Tìm kiếm "canh hai"

  • Con tôi buồn ngủ buồn nghê

    Con tôi buồn ngủ buồn nghê
    Buồn ăn cơm nếp cháo kê thịt gà
    Nhà còn có một quả cà
    Làm sao đủ miếng cơm và cho con
    Con tôi khóc héo, khóc hon
    Khóc đòi quả thị méo trôn đầu mùa
    Con thèm phẩm oản trên chùa
    Con thèm chuối ngự tiến vua của làng
    Con thèm gạo cốm làng Ngang
    Con thèm ăn quả dưa gang làng Quài
    Con thèm cá mát canh khoai
    Con thèm xơ mít, thèm tai quả hồng
    Con thèm đuôi cá vây bông
    Thèm râu tôm rảo, thèm lòng bí đao

  • Viết thư sang hỏi thăm chàng

    Viết thư sang hỏi thăm chàng
    Còn không hay đã đá vàng nơi nao?
    Hay là mắc phải con nào
    Bùa yêu bả lú phải làm sao cho tỏ tường
    Vắng chàng tôi những nhớ thương
    Vì chàng mê gái tìm đường phụ tôi
    Tôi làm cho lứa quên đôi
    Tôi làm cho rã cho rời nhau ra
    Làm cho tan nát biệt xa
    Cho chim lìa tổ, cho hoa lìa cành
    Tôi làm cho nó lìa anh
    Cho người ta biết anh tình phụ tôi

  • Thơ đúm

    Sớm đi chơi hội
    Tối về quay tơ
    Dải yếm phất phơ
    Miếng trầu, mồi thuốc
    Miếng ăn, miếng buộc
    Miếng gối đầu giường
    Muốn tìm người thương
    Tìm đâu cho thấy?
    Đôi tay nâng lấy
    Cất lấy thoi vàng
    Cái sợi nằm ngang
    Đứt đâu nối đấy

    Đầu rối biếng gỡ
    Tơ rối biếng quay
    Lông mặt lông mày
    Sao anh biếng đánh
    Quần hồ áo cánh
    Bác mẹ sắm sanh
    May áo để dành
    Cho anh mặc mát
    Anh mặc cho mát
    Anh xếp cho gãy nếp ra
    Bác mẹ tuổi già
    Con thơ vấn vít

  • Lạy trời mưa xuống

    Lạy trời mưa xuống
    Lấy nước tôi uống
    Lấy ruộng tôi cày
    Lấy đầy bát cơm
    Lấy rơm đun bếp
    Lấy nếp nấu xôi
    Lấy vôi ăn trầu
    Lấy bậu về ôm
    Lấy nơm đơm cá
    Lấy rá vo gạo
    Lấy dao thái thịt
    Lấy liếp làm nhà
    Lấy hoa về cúng

  • Con cá lý ngư sầu tư biếng lội

    Con cá lí ngư sầu tư biếng lội
    Em xa anh rồi anh trông đợi biếng ăn
    Mang bộ xương cách trí, anh leo lên tháp mười từng
    Trông vượt Bảy Núi, trông tuốt Nam Vang, trông quàng Châu Đốc, trông dọc Long Xuyên, trông lên Cao Lãnh, trông thẳng cánh cò bay lên Sài Gòn
    Ối thôi thôi em ơi, con mắt anh mòn
    Em mải mê xứ lạ, anh đâu còn thấy em!

  • Bắt ốc (hát ghẹo Phú Thọ)

    Em lên rừng
    Em bứt quả bứa chua
    Em xuống khe
    Em bắt cái ốc lặn, cùng cái ốc lội
    Em tra vào giỏ
    Em bỏ vào thời
    Em “vê nó màng”
    Em mang nó về
    Em thả vào nồi
    Em bẵng nó lên
    Nó sôi sùng sục
    Nó sủi sình sịch
    Em đổ nó ra
    Em xóc chí cha
    Là cha chí chát
    Em xơi lên bát
    Em múc lên loa
    Em mút chí cha
    Là cha chí chút
    Chì chà là chà chì chụt
    Canh ốc thì ngọt
    Canh bứa chua loè.

  • Cô Thỉ cô Thi

    Cô Thỉ cô Thi
    Cô đang đương thì, cô kẹo với ai ?
    Cô Tú kẽo kẹt cô cai
    Vợ chồng thuyền chài kẽo kẹt dưới sông
    Mâm cốm kẹo với mâm hồng
    Bát bịt, mâm đồng kẽo kẹt một nơi
    Mâm thịt kẹo với mâm xôi
    Thịt bùi xôi dẻo kẹo nơi bà già
    Cùi dừa kẹo với bánh đa
    Cái đĩa thịt gà kẹo với lá chanh
    Nồi cơm kẹo với nồi canh
    Quả bí trên cành kẹo với tôm he
    Bánh rán kẹo với nước chè
    Cô kia cò kè kẹo với ai đây ?
    Bà cốt kẹo với ông thầy
    Con chim loan phượng kẹo cây ngô đồng

  • Con rắn không có chân, rắn nhờ chi rắn đi mười ngọn rú

    Con rắn không có chân, rắn nhờ chi rắn đi mười ngọn rú,
    Con gà không có bụ, gà nhờ chi nuôi đủ mười con?
    Trai nam nhi đối được gái gá nghĩa nước non suốt đời.
    – Con rắn không chân có cái thân dài uốn oánh,
    Con gà không bụ nhờ đôi cánh ấp con.
    Trai nam nhi đà đối đặng, gái đà gá nghĩa nước non hay còn chờ?

  • Tay bưng dĩa muối, chén tương

    Tay bưng dĩa muối, chén tương
    Tương chua muối chát, nhớ thương nghĩa chàng
    Bạn có gặp nhà ngói, nhà sàn
    Nhớ hồi áo rách lang thang chưa tề
    Bạn có gặp nơi hàng lụa phủ phê
    Nhớ hồi áo rách xưa tê không mình
    Ăn tiêu nhớ tới mùi hành
    Bạn có ăn nem gà, chả vịt, cũng nhớ rau canh thuở nào

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Cu tôi ăn đậu, ăn mè

    – Cu tôi ăn đậu, ăn mè
    Ăn chi của chị mà chị đè cu tôi?
    – Nuôi cu thì anh phải nhốt cu
    Tại răng anh để nó mổ tù lu cái đám mè?
    Nếu tôi mà không bắt, không đè
    Thì còn đâu đám đậu, đám mè của tôi.
    – Chị đừng gán tội cho cu tôi
    Nó mà gãy cánh, chị đền tôi sáu tiền

  • Lạ lùng anh mới tới đây

    Lạ lùng anh mới tới đây
    Lạ thung lạ thổ, anh nay lạ nhà
    Ba cô anh lạ cả ba
    Bốn cô lạ bốn biết là quen ai?
    Quen cô mụn áo vá vai
    Bác mẹ khéo vá hay tài vá nên?
    Nhác nom mụn vá có duyên
    Hỏi rằng áo ấy ở miền đâu ra
    Ở gần hay là ở xa
    Cách tỉnh cách huyện hay là cách sông?
    Xa xôi cách mấy cánh đồng
    Để anh bỏ việc bỏ công đi tìm

    Dị bản

    • Lạ lùng anh mới tới đây,
      Lạ thung lạ thổ, anh nay lạ nàng.

  • Kể từ ngày xa cách người thương

    Kể từ ngày xa cách người thương
    Về nhà đài sen nối sáp, đọc mấy chương phong tình
    Đọc tới đoạn Thúy Kiều xa gã Kim sinh
    Thôi Oanh Oanh xa Trương Quân Thụy nghĩ tội cho tình biết chừng mô
    Đọc tới lúc Hạnh Nguyên phụng chỉ cống Hồ
    Để cho Mai Lương Ngọc ra vô ưu phiền
    Hạ Nghinh Xuân còn ở bên nước Yên
    Mà Tề Vương phế chánh trao quyền cho Yến Anh
    Đọc tới lớp Ngọc Kỳ Lân bỏ hội công danh
    Cũng vì Kim Hồ Điệp tử sanh không nài
    Đã mấy phen lâm cảnh trần ai
    Cho hay chữ tình làm lụy anh tài biết bao nhiêu
    Huống chi chàng chừ nỡ phụ người yêu
    Dầu có tan vàng nát ngọc cũng đành xiêu với tình.

