Tìm kiếm "mồ mả"

Chú thích

  1. Trà Ôn
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Vĩnh Long, là vùng chuyên canh lúa và cây ăn trái của tỉnh. Huyện có cù lao Mây trên sông Hậu, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch vườn. Ngoài ra Trà Ôn còn có chợ nổi ngay ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít, quy tụ nhiều ghe thuyền đông vui tấp nập. Đến Trà Ôn, du khách còn có thể viếng lăng Thống chế Điều Bát, chùa Gò Xoài, đình Thiện Mỹ, đình Hậu Thạnh...

    Chợ nổi Trà Ôn

    Chợ nổi Trà Ôn

  2. Nguyễn Văn Tồn
    (1763–1820) Một danh tướng nhà Nguyễn, có công lớn trong việc giúp Thoại Ngọc Hầu chỉ huy quân dân đào kênh Vĩnh Tế (Châu Đốc, An Giang) và giúp dân nhiều vùng trong hai tỉnh Vĩnh Long-Trà Vinh khai khẩn đất hoang, thành lập nhiều xóm làng. Ông nguyên gốc người Khmer, có tên là Thạch Duồng hay Thạch Duông, nhờ lập nhiều công lớn mà được chúa Nguyễn Ánh ban cho tứ danh là Nguyễn Văn Tồn, về sau lại được phong hàm Thống chế, lãnh chức Điều bát nhung vụ (nên được gọi là Thống chế Điều bát). Mùng 4 tháng Giêng năm Canh Thìn (tức 27 tháng 2 năm 1820), ông bị bệnh mất tại Trà Ôn (Vĩnh Long). Tại đây vẫn còn đền thờ ông.

    Tượng Thống chế Điều bát trong đền thờ ông

    Tượng Thống chế Điều bát trong đền thờ ông

  3. Hồ lô
    Nghĩ gốc là quả bầu nậm (từ chữ Hán 葫蘆 hồ lô), loại bầu có eo quả co thắt lại. Vì ngày xưa vỏ bầu khô dùng để đựng rượu nên hồ lô còn có nghĩa là bầu rượu. Trong phong thủy và văn hóa Trung Hoa, hồ lô tượng trưng cho điềm lành.

    Hồ lô

    Hồ lô

  4. Tương truyền đây là câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về sự ra đời của Kỳ Đồng. Các địa danh trong bài đều ở Thái Bình, quê của Kỳ Đồng.
  5. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  6. Vải bô
    Loại vải xấu, thường chỉ những người lao động, người nhà nghèo mới mặc.
  7. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  8. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  9. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  10. Ông sếp
    Ông chủ. Từ này có gốc từ tiếng Pháp chef.
  11. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  12. Vượt cạn
    Chỉ việc sinh nở.
  13. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  14. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  15. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  16. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  17. Núp
    Nấp (phương ngữ).
  18. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  19. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  20. Được mợn
    Được đà, được thể (phương ngữ).
  21. Quớ
    Bớ (phương ngữ Phú Yên).
  22. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  23. Phú Trung
    Địa danh nay thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
  24. Phú Tài
    Địa danh trước đây là một thôn thuộc xã Phước Thạnh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Năm 1986, xã Phước Thạnh được sáp nhập vào thành phố Quy Nhơn, khu vực này trở thành ngã ba Phú Tài.
  25. Cơm khê
    Cơm nấu quá lửa, có mùi khét.
  26. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).