Tìm kiếm "chợ trưa"

Chú thích

  1. Đông ken
    Trời (mùa đông) rất lạnh và có sương mù.
  2. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  3. Tề
    Kìa (phương ngữ miền Trung).
  4. Tre ngà
    Còn gọi là tre đằng ngà, tre mỡ, tre trổ, tre vàng sọc, một loại tre thân có màu vàng óng sọc xanh, ruột tương đối đặc, chịu được ngập úng lẫn khô hạn. Tre ngà hay được dùng làm hàng rào hay làm cảnh.

    Tre ngà

    Tre ngà

  5. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  6. Ngâu
    Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).

    Hoa và quả ngâu

    Hoa và quả ngâu

  7. Mẫu đơn
    Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...

    Hoa mẫu đơn

    Hoa mẫu đơn

  8. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  9. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  10. Yên Quang
    Tên làng nay là khu vực đầu phố Cửa Bắc đến đền Quán Thánh, Hà Nội, nằm về phía nam hồ Trúc Bạch.
  11. Cót
    Đồ đựng được làm bằng tấm cót đan từ những nan tre nứa mỏng đan chéo và khít vào nhau, quây kín, đặt trên một cái nong.

    Đan cót

    Đan cót

  12. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  13. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  14. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  15. Kẻ Nủa
    Một địa danh thuộc tỉnh Sơn Tây cũ. Thời Pháp thuộc, Kẻ Nủa thuộc tổng Thạch Xá. Hiện nay, Kẻ Nủa gồm 5 xã: Chàng Sơn, Thạch Xá, Hữu Bằng, Bình Phú và Phùng Xá.
    Đây là vùng có nhiều đình, đền, chùa, quán... Tất cả có 12 chùa, 15 đình, đền, quán, miếu. Trong đó có những công trình rất có giá trị về văn hóa và nghệ thuật, như: Chùa Tây Phương ở Thạch Xá, đình Hữu Bằng, đình làng Gia, đền thờ và lăng mộ Phùng Khắc Khoan ở Phùng Xá... Kẻ Nủa còn là cái nôi của 3 phường rối nước có từ lâu đời, nay vẫn còn hoạt động: Rối nước làng Gia, rối nước làng Yên và rối nước làng Chàng.
  16. Cổ Nhuế
    Tên Nôm là kẻ Noi, một làng thuộc Thăng Long xưa, nay là xã thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Làng Cổ Nhuế ngày xưa có truyền thống thâm canh lúa và hoa màu giỏi, đồng thời có nghề may từ đầu thế kỉ 20. Làng cũng có nghề hót phân rất độc đáo, tới mức trong đền thờ Thành Hoàng, người ta thờ đôi quang và chiếc đòn gánh cùng hai mảnh xương trâu cầm tay (những công cụ hót phân).

    Đọc thêm "Nghề hót phân trên đời là nhất!".

    Người lấy phân

    Người lấy phân

  17. Ý nói người kẻ Nủa và kẻ Noi lanh lẹ, giỏi bắt chước nghề nghiệp.