Tìm kiếm "hoàng"

Chú thích

  1. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  2. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  3. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Bưng
    Vùng đồng lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác. Từ này có gốc từ tiếng Khmer trapéang (vũng, ao), ban đầu đọc là trà bang, trà vang, sau rút lại còn bang rồi biến âm thành bưng. Bưng cũng thường được kết hợp với biền (biến âm của biên) thành bưng biền.
  5. Hẵm
    (Đất) lõm khuyết vào, tạo thành dốc đứng.
  6. Lài
    Thoai thoải.
  7. Gá duyên
    Kết thành nghĩa vợ chồng.
  8. Dầu
    Dù (phương ngữ Nam Bộ).
  9. Kim hoàn
    Nghĩa gốc là vòng (hoàn) vàng (kim), nghĩa rộng là các đồ trang sức bằng vàng bạc nói chung.
  10. Bài ca dao này nhắc đến nghề kim hoàn truyền thống của làng Định Công, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay.
  11. Vun quén
    Nghĩa đen là vun chưn (chân) đắp đất, dọn cho sạch cỏ (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị - Huình Tịnh Paulus Của). Nghĩa bóng là chăm lo, vun đắp.
  12. Tùng
    Cây thuộc họ thông, thân và tán có dáng đẹp. Tùng có rất nhiều loại, có loại cao lớn, cũng có loại làm cảnh nhỏ. Theo quan điểm Nho giáo, cây tùng thường được ví với lòng kiên trinh, người quân tử.

    Loại tùng bách mọc trên núi

    Loại tùng bách mọc trên núi

  13. Sùng
    Bị sâu, bị thối. Sùng cũng có nghĩa là sâu.
  14. Hoạn dưỡng
    Nuôi nấng và chăm sóc (từ Hán Việt).
  15. Đọt
    Ngọn thân hay cành cây còn non (đọt ổi, đọt chuối), hoặc phần trên cùng của cây cao (đọt dừa, đọt cau, đọt tre...).
  16. Gié lúa
    Nhánh của một bông lúa.

    Bông lúa

    Bông lúa

  17. Loại cây dây leo được trồng mọc trên giàn để lấy quả. Tương tự như bầu, quả, hoa, hạt và đọt bí được dùng làm thức ăn. Hai loại bí thường gặp nhất là bí xanh (còn gọi là bí đao, bí dài, bí chanh) và bí đỏ (bí rợ).

    Giàn bí đao

    Giàn bí đao

  18. Nhời
    Lời nói (phương ngữ miền Bắc).
  19. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  20. Hoan hùy
    Hoan hỉ, vui mừng (từ cũ).
  21. Tái lai
    Trở lại lần nữa (từ Hán Việt).
  22. Hàng
    Đồ hay vải dệt mỏng bằng tơ nói chung.
  23. Bận
    Mặc (quần áo).
  24. Bồ hóng
    Bụi than đen đóng lại trên vách bếp, nóc bếp, đáy nồi... trong quá trình nấu nướng.
  25. Đông Phù
    Tên nôm là làng Nhót, nay thuộc xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Trước đây Đông Phù là vùng đất trọng yếu ở phía nam kinh thành Thăng Long, nơi có đường bộ, đường thuỷ khá thuận tiện cho việc giao thương. Thời 12 sứ quân, tướng Nguyễn Siêu lập đại bản doanh ngay trên đất này, nay còn dấu vết thành luỹ. Cuối năm 1426, Bình Định Vương Lê Lợi bao vây quân Minh ở thành Đông Quan, đã đặt sở chỉ huy tại đình làng. Hơn 300 năm sau, đại quân Nguyễn Huệ từ Phú Xuân ra giải phóng Thăng Long cũng có qua Đông Phù.
  26. Hoành phi
    Nguyên nghĩa là bảng nằm ngang, một dạng thư hoạ (tranh chữ), được dùng rộng rãi trong dân gian (đình, đền, nhà thờ họ, nhà ở...). Hoành phi có nhiều loại, có loại sơn son chữ vàng, có loại sơn đen chữ đỏ hoặc vàng, cũng có những bức được khảm xà cừ rất cầu kỳ, đẹp mắt. Hoành phi được treo ở những nơi thờ cúng như đình, đền, nhà thờ họ, phía trên bàn thờ gia tiên, nơi lăng mộ... Vị trí của hoành phi thường treo ngay ngắn nơi chính giữa hoặc những vị trí trang trọng khác của đền, đình hoặc ngôi nhà. Có gia đình chỉ treo tại bàn thờ tổ tiên một bức hoành phi, nhưng cũng có gia đình treo đến hai ba bức, thường là gia đình khá giả. Xưa, những nhà nghèo không có hoành phi bằng gỗ thường dùng những tấm cót, nẹp vào rồi dán những tấm giấy đỏ có viết đại tự lên.

