Tìm kiếm "phù sa"

Chú thích

  1. Nhiễu điều
    Tấm nhiễu màu đỏ, dùng phủ lên những đồ vật quý để trang trí và che bụi.
  2. Giá gương
    Khung bằng gỗ để đỡ tấm gương.
  3. Phú Cốc
    Tên một ngọn đèo phần lớn thuộc thôn Phú Thạnh, phần còn lại thuộc thôn Phú Liên (xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Đèo cao, ngày trước có nhiều cọp, beo.
  4. Long Thủy
    Tên cũ là Mỹ Á, một ngôi làng trước thuộc xã An Phú, huyện Tuy An, nay thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Làng nằm sát biển, nổi tiếng có dừa xiêm uống nước rất ngọt, mát. Vườn dừa Long Thủy rợp bóng mát, quanh năm che phủ cả thôn. Tại đây có bãi biển Long Thủy, nhìn ra xa là cụm Hòn Chùa, Hòn ThanHòn Dứa.
  5. Phú Phong
    Một địa danh nay là thị trấn huyện lỵ huyện Tây Sơn, nằm về phía tây của tỉnh Bình Định, từ xưa đã nổi tiếng với nghề ươm tơ dệt lụa.
  6. Phú Lạc
    Tên một làng nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Xưa là làng thuộc Kiên Thanh, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Đây là quê hương của người anh hùng Mai Xuân Thưởng, một sĩ phu và lãnh tụ phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19 ở Bình Định.
  7. Mai Xuân Thưởng
    Một sĩ phu và lãnh tụ phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19 ở Bình Định. Ông sinh năm 1860 tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Năm 1885 ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, trở về quê Phú Lạc chiêu mộ nghĩa sĩ, lập căn cứ chiến đấu, đến năm 1887 thì cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị giặc bắt và xử trảm tại Gò Chàm (phía đông thành Bình Định cũ). Thi hài ông sau đó được đưa về táng tại Cây Muồng (nơi cha ông đã yên nghỉ), thuộc thôn Phú Lạc.

    Do từng đậu cử nhân và là con thứ bảy trong gia đình, ông còn có tục danh là ông Bảy Cử.

    Lăng Mai Xuân Thưởng

    Lăng Mai Xuân Thưởng

  8. Châu chấu
    Loại côn trùng nhỏ, chuyên ăn lá, có cánh màng, hai chân sau rất khỏe dùng để búng.

    Châu chấu

    Châu chấu

  9. Trúc mai
    Trong văn chương, trúc và mai thường được dùng như hình ảnh đôi bạn tình chung thủy, hoặc nói về tình nghĩa vợ chồng.

    Một nhà sum họp trúc mai
    Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông

    (Truyện Kiều)

  10. Có bản chép: Ngựa ông Cao Biền.
  11. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  12. Theo Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Khiếu Năng Tĩnh: "Quan Tri huyện Phạm Công Thái có văn tài, quan nghè Bái Dương Ngô Thế Vinh có nhiều bài phú rất hay, thời ấy thơ văn bác học, lời lẽ sâu sắc thì ai cũng suy tôn Hoàng Giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị." Phạm Công Thái, Ngô Thế Vinh, và Phạm Văn Nghị đều là người tỉnh Nam Định.
  13. Sơn Hà
    Tên một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
  14. Núi Đá Bia
    Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian cũng gọi là núi Ông hoặc Đá Chồng, ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt xưa. Đá Bia nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, nổi tiếng vì tảng đá Bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi, đứng cách xa vẫn nhìn thấy. Có tên như vậy vì tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chăm Pa, vua Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này.

    Núi Đá Bia

    Núi Đá Bia

  15. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  16. Chơm bơm
    Bù xù. Cũng nói là chôm bôm (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  17. Hải Vân
    Một con đèo nằm giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng (trước đây là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) ở phía Nam. Đèo còn có tên là đèo Ải Vân hoặc đèo Mây, vì trên đỉnh đèo thường có mây bao phủ. Đèo Hải Vân một bên là biển, một bên là dốc núi dựng đứng, có tiếng hiểm trở, nhưng đồng thời cũng là một danh thắng từ trước đến nay.

