Tìm kiếm "làng bằng"

  • Ai ơi đứng lại mà trông

    Ai ơi đứng lại mà trông
    Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa
    Kìa giấy Yên Thái như kia
    Giếng sâu chín trượng nước thì trong xanh
    Đầu chợ Bưởi có điếm cầm canh
    Người đi kẻ lại như tranh họa đồ
    Cổng chợ có miếu thờ vua
    Đường cái chính xứ lên chùa Thiên Niên
    Chùa Thiên Niên có cây vọng cách
    Chùa Bà Sách có cây đa lông
    Cổng làng Đông có cây khế ngọt
    Con gái Kẻ Cót thì đi buôn xề
    Con trai làng Nghè dệt cửi kéo hoa
    An Phú nấu kẹo mạch nha
    Làng Vòng làm cốm để mà tiến vua.
    Họ Lại làm giấy sắc vua
    Làng Láng mở hội kéo cờ hùng ghê.

  • Có đêm ra đứng đàng tây

    Có đêm ra đứng đàng tây
    Trông lên lại thấy bóng mây tà tà
    Có đêm ra đứng vườn hoa
    Trông lên lại thấy sao tà xanh xanh
    Có đêm thơ thẩn một mình
    Ở đây thức cả năm canh rõ ràng
    Có đêm tạc đá ghi vàng
    Ngày nào em chả nhớ chàng chàng ơi
    Thương chàng lắm lắm không nguôi
    Nhớ miệng chàng nói, nhớ lời chàng than
    Nhớ chàng như nhớ lạng vàng
    Khát khao vì nết mơ màng vì duyên
    Nhớ chàng như bút nhớ nghiên
    Như mực nhớ giấy như thuyền nhớ sông
    Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
    Như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây
    Nhớ chàng ra ngẩn vào ngây
    Sư ông nhớ Bụt rày nhớ chuông
    Nhớ chàng vì nợ vì duyên
    Vì ông Tơ Nguyệt đã khuyên lấy chàng.

    Dị bản

    • Đêm đêm ra đứng vườn hoa
      Ngó lên trông thấy sao tà xanh xanh
      Đêm đêm ra đứng một mình
      Đêm dài thức trắng năm canh rõ ràng
      Có đêm tạc đá ghi vàng
      Ngày nào anh chẳng nhớ nàng nàng ôi
      Thương nàng lắm lắm nàng ôi
      Nhớ miệng ai nói, nhớ lời ai than
      Nhớ nàng như bút nhớ nghiên
      Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông
      Bao giờ nên vợ nên chồng
      Như chim về tổ như rồng gặp mây

    Video

  • Trèo lên cây gạo con con

    Trèo lên cây gạo con con
    Muốn lấy vợ giòn phải nặng tiền cheo
    Nặng là bao nhiêu?
    Ba mươi quan quý.
    Mẹ anh có ý mới lấy được nàng
    Mai mẹ anh sang, mẹ nàng thách cưới
    Bạc thì trăm rưỡi, tiền chín mươi chum
    Lụa thì chín tấm cho dày
    Trâu bò chín chục đuổi ngay vào làng.
    Anh sắm được anh mới hỏi nàng
    Nếu không sắm đủ chớ vào làng làm chi!

  • Tóc mai đã lỗi câu thề

    Tóc mai đã lỗi câu thề
    Nâng niu thằng Chệch, tứ bề sọ không
    Trên đầu nó vấn đuôi nhồng
    Hàm răng trắng nhẻ, miệng không ăn trầu
    Gẫm trông thằng Chệch thêm rầu
    Có một cái đầu chẳng để cho nguyên
    Tóc ra thì nó cạo liền
    Mua chỉ nó gióc cho liền ống chân
    Bận quần chẳng có dây lưng
    Bận áo nửa chừng, lủng lẳng dái trâu
    Còn thương thằng Chệch vì đâu
    Càng ngày càng chán, càng lâu càng buồn

