Tìm kiếm "hai kiều"

Chú thích

  1. Áo bà ba
    Một loại áo phổ biến ở các địa phương miền Nam, ở miền Bắc gọi là áo cánh. Áo không có bâu (cổ áo), được xẻ ở hai bên hông, vạt áo ngắn ngang hông, có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi.

    Áo bà ba cùng với khăn rằn được coi là một trong những đặc trưng văn hóa Nam Bộ, mặc dù hiện nay áo đã được "cải tiến" khá nhiều.

    Về nguồn gốc tên áo, nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba” (Văn minh miệt vườn).

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  2. Dầu chanh
    Tinh dầu làm từ vỏ chanh, mùi rất thơm và có nhiều công dụng: khử mùi, diệt khuẩn, làm đẹp...
  3. O mèo
    Tán tỉnh để bắt nhân tình (phương ngữ Nam Bộ).
  4. Tiền trinh
    Tiền xu bằng đồng, đục lỗ ở giữa để xâu thành chuỗi.

    ... Khốn nạn, con mụ tái mặt. Nó vội giơ phắt hai cánh tay lên trời. Thầy quản khoác súng vào vai, dần dần lần các túi áo.
    Túi bên phải: một gói thuốc lào. Thầy chẳng nói gì, quẳng toạch xuống đất.
    Túi bên trái: bốn đồng trinh.
    - À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?
    Chẳng biết cho là câu nói ý nhị hay nói hớ, thầy quản liếc mắt cười tủm, rồi lại nắn.

    (Lập gioòng - Nguyễn Công Hoan)

  5. Ông Táo
    Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."

    Táo quân (tranh dân gian)

    Táo quân (tranh dân gian)

  6. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  7. Cam sành
    Một loại cam có vỏ dày, sần sùi, thịt có màu cam hoặc vàng đậm, nhiều nước, được xem là một giống cam rất ngon.

    Quả cam sành

    Quả cam sành

  8. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  9. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  10. Cá mè
    Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.

    Cá mè

    Cá mè

  11. Làng Quỷnh
    Tên một làng thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Làng có nghề truyền thống là trồng chè.
  12. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  13. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  14. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  15. Hình nộm nang
    Đồ mã đan bằng tre uốn thành hình người, hay dùng trong các dịp ma chay.

    Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi
    Cái cuốc, con dao, đánh lừa cái tuổi
    Chén rượu đánh lừa cơn mỏi, cơn đau
    Con nộm nang tre đánh lừa cái chết
    Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu
    Đánh lừa thuồng luồng xăm mình xăm mặt
    Đánh lừa thằng giặc là chuyện Trạng Quỳnh
    Nhưng lạ lùng thay, nhân dân thông minh
    Không hề lừa ta dù ca dao, cổ tích

    (Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm)

  16. Xà neng
    Dụng cụ đang bằng tre, có hình dáng tương tự cái xuổng (thuổng). Xà neng có thể dùng để bắt cá hoặc xúc lúa. Từ này có nguồn gốc từ tiếng Khmer sneng.
  17. Núi Sam
    Tên chữ là Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn, một ngọn núi nằm trong vùng Bảy Núi, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay là phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Trên và quanh núi Sam có nhiều chùa miếu, trong đó nổi tiếng nhất là miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Phước Điền (còn gọi Chùa Hang)...
  18. Thoại Ngọc Hầu
    (1761-1829) Tên thật là Nguyễn Văn Thoại hay Nguyễn Văn Thụy, một danh tướng nhà Nguyễn. Ông là người có công rất lớn trong việc khai khẩn vùng Châu Đốc-An Giang hiện nay, với các công trình đào kênh Vĩnh Tế, làm đường Núi Sam-Châu Đốc, lập nhiều làng xã... Sau khi mất, ông được an táng trong lăng dưới chân núi Sam, người dân cũng gọi là lăng Ông Lớn.

    Tượng Thoại Ngọc Hầu trong đền thờ ông dưới chân núi Sam

    Tượng Thoại Ngọc Hầu trong đền thờ ông dưới chân núi Sam

  19. Thượng thư
    Chức quan đứng đầu một Bộ thời phong kiến.
  20. Lọng
    Đồ dùng để che phía trên đầu, gần giống cái dù nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, thường được sử dụng trong nghi lễ hoặc đám rước, để thể hiện địa vị xã hội. Ngày xưa, lọng được sử dụng cho vua, quan, chức sắc; ngày nay, lọng chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

    Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung bằng tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn ta để chống thấm nước. Lọng còn thường được trang trí nhiều màu sắc và họa tiết tùy theo địa vị của người sử dụng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

  21. Lụy
    Chịu khốn khổ lây vì việc của người khác.
  22. Thiên Thai
    Một dãy núi gồm chín ngọn núi liền nhau (ngọn cao nhất cao 150 mét) tạo thành hình rồng lượn, nằm bên bờ sông Đuống, về phía tây bắc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Trên núi có nhiều đền chùa, từ xưa đã là một thắng cảnh.

    Trên núi Thiên Thai
    Trong chùa Bút Tháp
    Giữa huyện Lang Tài
    Gửi về may áo cho ai?
    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  23. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu