Tìm kiếm "mùa khô"

Chú thích

  1. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  2. Bổ
    Ngã (phương ngữ Trung Bộ).
  3. Tất niên
    Cuối năm (từ Hán Việt).
  4. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  5. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  6. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  7. Thư thư
    Thong thả, từ từ, không bức bách.
  8. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Đách
    Từ thông tục, vốn nghĩa chỉ bộ phận sinh dục của phụ nữ, thường được dùng để phủ định (cũng như đếch).
  10. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  11. Đom đóm
    Loài côn trùng cánh cứng nhỏ có khả năng phát quang, có tập tính hoạt động về ban đêm, con đực thường có cánh và bay vào những đêm đầu mùa hạ.

    Con đom đóm

    Con đom đóm

  12. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  13. Dịch Đồng
    Một làng nay thuộc xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
  14. Hương Sơn
    Một địa danh của tỉnh Hà Tĩnh, nay là huyện Hương Sơn. Nước chè tươi Hương Sơn rất đặc, rất chát, là một đặc sản nổi tiếng của vùng này. Có người đã mô tả loại đồ uống độc đáo này bằng câu "Khăm đũa không đổ,” có nghĩa là sánh đặc đến mức đũa cắm vào thẳng đứng.
  15. Chung
    Chén nhỏ dùng khi uống rượu hoặc trà. Cũng nói chung thỉ (người Nam Bộ phát âm chữ thủy thành thỉ).

    Chung trà

    Chung trà

  16. Rượu lưu ly
    Rượu tiễn. Rượu người con gái rót mời cha mẹ uống trong lễ đón dâu, trước khi về nhà chồng thường được gọi là rượu lưu ly.
  17. Sinh thành
    Sinh ra và nuôi nấng, dạy dỗ cho thành người (từ Hán Việt).
  18. Đậu
    Chắp hai hay nhiều sợi với nhau. Vải (lụa) đậu ba, đậu tư là loại vải tốt, dệt dày.
  19. Áo cổ kiềng
    Một loại áo ngắn tương tự như áo bà ba ở miền Nam, cổ áo ôm sát cổ và được may viềng nẹp như cái kiềng, nên có tên gọi như vậy.
  20. Thốt nốt
    Loại cây thuộc họ cau, mọc nhiều ở các tỉnh khu vực Nam Bộ giáp với Campuchia. Tên gọi thốt nốt trong tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Khmer th'not. Dịch ngọt từ các bông mo non của thốt nốt được cô đặc để sản xuất một loại đường thô gọi là đường thốt nốt, có vị ngọt thanh.

    Cây thốt nốt

    Cây thốt nốt

  21. Bánh trôi nước
    Một loại bánh làm bằng bột gạo nếp, hình tròn, nhân đường phèn, trên rắc vừng hoặc sợi dừa nạo. Bánh trôi cùng với bánh chay thường được ăn trong dịp Tết Hàn thực vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm.

    Ở miền Nam có một món ăn tương tự là chè trôi nước (cũng gọi là chè xôi nước), nhưng nhiều nước đường hơn, có khi cho thêm nước cốt dừa.

    Bánh trôi nước

    Bánh trôi nước

  22. Trong trào ngoài quận
    Cả trong triều đình và các quận ngoài, ý nói khắp mọi nơi. Còn nói nội triều ngoài quận.
  23. Sở Khanh
    Tên một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều. Vốn là một gã ăn chơi, Sở Khanh đã lừa Thúy Kiều rằng y thật lòng yêu thương và muốn cứu nàng khỏi chốn lầu xanh, nhưng cuối cùng lại "quất ngựa truy phong." Cái tên Sở Khanh ngày nay thường được dùng để chỉ những kẻ chuyên đi lừa những người con gái nhẹ dạ.
  24. Đàng điếm
    Cũng viết là điếm đàng, nghĩa đen là người lang thang ngoài đường (đàng) trong quán (điếm), hiểu rộng là những kẻ "hay phỉnh phờ, lường gạt, thường hiểu là đứa hay ngồi lều ngồi chợ hay toa rập làm điều gian lận" (Đại Nam quấc âm tự vị).
  25. Chuồn chuồn
    Tên chung của một bộ côn trùng gồm hơn 4500 loài, chia thành hai nhóm lớn: chuồn chuồn ngô và chuồn chuồn kim, khác nhau chủ yếu ở tư thế của cánh khi đậu và hình dạng của ấu trùng. Chuồn chuồn có đầu tròn và khá lớn so với thân được bao phủ phần lớn bởi hai mắt kép lớn hai bên, hai bên có cánh mỏng, dài, mỏng và gần như trong suốt. Trẻ em ở thôn quê thường bắt chuồn chuồn chơi.

