Tình chồng vợ anh không tưởng tới
Nghĩa sinh thành anh chẳng kể chi
Sao anh bất thức bất tri
Anh đi lính mộ được gì đâu na
Anh nghe em hỏi đây mà
Ai sinh ai đẻ anh ra thành người
Sao anh không sợ người cười
Cái nòi lính mộ mấy đời sướng thân
Hỏi anh anh phải phân trần
Cha già mẹ yếu đỡ đần cậy ai?
Tình non nghĩa nước bao ngày
Con trăng cõi Bắc đã đầy nhớ thương
Tìm kiếm "bao giờ"
-
-
Nhà anh thật khó, không giàu
Nhà anh thật khó, không giàu
Có lời trước, kẻo sau phàn nàn
Nhà anh chỉ có một gian
Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng
Nồi đất anh treo tứ phương
Chổi cùn, chiếu rách đầy giường em ơi
Không tin, em về mà coi
Chả rồi em bảo là người nói ngoa
Nhà anh có một vườn hoa
Bốn cây cứt lợn xinh đà nên xinh
Trong nhà sập gụ mới tinh
Niễng chui vào bếp, gập ghềnh ba chân
Em lấy anh sung sướng nhất trên trần!Dị bản
Anh đây thật khó, không giàu,
Anh xin nói trước, kẻo sau phàn nàn
Nhà anh chỉ có một gian,
Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng.
Trời làm một trận mưa tuôn,
Nửa bếp cũng đổ, nửa buồng cũng xiêu.
-
Cái gì mà thấp, cái gì mà cao?
Cái gì mà thấp, cái gì mà cao?
Cái gì sáng tỏ hơn sao trên trời?
Cái gì em trải anh ngồi?
Cái gì thơ thẩn ra chơi vườn đào?
Cái gì mà sắc hơn dao?
Cái gì phơn phớt lòng đào thì em bảo anh?
Cái gì trong trắng ngoài xanh?
Cái gì soi tỏ mặt anh, mặt nàng?
Cái gì xanh, đỏ, trắng, vàng?
Cái gì ăn phải dạ càng tương tư?
Cái gì năm đợi tháng chờ?
Cái gì em đội phất phơ trên đầu?
Cái gì sắc hơn dao cau?
Cái gì tiện chũm cho nhau ăn cùng?
Một quan là mấy trăm đồng?
Một mối tơ hồng là mấy trăm dây?
Một cây là mấy trăm cành?
Một cành là mấy trăm hoa?
Em ngồi em giảng cho ra,
Thì anh kết nghĩa giao hòa cùng em
– Đất thì thấp, trời thì cao
Ngọn đèn sáng tỏ hơn sao trên trời
Chiếu hoa em trải anh ngồi
Khi buồn thơ thẩn ra chơi vườn đào
Con mắt em sắc hơn dao
Trứng gà phơn phớt lòng đào hỡi anh
Cau non trong trắng ngoài xanh
Gương tàu soi tỏ mặt anh, mặt nàng
Chỉ ngũ sắc xanh, đỏ, trắng, tím, vàng
Bùa yêu ăn phải dạ càng tương tư
Đôi ta năm đợi, tháng chờ
Cái khăn em đội phất phơ trên đầu
Con mắt anh liếc sắc hơn dao cau
Cau non tiện chũm cho nhau ăn cùng
Một quan là sáu trăm đồng
Một mối tơ hồng là sáu trăm dây
Một cây là sáu trăm cành
Một cành là sáu trăm hoa
Thưa anh em đã giải ra
Mong anh kết nghĩa giao hòa cùng em! -
Tháng giêng thì lúa xanh già
Tháng giêng thì lúa xanh già
Tháng hai lúa trổ, tháng ba lúa vàng
Tháng tư cuốc đất trồng lang
Tháng năm cày cuốc tiếng nàng hò lơ
Tháng sáu làm cỏ dọn bờ
Tháng bảy trổ cờ, tháng tám chín thơm
Gặt về đạp lúa phơi rơm
Mồ hôi đổi lấy bát cơm hàng ngày
Lúa khô giê sạch cất ngay
Chỗ cao ta để phòng ngày nước dâng
Mùa đông mưa bão nhiều lần
Nàng xay, chàng giã cùng ngân tiếng hò
Tháng mười cày cấy mưa to
Trông trời, trông đất cầu cho được mùa -
Anh sắm cho em một cái khăn cha chả là đỏ
Anh sắm cho em một cái khăn cha chả là đỏ
Một cái áo vải nhỏ thôi lại cổ kiềng
Răng đến chừ em lại có tình riêng
Anh đón đường kiệt lộ đòi lại liền áo khăn
– Trà Ô Long em phong giấy lại