    Chữ viết trên bức hoành phi thường có ý nghĩa bày tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên hoặc những người có công với đất nước.

    Hoành phi

    Hoành phi

  27. Kệ Sơn
    Tên một ngọn núi nay thuộc thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
  28. Phượng Lĩnh
    Tên một làng nay thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Hậu lộc, tỉnh Thanh Hóa, đồng thời cũng là tên ngọn núi tiếp giáp với làng này.
  29. Hồng Lĩnh
    Tên dãy núi nổi tiếng nhất Hà Tĩnh, cùng với sông Lam là biểu tượng cho xứ Nghệ (bao gồm Hà Tĩnh và Nghệ An). Theo một số nghiên cứu, đây là cố đô của Việt Thường, thủy tổ của dân tộc ta, trước khi dời về dãy Nghĩa Lĩnh, bắt đầu thời đại các vua Hùng.

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc

  30. Đây là lời một nghĩa quân thương tiếc ông Thái Vĩnh Chinh, quê làng Hữu Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Ông cùng với nhóm văn thân trong vùng tổ chức nghĩa quân kháng chiến chống Pháp, được vua Hàm Nghi phong làm Lãnh binh. Ông lãnh đạo nghĩa quân lập căn cứ ở địa phương làm tiêu hao nhiều lực lượng địch. Một thời gian sau, ông bị đám quân tay sai bao vây ở chiến khu. Nghĩa quân từ đó tan rã dần, nhưng ông vẫn chiến đấu đến cùng và hy sinh năm Ất Mùi (1895), hưởng dương 50 tuổi.
  31. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  32. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  33. Quốc ngữ
    Trước gọi là chữ tân trào, hệ thống chữ viết chính thức hiện nay của tiếng Việt. Hệ thống này được xây dựng dựa trên chữ cái Latin thêm các chữ ghép và 9 dấu phụ. Chữ Quốc ngữ được phổ biến sâu rộng vào khoảng thế kỷ 19 và 20 nhưng đã xuất hiện phôi thai từ lâu vào khoảng thế kỷ 16 khi các giáo sĩ Tây phương đầu tiên đến Việt Nam và giao tiếp với người Việt rồi vì nhu cầu học hỏi ngôn ngữ Việt (lúc đó còn dùng chữ Hán và chữ Nôm) để giao tiếp với người bản xứ mà bắt đầu ghi lại bằng cách phiên âm tiếng Việt dưới dạng chữ Latin.
  34. Giang hà
    Sông nước nói chung (từ Hán Việt).

    Con chim chết dưới cội hoa
    Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao

    (Đưa em tìm động hoa vàng - Phạm Thiên Thư)

  35. Giấy hồng đơn
    Cũng gọi là giấy hồng điều, loại giấy đỏ dùng để viết câu đối hoặc chữ để dán lên trái dưa, trái bưởi, thường dùng vào dịp Tết.

    Viết chữ ngày Tết trên giấy hồng đơn

    Viết chữ ngày Tết trên giấy hồng đơn

  36. Rượu Hồng Đào
    Một loại rượu ngon. Có nhiều ý kiến khác nhau về cái tên Hồng Đào, như cho rằng "rượu Hồng Đào được ngâm từ rượu Bàu Đá, ủ với trái đào tiên, có màu hồng tươi rất đẹp" (nguồn), "rượu đế (trắng) thường nấu bằng gạo sau khi lên men, dùng cây tăm hương (chân hương đã đốt còn trong bát nhang) hay lấy cái vỏ bao hương nhúng vào rượu trắng, nhuộm màu hồng của chân hương hay vỏ bao hương cho rượu" (nguồn), hoặc đơn giản chỉ là một cách nói văn vẻ cho loại rượu "được gói trong tờ giấy kiếng màu hồng, được thắt nơ hồng và được đưa vào mâm lễ ở các đám hỏi, đám cưới" (nguồn).
  37. Nhạo
    Bình nhỏ có vòi dùng để đựng rượu (phương ngữ).
  38. Lộn lạo
    Lẫn lộn (phương ngữ).