Tìm kiếm "bến Tuần"

Chú thích

  1. Cảng Hải Phòng
    Được xây dựng từ năm 1874, một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, lớn nhất miền Bắc và lớn thứ hai cả nước (sau cảng Sài Gòn), là cửa ngõ quốc tế nằm tại hai quận Hồng Bàng và Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Khu cảng chính trên sông Cấm còn gọi là bến Hoàng Diệu, trước gọi là bến Sáu Kho.

    Bến Sáu Kho ngày trước

    Bến Sáu Kho ngày trước

  2. Tức Hồng Kông (Hương Cảng).
  3. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  4. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  5. Bển
    Bên đó (phương ngữ Nam Bộ).
  6. Nẫu
    Người ta, họ (phương ngữ Bình Định-Phú Yên).
  7. Phèn
    Dân gian ta gọi chung những tạp chất nhiễm vào nước giếng, nước ruộng... gây mùi hôi tanh, vị chua, hoặc làm cho quần áo bị ố vàng khi giặt... là phèn.
  8. Hẹ
    Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.

    Bông hẹ

    Bông hẹ

  9. Rã bèn
    Rệu rã, héo úa.
  10. Làng Sét
    Một làng thuộc xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Theo sử liệu, ông Trương Cảnh Tường là người đầu tiên đến khai hoang lập ấp tại núi Quy Sơn, tên gọi Ấp Sát. Do đây là vùng đất địa linh, an vui lạc thổ, sông núi hữu tình nên người nghe tìm đến ngày càng phồn thịnh. Buổi đầu ở trên lưng núi, sau mở rộng dần xuống đất bằng. Ấp Sát trở thành thôn Sát (Sét), nay là làng Sét. Bến đò của làng cũng gọi là bến Sét.

    Đình làng Sét

    Đình làng Sét

  11. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  12. Bến Thuận An
    Bến cảng nằm bên cửa biển Thuận An cách thành phố Huế 15km về phía Đông Bắc, là nơi sông Hương chảy qua phá Tam Giang rồi đổ ra biển Đông. Trước đây cửa biển này có tên cửa Eo, cửa Nộn. Tên Thuận An là do vua Minh Mệnh nhà Nguyễn đặt cho, còn vua Thiệu Trị thì liệt Thuận An là một trong hai mươi thắng cảnh của kinh thành Huế. Vào ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, nơi đây có lễ hội truyền thống gọi là lễ Cầu Ngư, có hàng ngàn người tham dự.

    Biển Thuận An

    Biển Thuận An

  13. Khu đĩ
    Không gian trống, hình tam giác, ở đầu hồi nhà, được tạo nên bởi hai mái chính và mái bên (mái chái), giúp tạo thông thoáng không gian dưới mái nhà (phương ngữ Trung Bộ). Có nơi gọi là lồn mèo.

    Khu đĩ của lăng thờ

    Khu đĩ của lăng thờ

  14. Rọ
    Tên gọi chung cho các dụng cụ đan bằng tre, nứa để đựng đồ, hay để nhốt, đánh bẫy thú.

    Đào đựng trong rọ ở Sa Pa

    Đào đựng trong rọ ở Sa Pa

  15. Miễu Bà Trang
    Một ngôi miếu thuộc thôn Ngân Sơn, xã An Thạch, nay là thị trấn Chí Thạnh, Tuy An, Phú Yên. Tương truyền Bà Trang là người giúp vua Gia Long trốn thoát khỏi cuộc truy kích của quân Tây Sơn.
  16. Đền Bà Sứ
    Tên ngôi đền nằm ở cánh đồng cùng tên, nay thuộc địa phận xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
  17. Bến Bà Bang
    Một bến đò thuộc xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
  18. Kỳ Lộ
    Cũng gọi là sông Cái, một con sông lớn chảy qua tỉnh Phú Yên. Sông dài 120 km, bắt nguồn từ vùng núi La Hiên cao trên 1000 m tại giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai, chảy qua các huyện Đồng Xuân, Tuy An, đổ ra cửa biển Tiên Châu với một phân lưu đổ vào đầm Ô Loan. Các chi lưu của nó là Cà Tơn, suối Cối, Thác Dài. Đoạn chảy trên địa phận tỉnh Phú Yên dài 76 km. Phần thượng lưu của sông chảy giữa các dãy núi, nên hẹp, sâu và có độ dốc lớn. Mùa mưa trên sông hay có lũ. Do có đặc điểm như vậy, hàng ngàn năm những chân núi mà sông đi qua bị bào mòn tạo ra nhiều cảnh quang thiên nhiên đẹp và nên thơ. Tới hạ lưu, sông rộng hơn; hai bên bờ có nhiều bãi cát phẳng. Mùa hè nước sông trong veo tươi mát màu ngọc bích, có nơi nhìn thấy đáy sông.