Rượu Kim Cúc anh uống em đậy em dằn
Thịt heo rừng bóp tái, thịt heo nái xào lăn
Anh đi lên anh uống, anh đi xuống anh ăn
Bao nhiêu lọn tóc, áo khăn em khấu trừ! -
Thanh nhàn kể chuyện thuốc lào
Thanh nhàn kể chuyện thuốc lào
Kể từ gieo hạt biết nào công phu
Khi cất gánh, lúc lu bù
Phân tro, cỏ giã, sắm lo mọi bề
Sau rồi hái cái đưa về
Kẻ rọc, người cuộn tứ bề xôn xao
Định ngày hẹn thợ lao đao
Chè trưa, rượu sớm biết bao nhiêu tiền
Hoặc hồ rũ, hoặc nguyên mền
Khi nào đóng bánh mới yên trong mình -
Con nhà ai nho nhỏ mà to gan
Con nhà ai nho nhỏ mà to gan
Thấy người ta đi lính mộ cũng xuống Hàn kí tên
Về nhà con khóc vợ rên
Hương trên xã dưới bốn bên xì xèo
Vịn vai chàng nước mắt chảy xuôi
Ai làm nên nỗi đôi đứa tui thế này
Bước chân xuống bến tàu Tây
Chân tròi góc bể biết rày còn gặp không
Dậm chân đấm ngực kêu trời
Vợ chồng gần gũi chưa mấy năm trời lại xa
Xứ người đất lạ xông pha
Cái đời lính mộ khổ là biết bao -
Gặp đây anh hỏi thực nàng
-
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ nồi cơm nguội, nhớ siêu nước chè
Nhớ hồi lên ngựa xuống xe
Nhớ bát nước chè, nhớ tộ đường non
Cá mòi, cá nục y con
Thịt heo y khúc lòng còn ước mơ
Nhớ khi rau muống bò bờ
Nhớ khi con nhện giăng tơ mới vào
Nhớ lê, nhớ lựu, nhớ đào
Đêm nằm tơ tưởng, chiêm bao mơ màng
Trông đò chẳng thấy đò sang
Cầm giằng quên gặt, nhớ đến nghĩa nàng, nàng ơi! -
Cưới nàng anh toan dẫn voi
Cưới nàng anh toan dẫn voi
Anh sợ quốc cấm nên voi không bàn
Dẫn trâu sợ họ máu hàn
Dẫn bò sợ họ nhà nàng co gân
Miễn là có thú bốn chân
Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng
Chàng dẫn thế em lấy làm sang
Nỡ nào em lại phá ngang như là…
Người ta thách lợn thách gà
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang
Củ to thì để mời làng
Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi
Bao nhiêu củ mẻ, chàng ơi!
Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà
Bao nhiêu củ rím, củ hà
Để cho con lợn, con gà nó ăn… -
Tiếng đồn anh hay chữ
– Tiếng đồn anh hay chữ
Lại đây em hỏi thử
Đôi câu lịch sử Khánh Hòa
Từ ngày Tây cướp nước ta
Những ông nào đã dựng cờ khởi nghĩa,
Anh hãy nói ra cho em tường?
– Nghe lời em hỏi mà thương
Thương người nghĩa kiệt, tơ vương vấn lòng
Vì thù non sông
Thề không đội trời chung với giặc
Từ Nam chí Bắc
Thiếu chi trang dạ sắt, gan đồng … -
Vè xin xâu
Lẳng lặng mà nghe
Cái vè xin thuế
Mùa màng mất tệ
Buôn bán không ra
Kẻ gần người xa
Cũng nghèo cũng khổ
Hai đồng xâu nọ
Bảy ngày công sưu
Cao đã quá đầu
Kêu đà ngắn cổ
Ở đâu ở đó
Cũng rúc mà ra
Kẻ kéo xuống Tòa
Người nằm trên tỉnh
Đông đà quá đông
Trong tự Hà Đông
Ngoài từ Diên Phước … -
Kể từ ngày xa cách người thương
Kể từ ngày xa cách người thương
Về nhà đài sen nối sáp, đọc mấy chương phong tình
Đọc tới đoạn Thúy Kiều xa gã Kim sinh
Thôi Oanh Oanh xa Trương Quân Thụy nghĩ tội cho tình biết chừng mô
Đọc tới lúc Hạnh Nguyên phụng chỉ cống Hồ
Để cho Mai Lương Ngọc ra vô ưu phiền
Hạ Nghinh Xuân còn ở bên nước Yên
Mà Tề Vương phế chánh trao quyền cho Yến Anh
Đọc tới lớp Ngọc Kỳ Lân bỏ hội công danh
Cũng vì Kim Hồ Điệp tử sanh không nài
