Tìm kiếm "hoa hiên"

  • Ai về Phú Lộc gửi lời

    Ai về Phú Lộc gửi lời
    Thư này một bức nhắn người tri âm
    Mối tơ chín khúc ruột tằm
    Khi tháng tháng đợi khi năm năm chờ
    Vì tình ai lẽ làm lơ
    Cắm sào quyết chí đợi chờ bến xuân
    Ước sao chỉ Tấn tơ Tần
    “Sắc cầm hòa hợp” lựa vần “quan thư”
    Đôi bên ý hiệp lòng ưa
    Đắp đền công thiếp lại vừa lòng anh
    Thiếp thời tần tảo cửi canh
    Chàng thời nấu sử sôi kinh kịp thì
    Một mai chúa mở khoa thi
    Bảng vàng chói lọi có đề tên anh

  • À à chựng chựng

    À à chựng chựng
    Chựng chựng cho lâu
    Cày sâu bừa kĩ
    Con nghỉ con chơi
    À chựng chựng ơi

    Con bơi cho khỏe
    Con trẻ cho dai
    Đẹp đài đẹp lộc
    Đẹp vóc nhà trời
    À chựng chựng ơi

  • Cái sáo mặc áo em tao

    Cái sáo mặc áo em tao
    Làm tổ cây cà
    Làm nhà cây chanh
    Đọc canh bờ giếng
    Mỏi miệng tiếng kèn
    Hỡi cô trồng sen!
    Cho anh hái lá
    Hỡi cô trồng bưởi!
    Cho anh hái hoa
    Cứ một cụm cà
    Là ba cụm lý
    Con nhà ông lý
    Mặc áo tía tô

  • Chợ chùa một tháng sáu phiên

    Chợ chùa một tháng sáu phiên,
    Mời anh đi chợ thăm miền quê ta.
    Xanh mắt là chị hàng na,
    Mặn mà hàng muối, ngọt hoa hàng đường.
    Thơm ngát là chị hàng hương,
    Tanh tao hàng cá phô trương hàng vàng.
    Bộn bề là chị hàng giang,
    Bán rổ bán rá bán sàng bán nia.
    Nghênh ngang là chị hàng cua,
    Hàng ếch nhấp nhổm người mua cũng nhiều.
    Hàng khoai đêm suốt sớm chiều,
    Người quen kẻ lạ cũng đều ngợi khen.

  • Sáng nay đi chợ tất niên

    – Sáng nay đi chợ tất niên
    Em đây cầm một quan tiền trong tay
    Sắm mua cũng khá đủ đầy
    Nào cau, nào thuốc, trái cây, thịt thà
    Độc bình mua để cắm hoa
    Hột dưa, bánh mứt, rượu trà, giấy bông
    Tính hoài mà cũng chẳng thông
    Còn ba trăm sáu chục đồng tiền dư

    – Vội chi, em cứ thư thư
    Anh đây sẽ tính chừ chừ cho em
    Sáu mươi đồng tính một tiền
    Mà ba trăm sáu chục đồng nguyên vẫn còn
    Vị chi em mới tiêu xong
    Cho hột dưa, bánh mứt, giấy bông, rượu, trà
    Trái cây, cau, thuốc, thịt thà
    Độc bình cùng với hương hoa là bốn tiền
    Ba trăm sáu chục đồng nguyên
    Tính ra chính thị sáu tiền còn dư

  • Mẹ anh lội bụi lội bờ

    Mẹ anh lội bụi lội bờ
    Sao anh áo lụa quần tơ ngày ngày
    Mẹ anh bụng đói thân gầy
    Sao anh vui thú mâm đầy cỗ cao
    Mẹ anh như tép lao xao
    Sao anh lấp lánh như sao trên trời
    Mẹ anh quần quật một đời
    Sao anh ngoảnh mặt anh cười cợt hoa

  • Anh ơi giữ đạo tam cang

    Anh ơi giữ đạo tam cang
    Dù sanh dù tử cũng giữ cho toàn trước sau
    Anh ơi đừng có ham giàu
    Tỉ như con chim kêu núi Bắc, con cá sầu biển Đông
    Có duyên thì vợ thì chồng
    Không duyên ở vậy lập vườn hồng trồng hoa
    Hỡi người bạn cũ gần xa
    Ham nơi phú quý bỏ nghĩa ta sao đành

  • Con nhạn nó liệng lên mây

    Con nhạn nó liệng lên mây
    Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ
    Cái sự dầu dãi tự bấy đến giờ
    Kiếp phong trần chị Ba rũ đến bao giờ thì thôi
    Tiếc thay sắc nước hương trời
    Cớ làm sao phải lạc loài đến đây
    Ai làm cho nên nỗi nước non này
    Bông hoa sao héo dãi dầu với hoa
    Căm gan này nên giận trăng già
    Tình này ai tỏ cho ta nỗi lòng

