảo Hòn Khoai là một điểm đến du lịch có tiếng của tỉnh Cà Mau.

    Phong cảnh Hòn Khoai

    Phong cảnh Hòn Khoai

  10. Bàu
    Chỗ sâu trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng.

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

  11. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  12. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  13. Pháo
    Một loại đồ chơi dân gian, gồm thuốc nổ (thuốc pháo) bỏ trong vỏ giấy dày hay tre quấn chặt để khi đốt nổ thành tiếng to trong các lễ hội như ngày Tết, đám cưới... Người xưa tin rằng tiếng nổ của pháo có thể xua ma quỷ. Ở một số vùng quê ngày trước cũng tổ chức hội pháo, như hội pháo Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây), hội pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Trước đây, ngày Tết gắn liền với:

    Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

    Năm 1994, chính phủ Việt Nam ra chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo để ngăn ngừa các tai nạn xảy ra do pháo, tuy nhiên nhắc đến Tết người dân vẫn nhớ đến tràng pháo. Những năm gần đây trên thị trường còn xuất hiện loại pháo điện tử, phát ra tiếng kêu như pháo nổ.

    Pháo

    Pháo

  14. Mút
    Ở đầu tận cùng của một vật có độ dài.
  15. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  16. Cá đối
    Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...

    Cá đối kho thơm

    Cá đối kho thơm

  17. Cối
    Đồ dùng để đâm, giã, xay, nghiền (ví dụ: cối giã gạo, cối đâm trầu, cối đâm bèo).

    Cối đá

    Cối đá

  18. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  19. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  20. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  21. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  22. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  23. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  24. Vầy
    Như vậy, như thế này (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  25. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  26. Sông Quy
    Tên một con sông thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang.
  27. Trẫm
    Gốc từ chữ trầm 沈, nghĩa là chìm. Trẫm mình hay trầm mình nghĩa là tự tử bằng cách nhảy xuống nước cho chết đuối.
  28. Chình
    Cái chĩnh nhỏ, dùng để đựng gạo hoặc mắm (phương ngữ).
  29. Có bản chép: Rủ nhau.
  30. Luống
    Uổng phí, để mất (từ cổ).

    Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
    Làm thơ mình lại tặng riêng mình
    Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
    Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

    (Trắc ẩn - Quang Dũng)

  31. Kèn lá
    Một loại nhạc cụ đơn giản của một số dân tộc miền núi, chỉ gồm một chiếc lá cây được cắt phần cuống, gấp đôi theo sống lá. Thường người ta chọn những lá có bề mặt rộng, bóng nhẵn, không có răng cưa.

    Thổi kèn lá

    Thổi kèn lá

  32. Giả đò
    Giả vờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  33. Tập tầm vông
    Tên một trò chơi dân gian. Cách chơi hiện nay của trò này là hai nguời chơi ngồi đối mặt nhau, vừa hát vừa theo nhịp đập lòng bàn tay vào nhau: hoặc đập thẳng, hoặc đập chéo, hoặc một cao một hạ thấp, hoặc kết hợp nhiều cách khác nhau.
  34. Ve
    Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
  35. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  36. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  37. Xở xang
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Xở xang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  38. Thời
    Cái giỏ cá (phương ngữ).
  39. Tù và
    Dạ dày ếch, hay được chế biến thành các món ăn.

    Tù và ếch xào măng

    Tù và ếch xào măng

  40. Ngóe
    Loại nhái rất nhỏ, thân hình chỉ lớn bằng đầu ngón tay cái.
  41. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  42. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  43. Phu sắng-tẩy
    Phu chuyên việc san gạt than trong hầm chứa của tàu.
  44. Công việc san gạt than trong hầm chứa và than sàng thường phải có quen biết, móc nối mới có và phải chia chác nhiều, không dễ tới tay người cu li.
  45. Bò Đái, Lò Vôi: Hai địa danh có từ thời Pháp khai mỏ, vẫn còn dùng tới ngày nay.
  46. Vờ
    Còn gọi là con vờ vờ, con phù du, một loại côn trùng có cánh chỉ sống trong khoảng vài phút tới vài ngày sau khi đã trưởng thành và chết ngay sau giao phối và đẻ trứng xong. Điều đáng ngạc nhiên là ấu trùng vờ lại thường mất cả năm dài sống trong môi trường nước ngọt để có thể trưởng thành. Khi chết, xác vờ phơi trên các bãi sông hoặc trên mặt nước, bị các loài cá ăn thịt. Từ đó có thành ngữ "Xác như (xác) vờ, xơ như (xơ) nhộng" để chỉ sự rách nát, cùng kiệt.

    Con vờ

    Con vờ

  47. Thung
    Vùng đất rộng.
  48. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  49. Hoành Bồ
    Địa danh nay là một huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh. Hoành Bồ là một huyện miền núi, khá biệt lập với bên ngoài, cuộc sống người dân lam lũ, vất vả.

    Xã Dân Chủ, huyện Hoành Bồ

    Xã Dân Chủ, huyện Hoành Bồ

  50. Sịa
    Đồ đan bằng tre, nứa, lòng nông, mắt thưa, nhỏ hơn cái nia, dùng để phơi hoặc sấy.
  51. Dưa gang
    Một loại dưa quả dài, vỏ xanh pha vàng cam (càng chín sắc vàng càng đậm), kích thước tương đối lớn.

    Dưa gang

    Dưa gang

  52. Nồi bảy, nồi ba
    Cách phân loại độ lớn của nồi thời xưa. Nồi bảy nấu được bảy lon gạo, nồi ba nấu được ba lon.
  53. Mướp đắng
    Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.

    Mướp đắng

    Mướp đắng

  54. Ki
    Một loại giỏ đan bằng nan tre (tương tự như cần xé) thường gặp ở Trung và Nam Bộ, dùng để đựng trái cây, nông sản.
  55. Lạc
    Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.

    Hạt lạc (đậu phộng)

    Hạt lạc (đậu phộng)

  56. Đậu nành
    Một giống đậu rất phổ biến ở nước ta và trên cả thế giới. Hạt đậu nành được sử dụng rất đa dạng, bao gồm dùng trực tiếp (rang, luộc, nấu canh, nấu chè...) hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa...

    Hạt và các sản phẩm từ đậu nành

    Hạt và các sản phẩm từ đậu nành

  57. Sả
    Một loại cỏ cao, sống lâu năm, có mùi thơm như chanh. Tinh dầu sả được dùng để ướp tóc. Thân cây sả có thể làm gia vị.

    Sả

    Sả

  58. Rau húng
    Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.

    Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.

    Rau húng

    Húng lủi (húng Láng)

  59. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  60. Bài tới
    Một trò chơi bài rất phổ biến ở miền Trung ngày trước. Bộ bài 60 con chia làm ba pho, được chia cho hai phe, mỗi phe ba người, mỗi người lấy sáu con bài, xây bài trên tay. Người chọn đi bài, trước tiên rút một con bài bỏ ra, lệ cấm dùng các con bài có dấu triện đỏ (Ông ầm, Thái tử, Đỏ mỏ). Những tay bài khác, nếu có con bài giống con bài chợ (bài vừa được đánh ra) thì rút con ấy ra bắt và đi một con bài khác. Các tay bài khác lại tiếp tục bắt và đi cho đến khi có một tay bài tới là hết một ván bài. Tới bài tức là khi trên tay chỉ còn hai lá bài và lúc đó, người đi bài đã đi đúng tên một trong hai con bài mà mình đang chờ để tới.

    Bài chòi cũng dùng bộ bài này, nhưng chỉ chơi vào ngày Tết và không có tính ăn thua đỏ đen như bài tới.

  61. Dề
    Phương ngữ Trung Bộ, chỉ những thứ kết lại với nhau thành mảng lớn (một dề lục bình, một dề rác rến...)
  62. Dừng
    Thanh bằng tre nứa cài ngang dọc để trát vách.

    Vách đất trát lên tấm dừng

    Đất trát lên tấm dừng làm vách nhà

  63. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).