Đã mấy phen lâm cảnh trần ai
Cho hay chữ tình làm lụy anh tài biết bao nhiêu
Huống chi chàng chừ nỡ phụ người yêu
Dầu có tan vàng nát ngọc cũng đành xiêu với tình. -
Cầu Đơ là chợ đằng xuôi
Cầu Đơ là chợ đằng xuôi
Ngỗng, vịt cũng lắm, đồ chơi cũng nhiều
Tưởng rằng chợ Sái mỹ miều
Chỉ lắm hàng củi với nhiều hàng cơm
Chợ Nủa hàng giậm, hàng nơm
Chợ Trôi hàng vải, hàng rơm dãi dầu
Chợ Nghệ thì bán bò, trâu
The, đoạn cũng lắm, chúc bâu cũng nhiều
Sơn Đồng chợ họp về chiều
Chỉ lắm hàng sắn với nhiều hàng dao
Chợ Phùng hàng xén xiết bao
Chợ Gạch cũng lắm thuốc lào, nhang đen
Chợ Cốc nửa tháng sáu phiên
Chỉ nhiều ngô, đậu với nguyên củ từ
Thọ Lão chợ họp chần chừ
Lều quán chẳng có y như ngoài đồng
Lờ đờ chợ Triệu mà đông
Tưởng rằng có lớn mà không bán bò
Chợ Mía mới họp mà to
Mía vàng, mía đỏ bán cho lò đường
Bán nhiều nón là chợ Chuông
Trắng trời, trắng chợ ai thương đội đầu
Chợ Sêu bán hom, lá dâu
Bán nhộng, bán kén tơ màu xe dây. -
Đêm qua lốp đốp mưa rào
Đêm qua lốp đốp mưa rào
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa
Đôi bên bác mẹ thì già
Lấy anh hay chữ để mà cậy trông
Mùa hè cho chí mùa đông
Mùa nào áo ấy cho chồng đi thi
Hết gạo em lại gánh đi
Hỏi thăm chàng học trọ thì nơi nao
Hỏi thăm phải ngõ mà vào
Vai đặt gánh gạo, miệng chào: Kìa anh … -
Đồn em hay truyện Thúy Kiều
Đồn em hay truyện Thúy Kiều
Lại đây mà giảng mấy điều cho minh
Vì đâu Kiều gặp Kim sinh?
Vì đâu Kiều phải bán mình chuộc cha?
Vì đâu Kiều phải đi xa?
Vì đâu Kiều phải vào nhà lầu xanh?
Hoa trôi bèo dạt đã đành
Vì đâu mắc phải Sở Khanh nói lừa?
Vì đâu kết tóc xe tơ?
Vì đâu Kiều phải lên chùa làm sư?
Vì đâu Kiều gặp họ Từ?
Báo ân báo oán trả thù sạch không?
Vì đâu Kiều bị mất chồng?
Vì đâu Kiều phải xuống sông Tiền Đường?
Bao nhiêu nghĩa thảm, tình thương
Em ơi giảng hết mọi đường anh nghe … -
Răng to mắt xếch người lùn
Răng to mắt xếch người lùn
Bay quen ác độc lại còn khoe hay
Ngô tao đang tốt xanh cây
Bay đem bắt nhổ cấy đay điền vào
Lúa, bông, lạc của dân tao
Bay cướp, bay giật, bay nào tha chi
Đi bộ bay chẳng muốn đi
Bay bắt phu kéo, bay thì quỵt công
Vác gươm hống hách đi rong
Buồn mồm chén phở, bay không trả tiền
Nhà tao con nối cha truyền
Bay vào bay ở, bay liền đuổi ra
Bay vơ mâm, bắt lợn gà
Bay hiếp con gái bà già xôn xao
Bay thù gì tổ tiên tao
Chết rồi bay vẫn còn đào mả lên
Đình chùa, nghè miếu thiêng liêng
Tiện đường bay đạp, chả kiêng chỗ nào
Tội bay ác độc là bao
Phải đâm, phải chém, phải cào mặt bay! -
Ba mươi súc miệng ăn chay
Ba mươi súc miệng ăn chay
Sáng ngày mồng một dựng cây trúc đài
Lâm râm khấn vái Phật Trời
Biết đâu có nắng mà phơi quần hồng
Ai ơi, hãy hoãn lấy chồng
Để cho trai gái dốc lòng đi tu
Chùa này chẳng có Bụt ru
Mà đem chuông khánh treo chùa Hồ Sen … -
Anh may cho em một cái quần lãnh trắng
– Anh may cho em một cái quần lãnh trắng
Cái kẹp tóc ngắn, cái khăn nhiễu dài
Bây chừ em đã nghe ai,
Một quần lãnh trắng, một kẹp tóc ngắn, một khăn nhiễu dài em trả lại đây.
– Hồi khi tê, anh đi lên anh ăn,
Hồi khi mô, anh trở xuống anh uống.
Nay bây chừ, anh trở chứng nhỏ nhen.