    Sông Kỳ Lộ

    Sông Kỳ Lộ

  19. Phu Văn Lâu
    Một tòa lầu nằm trong khu di tích Hoàng thành Huế, nằm ở mặt Nam của hoàng thành và sát bờ sông Hương. Thời nhà Nguyễn đây là nơi trưng bày văn thư và niêm yết những chỉ dụ của triều đình.

    phu-van-lau

    Phu Văn Lâu

  20. Hò mái đẩy
    Một trong những làn điệu dân ca phổ biến ở vùng Thừa Thiên - Huế, thường được hò những khi thuyền chở nặng hoặc phải vượt qua thiên tai, địa hình hiểm trở. Người chèo thuyền thường phải làm chân sào lớn và mạnh để có thể chống đẩy, ngoài ra phải ra sức đẩy mạnh tay chèo, nên loại hò này thường ngắn, nhịp điệu mạnh mẽ, chắc nịch. Nội dung hò mái đẩy thường là châm chọc, chế giễu lẫn nhau.
  21. Bài này nguyên là thơ của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, đi vào lòng dân chúng lâu ngày mà thành ca dao.
  22. Ve
    Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
  23. Có ý kiến cho rằng bài này chỉ phong trào Văn Thân bí mật liên lạc với vua Duy Tân để tìm đường cứu nước. Năm 1915, đảng Việt Nam Quang Phục cử Trần Cao Vân và Thái Phiên hợp tác với vua Duy Tân mưu đồ khởi sự. Họ hẹn gặp nhau trên bờ sông Ngự Hà, một con sông chảy từ Tây sang Đông kinh thành Huế, giả làm người đi câu để tránh tai mắt địch.
  24. Năm câu sau nguyên là thơ của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
  25. Bén
    Chạm vào, quen với, gắn bó với.

    Lá thư tình xưa nhớ lúc trao tay
    Còn e ấp thuở duyên vừa mới bén

    (Lá thư ngày trước - Vũ Hoàng Chương)

  26. Cầm bằng
    Kể như, coi như là (từ cũ).
  27. Câu đối
    Một thể loại sáng tác văn chương có nguồn gốc từ Trung Quốc, gồm hai vế đối nhau - nếu từ một người sáng tác gọi là vế trênvế dưới, nếu một người nghĩ ra một vế để người khác làm vế kia thì gọi là vế ra (vế xuất)vế đối. Câu đối thường biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Nhân dân ta có phong tục viết hoặc xin câu đối trong các dịp lễ tết để cầu hạnh phúc, may mắn.

    Câu đối

    Câu đối

    Một đôi câu đối chữ Hán:

    Bảo kiếm phong tùng ma lệ xuất
    Mai hoa hương tự khổ hàn lai

    nghĩa là:

    Hương hoa mai đến từ giá lạnh
    Kiếm sắc quý là bởi giũa mài.

  28. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  29. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  30. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  31. Cù lao Ông Chưởng
    Tên một cù lao thuộc tỉnh An Giang, nằm trên con rạch cùng tên chia nước từ sông Tiền qua sông Hậu. Tên cù lao và rạch được đặt theo tên của quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh. Cù lao này cùng với vùng đất hai bên bờ rạch rất màu mỡ, nhiều ruộng vườn tươi tốt, giàu tôm cá. Gia Định thành thông chí chép:

    Tục gọi là vàm Ông Chưởng; cửa sông nầy rộng 8 tầm, sâu 8 thước ta. Trước cửa sông có cù lao nhỏ và nhân tên sông mà gọi tên cù lao ấy, ở cách phía tây đạo Đông Khẩu 90 dặm rưỡi. Sông chảy vào nam 60 dặm rưỡi đến hạ khẩu rồi hợp lưu với Hậu Giang. Bờ phía tây có sở thủ ngự Hùng Sai, bờ phía tây thượng khẩu có miếu thờ Khâm sai Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn (Nguyễn Hữu Cảnh) vì dân ở đấy cho rằng ông có công dẹp yên Cao Miên, khai thác đất này, nên nhân dân nhớ công đức mà lập miếu thờ...

    Rạch Ông Chưởng

    Rạch Ông Chưởng

  32. Bến Lức
    Tên một huyện thuộc tỉnh Long An, là cửa ngõ phía Bắc của miền Tây Nam Bộ. Huyện Bến Lức cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 km về hướng tây nam và cách thành phố Tân An (thủ phủ Long An) 15 km về hướng đông bắc.
  33. Xóm Bóng
    Còn gọi là bến Bóng, một địa danh thuộc thành phố Nha Trang. Xóm Bóng gồm hai phần: một nằm bên bờ sông Cái, nơi sông đổ ra biển Đông qua cửa Lớn, và phần còn lại là cù lao trên sông. Giữa hai phần này là cầu xóm Bóng, đứng trên cầu có thể thấy tháp Bà Ponagar, thắng cảnh nổi tiếng của Khánh Hòa.

    Tên xóm Bóng bắt nguồn từ một thói quen của làng cù lao xưa: Vào các dịp lễ vía cúng bà, tức thánh Mẫu Thiên Y A Nam, những "cô bóng, bà bóng" của làng lại tập trung múa hát.

    Tháp bà Ponagar nhìn từ cầu xóm Bóng

    Tháp bà Ponagar nhìn từ cầu xóm Bóng

  34. Múa dâng Bà
    Một điệu múa trong lễ hội Tháp Bà, một lễ hội truyền thống ở tỉnh Khánh Hòa. "Bà" là từ dân gian dùng để kính gọi Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

    Múa trong lễ hội Tháp Bà

    Múa trong lễ hội Tháp Bà

  35. Đó
    Dụng cụ đan bằng tre hoặc mây, dùng để bắt tôm cá.

    Cái đó

    Cái đó

  36. Đăng
    Dụng cụ đánh bắt cá, bao gồm hệ thống cọc và lưới hoặc bện bằng dây bao quanh kín một vùng nước để chặn cá bơi theo dòng.

    Cái đăng

    Cái đăng

  37. Chợ Quán
    Một địa danh thuộc Sài Gòn xưa, nguyên là ban làng Tân Kiểng, Nhơn Giang (trước 1885 mang tên Nhơn Ngãi) và Bình Yên sáp nhật lại. Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển trong sách Sài Gòn năm xưa thì: Gọi là “Chợ Quán” vì thuở trước chợ nhóm họp dưới gốc những cây me đại thọ lối nhà thương Chợ Quán hiện nay. Chung quanh chợ có nhiều quán xá lốc cốc tựu một chỗ nên đặt tên làm vậy.
  38. Thủ Thiêm
    Địa danh nay là một phường thuộc quận 2 thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây có bến đò Thủ Thiêm, xuất hiện vào khoảng năm 1912 để vận chuyển người và hàng hóa từ Thủ Thiêm băng qua sông Sài Gòn. Theo Đại Nam nhất thống chí: “Ở thôn Giai Quý, huyện Nghĩa An có chợ tục gọi là Cựu Thiêm; trước chợ có sông Bình Giang, đối diện tỉnh Gia Định. Tàu biển, thuyền sông tấp nập, dân sở tại làm nghề chở đò ngang, đò dọc và theo dòng nước đem bán thực phẩm như cá, thịt, rau, quả” (Huyện Nghĩa An nay là quận 2 và quận 9. Sông Bình Giang tức sông Sài Gòn.)

    Thủ Thiêm nhìn từ bến Bạch Đằng

    Thủ Thiêm nhìn từ bến Bạch Đằng

  39. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  40. Nhái bầu
    Tên chung của một số loài nhái có bụng to, lưng thường có màu nâu tối, đôi khi có hoa văn.

    Nhái bầu trơn

    Nhái bầu trơn

  41. Chàng hiu
    Còn gọi là chàng hương, chàng cương, chẫu chàng, nhái bén, một loài thuộc họ ếch nhái, mình nhỏ, chân dài, sống ở đồng ruộng, ao hồ hoặc trên cây.

    Chàng hiu

    Chàng hiu

  42. Có bảng chép: Khoai.
  43. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  44. Long Phụng
    Một thôn thuộc xã Đức Phụng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nằm ven bờ nam sông Vệ. Ngày xưa, khoai lang trồng ở vùng đất Long Phụng có vị ngon, bùi, trở thành món ăn nổi tiếng gần xa.
  45. Có bản chép: cùng.
  46. An Thổ
    Tên một thôn thuộc xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nằm bên sông Trà Câu.
  47. Hải Môn
    Tên một thôn thuộc xã Nghĩa Hiệp , huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây có nghề trồng hoa khá nổi tiếng.
  48. Hà Ra
    Một địa danh thuộc thành phố Nha Trang, đối diện với xóm Bóng. Cây cầu bắc ngang qua sông Cái từ Hà Ra qua xóm Bóng cũng gọi là cầu Hà Ra.

    Cầu Hà Ra

    Cầu Hà Ra

  49. Hòn Chữ
    Một tảng đá lớn có những tảng nhỏ sát cạnh nằm ở cửa sông Cái (Nha Trang), chu vi chừng 100 m2, cao từ mặt nước lên khoảng vài mét, thường làm du khách chú ý khi đi dọc theo cầu Xóm Bóng hay từ trên khuôn viên Tháp Bà nhìn xuống hướng Đông Nam. Trên đá có in khắc chữ, một lối chữ hình giống như những con nòng nọc nối đuôi nhau, được cho là chữ cổ của người Chiêm Thành xưa.

    Hòn Chữ

    Hòn Chữ

  50. Nâu
    Cũng gọi là bồ nâu, một loại cây mọc hoang ở vùng núi, có củ hình tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng, rất chát. Củ nâu có thể dùng để nhuộm (gọi là nhuộm nâu), luộc ăn, hoặc làm vị thuốc.

    Củ nâu

    Củ nâu

  51. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  52. Nói
    Hỏi cưới (phương ngữ).
  53. Có bản chép: kêu ộp oạp.
  54. Bài dân ca Lý con cóc có được phổ từ bài ca dao này.
  55. Hổng
    Không (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  56. Đưng
    Một loại cây cỏ thân cao cùng họ với cỏ lác, cỏ bàng, có thân cắt ngang hình tam giác, mọc nhiều ở các vùng đầm lầy ngập mặn.

    Bụi cây đưng ở Bàu Sấu, Nam Cát Tiên

    Bụi cây đưng ở Bàu Sấu, Nam Cát Tiên

  57. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  58. Ễnh ương
    Loài động vật thuộc họ ếch nhái, da trơn, bụng lớn, có tiếng kêu to. Ễnh ương thường xuất hiện vào mùa mưa (mùa sinh sản), nên nhân dân ta hay đánh bắt ễnh ương vào mùa này. Thịt ễnh ương giàu chất đạm, có vị ngọt bùi, beo béo, xương giòn và thơm, chế biến được nhiều món ăn ngon.

    Ễnh ương

    Ễnh ương

  59. Lệnh
    Thanh la dùng để báo hiệu lệnh.

    Thanh la

    Thanh la

  60. Theo lệ ngày xưa, khi nhà có người chết thì người nhà phải đóng tiền phạt cho làng.
  61. Ngóe
    Loại nhái rất nhỏ, thân hình chỉ lớn bằng đầu ngón tay cái.
  62. Vạn
    Làng chài.
  63. Tam Soa
    Cũng viết là Tam Sa, một ngã ba sông nay thuộc địa phận xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, là nơi giao nhau của ba con sông Ngàn Sâu, Ngàn Phốsông La.

    Một góc bến Tam Soa

    Một góc bến Tam Soa

  64. Phố Dương
    Một huyện cổ thuộc quận Cửu Đức (Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay). Đời Tấn Vũ Đế tách lập huyện Phố Dương thành hai làng là Phố Châu và Phúc Dương, nay thuộc địa phận huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  65. Nầm
    Địa danh nay thuộc xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây cũng có nhiều địa danh liên quan: rú Nầm (núi), vạn Nầm (làng chài), hói Nầm (cửa sông Khuất), vực Nầm (vực nước)…