  • Đêm qua trời sáng trăng rằm

    Đêm qua trời sáng trăng rằm
    Anh đi qua cửa, em nằm không yên
    Mê anh chẳng phải mê tiền
    Thấy anh lịch sự, có duyên, dịu dàng
    Thấy anh em những mơ màng
    Tưởng rằng đây đấy phượng hoàng kết đôi
    Thấy anh chưa kịp ngỏ lời
    Ai ngờ anh đã vội dời gót loan
    Thiếp tôi mê mẩn canh tàn
    Chiêm bao như thấy anh chàng ngồi bên
    Tỉnh ra lẳng lặng yên nhiên
    Tương tư bệnh phát liên miên cả ngày
    Nghĩ rằng duyên nợ từ đây
    Xin chàng hãy lại nơi đây chút nào
    Cho thiếp tỏ thiệt với nao!

  • Mẹ già như chuối ba hương

    Mẹ già như chuối ba hương
    Như xôi nếp mật, như đường mía lau
    Đường mía lau càng lâu càng ngát
    Xôi nếp mật ngào ngạt hương say
    Ba hương lây lất tháng ngày
    Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi
    Mẹ già như áng mây trôi
    Như sương trên cỏ, như lời hát ru
    Lời hát ru vi vu trong gió
    Sương trên cỏ khó vỡ dễ tan
    Mây trôi lãng đãng trên ngàn
    Gió đưa tan, hợp, hợp, tan, nao lòng.

  • Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

    Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
    Nhớ ông kí lục ăn nhiều bánh ngô
    Ăn rồi thế áo, thế ô
    Ăn thêm bát nữa, thế cả đồng hồ, giày tây
    Ai về nhắn mẹ cùng thầy
    Đem tiền ra chuộc giày tây, đồng hồ
    Từ rày tôi lạy các cô
    Tôi lỉnh bánh đúc, bánh ngô chợ Dừa
    Lẳng lơ con gái chợ Dừa
    Đi bán bánh đúc lại lừa chúng anh

  • Ơn Phật ơn trời

    Ơn Phật, nhờ trời
    Cha mẹ sinh hạ được mười anh em
    Anh Cả nhàn thật là nhàn
    Cởi trần đóng khố, đốt than trong rừng
    Anh Hai vặn chão đánh thừng
    Anh Ba làm mướn kiếm lưng cơm người
    Anh Tư bắt ếch, mình ơi
    Anh Tư bắt rắn, bắt dơi ngoài đồng
    Anh Sáu đánh giậm dưới sông
    Anh Bảy kéo lưới ở đồng làng ta
    Anh Tám vác gạo trên ga
    Anh Chín gánh mướn chợ xa chợ gần
    Còn anh là út thanh tân
    Có nghe anh kể, lại gần mà nghe

  • Anh có thương em thì đừng có luân con mắt

    Anh có thương em thì đừng có luân con mắt,
    Đừng có quẹt ngón tay,
    Người ta đông như hội, ngó ngay mà nhìn.
    Thuốc của anh anh hút,
    Trầu của anh anh đừng mời.
    Miệng thế gian họ đồn lắm anh ơi,
    Giả lơ làm lảng như hồi chưa quen!

    Dị bản

    • Anh thương em thì đừng có luân con mắt, đừng có bắt cái tay
      Người ta đông như hội ngó ngay chớ đừng nhìn
      Anh thương em để dạ làm tin
      Miếng trầu miếng thuốc giữ gìn anh ăn
      Trầu em, em để trong khăn
      Thuốc anh, anh hút đừng quăng, đừng dồi
      Miệng thế gian quá lắm anh ơi
      Chồng em hay đặng, vậy thời em nói sao.

  • Hỡi anh áo trắng quần là

    Hỡi anh áo trắng quần là
    Sao anh không bảo mẹ già nhuộm thâm.
    Ví dù áo ấy em cầm
    Thì em sẽ nhuộm màu thâm, màu vàng.
    Vạt áo em nhuộm màu vàng
    Vạt con em cũng nhuộm vàng cho anh.
    Bốn nách kết đôi trường linh
    Đôi tay em kết chim xinh rõ ràng.
    Ngày mai anh ra ngoài làng
    Cho lắm kẻ ngắm, cho làng xóm trông.

  • Vè chửi Thượng Bắc

    Văn thân kéo giữa ban ngày,
    Bắt ông Thượng Bắc đi đày ở đâu?
    Tiếc ngài có một bộ râu,
    Để cho bà lớn ăn sầu lo toan.
    Ngày thường độc ác gian ngoan,
    Giờ bà kêu khóc lạy van dân lành.
    Bởi chưng ngài muốn giàu sang,
    Theo Tây hại nước hại làng hại dân
    Đạo trời nổi nghĩa Văn thân,
    Giết quân phản tặc vinh thân hại nòi!
    Đao gươm vây kín trong ngoài,
    Gia nhân ngài Thượng rụng rời thất kinh.
    Thân hào đốt cháy tư dinh,
    Đập gãy ghế bành, tràng kỷ, án thư
    Phá hết của nả riêng tư,
    Xé tan cả bộ kinh Thư phẩm màu

  • Truyện Kiều em đã kể làu

    – Truyện Kiều em đã kể làu
    Đố em kể được một câu ba càng
    Kể sao cho được rõ ràng
    Mảnh hương với lại phím đàn trao tay
    Bấy lâu mới được một ngày
    Dừng chân anh đố niềm tây gọi là
    Nhân tình trong đạo chúng ta
    Yêu nhau mới đố một và câu chơi
    Em khôn anh mới thử lời
    Em mà giảng được là người tài hoa
    – Lạ gì đôi lứa chúng ta
    Anh đố em giảng mới là mưu sâu
    Rút trâm sẵn giắt mái đầu
    Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
    Lại càng mê mẩn tâm thần
    Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
    Lại càng ủ dột nét hoa
    Sầu tuôn đứt nối châu sa ngắn dài
    Em nay phận gái nữ hài
    Anh đố em giảng một bài đã xong
    Xin anh đừng có đèo bòng
    Vui gì thế sự mà mong nhân tình
    Anh đố em mà làm thinh
    Thì anh lại bảo gái trinh không tài
    Bây giờ em đố một bài
    Anh mà giảng được dây hài xin trao
    Truyền Kiều kể lại tiêu hao
    Một câu anh kể làm sao hết Kiều
    – Em đố anh lại giảng ra
    Anh giảng chẳng được người ta chê cười
    Dây hài của đáng mấy mươi
    Bây giờ anh giảng em thời đem ra
    Trăm năm trong cõi người ta
    Mua vui cũng được một vài trống canh

  • Sáng trăng sáng cả cánh đồng

    Sáng trăng sáng cả cánh đồng
    Em đi tát nuớc gàu sòng gàu dai
    Phần em chẳng đặng làm trai
    Em đành tát nước gàu dai, gàu sòng
    Hai hàng nước mắt rưng rưng
    Đẹp đôi xấu tuổi, xin anh đừng nhắc trông
    Lượt này dứt nghĩa đạo đồng
    Anh có vợ xứ khác, em có chồng nơi xa.
    Tại mẹ với cha nên hai ta gàn trở
    Cha mẹ thuận hoà không ai nỡ bỏ ai
    Hai hàng nước mắt láng lai
    Tui có xa nghĩa bạn lâm cảnh ai cũng buồn.
    – Một khúc sông năm bảy ngả nguồn
    Không nơi này chốn khác tội gì buồn hư thân
    Đói no tôi cũng muốn ở gần
    Hai bên phụ mẫu đạp cần dứt dây
    Đôi ta luống chịu sầu tây
    Roi tre vót nhọn lâu nay vẫn còn
    Đắng cay như trái bồ hòn
    Bầm gan tím ruột vẫn còn nhớ thương

  • Trách phận (Nẫu ca)

    Thân trách thân, thân sao lận đận
    Mình trách mình số phận hẩm hiu
    Bởi thân tui cực khổ tui eo nghèo
    Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo nẫu rồi
    Em ơi chứ bây giờ em ở kìa nơi đâu
    Để cho anh trông đứng trông ngồi canh khuya
    Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua
    Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, qua Hòn Chùa ăn mực nang
    Bây giờ em không ngó nữa em không ngàng
    Đến chồng nghèo cực khổ gian nan cơ hàn
    Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang
    Anh thấy em nữa tội nghiệp, anh di mang anh nuôi rày
    Hồi nào em bán nước đá rồi anh đi may
    Hai đứa mình chung sống không biết ngày mai sau
    Hồi nào em bắt ốc rồi anh hái rau
    Bây giờ em để lại mối sầu cho qua
    Hồi nào trái chuối chín cũng cắn làm ba
    Trái cam tươi cũng cắn làm bốn
    Nửa trái cà cũng cắn làm năm
    Bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm
    Bỏ qua hiu quạnh năm canh qua một mình
    Anh bây giờ, khóe mắt sầu cứ rung rinh
    Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra
    Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa
    Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, quớ chu choa ơi là buồn.

    Video

  • Lên bờ lại muốn xuống thuyền

    Lên bờ lại muốn xuống thuyền,
    Vì chưng chữ ngãi chữ duyên buộc rồi.
    Buộc vào thành cánh hoa hồi,
    Khi lên khi xuống hai người cùng khiêng.
    Buộc vào tấm lưới sợi giềng,
    Khi khơi khi lộng chỉ riêng ta mình.
    Chữ duyên chữ ngãi chữ tình,
    Cả ba chữ ấy là in hình trong gương.
    Lắng nghe nàng nói cũng tình,
    Trông nàng bẻ lái càng xinh con thuyền.
    Mong cho hương lửa bén duyên,
    Để anh phỉ nguyện ước nguyền bấy lâu

  • Vè cúp tóc

    Cúp hè! Cúp hè!
    Tay mặt cầm kéo
    Tay trái cầm lược
    Thủng thỉnh cho khéo
    Bỏ cái ngu này
    Bỏ cái dại này
    Ăn ngay nói thẳng
    Học mới từ đây
    Cúp hè! Cúp hè!
    Trên đường canh tân
    Đừng ai ăn mặn
    Đừng ai nói láo
    Ngày nay ta cúp
    Ngày mai ta cạo
    Cúp hè! Cúp hè!
    Mọi người cùng cúp
    Cho sạch đầu tóc
    Cho đẹp con người
    Ai nấy thảnh thơi
    Xóm làng trông cậy
    Cúp hè! Cúp hè!
    Ai đi đò dọc
    Kẻ ngược người xuôi
    Ai ngồi tàu suốt
    Từ Bắc vô Nam
    Lên ngàn xuống bể
    Cúp hè! Cúp hè!
    Từ sĩ đến nông
    Từ công đến thương
    Đi chài, dệt sợi
    Trăm người như một
    Bảo nhau cúp tóc
    Cúp hè! Cúp hè!

  • Cô mơ cô mận cô đào

    Cô mơ cô mận cô đào
    Trong ba cô ấy ai nào kém ai
    Cô mít thì chỉ nói dai
    Còn như cô dứa sởn gai cũng kì
    Bình boong lại giống hồng bì
    Trong lòng những hạt có gì nữa đâu
    Quý thay bậc nhất cô cau
    Cúng người cúng Phật khấn cầu bình yên
    Trước là hai chữ nhân duyên
    Nghinh hôn sính lễ được nên vợ chồng
    Trung thu mới thấy cô hồng
    Cô cam, cô quýt ra lòng đua chơi
    Lạ lùng anh mới tới nơi
    Hỏi thăm cô nhãn là người ở đâu
    Xuân xanh chừng mấy tuổi đầu
    Mà xem ăn vận ra mầu gái tơ
    Cô táo chính thực lẳng lơ
    Ở cao có ý đợi chờ tình nhân

Chú thích

  1. Vạc
    Đồ dùng để nấu, giống cái chảo lớn và sâu, thường làm bằng đồng. Trong chế độ phong kiến, vạc và đỉnh tượng trưng cho quyền lực. Vua chúa ngày xưa thường cho đúc vạc và đỉnh để đặt trong hoàng cung.