Thịt heo rừng ướp sả xào lăn,
Bao nhiêu quần, kẹp với khăn tôi trừ rồi. -
Em thấy anh tương tư bệnh chắc
Em thấy anh tương tư bệnh chắc,
em rước ông thầy thuốc Bắc,
em sắc hai chục chén còn lại một phân,
bỏ thêm một lát gừng sống,
một đống gừng lùi,
một nùi chuối hột,
một hộp đương quy,
một ky trái táo,
năm sáu chục trái cà na,
thần sa một lượng,
khoai sượng một chục,
măng cụt một trăm,
rau răm một đám,
cám một bao,
con gái lao rao mười hai đứa,
sứa lửa vài trăm,
lại thêm huỳnh liên, huỳnh bá, huỳnh cầm.
Uống ba thang mà anh không mạnh,
thì em đào hầm chôn luôn!
Chú thích
-
- Bất thức bất tri
- Không hiểu không biết (cụm từ Hán Việt).
-
- Lính mộ
- Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.
-
- Na
- Trợ từ, thường đặt cuối câu hỏi, như hả, ha, a, ru... (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Cứt lợn
- Còn có tên là cỏ hôi hoặc cây bù xít, một loại cây mọc hoang có mùi rất hắc. Theo đông y, cây cỏ hôi có vị cay, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng; thường được dùng chữa viêm họng do lạnh, chữa rong huyết cho phụ nữ sau sinh, viêm đường tiết niệu...
-
- Sập
- Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.
-
- Niễng
- Có nơi gọi là mễ, đà, dụng cụ dùng để kê sập, kê phản.
-
- Tương tư
- Nhớ nhau (từ Hán Việt). Trong văn thơ, tương tư thường được dùng để chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương trong tình yêu trai gái.
Gió mưa là bệnh của Trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
(Tương tư - Nguyễn Bính)
-
- Dao cau
- Thứ dao nhỏ và sắc, dùng để bổ cau.
-
- Chũm
- Phần đầu và đuôi của quả cau.
-
- Tơ hồng
- Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.
-
- Nghĩa giao hòa
- Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
-
- Khoai lang
- Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.
-
- Dê
- Rê, hay giê, hoạt động làm cho lúa sạch bằng cách đổ từ trên cao xuống cho gió cuốn đi những bụi rác (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Cha chả
- Thán từ dùng để biểu lộ sự ngạc nhiên (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Áo cổ kiềng
- Một loại áo ngắn tương tự như áo bà ba ở miền Nam, cổ áo ôm sát cổ và được may viềng nẹp như cái kiềng, nên có tên gọi như vậy.
-
- Răng
- Sao (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Chừ
- Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Đường kiệt
- Đường hẻm nhỏ (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Trà Ô Long
- Một loại trà ngon có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tùy vào thành phần và cách chế biến mà trà có nhiều hương vị rất khác nhau.
-
- Rượu cúc
- Tên Hán Việt là hoàng hoa tửu, một loại rượu chưng cất từ hoa cúc, được người xưa xem là rượu quý dành cho người biết hưởng thụ.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu
(Cảm Tết - Tú Xương)
-
- Thuốc lào
- Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữ và Đồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.
Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.
-
- Sau khi rọc, lá thuốc được cuộn thành những cuốn thuốc dài 2,5-2,8 m, đường kính 20-25 cm. Cuộn lá thuốc thành cuốn cũng là một kĩ thuật khó, đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo để cuộn thuốc không quá mềm rỗng hoặc quá cứng. Nếu cuộn thuốc mềm thì không khí bên trong cuộn còn nhiều, dễ gây thối hoặc héo lá. Nếu cứng quá thì thuốc cũng dễ thối và lá thuốc không đủ độ “chín” khi thái.
-
- Hồ rũ
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hồ rũ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Nguyên mền
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nguyên mền, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Đà Nẵng
- Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.
Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
-
- Hương
- Tên gọi chung của một số chức tước ở cấp xã dưới thời Nguyễn, ví dụ hương chánh làm nhiệm vụ thu thuế, chi xuất, phân công sai phái, hương quản chuyên trách giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra nhân khẩu, hương thân làm nhiệm vụ giáo hóa thuần phong mỹ tục...
-
- Xã
- Người có chức vị trong làng xã ngày xưa.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Sàng
- Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.
-
- Giang
- Một loại tre thân nhỏ vách dày, thân khá cao, mọc thành cụm, lá xanh đậm. Cũng ghi là dang ở một số văn bản.
-
- Chè
- Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.
-
- Tộ
- Cái tô bằng đất nung, thường dùng để kho thịt, cá. Những món kho trong tộ gọi là kho tộ (thịt heo kho tộ, cá lóc kho tộ...)
-
- Đường non
- Đường được tạo thành từ mía qua một giai đoạn gọi là nấu đường. Nước ép mía được đổ vào những chảo gang, đặt trên lò lửa. Thợ lò chờ nước đường được nấu đến “độ” thì múc ra thùng gỗ, dùng chày đánh nước đường cho sánh đặc lại rồi rót vào những cái bát to làm bằng nhôm, có phết một lớp dầu phộng (để dễ gỡ đường). Một lát sau đường nguội thì gỡ ra, xếp theo cặp, cho vào những chiếc rổ to gánh về phơi cho khô. Loại đường này gọi là đường bát hay đường tán.