  • Chàng về mua chỉ mua kim

    Chàng về mua chỉ mua kim
    Thêu loan thêu phượng mới nên khăn này
    Thêu cho đủ lối mới hay
    Anh thời thêu phượng em nay thêu rồng
    Bốn bên thêu bốn cành hồng
    Ở giữa con rồng phượng lộn xung quanh
    Ở giữa chỉ đỏ rành rành
    Bốn góc em thêu bốn cành quế chi
    Đố anh thêu được hoa quì
    Đố anh thêu được bốn vì cành hoa
    Anh về mượn thợ thêu đi
    Anh mà thêu được em thì mất khăn

  • Anh ơi, phải lính thì đi

    Anh ơi! phải lính thì đi
    Cửa nhà mọi việc em thì chẳng sai
    Tháng chạp là tiết trồng khoai
    Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà
    Tháng ba cày vỡ đất ra
    Tháng tư gieo mạ, thuận hòa mọi nơi
    Tháng mười gặt hái vừa rồi
    Trời đổ mưa xuống, nước trôi đầy đồng
    Anh ơi, hãy giữ việc công
    Để em cày cấy, mặc lòng em lo

    Dị bản

    • Anh ơi, phải lính thì đi
      Cửa nhà đơn chiếc đã thì có em

    • Anh ơi, phải lính thì đi
      Con còn măng dại đã thì có em

  • Bấy lâu ta ở với ta

    Bấy lâu ta ở với ta
    Bây giờ có Phú Lang Sa lọt vào
    Bây giờ đất thấp trời cao
    An Nam, Quảng Tống phải vào lụy Tây
    Bây giờ khố bẹ đi giày
    Bờ lau lên phố, đĩ nay lên bà
    Mấy đời khoai sắn nở hoa
    Thau rau đắc thế, trẻ già thất kinh
    Bấy lâu vua trị một mình
    Bây giờ Nhà nước đã rành chia đôi
    Văn nhân khoa mục ở rồi
    Những phường dốt nát lên ngồi làm quan
    Những anh phơ phất loàng xoàng
    Làm bồi làm bếp ra ràng cậu chiêu
    Các quan trung nghĩa trong triều
    Về nhà ngồi xó liệu chiều thủ thân
    Những quân vô nghĩa, nịnh thần
    Tìm thầy, tìm cách lần lần thăng quan
    Trị dân lắm sự tham tàn
    Kiếm tiền kiếm bạc mới toan bằng lòng
    Muốn cho bể lặng, sông trong
    Cách hết lũ ấy mới mong thái bình

  • Trăm năm đôi chữ tình duyên

    Trăm năm đôi chữ tình duyên
    Lấy lời vàng đá mà nguyền non sâu
    Ngày thăm thẳm nhớ non sâu
    Đêm khuya vò võ dạ sầu đăm đăm
    Tiếc về đôi chữ tình thâm
    Cho nên bối rối ruột tằm chẳng khuây
    Tình thâm kẻ đấy người đây
    Đã xe chỉ thắm còn lay cành sầu
    Biết nhau xin nhớ lời nhau
    Chơi hoa phải giữ lấy màu cho hoa.

  • Ngồi tựa vườn đào

    Ngồi tựa vườn đào
    Thấy người thục nữ ra vào
    Lòng những vấn vương
    Gió lạnh đêm trường
    Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường
    Cô để đó chờ ai?
    So chữ sắc tài
    Yêu nhau chớ để cho người trăng gió hái hoa
    Nguyện với trăng già
    Tơ hồng kết lại một nhà đầm ấm yên vui
    Ngồi tựa vườn đào
    Thấy người tri kỷ ra vào
    Em những ngẩn ngơ
    Tháng đợi năm chờ
    Nỗi niềm tâm sự bây giờ biết ngỏ cùng ai

    Dị bản

    • Ngồi tựa vườn đào
      Thấy người thục nữ ra vào
      Lòng những vấn vương
      Nửa chăn để đó, nửa giường,
      Em để chờ ai
      So chữ sắc tài
      Có công gắn bó, ai người phụ nghĩa quên công
      Nên chăng đấy vợ, đây chồng
      Bõ công cầu khẩn tơ hồng xe duyên

  • Cha mẹ nàng đòi ăn cơm trắng cá thu

    Cha mẹ nàng đòi ăn cơm trắng cá thu
    Gả con xuống biển mù mù tăm tăm
    Cha mẹ nàng đòi đi một trăm
    Anh đi chín chục mười lăm quan nòi
    Trong hộp có đôi bông tai
    Đem xuống thợ bạc đổ hai đôi vòng
    Anh thương em phải nói cho xong
    Kẻo bún em nguội kẻo lòng em thiu
    Lòng em thiu đem về hòa giấm
    Cau lòng tôm chẻ tấm phơi khô
    Đố em giỏi dám lấy chồng mô
    Lại đây qua kể công đồ cho mà nghe.

    Dị bản

    • Cha mẹ nàng muốn ăn cá thu
      Bắt anh đánh lưới mù mù tăm tăm.
      Cha mẹ nàng đòi lễ một trăm,
      Anh đi chín chục mười lăm quan ngoài.
      Cha mẹ nàng đòi bông tai,
      Anh ra thợ bạc làm hai đôi vòng.

Chú thích

  1. Xe chỉ
    Xe là động tác xoắn sợi để tạo nên hiệu ứng theo yêu cầu công việc, hoặc là xoắn rồi gập đôi lại để có một sợi to hơn, chắc hơn, hoặc xoắn bện giữa hai, ba sợi với nhau, hoặc xe từ bông vải để thành sợi chỉ, hoặc xe vuốt cho đầu sợi chỉ đang xòe bung trở thành thuôn nhỏ để luồn kim...

    Nghe bài dân ca Xe chỉ luồn kim.

  2. Phú Lộc
    Một làng nay thuộc xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, có nghề truyền thống là làm hương (nhang).
  3. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  4. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  5. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  6. Sắt cầm
    Đàn sắt và đàn cầm, hai loại đàn của Trung Quốc. Tương truyền, đàn sắt do vua Phục Hy chế ra vào khoảng gần ba nghìn năm trước công nguyên, còn đàn cầm do vua Thuấn chế ra khoảng một nghìn năm sau đó. Đàn sắt và đàn cầm thường được đánh hòa với nhau, vì vậy chữ sắt cầm, duyên cầm sắt được dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

    Chàng dù nghĩ đến tình xa
    Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ

    (Truyện Kiều)

  7. Quan thư
    Bài thơ mở đầu Kinh Thi. Thật ra những bài thơ trong Kinh Thi đều không có tiêu đề, người biên soạn thường lấy một hai từ đầu của bài thơ để đặt cho dễ nhớ. Riêng ở đây từ “quan thư” có thể hiểu là tiếng “chim thư kêu.” Bốn câu đầu của bài như sau:

    Quan quan thư cưu
    Tại hà chi châu.
    Yểu điệu thục nữ,
    Quân tử hảo cầu

  8. Hiệp
    Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
  9. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  10. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  11. Kinh sử
    Sách vở Nho giáo nói chung. Thời xưa sách vở được phân làm bốn loại: kinh (kinh điển), sử (lịch sử), tử (lời của các nhà tư tưởng), tập (tuyển tập văn thơ).
  12. Thì
    Thời, lúc.
  13. Chúa
    Chủ, vua.
  14. Từ đâu này đến cuối, có bản chép:

    Một mai chiếm bảng xuân vi
    Ấy là đề diệp tinh kỳ từ đây
    Ai ơi nghe thiếp lời này

  15. Có bản chép: mặc áo của cô.
  16. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  17. Lí trưởng
    Tên một chức quan đứng đầu làng (: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
  18. Tía tô
    Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Cây và lá tía tô

    Cây và lá tía tô

  19. Chợ chùa
    Còn gọi là chợ tam bảo, một loại hình chợ có từ thế kỉ 16 ở Đàng Ngoài. Chợ có đặc điểm là tụ tập gần các chùa, thu nhập từ chợ đưa cho chùa quản lí chứ không phải nộp cho triều đình. Chợ chùa tồn tại tới thế kỉ 19 thì chấm dứt.
  20. Chợ phiên
    Chợ họp có ngày giờ nhất định.
  21. Mãng cầu
    Miền Bắc gọi là na, một loại cây ăn quả cho quả tròn có nhiều múi (thực ra, mỗi múi là một quả) khi chín có vị ngọt, mùi rất thơm. Lá, hạt và rễ mãng cầu cũng là những vị thuốc dân gian.

    Trái mãng cầu

    Trái mãng cầu

  22. Hàng giang
    Hàng bày bán các sản phẩm mây tre lá. Xem thêm chú thích Cây giang.
  23. Rổ
    Dụng cụ để đựng, đan bằng tre, mây hoặc làm bằng nhựa, có nhiều hình dạng khác nhau, lòng sâu, có nhiều lỗ nhỏ để dễ thoát nước.

    Rổ nhựa

    Rổ nhựa

  24. Đồ đan bằng tre có vành (gọi là cạp), dùng để đựng gạo hoặc nông sản.