    Cái vạc

    Cái vạc

  2. Loại cây nhỏ trong nhóm cây gỗ lớn, cao từ 8-12m, có hoa màu trắng. Vỏ cây dó (còn gọi là cây dó giấy) là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất giấy dó.

    Giấy dó

    Giấy dó

  3. Đãi bìa
    Một công đoạn làm giấy thủ công, người thợ dùng rá để đãi sạch con bìa (vỏ dó sau khi được nấu chín) trong nước ao.
  4. Yên Thái
    Tên một làng nằm ở phía tây bắc thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội. Tên nôm của làng là làng Bưởi, cũng gọi là kẻ Bưởi. Theo truyền thuyết ngày xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công truyền thống là dệt lĩnh và làm giấy.

    Làng Bưởi ngày xưa

    Làng Bưởi ngày xưa

  5. Trượng
    Đơn vị đo chiều dài cổ của Việt Nam và Trung Hoa. Một trượng dài khoảng 4 mét. Trong văn học cổ, "trượng" thường mang tính ước lệ (nghìn trượng, trăm trượng…).
  6. Chợ Bưởi
    Ngôi chợ thuộc làng Bưởi, thuộc Thăng Long - Hà Nội. Chợ nằm ở Ngã ba Lạc Long Quân – Thụy Khê ngày nay, là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề vùng Bưởi như lĩnh của Yên Thái, Bái Ân, giấy của Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, dụng cụ sản xuất nông nghiệp của Xuân La, Xuân Đỉnh. Nơi đây cũng là chỗ để người dân lân cận mang cây, con giống đến bán, nên người Pháp trước đây cũng gọi là chợ Làng Lợn.

    Vào thời nhà Lý, khu vực này sử dụng làm pháp trường, tử tội bị chém đầu và vùi thây tại đây. Người ta đồn rằng, vào phiên chợ Bưởi cuối năm các hồn ma từ âm phủ hiện về trà trộn với người trần đi sắm hàng Tết, do đó phiên chợ này từng được gọi là phiên chợ Ma Phường.

    Chợ Bưởi ngày xưa

    Chợ Bưởi ngày xưa

  7. Điếm canh
    Nhà nhỏ thường dựng ở đầu làng hay trên đê, dùng làm nơi canh gác.

    Điếm canh đầu làng (Ảnh: Võ An Ninh)

    Điếm canh đầu làng (Ảnh: Võ An Ninh)

  8. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  9. Họa đồ
    Bức tranh vẽ cảnh vật, sông núi (từ Hán Việt).
  10. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  11. Chùa Thiên Niên
    Tên chữ là Thiên Niên Cổ Tự, còn được gọi là chùa Trích Sài, một ngôi chùa nằm ngay sát bờ hồ Tây, thuộc làng Trích Sài, phường Bưởi, giáp ranh với phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa thờ Phật và thờ bà chúa dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô - thứ phi của vua Lê Thánh Tông đã từng truyền nghề dệt lĩnh cho nhân dân trong vùng.

    Chùa Thiên Niên

    Chùa Thiên Niên

  12. Vọng cách
    Một loại cây mọc hoang có lá mọc đối, hình tim, mặt trên láng, mặt dưới có ít lông. Hoa nhỏ có màu trắng, mọc thành chùm. Quả tròn, cỡ đầu ngón tay, khi chín có màu đen. Lá có mùi thơm, thường dùng làm rau sống, nấu canh, cuốn thịt bò nướng…

    Cây cách

    Cây cách

  13. Chùa Tảo Sách
    Cũng gọi là chùa Tào Sách hay chùa Bà Sách, tên chữ là Linh Sơn Tự, một ngôi chùa nổi tiếng ở về phía tây Hồ Tây, từ chợ Bưởi đi lên, nay thuộc địa phận phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Hán Nôm thì chùa có 42 câu đối (39 câu đối chữ Hán, 3 câu đối chữ Nôm), 23 bức đại tự, 2 quả chuông trong đó 1 quả đúc năm Minh Mệnh tam niên (1822), 24 văn bia, trong đó có đến 12 bia được lập vào năm Tân Tị niên hiệu Bảo Đại (1941). Từ lâu chùa đã được công nhận là di tích văn hóa.

    Chùa Tảo Sách

    Chùa Tảo Sách

  14. Đa lông
    Một loại đa, lá có lông phủ trên bề mặt.
  15. Đông Xã
    Vốn là một thôn của làng Yên Thái, tách ra thành một xã độc lập từ đời Duy Tân (1907 - 1915), nay thuộc cụm 4 phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Thời Lê, làng nằm trong phường Yên Thái của Kinh thành Thăng Long; thời Nguyễn thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận. Đây là một làng cổ ở ven hồ. Tục truyền thời Hùng Vương đã có dân sinh cơ lập nghiệp. Dân làng Đông Xã có nghề làm giấy dó từ rất lâu đời.
  16. Làng Cót
    Cũng gọi là kẻ Cót, tên Nôm của hai làng Yên Quyết là Thượng Yên Quyết ở phía Bắc và Hạ Yên Quyết ở phía Nam, đều nằm bên bờ phải sông Tô Lịch. Về sau làng Cót được lấy làm tên gọi cho làng Hạ Yên Quyết tức làng Bạch Liên Hoa, còn làng Thượng Yên Quyết sau đổi gọi là làng Giấy, do có nghề truyền thống là sản xuất giấy. Cả hai làng Yên Quyết nay đều thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nằm ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Giấy đến gần cầu Trung Kính.

    Nghề truyền thống của làng Cót là nghề làm vàng mã. Hiện nay, còn nhiều hộ gia đình tại làng Cót vẫn giữ nghề truyền thống này.

    Vàng mã ở làng Cót

    Vàng mã ở làng Cót

  17. Trung Nha
    Tên nôm là làng Nghè, nay là thôn Trung Nha, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa kia, trai làng giỏi nghề canh cửi, lại biết làm nghề làm giấy sắc phong, loại giấy bền, dai, dùng viết sắc chỉ, sớ tấu, biểu lệnh… “Nghè” là tiếng đập của hai chày tay do hai người giã vào xếp giấy cho mỏng tang.
  18. An Phú
    Một làng trước thuộc xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, là làng nghề nấu mạch nha truyền thống một thời nức tiếng.
  19. Mạch nha
    Loại mật dẻo được sản xuất chủ yếu từ mầm của lúa mạch, có vị ngọt thanh, rất bổ dưỡng. Đây là đặc sản truyền thống của vùng Thi Phổ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ở miền Bắc, làng An Phú, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng là làng nghề nấu mạch nha truyền thống.

    Một bát mạch nha

    Một bát mạch nha

  20. Làng Vòng
    Tên một làng nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Làng Vòng nổi tiếng với cốm làng Vòng, một đặc sản không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả nước ta.

    Cốm làng Vòng

    Cốm làng Vòng

  21. Cốm
    Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

    Cốm

    Cốm

  22. Họ Lại
    Một họ ở làng Trung Nha, xã Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa kia, họ Lại chuyên làm giấy lệnh cho triều đình phong kiến viết sắc chỉ.
  23. Sắc
    Tờ chiếu lệnh của vua ban cho quan dân dưới thời phong kiến.

    Sắc chỉ của vua Minh Mạng về Hoàng Sa

    Sắc chỉ của vua Minh Mạng về Hoàng Sa

  24. Yên Lãng
    Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.

    Húng Láng

    Húng Láng

  25. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  26. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  27. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  28. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  29. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  30. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  31. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  32. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  33. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  34. Chum
    Đồ đựng bằng sành, bụng tròn, thường dùng để chứa mắm, nước hoặc gạo.