Đường non là nước đường nấu chưa tới "độ." Thợ lò múc một ít đường, đổ vào bẹ chuối và nghiêng cho đường tráng đều bẹ chuối là được. Khi đường non nguội thì sánh lại và có màu vàng, dẻo, vị ngọt thanh, rất thơm ngon.
-
- Cá mòi
- Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.
-
- Cá nục
- Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...
-
- Lê
- Một loại cây cho quả ngọt, nhiều nước, thịt hơi xốp. Nước ép quả lê có thể dùng làm thạch, mứt trái cây, hoặc ủ men làm rượu. Gỗ lê là một loại gỗ tốt, được dùng làm đồ nội thất, chạm khắc... Lê là một hình ảnh mang tính ước lệ thường gặp trong ca dao tục ngữ, tượng trưng cho người con trai hoặc con gái.
-
- Lựu
- Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông
(Truyện Kiều)Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Đào
- Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Quốc cấm
- Bị pháp luật cấm.
-
- Máu hàn
- Cơ thể ở tạng lạnh, với những biểu hiện như: sợ rét, chân tay lạnh...
-
- Phá ngang
- Cố ý làm ảnh hưởng, làm hỏng công việc đang làm của người khác.
-
- Khoai hà
- Khoai bị bệnh đốm đen, khi luộc không mềm, vị đắng không ăn được, còn gọi là khoai rím.
-
- Khánh Hòa
- Một tỉnh duyên hải thuộc Nam Trung Bộ. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... cùng khu du lịch quốc tế bắc bán đảo Cam Ranh. Với khí hậu ôn hòa và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.
-
- Chí
- Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Sưu thuế
- Sưu (hay xâu) là số ngày người dân phải tham gia lao động công ích, nhưng cho phép nộp bằng tiền để thuê người làm thay; thuế là số tiền (hoặc hiện vật) người dân phải nộp cho chính quyền.
-
- Đà
- Đã (từ cổ, phương ngữ).
-
- Hà Đông
- Vùng đất nay là thành phố Tam Kỳ, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. Huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên – Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện được nâng lên thành phủ Hà Đông, và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ.
-
- Diên Phước
- Tên một huyện ở phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày trước (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
-
- Truyện phong tình
- Truyện kể về tình cảm nam nữ, trước đây thường bị các nhà nho chỉ trích, phê phán.
-
- Thúy Kiều
- Nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì bán mình chuộc cha mà phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, gặp nhiều đắng cay khổ sở, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần," cuối cùng mới được đoàn viên cùng người tình là Kim Trọng.
-
- Kim Trọng
- Một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Trọng là một thư sinh hào hoa phong nhã, bạn học của Vương Quan (em ruột Thúy Kiều). Kiều và Kim Trọng gặp và đem lòng yêu nhau. Khi phải bán mình chuộc cha, Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình gá nghĩa cùng Kim Trọng. Sau mười lăm năm lưu lạc, hai người lại đoàn viên.
-
- Tây Sương Ký
- Tên đầy đủ là Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây sương ký (Thôi Oanh Oanh chờ trăng dưới mái Tây), một vở tạp kịch của Vương Thực Phủ, sáng tác trong khoảng những năm Đại Đức (1297-1307) đời Nguyên Thành Tông (1295-1307) ở Trung Quốc, có nội dung miêu tả cuộc tình duyên vượt qua môn đăng hộ đối và lễ nghi phong kiến của một tiểu thư đài các là Thôi Oanh Oanh và chàng thư sinh Trương Quân Thụy. Tây Sương Ký có ảnh hưởng rất lớn đối với những sáng tác tiểu thuyết và kịch bản về đề tài tình yêu ở các đời sau, tuy nhiên trước đây các nhà nho thường xem nó là "dâm thư."
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Nhị Độ Mai
- Tên một truyện thơ Nôm của một tác giả khuyết danh, gồm 2.826 câu thơ lục bát, biên soạn theo cuốn tiểu thuyết Trung Quốc Trung hiếu tiết nghĩa nhị độ mai ra đời khoảng triều Minh - Thanh. Truyện có nội dung kể về những biến cố xảy ra trong hai gia đình họ Mai và họ Trần do bị gian thần hãm hại. Về cuối truyện, gian thần bị trừng trị, hai họ hiển vinh, con trai nhà họ Mai là Lương Ngọc cưới con gái nhà họ Trần là Hạnh Nguyên.
Sau Truyện Kiều và Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai là một tác phẩm được quần chúng yêu thích và phổ biến rộng rãi.
Phường chèo đóng Nhị Độ Mai
Sao em lại đứng với người đi xem?