    Đèo Hải Vân

    Đèo Hải Vân

  18. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  19. Nạn đói năm Ất Dậu
    Một nạn đói xảy ra tại miền Bắc trong khoảng từ tháng 10 năm 1944 (Giáp Thân) đến tháng 5 năm 1945 (Ất Dậu) làm khoảng từ 400.000 đến hai triệu người dân chết đói. Nguyên nhân trực tiếp là những hậu quả của chiến tranh tại Đông Dương: Các cường quốc liên quan như Pháp, Nhật Bản và cả Hoa Kỳ đã can thiệp vào Việt Nam và gây nhiều tai họa ảnh hưởng đến sinh hoạt kinh tế của người Việt. Những biến động quân sự và chính trị dồn dập xảy ra khiến miền Bắc vốn dĩ đã thiếu gạo nên càng bị đói. Ngoài ra còn có nguyên nhân tự nhiên (lũ lụt, thiên tai, bệnh dịch tả...).

    Người chết vì đói năm Ất Dậu

    Người chết vì đói năm Ất Dậu

  20. Suối Bèo
    Tên dân gian của phiên chợ Trường Định, một địa danh nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Có tên như vậy vì chợ họp bên một dòng suối có rất nhiều bèo ngỗng. Thôn Trường Định chính là nơi phát tích của ba anh em nhà Tây Sơn.
  21. Tham phú phụ bần
    Vì ham giàu (phú) mà phụ bạc người nghèo khó (bần).
  22. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  23. Đèn chai
    Chai là mủ (nhựa) của cây chò, một loại cây lớn, mọc ở các vùng rừng núi. Ngày trước nhân dân ta dùng chai làm đèn để thắp sáng, gọi là đèn chai. Để làm đèn chai, người ta giã cục chai đã đông cứng thành bột, sàng dừng cho mịn, trộn thêm trấu, đổ xuống đất thành đốt rồi đốt cho khối chai này chảy dẻo ra, sau đó dùng đũa bếp và bàn lăn, xúc lên thành từng lọn hình trụ dài khoảng 2 tấc (20cm), lớn bằng cổ tay, lăn xong thả vào thay nước cho nguội và cứng đèn.
  24. Điện Cần Chánh
    Được xây dựng vào năm 1804, thuộc khu vực Tử Cấm Thành trong hoàng thành Huế, nơi các vua Nguyễn thiết triều, tiếp đón các sứ bộ và tổ chức yến tiệc. Năm 1947, điện bị phá hủy hoàn toàn trong chiến lược "Tiêu thổ kháng chiến" của Việt Minh. Hiện đang có kế hoạch phục nguyên ngôi điện này.

    Điện Cần Chánh ngày trước

    Điện Cần Chánh ngày trước

  25. Ngọ Môn
    Tên cổng chính phía nam (hướng ngọ theo địa lí phong thủy phương Đông) của Hoàng thành Huế, cổng lớn nhất trong bốn cổng chính. Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng dưới triều Nguyễn.

    Ngọ Môn

    Ngọ Môn

  26. Tuy An
    Địa danh nay là một huyện nằm ven biển tỉnh Phú Yên, phía bắc giáp thị xã Sông Cầu và Đồng Xuân, phía tây là huyện Sơn Hòa, phía nam là thành phố Tuy Hòa, phía đông là biển Đông. Tại đây có đầm Ô Loan (trước đây là cửa biển, nay bị bồi lấp), một đầm nước lợ lớn có tiềm năng kinh tế và du lịch của tỉnh.

    Đầm Ô Loan

    Đầm Ô Loan

  27. Chợ Xổm
    Một ngôi chợ nằm về phía đông cuối thôn Phú Thạnh (nên cũng gọi là chợ Phú Thạnh), xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Có tên như vậy vì khi mới bắt đầu hình thành, người dân ngồi xổm để họp chợ. Mỗi tháng chợ họp 6 phiên vào các ngày mùng 1, 11, 21 và mùng 6, 16, 26.

    Chợ Xổm cùng với chợ Ma Liên là hai trong số những chợ nổi tiếng của tỉnh trước năm 1945.

  28. Hòa Đa
    Tên một thôn nay thuộc địa phận xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây có món bánh tráng Hòa Đa mịn đều, dẻo thơm, không có vị chua và ít bị dính khi nhúng nước để cuốn thức ăn, là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Phú Yên.

    Bánh tráng Hòa Đa

    Bánh tráng Hòa Đa