    Chum

    Chum

  35. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  36. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  37. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  38. Gióc
    Đậu, chặp nhiều mối dây vào làm một.
  39. Áo ngắn, không che kín hạ bộ.
  40. Rệt
    Rượt, đuổi bắt (phương ngữ).
  41. Liệt
    Mỏi mệt, rã rời.
  42. Nỏ
    Một loại vũ khí cổ truyền thường được dùng trong săn bắn và chiến tranh trước đây. Một chiếc nỏ đơn giản gồm một cánh nỏ nằm ngang hơi cong, đẽo từ một loại gỗ có sức đàn hồi cao, lắp vào báng nỏ có xẻ rãnh để đặt mũi tên. Trước khi bắn, cánh nỏ bị uốn cong bằng cách kéo căng và gài dây cung vào lẫy nỏ. Khi bóp cò, sức đàn hồi của cánh nỏ bắn mũi tên ra với sức đâm xuyên lớn và độ chính xác cao. Cây nỏ nổi tiếng trong lịch sử dân tộc ta với truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương, bắn một phát ra nhiều mũi tên đồng, đánh lui quân xâm lược. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều dân tộc Tây Nguyên đã dùng nỏ giết được nhiều quân địch.

    Ở một số vùng, nỏ cũng được gọi là ná (lưu ý phân biệt với cái bắn đạn sỏi).

    Bắn nỏ

    Bắn nỏ

  43. Chạc
    Dây bện bằng lạt tre, lạt nứa, ngắn và nhỏ hơn dây thừng.
  44. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  45. Tương tư
    Nhớ nhau (từ Hán Việt). Trong văn thơ, tương tư thường được dùng để chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương trong tình yêu trai gái.

    Gió mưa là bệnh của Trời
    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

    (Tương tư - Nguyễn Bính)

  46. Chuối ba hương
    Còn gọi là chuối bà hương, một loại chuối lùn, quả khi chín rất dễ rụng.
  47. Kí lục
    Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  48. Thế
    Thế chấp, giao tài sản để làm tin khi vay tiền.
  49. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  50. Lỉnh
    Lảng đi, tránh mặt.
  51. Chợ Dừa
    Chợ nhỏ họp ở Ô Chợ Dừa, một cửa ô của Hà Nội xưa (phía tây hoàng thành Thăng Long).
  52. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  53. Dây chão
    Dây thừng loại to, rất bền chắc.
  54. Giậm
    Đồ đan bằng tre, miệng rộng hình bán cầu, có cán cầm, dùng để đánh bắt tôm cá. Việc đánh bắt tôm cá bằng giậm gọi là đánh giậm.

    Đánh giậm

    Đánh giậm

  55. Thanh tân
    Tươi trẻ, trong sáng (thường dùng để nói về người phụ nữ).
  56. Có bản chép:
    Còn em là út thanh tân
    Có nghe em kể, lại gần mà nghe
  57. Luân
    Chuyển động có chu kỳ; Xoay đảo, chuyển đổi (từ Hán Việt).
  58. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  59. Thuốc xỉa
    Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
  60. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  61. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  62. Trường linh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Trường linh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  63. Văn thân
    Người có học thức ngày xưa, chọn khoa bảng làm đường tiến thân.
  64. Thượng Bắc
    Người Thanh Hóa, làm tay sai đắc lực cho Pháp.
  65. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  66. Án thư
    Bàn thời xưa dùng để sách vở bút nghiên trên đó.
  67. Ngũ Kinh
    Năm bộ sách kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo, được cho là do Khổng Tử san định, soạn thảo hay hiệu đính. Ngũ Kinh gồm có:

    1. Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.
    2. Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
    3. Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước.
    4. Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái...
    5. Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử. Xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc đã xảy ra.

  68. Truyện Kiều
    Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.

    Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...

  69. Niềm tây
    Nỗi lòng, tâm sự riêng.

    Sứ trời sớm giục đường mây,
    Phép công là trọng, niềm tây sá nào
    (Chinh Phụ Ngâm)

  70. Bài ca dao này sử dụng một số câu hoặc từ trong Truyện Kiều, ví dụ:

    Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa (câu 740)

    Rút trâm sẵn giắt mái đầu
    Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
    Lại càng mê mẩn tâm thần
    Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
    Lại càng ủ dột nét hoa
    Sầu tuôn đứt nối châu sa ngắn dài
    (câu 99 đến câu 104)

  71. Phận nữ hài
    Phận đàn bà con gái.

    Những tiếc riêng cho phận nữ hài,
    Đem thân giúp nước há nhường trai.