Mấy lần tôi muốn gọi em
Lớp Mai Sinh tiễn Hạnh Nguyên sang Hồ
(Đêm cuối cùng - Nguyễn Bính)
-
- Hạ Nghinh Xuân
- Tên một nhân vật phản diện trong truyện dã sử Chung Vô Diệm, do hồ ly tinh biến hóa mà thành.
-
- Yên
- Tên một quốc gia chư hầu ở phía bắc của nhà Chu, tồn tại từ thời kỳ đầu của Tây Chu qua Xuân Thu tới Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Thời kỳ Chiến Quốc Yên là 1 trong số 7 bảy quốc gia hùng mạnh và có ảnh hưởng tới chiến cuộc nhất, được sử sách liệt vào "thất hùng." Năm 222 TCN Yên bị nước Tần tiêu diệt. Một số danh sĩ nước Yên có thể kể đến: Tô Tần, Trương Nghi, Nhạc Nghị, Kinh Kha...
-
- Trần ai
- Chốn bụi bặm, chỉ đời sống thế tục.
-
- Anh tài
- Người có tài năng hơn người (từ Hán Việt).
-
- Chợ Hà Đông
- Ngôi chợ lớn nhất của Hà Đông trước đây. Chợ Hà Đông vốn là chợ làng Đơ (nên còn gọi là chợ Đơ hay chợ Cầu Đơ) xây ba dãy cầu gạch lợp ngói song song với nhau tồn tại mãi đến những năm 80 của thế kỉ 20, khi xây ba nhà chợ lớn lợp mái tôn. Khu vực chợ gia súc mở năm 1904 nay là khu vực Ngân hàng nông nghiệp, Đài phát thanh truyền hình thành phố, viện Kiểm sát nhân dân quận, Trường Mỹ nghệ sơn mài.
-
- Quảng Minh
- Tên Nôm là Đại Sái, một làng thuộc xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Chợ ở làng cũng gọi là chợ Sái.
-
- Chợ Nủa
- Cũng phát âm sai thành chợ Lủa, một ngôi chợ trước đây thuộc kẻ Nủa, nay thuộc địa phận xã Binh Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đây là phiên chợ ở Thủ đô vẫn còn giữ được những nét đặc sắc của chợ phiên vùng đồng bằng Bắc bộ xưa. Chợ bán nhiều vật dụng truyền thống làm từ tre, nứa như đũa, tăm, mành che nắng, gàu nước...
-
- Giậm
- Đồ đan bằng tre, miệng rộng hình bán cầu, có cán cầm, dùng để đánh bắt tôm cá. Việc đánh bắt tôm cá bằng giậm gọi là đánh giậm.
-
- Nơm
- Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.
-
- Chợ Trôi
- Một ngôi chợ hiện nay thuộc địa phận làng Phú Đa, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Chợ họp vào ngày hai mươi sáu tháng chạp âm lịch, rất đông vui.
-
- Chợ Nghệ
- Một ngôi chợ có từ xưa, thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, nổi tiếng là nơi buôn bán, chuyển nhượng trâu bò từ miền ngược về miền xuôi. Trước đây chợ họp theo phiên vào các ngày mồng 3, mồng 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hằng tháng. Vào năm 2005, chợ Nghệ bị cháy, sau đó chợ mới được xây dựng lại trên nền chợ cũ.
-
- The
- Hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng, không bóng, thời xưa thường dùng để may áo dài hoặc khăn, màn.
-
- Đoạn
- Một loại vải dày dệt từ tơ tằm. Đoạn cũng được dệt theo cách thức của lĩnh, nhưng dày hơn, sợi dọc nhiều hơn cả gấm. Đặc biệt sợi dọc, sợi ngang nổi đều nhau, mịn màng, óng ả. Đoạn dùng để may áo dài cho nam giới mặc vào những dịp long trọng. Do hàng đoạn dày nên người ta thường may áo đoạn bọc lụa bên trong mặc vào mùa lạnh.
-
- Chúc bâu
- Loại vải dệt khung tay, khổ 40 phân, dày, cứng và bền.
-
- Sơn Đồng
- Địa danh nay là một xã thuộc hiện Hoài Đức, Hà Nội.
-
- Chợ Phùng
- Chợ phố Phùng, nay thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Chợ họp theo phiên vào các ngày 2, 4, 7, 9 âm lịch hằng tháng.
-
- Hàng xén
- Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
(Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)
-
- Chợ Gạch
- Chợ thuộc phố Gạch, thôn Đồng Lục (tên nôm là Kẻ Lọc) thuộc xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Trước đây chợ Gạch họp vào các ngày 2, 5, 7 trong tháng.
-
- Chợ Cốc
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chợ Cốc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Thọ Lão
- Địa danh xưa thuộc tổng Thọ Nghiêm, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long, nay là khoảng dốc Thọ Lão-Lò Đúc, thành phố Hà Nội.
-
- Chợ Triệu
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chợ Triệu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Chợ Mía
- Chợ thuộc làng Mía, Sơn Tây. Xưa chợ có tên là chợ Tam Bảo, nằm ngay chân Tam quan của chùa Mía. Chợ do bà Nguyễn Thị Ngọc Dao - sau trở thành cung phi của Thanh đô vương Trịnh Tráng - dựng nên, họp mỗi tháng có 6 phiên chính vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21 và 26. Đọc thêm: Chợ cổ bên ngôi chùa cổ.
-
- Quang Trung
- Một làng nay thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, có tên nôm là làng Chuông. Làng nổi tiếng với nghề làm nón lá. Chợ làng cũng gọi là chợ Chuông, chuyên bán nón và các nguyên vật liệu làm nón.
-
- Hom
- Đoạn thân cây dùng để giâm thành cây mới.
-
- Bác mẹ
- Cha mẹ (từ cổ).
-
- Truyện Kiều
- Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.
Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...
-
- Minh
- Sáng suốt (từ Hán Việt).
-
- Lầu xanh
- Từ chữ thanh lâu, chỉ nhà thổ, nơi gái điếm hành nghề. Ở Trung Hoa ngày trước, nhà thổ thường sơn màu xanh nên gọi như vậy.
-
- Sở Khanh
- Tên một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều. Vốn là một gã ăn chơi, Sở Khanh đã lừa Thúy Kiều rằng y thật lòng yêu thương và muốn cứu nàng khỏi chốn lầu xanh, nhưng cuối cùng lại "quất ngựa truy phong." Cái tên Sở Khanh ngày nay thường được dùng để chỉ những kẻ chuyên đi lừa những người con gái nhẹ dạ.
-
- Kết tóc xe tơ
- Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.
Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.
-
- Từ Hải
- Nhân vật trong Truyện Kiều, cũng là một tướng cướp có thật trong lịch sử. Dưới triều đình phong kiến, Từ Hải là kẻ phiến loạn, mang tội bất trung. Từ Hải gặp Thúy Kiều trong lầu xanh và chuộc Kiều ra, giúp Kiều báo ân báo oán. Về sau Từ Hải nghe lời khuyên của Thúy Kiều, quy hàng triều đình, chẳng ngờ mắc mưu và bị giết. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mô tả cái chết của Từ Hải là chết đứng giữa trận tiền:
Trơ như đá, vững như đồng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời
-
- Tiền Đường
- Sông Tiền Đường, còn có tên cổ là Chiết Giang, Khúc Giang hay Chi Giang, là dòng sông lớn nhất của tỉnh Chiết Giang, chảy ra vịnh Hàng Châu. Sông Tiền Đường bắt nguồn từ vùng ranh giới giữa hai tỉnh An Huy và Giang Tây, chảy qua Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Đây cũng là địa bàn của nước Việt cổ trong lịch sử Trung Hoa, là nơi phát nguyên của văn hóa Việt bên Trung Hoa. Về cơ bản, con sông này chảy theo hướng tây nam-đông bắc.
-
- Đay
- Một loại cây thuộc họ bông gòn, chiều cao từ 2 - 5 m, vỏ cây dùng để làm sợi. Trong Chiến tranh Đông Dương, Pháp và Nhật đã bắt dân ta "nhổ lúa trồng đay" nhằm phục vụ chiến tranh (sản xuất quân trang, quân phục), làm sản lượng lương thực bị giảm mạnh, góp phần gây nên nạn đói năm Ất Dậu ở miền Bắc.
-
- Bông vải
- Một loại cây thấp, được trồng từ rất sớm. Hoa bông mới trổ có màu trắng sữa, sau chuyển thành màu trắng phấn. Tiếp đó xuất hiện múi bông, sau 6 đến 9 tuần thì múi bông chín muồi chuyển sang màu nâu, khi nở lộ ra chất sợi mềm màu trắng. Sợi này là lông dài, mọc trên vỏ của hạt bông. Người ta thu hoạch bông để kéo sợi, dệt thành vải.
-
- Xe kéo
- Cũng gọi là xe tay, một loại xe hai bánh do một người kéo, thường dùng để chở khách. Xe kéo xuất hiện ở nước ta vào khoảng cuối thế kỉ 19, do người Pháp đem qua, và đã trở thành biểu tượng cho sự phân biệt giai cấp, người bóc lột người trong xã hội Pháp thuộc. Sau 1945, xe kéo bị cấm sử dụng ở Việt Nam.
Hàng xóm khóc bằng câu đối đỏ
Ông chồng thương đến cái xe tay
(Mồng hai Tết viếng cô Ký - Tú Xương)
-
- Nghè
- Một hình thức của đền miếu. Nghè có thể là nơi thờ thành hoàng ở làng nhỏ được tách ra từ làng gốc, cũng có thể là một ngôi đền nhỏ ở một thôn nhằm thuận tiện cho dân sở tại trong sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính của làng xã khó đáp ứng nhu cầu thờ cúng thường nhật.
-
- Miếu
- Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…
-
- Trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, chính phủ Pháp, vì đã đầu hàng Đức Quốc Xã, phải đồng ý cho quân đội Nhật Bản đổ bộ vào Đông Dương. Trong thời kì cai trị ở nước ta (1940 - 1945), các chính sách cai trị của quân đội Nhật đã khiến đời sống người dân thêm cơ cực, và đặc biệt góp phần gây nên nạn đói khủng khiếp từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945 (nạn đói năm Ất Dậu), làm từ nửa triệu đến hai triệu người chết đói. Bài ca dao này có lẽ ra đời vào khoảng thời gian này.
-
- Hồng quần
- Cái quần màu đỏ. Ngày xưa bên Trung Hoa phữ nữ thường mặc quần màu đỏ, nên chữ "hồng quần" còn được dùng để chỉ phụ nữ.
Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.
(Truyện Kiều)
-
- Bụt
- Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
-
- Ru
- Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
-
- Khánh
- Nhạc cụ gõ làm bằng tấm đồng, thường có hình giống lưỡi rìu, treo lên bằng một sợi dây.
-
- Chùa Hồ Sen
- Một ngôi chùa dựng trên miếng đất nổi giữa hồ Bảy Mẫu, Hà Nội, ngày nay không còn.
-
- Vải lĩnh
- Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao
Lưng đeo dải yếm đào
Quần lĩnh, áo the mới
Tay cầm nón quai thao
(Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)
-
- Nhiễu
- Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
-
- Tê
- Kia (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Thuốc bắc
- Tên chung của các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, phân biệt với thuốc nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Các vị trong thuốc bắc có nguồn gốc từ thực vật (vỏ, rễ, lá cây...), động vật (sừng, xương, da lông...) và khoáng chất (hoàng thổ, thạch tín ...) được chia thành thang, luộc trong nước (gọi là sắc thuốc) trước khi uống.
-
- Lùi
- Nướng bằng cách ủ (khoai, mía, bắp...) vào tro nóng cho chín.
-
- Chuối hột
- Một loại chuối dại bản địa của vùng Đông Nam Á, quả có nhiều hạt, là một trong những tổ tiên của các loại chuối hiện đại. Ở ta, chuối hột non (chuối chát) được chế biến thành nhiều món ăn phong phú, ngoài ra chuối hột còn được dùng làm vị thuốc.
-
- Ki
- Một loại giỏ đan bằng nan tre (tương tự như cần xé) thường gặp ở Trung và Nam Bộ, dùng để đựng trái cây, nông sản.
-
- Trám
- Người Nam Bộ gọi là cà na từ cách phát âm của người Triều Châu, âm Hán Việt là cảm lãm, một loại cây thân gỗ thường đươc trồng để lấy gỗ và nhựa. Quả trám căng tròn màu xanh nhạt, dài hơn một lóng tay, vị chua chua hơi chát, dùng kho cá hoặc muối dưa.
-
- Chu sa
- Thể bột được gọi là chu sa, thể cục gọi là thần sa, một loại khoáng thạch có màu đỏ (chu sa có nghĩa là cát đỏ) được dùng trong Đông y, có tác dụng an thần.
-
- Măng cụt
- Một loại cây nhiệt đới cho quả khi chín có màu tím đậm, vỏ dày, ruột trắng ngà và chia thành nhiều múi có vị chua ngọt rất thơm ngon, ngày xưa còn được dùng để tiến vua. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer mangkut.
-
- Rau răm
- Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.
-
- Sứa lửa
- Một loại sứa có màu hồng nhạt, trong xúc tu có nhiều tế bào gai chứa chất độc có thể gây nguy hiểm cho người nếu chạm phải.
-
- Huỳnh liên
- Còn có tên là so đo bông vàng, một loại cây cao từ 2-4m, có hoa to màu vàng tươi, rễ được dùng làm thuốc.
-
- Gáo vàng
- Còn gọi là cây huỳnh bá, một loại cây lớn, gỗ màu vàng, mọc nhiều ở các kênh rạch miền Tây Nam Bộ. Trái gáo có vị hơi chua, thường ăn với muối ớt. Gỗ được dùng để làm sàn và vách nhà. Vỏ cây được dùng để trị tiêu chảy, kiết lị, làm thuốc bổ.
-
- Hoàng cầm
- Cũng gọi là huỳnh cầm, một loại cây nhỏ, lá nhọn, rễ sắc vàng, dùng làm thuốc hạ huyết áp, kháng sinh, giảm sốt, lợi tiểu...
-
- Thang thuốc
- Một gói gồm các vị thuốc có một tác dụng chung nào đó (trị bệnh, bồi bổ cơ thể...). Một thang thuốc thường chia sắc uống làm hai lần hoặc ba lần, tùy đơn kê của thầy thuốc.