Tìm kiếm "cánh cò bay"

Chú thích

  1. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  2. Bình hương
    Loại lọ bằng gỗ, sành hoặc sứ, thường có hoa văn, để cắm và thắp nhang trên bàn thờ hoặc những chỗ thờ cúng khác. Tùy theo hình dạng mà bình hương cũng gọi là bát hương hoặc nồi hương.

    Bát hương và cặp lọ trang trí

    Bát hương và cặp lọ trang trí

  3. Đồ Bàn
    Tên một thành cổ nay thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, cách thành phố Qui Nhơn (tỉnh Bình Định) 27 km về hướng tây bắc. Đây là kinh đô của Chăm Pa trong thời kỳ Chăm Pa có quốc hiệu là Chiêm Thành. Thành Đồ Bàn còn có tên là Vijaya, thành cổ Chà Bàn, thành Hoàng Đế, hoặc thành Cựu.

    Sư tử đá trong thành Đồ Bàn

    Sư tử đá trong thành Đồ Bàn

  4. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  5. Nhất vương nhị đế
    Một cách gọi ba anh em nhà Tây Sơn, gồm Đông Định Vương Nguyễn Lữ, Trung ương hoàng đế Nguyễn Nhạc và Quang Trung hoàng đế Nguyễn Huệ.
  6. Cội
    Gốc cây.
  7. Vực
    Chỗ nước rất sâu
  8. So đũa
    Một loại cây dân dã được trồng nhiều ở miền Nam. Bông so đũa được hái để nấu canh, lẩu hoặc làm các món xào, khi ăn có vị đăng đắng.

    Bông so đũa

    Bông so đũa

  9. Chích chòe
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.

    Chích chòe lửa

    Chích chòe lửa

  10. Sòi
    Một loại cây gỗ rụng lá, cao từ 6-15m, thuộc họ thầu dầu. Vỏ rễ, vỏ thân, lá, hạt có thể dùng làm thuốc.

    Lá sòi khi sắp rụng

    Lá sòi khi sắp rụng

  11. Chuột chù
    Một giống chuột ăn thịt, thức ăn chủ yếu là côn trùng, chim non, ếch, chuột nhắt... Chuột chù có mùi rất hôi.

    Chuột chù

    Chuột chù

  12. Chùa Tân Thiện
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chùa Tân Thiện, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  13. Hà Đông
    Vùng đất nay là thành phố Tam Kỳ, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. Huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên – Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện được nâng lên thành phủ Hà Đông, và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ.
  14. Bao Công
    Tên thật là Bao Chửng, cũng gọi là Bao Thị Chế, Bao Hắc Tử, làm quan dưới thời Tống Nhân Tông, Trung Quốc. Ông nổi tiếng thanh liêm, nghiêm minh, được nhân dân suy tôn là Bao Thanh Thiên (trời xanh). Hình tượng Bao Công trong dân gian được khắc họa là một người mặt đen, trán có hình trăng lưỡi liềm, được nhiều người tài như Công Tôn Sách, Triển Chiêu, Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ theo phò tá. Tuy nhiên, đa số những chi tiết này không có thật trong lịch sử.

    Một hình vẽ Bao Công

    Một hình vẽ Bao Công

  15. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  16. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Xà tích
    Đồ trang sức của phụ nữ Việt Nam xưa, thường giắt thõng ở cạnh bao lưng, gồm dây mắt xích nhỏ bằng bạc đeo ống bạc, dao con (để bổ cau, têm trầu), có khi thêm cả chùm chìa khoá.

    Xà tích làm bằng bạc được dùng trong cung đình thời Nguyễn.

    Xà tích làm bằng bạc được dùng trong cung đình thời Nguyễn.

  18. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  19. Hoàng anh
    Còn gọi là chim vàng anh hay hoàng oanh, là loài chim di cư nhỏ, ăn côn trùng và quả cây. Hoàng anh trống nổi bật với bộ lông vàng và đen, hoàng anh mái có bộ lông vàng ánh xanh lục.

    Chim Hoàng Anh (Chim Vàng Anh)

    Chim Hoàng Anh

  20. Sây
    (Cây) sai (hoa, quả).
  21. Ngọc Hà
    Một trong mười ba làng nghề (thập tam trại) của Thăng Long-Hà Nội, tương truyền là được lập nên từ thời vua Lý Nhân Tông. Làng Ngọc Hà nổi tiếng từ xưa với nghề trồng hoa, nên cũng gọi là trại Hàng Hoa. Thời kỳ đầu, dân làng chỉ trồng các loại hoa để cúng như mẫu đơn, hồng, huệ, sói, cúc, thiên lý. Đầu thế kỷ 20, người Pháp nhập các loại hoa ngoại (lay ơn, cẩm chướng, cúc ...) và rau ngoại đến Ngọc Hà để trồng. Hiện nay nghề này đã mai một.

    Làng hoa Ngọc Hà

    Làng hoa Ngọc Hà

  22. Tiểu nhân
    Một khái niệm của Nho giáo, chỉ những người hèn hạ, thiếu nhân cách, không có những phẩm chất cao thượng và lí tưởng lớn. Trái nghĩa với tiểu nhân là quân tử.
  23. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  24. Tông
    Dòng dõi, tổ tiên (từ Hán Việt).