    (Cảm Vịnh Hai Bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa – Á Nam Trần Tuấn Khải)

  72. Đây là câu sáu đầu tiên và câu bát cuối cùng (câu thứ 3254) của Truyện Kiều:

    1. Trăm năm trong cõi người ta
    2. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
    ...
    3253. Lời quê chắp nhặt dông dài
    3254. Mua vui cũng được một vài trống canh.

  73. Gàu sòng
    Thứ gàu có cán dài, treo vào một cái gạc ba chân, một người tát.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  74. Gàu giai
    Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.

    Tát nước bằng gàu giai

    Tát nước bằng gàu giai

  75. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  76. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  77. Sầu tây
    Sầu riêng, nỗi niềm riêng.
  78. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  79. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  80. Phú Lễ
    Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
  81. Mũi Đại Lãnh
    Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

  82. Hòn Chùa
    Tên một hòn đảo thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, cùng cụm đảo với hai hòn khác là Hòn DứaHòn Than. Hiện nay Hòn Chùa là một địa điểm du lịch sinh thái của tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa

    Hòn Chùa

  83. Có bản chép là Hòn Dùa (Hòn Dừa), cũng là một hòn đảo gần khu vực Hòn Chùa.
  84. Mực nang
    Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.

    Mực nang

    Mực nang

  85. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  86. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  87. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  88. Chu choa
    Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...
  89. Bài này là một tác phẩm của Nguyễn Hữu Ninh, được nhạc sĩ Phan Bá Chức phổ nhạc trên điệu bài chòi, nhưng đã phổ biến đến mức được xem như dân ca của tỉnh Phú Yên.
  90. Hồi
    Cũng gọi là tai vị, một loại cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Bắc, cho quả có nhiều cánh giống hoa nên thường được gọi là hoa hồi. Hồi là một loại dược liệu (hồi hương) và hương liệu, và cũng là một gia vị dùng khi nấu phở.

    Quả hồi

    Quả hồi

  91. Riềng
    Một loại cây thuộc họ gừng, mọc hoang hoặc được trồng để lấy củ. Trong y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm, chữa được đau bụng. Riềng cũng là một gia vị không thể thiếu trong món thịt chó, rất phổ biến ở các vùng quê Bắc Bộ.

    Củ riềng

    Củ riềng

    Hoa riềng nếp

    Hoa riềng nếp

  92. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  93. Phỉ nguyền
    Thỏa lòng mong ước.
  94. Cúp
    Cắt (đọc theo âm tiếng Pháp của couper).
  95. Canh tân
    Cải cách theo lối mới.
  96. Bài Vè cúp tóc này theo truyền văn là của Phan Khôi viết năm 1906 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng.
  97. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  98. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  99. Mận
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

  100. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  101. Mít
    Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...

    Quả mít

    Quả mít

  102. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  103. Hồng bì
    Cũng gọi là quất bì, quất hồng bì hoặc hoàng bì, một loại cây được trồng nhiều ở miền Bắc. Quả hồng bì khi chín có vị chua, mùi thơm, có thể để ăn tươi, làm mứt, cất rượu hoặc làm thuốc.

    Quả hồng bì

    Quả hồng bì

  104. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  105. Nghinh hôn
    Cũng nói là nghênh hôn, nghĩa là đón dâu. Đây là một lễ trong phong tục cưới hỏi của người Việt.
  106. Sính lễ
    Lễ vật của nhà trai đem đến nhà gái để xin cưới.
  107. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  108. Nhãn
    Tên đầy đủ là long nhãn (nghĩa là "mắt rồng," vì hạt có màu đen bóng), một loại cây cho quả khi chín có vị ngọt thanh, rất phổ biến ở nước ta. Nổi tiếng nhất có thể kể đến nhãn lồng ở Hưng Yên, và nhãn xuồng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên