Tìm kiếm "sở dĩ"

  • Làm trai lấy được vợ khôn

    Làm trai lấy được vợ khôn
    Như chĩnh vàng cốm để chôn trong nhà
    Làm trai lấy được vợ ngoa
    Một ngày bảy lượt đi ra tạ làng

    Dị bản

    • Gái ngoan lấy được chồng khôn
      Như lọ vàng cốm để chôn đầu giường

    • ai lấy được chồng khôn,
      Như hũ vàng cốm anh chôn đầu giường.

  • Dì thằng cu như cánh hoa nhài

    Dì thằng cu như cánh hoa nhài
    Ba mươi sáu cánh tiếc tài nở đêm
    Sáng trăng trong sáng cả ngoài thềm
    Lại đây ta chắp áo mền đắp chung
    Đêm đông thắp ngọn đèn lồng
    Mình về có nhớ ta không hỡi mình
    Chiếc thuyền nan anh giậm thình thình
    Anh thì cầm lái cô mình phách ba
    Có thương anh bẻ mái chèo ra
    Sợ mẹ bằng biển sợ cha bằng trời
    Anh thấy em anh cũng ưa đời
    Biết rằng chốn cũ có rời ra chăng.

  • Trèo lên cây trắc ngắt lá đinh lăng

    Trèo lên cây trắc ngắt lá đinh lăng
    Dòm xuống thấy có chữ rằng:
    “Họa phước vô môn”
    Trai khôn khó kiếm, gái khôn khó tìm
    Ngó lên trăng khuyết lưỡi liềm
    Muốn vô gá nghĩa, sợ nỗi niềm mẹ cha.

    Dị bản

    • Chữ rằng “Họa phước vô môn”
      Sang giàu dễ kiếm, người khôn khó tìm

  • Một giờ ra ngõ ngó trông

    Một giờ ra ngõ ngó trông
    Ngó lên ngó xuống cũng không thấy chàng
    Hai giờ ra đứng đầu làng
    Ngó lên ngó xuống không thấy chàng chàng ơi
    Ba giờ giả chước đi chơi
    Gặp người tình tứ gởi đôi lời nhắn nhe
    Bốn giờ gió ủ mây che
    Tưởng dè gần bạn ai ngờ mà xa
    Năm giờ dời gót về nhà
    Ngồi khoanh tay lại vậy mà sầu bi
    Sáu giờ đèn hạt lưu ly
    Nghĩ đi nghĩ lại không thấy gì người thương
    Bảy giờ dọn dẹp trong giường
    Đặt lưng xuống chiếu thả thường chiêm bao
    Tám giờ tim lửng, dầu hao
    Khi đi khi ở biết bao nhiêu tình
    Chín giờ nghĩ giận phận mình
    Trách răng căn số của mình mần ri
    Mười giờ còn biết nói chi
    Trách cho con tạo phân ly nghĩa tình
    Mười một giờ mây lạc trăng chênh
    Ai làm bạn cũ bênh lênh sao đành
    Mười hai giờ kêu thấu trời xanh
    Ai làm chim tước bỏ nhành lan mai.

  • Vè rau

    Ve vẻ vè ve
    Nghe vè các rau
    Thứ ở hỗn hào
    Là rau ngành ngạnh
    Trong lòng không chánh
    Vốn thiệt tâm lang
    Đất rộng bò ngang
    Là rau muống biển
    Quan đòi thầy kiện
    Bình bát nấu canh
    Ăn hơi tanh tanh
    Là rau dấp cá
    Có ba không má
    Rau má mọc bờ
    Thò tay sợ dơ
    Nó là rau nhớt

  • Con dâu tôi dại lại khờ

    Con dâu tôi dại lại khờ
    Nấu cơm trong bếp quên sơ, quên vần
    Nấu canh như thể xà bần
    Bữa mặn bữa lạt, không lần nào ngon
    Làm bánh, nắn cục nắn hòn
    Bỏ vô mà hấp chẳng còn chút nhưn
    May áo rồi lại may quần
    Tra khuy lộn ngược sau lưng vá quàng
    Đi chợ phải thói ăn hàng
    Mua ba đồng mắm chợ tan mới về
    Về nhà rồi đi ngồi lê
    Cửa nhà dơ dáy chắng hề quét lau
    Nuôi heo sợ tốn cám rau
    Tới mùa gặt hái giả đau ở nhà!

    Dị bản

    • Con nhà ai nho nhỏ lại khờ
      Nấu cơm trong bếp quên sơ, quên vần

  • Vè lính mộ

    Tai nghe nhà nước mộ dân,
    những lo những sợ chín mười phần em ôi.
    Anh đi ra mặt biển chưn trời,
    ơn cha nghĩa mẹ hai nơi chưa đền.
    Dầu mà ông Tây bắt làm phên,
    nhất thắng nhì bại, không quên cái nghĩa sinh thành.
    Xót em vò võ một mình,
    anh đi ra biển thẳm non xanh tư bề.
    Vai mang khẩu súng lưng dắt lưỡi lê,
    thôi thiếp bồng con dại lui về mần ăn.
    Ví dầu anh có mần răng,
    nơi mô xứng gió vừa trăng em đành.
    Phận chàng vạn tử nhứt sanh,
    trên thời mây đen kịt, dưới nước xanh dờn dờn.
    Tư bề sóng bể như sơn,
    đau lòng xót dạ nhiều cơn lắm bớ nàng.
    Trăm lạy ông trời đặng chữ bình an,
    đóng lon chức Đội về làng hiển vinh.
    Làm thịt con heo quy tế tại đình,
    rượu chè chàng đãi dân tình một diên.
    Tay bắt tay miệng lại hỏi liền:
    anh đi ra mấy tháng em có phiền hay không.
    Bảy giờ mai bước xuống tàu đồng,
    tối tăm mù mịt như rồng với mây.
    Hai bên những lính cùng Tây,
    quân gia kéo tới chở đầy tàu binh…

  • Chồng em nó chẳng ra gì

    Chồng em nó chẳng ra gì
    Tổ tôm, xóc đĩa nó thì chơi hoang
    Nói ra, xấu thiếp hổ chàng
    Nó giận, nó phá tan hoang cửa nhà
    Nói đây, có chị em nhà
    Còn năm thúng thóc với vài cân bông
    Em bán trả nợ cho chồng
    Còn ăn hết nhịn, hả lòng chồng con
    Đắng cay ngậm quả bồ hòn
    Cửa nhà gia thế, chồng con kém người
    Nói ra, sợ chị em cười
    Con nhà gia giáo lấy người đần ngu
    Rồng vàng tắm nước ao tù
    Người khôn ở với người ngu nặng mình

  • Chữ rằng “Thiên võng khôi khôi”

    – Chữ rằng “Thiên võng khôi khôi
    Sơ nhi bất lậu” lưới trời bủa giăng
    Xa xôi chưa kịp nói năng
    Từ qua đến bậu như trăng xế chiều
    Thân em như tấm lụa điều
    Phất phơ trước chợ nhiều điều đáng thương
    Dốc lòng trồng cửu lý hương
    Ba năm hai lá, người thương giã đầu

  • Chữ thiên là trời, trời cao lồng lộng

    Chữ thiên là trời, trời cao lồng lộng
    Chữ địa là đất, đất rộng mênh mông
    Chữ hà là sông, sông dài lai láng
    Em hỏi anh rày quê quán ở đâu?
    – Chữ thiên là trời, trời cao lồng lộng.
    Chữ địa là đất, đất rộng thinh thinh
    Nói ra sợ bạn buồn tình
    Đêm nằm lụy nhỏ như bình nước nghiêng

  • Hôm qua anh đến chơi nhà

    Hôm qua anh đến chơi nhà,
    Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường
    Thấy em nằm đất anh thương,
    Anh ra Kẻ Chợ đóng giường kim phong
    Giường anh kim phong
    Bốn bên bịt bạc
    Anh hỏi thật lòng
    Có lấy anh không
    Để anh mua nón thượng quai thâm
    Về cho mà đội
    Anh mà nói dối
    Đã có quỷ thần
    Một trăm việc mần
    Anh chăm lo cả

  • Em là con gái nạ dòng

    Em là con gái nạ dòng
    Cơm cha áo mẹ dốc lòng đi chơi
    Chơi cho sấm động mưa rơi
    Chơi cho gương vỡ làm đôi lại liền
    Chơi cho nguyệt náo trung thiên
    Chơi cho lá rụng về đền vua Ngô
    Chơi cho nước Tấn sang Hồ
    Cho Tần sang Sở, cho Ngô sang Lào
    Chơi cho bể lọt vào ao
    Chơi cho trái núi lọt vào trôn kim
    Chơi cho bong bóng thì chìm
    Đá hoa thì nổi, gỗ lim lập lờ.

  • Trách phận (Nẫu ca)

    Thân trách thân, thân sao lận đận
    Mình trách mình số phận hẩm hiu
    Bởi thân tui cực khổ tui eo nghèo
    Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo nẫu rồi
    Em ơi chứ bây giờ em ở kìa nơi đâu
    Để cho anh trông đứng trông ngồi canh khuya
    Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua
    Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, qua Hòn Chùa ăn mực nang
    Bây giờ em không ngó nữa em không ngàng
    Đến chồng nghèo cực khổ gian nan cơ hàn
    Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang
    Anh thấy em nữa tội nghiệp, anh di mang anh nuôi rày
    Hồi nào em bán nước đá rồi anh đi may
    Hai đứa mình chung sống không biết ngày mai sau
    Hồi nào em bắt ốc rồi anh hái rau
    Bây giờ em để lại mối sầu cho qua
    Hồi nào trái chuối chín cũng cắn làm ba
    Trái cam tươi cũng cắn làm bốn
    Nửa trái cà cũng cắn làm năm
    Bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm
    Bỏ qua hiu quạnh năm canh qua một mình
    Anh bây giờ, khóe mắt sầu cứ rung rinh
    Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra
    Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa
    Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, quớ chu choa ơi là buồn.

    Video

  • Mời chư vị giai nhân tài tử

    Mời chư vị giai nhân tài tử
    Tới đây nghe tôi thử pháo tre
    Của bán ra không phải nói khoe
    Thời thực vật sắm vừa túc dụng
    Có pháo nhiều đốt cũng vui tình
    Từ cựu thời bộc trước nhi thinh
    Có pháo mới văn minh xuân nhựt
    Dưới con cháu cũng vui cũng ức
    Trên ông bà khỏi bực khỏi phiền
    Nếu như mà cứ giữ tiếc tiền
    Lấy gì đặng minh niên hỉ hạ
    Coi như lễ Tết Tây trong dã
    Lại có ngày kỷ niệm ngoài kinh
    Pháo Điện Quang đốt tựa lôi đình
    Phí của nọ vui tình không tiếc
    Vậy nên mời… biết phải thiệt vui hung
    Luật vui xuân ai cũng nên dùng
    Có pháo mới đùng đùng là thú
    Cùng mấy người no đủ tiêu xoay
    Đều xúm lại hàng này
    Mua pháo nầy về đốt
    Vốn tôi không nói tốt
    Hay thiệt tình có một mình tôi
    Nhiều người bán xảo làm mồi
    Đốt đây khá về rồi dại dở
    Có kẻ làm kêu cũng đỡ
    Vấn nhiều tay tôi sợ không đều
    Của bán ra là biết bao nhiêu
    Một mình vấn nên kêu đều đặn
    Mười như chục tiếng kêu đúng đắn
    Đốt cả trăm cũng chẳng điếc câm
    Tiếng nổ lên chuyển động sơn lâm
    Như đại bác vang gầm trời đất
    Hễ đốt thì xác tan bay mất
    Không khi nào gió phất ngún hừng
    Của tôi làm, tôi đã biết chừng
    Xin quý chức mua đừng có ngại
    Để đốt thử vài trái
    Nghe có phải hay không
    Đang buổi chợ mua đông
    Tôi cũng trông bán đắt
    Giá pháo nầy mỗi chục mỗi cắc
    Xin bà con mua hắt tôi về
    Pháo tôi đây thiệt hết ngõ chê
    Bằng có ngại đứng xê ra cho tôi thử đốt: đùng, đùng…

Chú thích

  1. Vàng cốm
    Vàng trong tự nhiên, ở dạng mảnh vụn, dạng hạt hoặc vẩy nhỏ, lẫn với các khoáng vật khác.

     

    Vàng cốm

    Vàng cốm

  2. Nếu (từ cổ).

    Mai sau dù có bao giờ,
    Thắp lò hương ấy so tơ phím này.
    Trông ra ngọn cỏ lá cây,
    Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

    (Truyện Kiều)

  3. Mễ Sở
    Tên một tổng trước 1945, nay thuộc xã Mễ Sở, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây nổi tiếng với truyền thuyết Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, hàng năm đều làm lễ lớn vào tháng hai âm lịch.

    Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

    Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

  4. Đồng
    Hay còn gọi là đồng cân, là đơn vị đo khối lượng trước đây, tương đương với 3.78 gram. Một đồng bằng với một chỉ trong kim hoàn.
  5. Hiện tiền
    Hiện tại.
  6. Ba quân
    Người xưa chia quân đội thành ba cánh quân: tả quân (bên trái), trung quân (chính giữa) và hữu quân (bên phải), hoặc thượng quân (phía trên), trung quân, hạ quân (phía dưới), hoặc tiền quân (phía trước), trung quân, hậu quân (phía sau). Ba quân vì vậy chỉ quân đội nói chung, và chốn ba quân chỉ nơi chiến trường.
  7. Có bản chép: Trăm quan.
  8. Huy Quận
    Huy Quận công Hoàng Đình Bảo, một nhân vật lịch sử thời Lê-Trịnh. Ông nguyên tên là Phúc Bảo, được Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc nhận làm con nuôi, đổi tên thành Hoàng Đăng Bảo, sau đổi thành Hoàng Tố Lý, và cuối cùng lại đổi thành Hoàng Đình Bảo. Ông đỗ Hương Cống (Cử nhân), rồi đỗ tiếp Tạo sỹ (Tiến sỹ võ), được phong tới tước Quận công nên thường được gọi là Quận Huy, được chúa Trịnh Doanh gả con gái cho nên càng chiếm vị trí đáng nể trong triều, về sau có nhiều công lao, càng lúc tiếng tăm càng lừng lẫy.

    Khi xảy ra sự việc tranh chấp ngôi thế tử giữa hai con trai Trịnh Sâm là Trịnh Tông và Trịnh Cán, Quận Huy ngả theo phe Tuyên phi Đặng Thị Huệ là mẹ Trịnh Cán - lúc đó còn rất nhỏ. Sau vụ án năm Canh Tý (1780), Trịnh Tông bị kết án làm loạn, ngôi thế tử thuộc về Trịnh Cán. Năm 1782, Trịnh Sâm mất, Trịnh Cán lên ngôi lúc mới 5 tuổi. Lính kiêu binh ủng hộ Trịnh Tông cùng nhau âm mưu đảo chính lật đổ Trịnh Cán, phế truất Đặng Thị Huệ và giết chết Quận Huy.

  9. Chính cung
    Cung ở chính giữa, là nơi hoàng hậu ở. Cũng thường dùng để gọi hoàng hậu.
  10. Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái, câu ca dao này xuất phát từ lời đồn đại về mối quan hệ không minh bạch giữa Tuyên phi Đặng Thị Huệ và Quận công Hoàng Đình Bảo vào thời điểm liên minh quyền lực của họ ngày càng mạnh trong triều nhà Trịnh.
  11. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  12. Cao tổ
    Gọi tắt là ông cao, cũng gọi là ông sơ, chỉ cha của ông cố về bên nội (từ Hán Việt).
  13. Tằng tổ
    Nói tắt là ông tằng, chỉ ông cố về bên nội (từ Hán Việt).
  14. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  15. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  16. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Dĩ lỡ
    Đã lỡ, đã trót làm việc gì (phương ngữ Nam Bộ).
  18. Chung hiệp
    Sum họp (phương ngữ Nam Bộ).
  19. Trắc
    Loại cây lớn, cho gỗ quý, thường dùng để làm đồ thủ công mĩ nghệ, chạm khảm...

    Khay gỗ trắc khảm xà cừ

    Khay gỗ trắc khảm xà cừ

  20. Đinh lăng
    Còn có tên là cây gỏi cá, một loài cây nhỏ thường được trồng làm cảnh hay làm thuốc trong y học cổ truyền. Ngoài ra, lá đinh lăng cũng là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn rất ngon như gỏi cá, bánh xèo, bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc...

    Một nhánh đinh lăng

    Một nhánh đinh lăng

  21. Họa phúc vô môn
    Trích từ một câu trong sách Minh Tâm Bửu Giám "Họa phúc vô môn, duy nhân tự chiêu" (chuyện lành chuyện dữ đều không có cửa đến, mà chỉ do người tự chuốc lấy).
  22. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  23. Giả chước
    Đánh lạc hướng người khác bằng cách làm điều gì đó để khỏi bị chú ý hoặc nghi ngờ.
  24. Đèn lưu ly
    Một loại đèn của Phật giáo, thường thấy trong các đình chùa, có dạng một đóa hoa sen.

    Đèn lưu ly

    Đèn lưu ly

  25. Tim
    Bấc đèn. Gọi vậy là bắt nguồn từ tên Hán Việt hỏa đăng tâm (tim của lửa đèn). Tim hay bấc đèn dầu là một sợi dây thường làm bằng bông, một đầu nhúng vào dầu, đầu kia nhô một chút khỏi bầu đèn. Để chỉnh độ sáng tối của đèn, người ta điều chỉnh độ dài ngắn của phần tim đèn nhô lên này bằng một hệ thống nút vặn.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  26. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  27. Căn số
    Chỉ số mệnh của một người theo luật nhân quả của đạo Phật. Theo đạo Phật, số phận của một người là kết quả của những hành động trong đời sống hiện tại và cả trong những kiếp trước.
  28. Mần ri
    Như thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  29. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  30. Con tạo
    Từ chữ hóa nhi, một cách người xưa gọi tạo hóa với ý trách móc, cho rằng tạo hóa như đứa trẻ nghịch ngợm, hay bày ra cho người đời những chuyện oái ăm, bất thường.
  31. Tước
    Chim sẻ (từ Hán Việt).
  32. Có bản chép: Ăn ở hỗn hào.
  33. Ngành ngạnh
    Một loại rau rừng thường được hái để ăn sống, có mùi vị thơm ngon, chua, chát.

    Đọt và lá ngành ngạnh

    Đọt và lá ngành ngạnh

  34. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  35. Muống biển
    Loài thực vật thuộc họ Bìm bìm, mọc ở phần trên các bãi biển. Muống biển là một trong các các loài thực vật chịu mặn phổ biến nhất, phân bố rộng rãi nhất và là một trong những ví dụ nổi bật nhất minh hoạ cho các loại cây có hạt trôi theo dòng nước.

    Hoa muống biển

    Hoa muống biển

  36. Bình bát
    Loại cây leo thuộc họ bầu bí, đọt, lá và quả đều làm rau ăn được, là loài rau phổ biến ở nông thôn miền Nam. Còn được gọi là rau bát, mảnh bát, mỏ quạ, bình bát dây (để phân biệt với cây bình bát thuộc họ mãng cầu). Rau bình bát dùng để trị ghẻ, hạt bình bát trị giun sán.

    Rau bình bát đang ra hoa

    Rau bình bát đang ra hoa

  37. Diếp cá
    Còn có tên là dấp cá, giấp cá, hay rau diếp, là một loại cây nhỏ được trồng để làm rau và làm thuốc. Rau diếp cá khi vò có mùi tanh như mùi cá (vì vậy có tên chữ Hán là ngư tinh thảo - cỏ tanh mùi cá), thường dùng ăn lá sống kèm với nhiều món như thịt nướng, chả giò bún, gỏi cuốn...

    Rau diếp cá

    Rau diếp cá

  38. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  39. Rau đay
    Một loại rau chủ yếu dùng nấu canh (với cua, tôm tép), đôi khi với mồng tơi hoặc mướp. Rau đay khi nấu có nhiều nhớt, nên còn gọi là rau nhớt.

    Rau đay

    Rau đay

  40. Dùng đũa cả (đũa bếp) xới cơm đang nấu trong nồi cho mau khô, chín cơm.
  41. Xà bần
    Đồ phế thải như gạch ngói, vôi vữa... từ các công trình xây dựng, cũng có thể hiểu rộng là rác rến. Từ này có gốc từ tiếng Trung Quốc thập bình 什平, nghĩa là "nhiều món trộn lẫn với nhau," dùng chỉ đồ ăn vụn, đồ thừa.
  42. Nhưn
    Nhân (cách phát âm của người Nam Bộ).
  43. Vá quàng
    Những người phải lao động, khuân vác nhiều, phần lưng và vai áo thường rách thành lỗ lớn. Người ta vá những chỗ ấy bằng miếng vải to, có khi không trùng màu, gọi là vá quàng.
  44. Lính mộ
    Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.

    Lính khố đỏ.

    Lính khố đỏ.

  45. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  46. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  47. Vạn tử nhất sinh
    Vạn phần chết, một phần sống (thành ngữ Hán Việt).
  48. Bể
    Biển (từ cũ).
  49. Đội
    Một chức vụ trong quân đội thời thực dân Pháp, tương đương với tiểu đội trưởng hiện nay (Đội Cung, Đội Cấn...).
  50. Quy tế
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quy tế, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  51. Diên
    Tiệc rượu (từ Hán Việt).
  52. Tổ tôm
    Một trò chơi bài lá phổ biến trong dân gian ngày trước (hiện chỉ thấy được chơi ở nước ta), thường chơi trong các dịp lễ, Tết. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "tụ tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách.

    Lá bài tổ tôm

    Lá bài tổ tôm

  53. Xóc đĩa
    Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.

    Đồ để xóc đĩa

    Đồ để xóc đĩa

  54. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  55. Gia thế
    Thế lực, tầm ảnh hưởng của một gia đình.
  56. Gia giáo
    Có nền nếp, có giáo dục (thường nói về gia đình phong kiến thời trước).
  57. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu
    Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt.
  58. Cửu lý hương
    Tên chung của một số loài cây có mùi thơm rất mạnh, thường được trồng vừa làm cây cảnh vừa làm thuốc.

    Một loài cửu lý hương

    Một loài cửu lý hương

  59. Thiên
    Trời (từ Hán-Việt).
  60. Địa
    Đất (từ Hán-Việt).
  61. Sông (từ Hán Việt).
  62. Lai láng
    Tràn đầy khắp nơi như đâu cũng có. Từ này cũng được dùng để chỉ trạng thái tình cảm chứa chan, tràn ngập.

    Lòng thơ lai láng bồi hồi,
    Gốc cây lại vạch một bài cổ thi.

    (Truyện Kiều)

  63. Thinh thinh
    Thênh thênh (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  64. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  65. Kim phong
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kim phong, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  66. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  67. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  68. Nạ dòng
    Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.

    Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.

  69. Nguyệt náo trung thiên
    Trăng rộn giữa trời (thành ngữ Hán Việt).
  70. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  71. Tấn
    Một trong những nước chư hầu mạnh nhất trong thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ thế kỉ 11 TCN đến năm 376 TCN, trải qua 40 đời vua.
  72. Hồ
    Tên gọi chung chỉ các dân tộc ở phía tây và phía bắc Trung Quốc như Hung Nô, Tiên Ti, Ô Hoàn, Đê, Khương, Thổ Phồn, Đột Quyết, Mông Cổ, Khiết Đan, Nữ Chân...
  73. Tần
    Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

  74. Sở
    Một nước thời Xuân Thu - Chiến Quốc ở Trung Quốc vào khoảng năm 1030 đến 223 trước Công nguyên. Với sức mạnh của mình, Sở đã tiêu diệt 45 chư hầu lớn nhỏ và ở thời hùng mạnh nhất, Sở chiếm nhiều vùng đất rộng lớn, gồm toàn bộ các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, và một phần của các tỉnh thành Trùng Khánh, Hà Nam, Thượng Hải, Giang Tô, Quý Châu, An Huy, Chiết Giang ngày nay.
  75. Ngô
    Cũng gọi là Đông Ngô (phân biệt với Đông Ngô thời Tam Quốc), một nước chư hầu của nhà Chu trong thời Xuân Thu ở Trung Quốc. Ở nước ta, nước Ngô được biết đến nhiều nhất có lẽ qua cuộc chiến tranh Ngô-Việt mà kết cục là nước Việt do Việt Vương Câu Tiễn lãnh đạo đã tiêu diệt hoàn toàn nước Ngô vào năm 473 TCN, Ngô Vương là Phù Sai tự vẫn.
  76. Cẩm thạch
    Tên dân gian là đá hoa, tên gọi chung của một số loại đá rất cứng và nặng, có thể mài giũa cho bóng loáng, thường được dùng trong nghệ thuật điêu khắc và trang trí.

    Tượng Phật bằng cẩm thạch

    Tượng Phật bằng cẩm thạch

  77. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  78. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  79. Phú Lễ
    Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
  80. Mũi Đại Lãnh
    Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

  81. Hòn Chùa
    Tên một hòn đảo thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, cùng cụm đảo với hai hòn khác là Hòn DứaHòn Than. Hiện nay Hòn Chùa là một địa điểm du lịch sinh thái của tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa

    Hòn Chùa

  82. Có bản chép là Hòn Dùa (Hòn Dừa), cũng là một hòn đảo gần khu vực Hòn Chùa.
  83. Mực nang
    Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.

    Mực nang

    Mực nang

  84. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  85. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  86. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  87. Chu choa
    Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...
  88. Bài này là một tác phẩm của Nguyễn Hữu Ninh, được nhạc sĩ Phan Bá Chức phổ nhạc trên điệu bài chòi, nhưng đã phổ biến đến mức được xem như dân ca của tỉnh Phú Yên.
  89. Tài tử giai nhân
    Người con trai có tài, người con gái có sắc. Chỉ những người tài sắc nói chung.

    Dập dìu tài tử giai nhân
    Ngựa xe như nước, áo quần như nêm

    (Truyện Kiều)

  90. Thực vật
    Đồ ăn uống, đồ dùng sinh hoạt nói chung.
  91. Túc dụng
    Đủ dùng (từ Hán Việt).
  92. Cựu thời
    Thời trước, thời xưa (từ Hán Việt).
  93. Bộc
    Phơi bày, bộc bạch (từ Hán Việt).
  94. Nhi thinh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhi thinh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  95. Xuân nhựt
    Xuân nhật, ngày xuân (từ Hán Việt).
  96. Ức
    Ham, muốn (từ cũ).
  97. Minh niên
    Năm nay (từ Hán Việt).
  98. Hỉ hạ
    Vui mừng, chung vui. Như hỉ hả, hể hả.
  99. Chốn quê mùa. Ở đây ý chỉ Bình Định.
  100. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  101. Điện Quang
    Tên một hiệu pháo nổi tiếng ngày trước. Pháo Điện Quang tuy nhỏ nhưng nổ rất giòn giã, không có viên lép, xác pháo đều.

    Pháo Điện Quang

    Pháo Điện Quang

  102. Lôi đình
    Sấm sét (từ Hán Việt).
  103. Hung
    Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  104. Tiêu xoay
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tiêu xoay, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  105. Ngún hừng
    Ngún (thường nói về lửa) là cháy ngầm; hừng là cháy phừng lên, dấy lên. Ngún hứng là chập chờn không đều lửa.
  106. Hắt
    Dứt khoát (phương ngữ Trung Bộ).
  107. Đây là lời các gian hàng bán pháo Tết rao bằng cách hát theo điệu bài chòi, thường thấy ngày xưa ở chợ Gò (Tuy Phước, Bình Định). Chợ Gò ngày ấy mỗi dịp Tết lại bán pháo rất nhiều, nên còn gọi là chợ Pháo. Bài này do thi sĩ Sinh Hòa cung cấp, dẫn bởi Trần Đình Thái trong sách Ai có về Qui Nhơn (1973).
  108. Thuyền Quan đại tướng quân
    Tên tự xưng của sư Sổ, một thủ lĩnh của phong trào kháng Pháp tỉnh Thái Bình những năm cuối thế kỉ 19, ngụ tại chùa Thuyền Quan (nay thuộc xã Thái Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của sư Sổ thường căng ngọn cờ có chữ "Nam mô Thuyền Quan đại tướng quân," kéo đi đốt phá các cơ sở nhà thờ Thiên chúa giáo theo Pháp. Từ sau tháng 3-1890, nghĩa quân chịu nhiều tổn thất phải giải thể, sư Sổ về tu lại ở chùa và viên tịch tại đây, ngày nay vẫn còn mộ tháp của ông.
  109. Mũ ni
    Mũ có diềm che kín hai mang tai và sau gáy, sư tăng và các cụ già miền Bắc thường hay đội.

    Đội mũ ni

    Đội mũ ni

  110. Tích trượng
    Cũng gọi là thanh trượng, đức trượng hay minh trượng, một loại gậy mà các nhà sư hay dùng để đi đường hoặc khi khất thực. Đầu gậy có những vòng thiếc, khi rung phát ra tiếng.

    Tích trượng

    Tích trượng

  111. Phướn
    Cũng gọi là phiến hoặc phan, một loại cờ của nhà chùa, thường treo dọc, hình dải hẹp, phần cuối xẻ như đuôi cá.

    Phướn

    Phướn

  112. Bình Tây kiến lập vệ cơ: Thành lập đội dân quân đánh Tây.
  113. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".