  • Anh làm lò đá thì có máy khoan

    Anh làm lò đá thì có máy khoan
    Một ngày sáu lỗ nó giao đoan cho liền
    Anh mà làm được vẹn tuyền
    Thì anh mới được tính tiền công cho
    Công thì bốn tám đồng xu
    Gạo thì ăn chịu để phu phàn nàn
    Tiền công hàng tháng chẳng hoàn
    Nó còn lưu lại để giam giữ mình
    Thằng Tây, thằng xếp một vành
    Mồ hôi công sức của mình chúng ăn
    Làm thì phoi đá, phong than
    Anh hít vào ruột vào gan suốt ngày
    Mắc bệnh gầy yếu đắng cay
    Cơn ho hộc máu chảy ngay ròng ròng
    Cảnh nghèo cực khổ vô cùng
    Thuốc thang chẳng có lăn đùng chết tươi.

  • Nhớ cơn chung chiếu chung giường

    Nhớ cơn chung chiếu chung giường
    Nhớ cơn chung lược, chung gương, chung phòng
    Nhớ cơn chung gối, chung mùng
    Loan ôm lấy phượng, phượng bồng lấy loan
    Nhớ cơn nguyệt đổi sao tàn
    Cùng nhau thu cúc xuân lan sánh bày
    Liễu đông sánh với đào tây
    Nước non chỉ nguyện rồng mây đá vàng

  • Hoa phi đào phi cúc

    Hoa phi đào phi cúc
    Sắc phi lục phi hồng
    Trơ như đá vững như đồng
    Ai xô không ngã, ngọn gió lồng không xao
    Mỉa mai cụm liễu cửa đào
    Ong qua muốn đậu, bướm vào muốn bu
    Bốn mùa đông hạ xuân thu
    Khi búp, khi nở, khi xù, khi tươi
    Chúa xuân ngó thấy mỉm cười
    Sắc hay vương vấn mấy người tài danh
    Có bông, có cuống, không cành
    Ở trong có nụ, bốn vành có tua
    Nhà dân cho chí nhà vua
    Ai ai có của cũng mua để dành
    Tử tôn do thử nhi sanh
    Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra coi

  • Người về một đoạn xa xa

    Người về một đoạn xa xa
    Ta còn đứng giữa ngã ba chưa về
    Nhìn trăng lại nhớ câu thề
    Nhìn gương mà tưởng ngồi kề bên ai
    Người về có nhớ khóm mai
    Người về thoang thoảng hoa nhài còn đây
    Gặp nhau không sợi không dây
    Mà sao như buộc lòng này người đi!
    Người về ta nhớ câu mời
    Nhớ giọng người hát, nhớ lời người trao
    Người về để vắng giăng sao
    Để lòng đằng đẵng khi nào mới nguôi
    Người về đường ấy xa xôi
    Hãy như dao nọ nước tôi cho già
    Đinh ninh nên cột nên xà
    Nền kèo nên mái nên ta nên mình
    Mai này đỏ nghĩa thắm tình
    Cành giao với lại cây quỳnh nào hơn

  • Kể chuyện đờn bà hư

    Ngồi buồn tâm sự chép ra
    Có những đờn bà dạo xóm nói dai
    Xóm trong chí những xóm ngoài
    Nách con nói điệu thài lai tối ngày
    Nói thời vo miệng nhướng mày
    Vỗ vai vỗ vế múa tay ngoẻo đầu
    Miệng thời nhóc nhách nhai trầu
    Người trên ý cũng lầu bầu quạu đeo
    Lại còn cái tật nói leo
    Cái tật nói dóc nói trèo người ta

  • Gặp anh, em đố mấy lời

    Gặp anh, em đố mấy lời
    Gì cao hơn núi gì dài hơn sông?
    Cái gì ăn lại no lòng
    Cái gì hồng hồng ăn lại đỏ môi?
    Cái gì hay ngáp hay ngồi?
    Cái gì cầm quạt đứng chơi vỗ đầu?
    Cái gì mà nhỏ như sâu?
    Cái gì đội đầu, gì lại kéo quân?
    Cái gì ngái lại nên ngưn?
    Cái gì rất gần mà lại nên xa?
    Cái gì có quả không hoa?
    Cái gì lắm cánh nở ra đầy cành?
    Cái gì mà lại có bành?
    Cái gì một mình mà lại có ang?
    Cái gì mà lắm quân quan?
    Cái gì nên đàn, gì lại nên say?
    Cái gì ăn với trầu cay?
    Cái gì thấp thoáng đợi ngày xe duyên?

Chú thích

  1. Cây lương thực cùng họ với lúa, quả rất nhỏ, thường gọi là hạt, màu vàng, tập trung thành một bông dài.
  2. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  3. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  4. Oản
    Bánh làm bằng xôi nếp hoặc bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt để cúng.

    Oản làm bằng xôi

    Oản làm bằng xôi

  5. Chuối ngự
    Chuối quả nhỏ, khi chín vỏ rất mỏng, màu vàng, thịt chắc và thơm. Xưa kia giống chuối này được đem tiến vua nên có tên gọi là chuối ngự.

    Chuối ngự

    Chuối ngự

  6. Làng Ngang
    Tên một làng nay thuộc xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
  7. Làng Quài
    Chợ Quài, thuộc xã Thái Hà, Thái Thụy, Thái Bình.
  8. Cá mát
    Một loại cá nước ngọt, mình có từ ba đến sáu chấm đen, vây màu hồng. Cá mát nhỏ con chỉ bằng hai ba ngón tay người lớn. Con to nhất cũng chỉ nặng từ 0,5kg đến 0,8kg. Cá sống từng đàn ở các khe đá và nơi nước chảy xiết, thường bơi kiếm ăn vào ban đêm. Bắt đầu từ tháng 8 âm lịch là mùa cá mát.

    Cá mát vừa lành vừa bổ, thịt thơm ngon, mỡ béo, ít xương, tốt cho sức khỏe. Ở nước ta, cá mát có nhiều ở sông Giăng, Nghệ An, và được xem là đặc sản Nghệ An.

    Cá mát

    Cá mát

  9. Tôm rảo
    Loại tôm nhỏ, cùng họ với tôm he, sống ở vùng nước lợ ven biển, thân hẹp và dài.
  10. Loại cây dây leo được trồng mọc trên giàn để lấy quả. Tương tự như bầu, quả, hoa, hạt và đọt bí được dùng làm thức ăn. Hai loại bí thường gặp nhất là bí xanh (còn gọi là bí đao, bí dài, bí chanh) và bí đỏ (bí rợ).

    Giàn bí đao

    Giàn bí đao

  11. Cải cúc
    Còn gọi là rau tần ô, một loại rau có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, có thể dùng ăn sống như xà lách, hoặc chế dầu giấm, ăn với lẩu, nấu canh... Cải cúc còn dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày và chữa đau mắt.

    Cải cúc

    Cải cúc

  12. Rau đắng
    Cũng gọi là cây càng tôm, cây biển súc, một loại rau hình mũi mác, có vị đắng, thường được dùng làm rau sống hay chế biến nhiều món khác nhau, hoặc làm thuốc.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Nghe bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè.

  13. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  14. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  15. Bả lú
    Đánh bả làm cho người khác lú lẫn, si dại.
  16. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  17. Thuốc xỉa
    Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
  18. Con thoi
    Bộ phận của khung cửi hay máy dệt, ở giữa phình to, hai đầu thon dần và nhọn (vì vậy có hình thoi), có lắp suốt để luồn sợi.

    Máy dệt và con thoi

    Máy dệt và con thoi

  19. Hồ
    Kĩ thuật làm cho sợi dệt hoặc vải thấm đều một lớp nước có pha lớp bột hoặc keo cho cứng.
  20. Nếp
    Loại lúa cho hạt gạo hạt to và trắng, nấu chín thì trong và dẻo, thường dùng thổi xôi, làm bánh.

    Xôi nếp

    Xôi nếp

  21. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  22. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  23. Đồ đan bằng tre có vành (gọi là cạp), dùng để đựng gạo hoặc nông sản.

    Sàng và rá

    Sàng và rá

  24. Liếp
    Tấm mỏng đan bằng tre nứa, dùng để che chắn.

    Tấm liếp

    Tấm liếp

  25. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  26. Bộ xương cách trí
    Thân hình gầy gò như bộ xương. Thời Pháp thuộc, trong chương trình tiểu học có môn Cách Trí (viết tắt của cách vật trí tri), dạy những kiến thức thông thường về con người và sự vật. Cụm từ "bộ xương cách trí" có lẽ có từ những hình vẽ trong sách học Cách Trí.
  27. Từng
    Tầng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  28. Thất Sơn
    Còn có tên là Bảy Núi, chỉ hệ thống 37 ngọn núi mọc giữa đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm trong địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bảy ngọn núi tiêu biểu được dùng để gọi tên cả dãy Thất Sơn bao gồm: Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Phụng Hoàng, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước. Hiện nay chưa rõ vì sao tên Bảy Núi lại được dùng.
  29. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  30. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  31. Long Xuyên
    Địa danh nay là một thành phố thuộc tỉnh An Giang. Tiền thân của thành phố này là phủ Đông Xuyên, một đồn nhỏ bên vàm sông Tam Khê (tức rạch Long Xuyên) - được thành lập năm 1789. Hiện nay Long Xuyên cũng là một điểm đến du lịch của tỉnh, tuy không nổi tiếng bằng thị xã Châu Đốc.

    Long Xuyên

    Long Xuyên

  32. Cao Lãnh
    Thành phố đồng thời là tỉnh lị của tỉnh Đồng Tháp. Cao Lãnh cũng là tên một huyện của tỉnh Đồng Tháp, cách thành phố Cao Lãnh 8 km về hướng Đông-Nam.
  33. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  34. Bứa
    Một loài cây có cành đâm ngang, lá có chất chua nên thường được dùng làm rau gia vị hoặc nấu canh chua, quả ăn được.

    Quả bứa

    Quả bứa

  35. Thời
    Cái giỏ cá (phương ngữ).
  36. Bẵng
    Bắc nồi lên bếp (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  37. Có bản chép: Đốt lửa đun sôi.
  38. Bát loa
    Loại bát nông, gần giống đĩa, vành rộng. Có nơi cũng gọi là bát ô tô.

    Bát loa

    Bát loa

  39. Đương thì
    Đang ở thời kì tuổi trẻ, đầy sức sống (thường nói về con gái).
  40. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  41. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  42. Cốm
    Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

    Cốm

    Cốm

  43. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  44. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  45. Tôm he
    Một loại tôm ngon và quý, đặc sản của vùng biển Quảng Ninh. Từ tôm he có thể chế biến thành nhiều món ngon và bổ dưỡng như ruốc tôm he, tôm he nhồi, tôm he nhúng...

    Tôm he

    Tôm he

  46. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  47. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  48. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  49. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  50. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  51. Bụ
    Vú (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  52. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  53. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  54. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  55. Tề
    Kìa (phương ngữ miền Trung).
  56. Kia (phương ngữ Trung Bộ).
  57. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy

  58. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Chín Cu.
  59. Tiền
    Năm 1439, vua Lê Thánh Tông quy định: 1 quan = 10 tiền = 600 đồng, gọi là tiền tốt hoặc tiền quý (quy định này ổn định cho đến năm 1945). Khoảng thế kỉ 18, trong dân gian xuất hiện cách tính tiền gián, mỗi quan tiền gián chỉ gồm 360 đồng.
  60. Thung
    Vùng đất rộng.
  61. Thổ
    Đất đai (từ Hán Việt).
  62. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  63. Tu hú
    Một loài chim có kích cỡ khá lớn, ăn quả và côn trùng, có tiếng kêu to dễ phân biệt. Chúng là chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loài chim khác, đặc biệt vào tổ của các loài chim dạng sẻ.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  64. Ác là
    Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.

    Bồ các (ác là)

    Ác là

  65. Chích chòe
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.

    Chích chòe lửa

    Chích chòe lửa

  66. Bìm bịp
    Tên chung để chỉ khoảng 30 loài chim do tiếng kêu của chúng tương tự như "bìm bịp" vào mùa sinh sản. Bìm bịp có lông cánh màu nâu như áo của thầy tu.

    Một con bìm bịp

    Một con bìm bịp

  67. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  68. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  69. Sáo
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.

    Chim sáo

    Chim sáo

  70. Truyện phong tình
    Truyện kể về tình cảm nam nữ, trước đây thường bị các nhà nho chỉ trích, phê phán.
  71. Thúy Kiều
    Nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì bán mình chuộc cha mà phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, gặp nhiều đắng cay khổ sở, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần," cuối cùng mới được đoàn viên cùng người tình là Kim Trọng.
  72. Kim Trọng
    Một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Trọng là một thư sinh hào hoa phong nhã, bạn học của Vương Quan (em ruột Thúy Kiều). Kiều và Kim Trọng gặp và đem lòng yêu nhau. Khi phải bán mình chuộc cha, Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình gá nghĩa cùng Kim Trọng. Sau mười lăm năm lưu lạc, hai người lại đoàn viên.
  73. Tây Sương Ký
    Tên đầy đủ là Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây sương ký (Thôi Oanh Oanh chờ trăng dưới mái Tây), một vở tạp kịch của Vương Thực Phủ, sáng tác trong khoảng những năm Đại Đức (1297-1307) đời Nguyên Thành Tông (1295-1307) ở Trung Quốc, có nội dung miêu tả cuộc tình duyên vượt qua môn đăng hộ đối và lễ nghi phong kiến của một tiểu thư đài các là Thôi Oanh Oanh và chàng thư sinh Trương Quân Thụy. Tây Sương Ký có ảnh hưởng rất lớn đối với những sáng tác tiểu thuyết và kịch bản về đề tài tình yêu ở các đời sau, tuy nhiên trước đây các nhà nho thường xem nó là "dâm thư."
  74. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  75. Nhị Độ Mai
    Tên một truyện thơ Nôm của một tác giả khuyết danh, gồm 2.826 câu thơ lục bát, biên soạn theo cuốn tiểu thuyết Trung Quốc Trung hiếu tiết nghĩa nhị độ mai ra đời khoảng triều Minh - Thanh. Truyện có nội dung kể về những biến cố xảy ra trong hai gia đình họ Mai và họ Trần do bị gian thần hãm hại. Về cuối truyện, gian thần bị trừng trị, hai họ hiển vinh, con trai nhà họ Mai là Lương Ngọc cưới con gái nhà họ Trần là Hạnh Nguyên.

    Sau Truyện KiềuLục Vân Tiên, Nhị Độ Mai là một tác phẩm được quần chúng yêu thích và phổ biến rộng rãi.

    Phường chèo đóng Nhị Độ Mai
    Sao em lại đứng với người đi xem?
    Mấy lần tôi muốn gọi em
    Lớp Mai Sinh tiễn Hạnh Nguyên sang Hồ

    (Đêm cuối cùng - Nguyễn Bính)

  76. Hạ Nghinh Xuân
    Tên một nhân vật phản diện trong truyện dã sử Chung Vô Diệm, do hồ ly tinh biến hóa mà thành.
  77. Yên
    Tên một quốc gia chư hầu ở phía bắc của nhà Chu, tồn tại từ thời kỳ đầu của Tây Chu qua Xuân Thu tới Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Thời kỳ Chiến Quốc Yên là 1 trong số 7 bảy quốc gia hùng mạnh và có ảnh hưởng tới chiến cuộc nhất, được sử sách liệt vào "thất hùng." Năm 222 TCN Yên bị nước Tần tiêu diệt. Một số danh sĩ nước Yên có thể kể đến: Tô Tần, Trương Nghi, Nhạc Nghị, Kinh Kha...
  78. Án Anh
    Cũng gọi là Yến Anh hay Yến (Án) Tử, tự là Bình Trọng, tể tướng của nước Tề. Ông nổi tiếng trong lịch sử là thông minh, đĩnh ngộ và có tài ngoại giao.
  79. Đây là những nhân vật và tình tiết trong truyện dã sử Chung Vô Diệm.
  80. Đây là hai nhân vật trong truyện kiếm hiệp Bồng Lai Hiệp Khách.
  81. Trần ai
    Chốn bụi bặm, chỉ đời sống thế tục.
  82. Anh tài
    Người có tài năng hơn người (từ Hán Việt).
  83. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  84. Giao đoan
    Giao ước, thề hẹn cùng nhau.
  85. Đội xếp
    Cảnh sát thời Pháp thuộc (từ tiếng Pháp chef).
  86. Nguyệt
    Mặt trăng (từ Hán Việt).
  87. Rồng mây
    Còn nói hội rồng mây, hội long vân, chỉ việc gặp thời cơ tốt, công danh hiển đạt, nguyên từ một câu trong Kinh Dịch "Vân tùng long, phong tùng hổ" (mây theo rồng, gió theo hổ), ý nói những vật cùng khí loại thường cảm ứng mà tìm đến nhau. Trong ca dao Nam Bộ, rồng mây lại biểu trưng cho sự hòa hợp gắn bó giữa đôi lứa trong tình yêu.
  88. Hoa không phải đào cũng chẳng phải cúc, màu không phải xanh cũng chẳng phải đỏ.
  89. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  90. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  91. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  92. Tử tôn do thử nhi sanh
    Con cháu từ chỗ ấy mà sinh ra.
  93. Bạch Huê
    Cũng gọi là Bạch Tuyết, một quân bài trong bài chòi, tượng trưng bộ phận sinh dục nữ. Ở một số địa phương miền Trung, bộ phận sinh dục nữ cũng được gọi là huê.
  94. Bài này mô tả bộ phận sinh dục nữ.
  95. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  96. Giăng
    Trăng (phương ngữ Bắc Bộ).

    Lòng tôi không giăng gió
    Nhưng gặp người gió giăng

    (Khúc hát - Lưu Quang Vũ)

  97. Tôi
    Nung hợp kim đến nhiệt độ nhất định rồi làm nguội thật nhanh để tăng độ rắn và bền.

    Tôi cán cuốc thép

    Tôi lưỡi cuốc thép

  98. Già
    Trên mức trung bình, mức vừa dùng, mức hợp lí (thóc phơi già nắng, nước sôi già...).
  99. Quỳnh, giao
    Hai thứ ngọc quí, hay dùng để ví với những gì quí giá.

    Hài văn lần bước dặm xanh
    Một vùng như thể cây quỳnh cành giao

    (Truyện Kiều)

  100. Thài lai
    Còn nói thày lay, xen vào việc của người khác không liên quan đến mình (phương ngữ Nam Bộ).
  101. Xa ngái
    Xa xôi, rất xa. Ngái nghĩa là xa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  102. Bành
    Ghế có lưng tựa, tay vịn, được mắc chặt trên lưng voi.

    Bành voi

    Bành voi

  103. Ang
    Đồ dùng bằng đất, hình dạng như cái nồi hoặc chậu, dùng để đựng nước hoặc thức ăn cho lợn. Có loại bằng đồng, dùng để đựng trầu.