Tìm kiếm "bần liệt"

Chú thích

  1. Sún
    Trẻ chưa có răng, cha mẹ thường nhai thức ăn cho mềm rồi mớm vào mồm trẻ. Cũng nói: chim mẹ sún mồi cho con.
  2. Chừng ni
    Chừng này (phương ngữ miền Trung).
  3. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  4. Xúp lê
    Cũng viết là súp lê, phiên âm từ tiếng Pháp của động từ souffler (kéo còi tàu thủy). Còn được hiểu là còi tàu.
  5. Vượn
    Tên gọi chung chỉ các loài giống khỉ, có tầm vóc nhỏ, nhanh nhẹn và uyển chuyển nhất trong số các loài thú sống trên cây cao mà không biết bay. Mỗi loài vượn có tiếng hú riêng. Tùy từng loài và phụ thuộc vào giới tính mà bộ lông của vượn có thể có màu từ nâu sẫm tới nâu nhạt, có khi đốm loang màu đen hay trắng. Vượn toàn trắng rất hiếm. Vượn sinh sống ở Đông Nam Á chủ yếu thuộc chi vượn lùn và vượn mào.

    Vượn tay trắng

    Vượn tay trắng thuộc chi vượn lùn

  6. Be bờ
    Đắp đất thành bờ để ngăn nước.

    Be bờ

    Be bờ

  7. Có bản chép: Ai đi bờ đất một mình.
  8. Chéo áo
    Mảnh vải nhỏ hình tam giác may liền vào hai bên vạt áo để vạt áo rộng thêm ra ở phía dưới, theo kiểu cũ.
  9. Phu quân
    Tiếng người vợ gọi chồng (từ Hán Việt).
  10. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  11. Có bản chép: thắt.
  12. Y môn
    Màn vải hoặc gỗ chạm khắc che phía trên giữa hai hàng cột ở nơi thờ cúng.

    Y môn

    Y môn

  13. Giao loan
    Một loại keo tương truyền được chế tạo bằng máu con chim loan, rất chắc, có thể nối được cả dây cung. Theo điển tích Trung Quốc, vua Hán Vũ Đế được dâng keo giao loan. Một lần đi săn, dây cung bị đứt, vua dùng loại keo này để nối lại, bắn tiếp cả ngày thấy không đứt, bèn đặt tên là "tục huyền giao," nghĩa là keo nối dây cung. Giao loan nghĩa bóng chỉ tình cảm keo sơn, gắn bó bền chặt.
  14. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  15. Cúc dục
    Nuôi nấng, dạy dỗ, chỉ công ơn cha mẹ (từ Hán Việt). Xem Chín chữ cù lao.
  16. Sinh dục
    Đẻ ra và nuôi lớn (từ Hán Việt).
  17. Tạo hóa
    Đấng tạo ra vạn vật theo quan niệm của người xưa.
  18. Hò hụi
    Một loại hình hò ở các tỉnh Bắc Trung Bộ (Bình-Trị-Thiên), được hò khi chèo đò. Khi hò, người hò chêm vào các tiếng "hụi hò khoan" đánh nhịp với tay chèo đò. Nghe một bài Hò hụi.
  19. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  20. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  21. Đơn sai
    Thiếu trung thực (từ cũ).

    Cửa hàng buôn bán châu Thai
    Thực thà có một, đơn sai chẳng hề

    (Truyện Kiều)

  22. Xấu chàng, hổ ai
    Chàng xấu thì ai hổ thẹn. Ý nói người chồng (chàng) mang tiếng xấu thì người vợ cũng xấu lây.
  23. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  24. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  25. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)