    Chuồn chuồn

    Chuồn chuồn

  26. Hòn Lớn
    Tên chữ là Đại Dự, một hòn đảo lớn nằm trong vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Phía sau đảo này rất kín gió, nên là nơi che chắn giông bão, tàu thuyền cho người đi biển.
  27. Áo cổ giữa
    Cũng gọi là áo cổ trịt (cổ trệt), một loại áo ngắn của người bình dân, gài nút trước ngực, không bâu, nếu là áo nam thường có xẻ nách, còn áo nữ thì bít kín.
  28. Khung cửi
    Dụng cụ dệt vải truyền thống của nhiều dân tộc Việt Nam. Khung cửi có hình hộp chữ nhật có 4 cột trụ và các thanh nối ngang dọc tạo cho khung cửi có tính chất vững chắc. Khung cửi có nhiều bộ phận:

    1. Khung: làm bằng gỗ với 4 cột trụ to, chắc, có các thanh dọc, ngang nối với nhau.
    2. Trục: một thanh gỗ tròn ngang để cuốn vải, kéo cho mặt vải dệt có độ phẳng để dệt vải mịn.
    3. Phưm: giống như chiếc lược được làm hình chữ nhật, bên trong đan bằng nan tre vót nhỏ, đều nhau. Phưm có tác dụng chia đều các sợi vải dọc và dập chặt các sợi vải ngang để cho mặt vải mịn đều.
    4. Go: Bộ go gồm hai lá, mỗi lá go được làm bằng hai thanh tre nhỏ dài chừng 7 tấc. Go là bộ phận chính trong khung cửi.
    5. Bàn đạp: Hai thanh gỗ để đạp chân lên, buộc 2 sợi dây đính với go để điều chỉnh sợi lên xuống để đưa thoi vào dệt sợi ngang.
    6. Thanh ngáng sợi: Một thanh gỗ to bề ngang khoảng 10cm, để ngang giữa 2 làn sợi dọc cho cao lên để đưa thoi qua dễ dàng.

    Dệt bằng khung cửi

    Dệt bằng khung cửi

  29. Kéo hoa
    Còn gọi là cài hoa, công việc hỗ trợ cho việc dệt trong quá trình dệt lụa hoa. Dệt cài hoa phải có hai người, một người điều khiển chính là người dệt, người kéo hoa có nhiệm vụ kéo go xà thật ăn ý với động tác của người dệt chính.
  30. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  31. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  32. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  33. Có bản chép:
    Răng đen ai nhuộm cho mình,
    Để duyên mình thắm, để tình anh say.
  34. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  35. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  36. Ễnh ương
    Loài động vật thuộc họ ếch nhái, da trơn, bụng lớn, có tiếng kêu to. Ễnh ương thường xuất hiện vào mùa mưa (mùa sinh sản), nên nhân dân ta hay đánh bắt ễnh ương vào mùa này. Thịt ễnh ương giàu chất đạm, có vị ngọt bùi, beo béo, xương giòn và thơm, chế biến được nhiều món ăn ngon.

    Ễnh ương

    Ễnh ương

  37. Cỏ bàng
    Còn gọi là cói bàng hay gọi tắt là bàng, một loài cỏ cao, thân rỗng, thường mọc thành đồng những vùng đất nhiễm phèn miền Tây Nam Bộ. Củ bàng có thể ăn thay cơm, thân bàng dùng để đan nhiều đồ dùng hữu ích như đệm lót, giỏ xách, bao (cà ròn), nón, võng, nóp (một loại nệm nằm), thậm chí cả buồm cho tàu ghe hay áo mặc. Nghề đan bàng do đó là nghề kiếm sống của nhiều người dân Nam Bộ trước đây, hiện đang được phục hồi sau một thời gian mai một, chủ yếu tập trung vào chế tác hàng mỹ nghệ.

    Đêm đêm trong ánh trăng mờ
    Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng

    (Trường ca Đồng Tháp Mười - Nguyễn Bính)

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đan (đươn) bàng

    Đan (đươn) bàng

  38. Đươn
    Đan (phương ngữ Nam Bộ)
  39. Đệm
    Miếng đệm dùng cho ghe đi trên sông, thường làm bằng cọng bàng. Vùng bán đảo Thủ Thiêm vốn là vùng trũng thuận lợi cho các loại bàng, lác phát triển. Đặc biệt là vùng đất Cây Bàng xưa rất nổi tiếng với nghề đan đệm buồm bằng cọng bàng.

    Sơ chế cỏ bàng để đươn đệm

    Sơ chế cỏ bàng để đươn đệm

  40. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  41. Kiềng
    Vòng trang sức bằng vàng hay bạc, thường được đeo trên cổ hay dưới cổ chân. Ngày xưa, kiềng cổ làm bằng vàng, to bằng ngón tay út, rỗng ruột. Kiềng có chạm khắc hoa văn được gọi là kiềng chạm, kiềng không chạm khắc được gọi là kiềng trơn.

    Kiềng của người Dao

    Kiềng của người Dao