    Sàng và rá

    Sàng và rá

  25. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  26. Nia
    Dụng cụ đan bằng tre, hình tròn, có vành, rất nông, dùng để đựng và phơi nông sản (gạo, lúa)...

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  27. Tất niên
    Cuối năm (từ Hán Việt).
  28. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  29. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  30. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  31. Thư thư
    Thong thả, từ từ, không bức bách.
  32. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  33. Vàng mười
    Vàng nguyên chất.
  34. Ước thệ
    Hẹn thề (từ Hán Việt).
  35. Giao ngôn
    Lời hứa, lời ước hẹn (giao nghĩa là bền chặt).
  36. Tày
    Bằng (từ cổ).
  37. Vượt Vũ môn
    Ở thượng lưu sông Hoàng Hà (giữa huyện Hà Tân, Sơn Tây và Hán Thành, Thiểm Tây, Trung Quốc) có mõm đá như hình cái cửa. Tương truyền thời thượng cổ vua Vũ nhà Hạ trị thủy đã đục phá mõm đá này cho rộng ra, nên gọi là Vũ môn (cửa vua Vũ), cũng gọi là Cửa Vũ hay Cửa Võ. Theo Tam Tần KýThủy Kinh Chú thì Vũ môn có sóng dữ, hàng năm vào tiết tháng ba cá chép khắp nơi kéo về vượt qua Vũ môn, con nào nhảy qua được thì hóa rồng. Nhân đó, cửa Vũ dùng chỉ chốn trường thi và thi đỗ gọi là vượt Vũ môn.

    Theo Đại Nam nhất thống chí thì ở nước ta cũng có Vũ môn ở dãy núi Khai Trường huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là dòng suối có ba bậc. Tương truyền hàng năm đến tháng 4 mưa to, có nước nguồn thì cá chép ngược dòng chảy qua Vũ môn để hóa rồng.

  38. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  39. Năn
    Cũng viết là năng, còn gọi là mã thầy, một loại cỏ mọc hoang trên những cánh đồng ngập nước. Phần củ ăn được, lá được dùng làm vị thuốc.

    Củ năn (năng)

    Củ năn (năng)

  40. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  41. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  42. Tơ vương
    Tơ bị dính vào nhau; thường được dùng trong văn chương để ví tình cảm yêu đương vương vấn, khó dứt bỏ.
  43. Sắc nước hương trời
    Chỉ người phụ nữ đẹp.
  44. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  45. Thanh xuân bất tái
    Tuổi xanh không quay trở lại (chữ Hán).
  46. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  47. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  48. Càn
    Ẩu, bừa (nói càn, làm càn).
  49. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  50. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  51. Chạp
    Tháng thứ mười hai âm lịch. Có thuyết cho chạp do đọc trạch từ tiếng Hán lạp nguyệt mà ra.
  52. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  53. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  54. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  55. Quảng Tống
    Cách nói của Quảng Đông, chỉ người Hoa.
  56. Khố bẹ
    Khố dài, sau khi quấn xong vẫn thừa hai đầu như hai cánh xòe ra. Phân biệt với khố bao là khố may bằng bao đựng trấu và chỉ quấn ngang lưng.
  57. Thau rau
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thau rau, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  58. Văn nhân
    Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.

    Trông chừng thấy một văn nhân,
    Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

    (Truyện Kiều)

  59. Khoa mục
    Những danh mục, hạng, loại trong khoa cử thời phong kiến, như Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp... Những người đỗ đạt ngày xưa cũng gọi là người khoa mục.
  60. Phường
    Nhóm người, bọn (thường dùng với nghĩa thiếu tôn trọng).

    Con này chẳng phải thiện nhân
    Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng

    (Truyện Kiều)

  61. Bồi
    Người hầu hạ, giúp việc, thường là nam giới nhỏ tuổi. Từ này có gốc là phiên âm của từ tiếng Anh boy.

    Biết thân, thuở trước đi làm quách,
    Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi!

    (Than nghèo - Tú Xương)

  62. Cậu ấm cô chiêu
    Chiêu là từ chỉ học vị tiến sĩ thời Lê còn ấm là chức tước do triều đình ban cho con cháu các quan từ ngũ phẩm trở lên. Con cái những người này được gọi là "cậu ấm," "cô chiêu," sau được dùng để chỉ chung con cái những nhà giàu có.
  63. Cách
    Tước bỏ chức tước, phẩm hàm, công việc.
  64. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  65. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  66. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  67. Tri kỉ
    Người thân thiết, hiểu rõ mình, từ chữ tri (biết) và kỉ (mình).
  68. Bõ công
    Đáng công.
  69. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu