Tìm kiếm "gà cuốc"

  • Ba bà đi chợ với nhau

    Ba bà đi chợ với nhau
    Một bà đi trước kể chuyện nàng dâu
    Một bà đi sau tu tu lên khóc
    Nhà bà có phúc cưới được dâu hiền
    Nhà tôi vô duyên cưới cô dâu dại
    Việc làm thì rái, chỉ tưởng những ăn
    Hễ bảo quét sân đánh chết ba gà
    Bảo đi quét nhà, đánh chết ba chó
    Có mâm giỗ họ miếng ra miếng vào
    Rửa bát cầu ao liếm dĩa quèn quẹt

  • Lưng đằng trước

    Lưng đằng trước
    Bụng đằng sau
    Đi bằng đầu
    Đội bằng gỗ
    Dấm thì ngọt
    Mật thì chua
    Nhanh như rùa
    Chậm như thỏ
    Quan khốn khổ
    Dân giàu sang
    Vua bần hàn
    Dân sung túc
    Cứng bánh đúc
    Mềm gỗ lim
    To như kim
    Bé như cột
    Lợn nhảy nhót
    Chim ù lì
    Trắng như chì
    Đen như bạc
    Chó cục tác
    Gà gâu gâu

  • Sáng mai ăn một bụng cơm no

    Sáng mai ăn một bụng cơm no
    Xách cái rổ đi chợ bến đò
    Mua chín cái trách, xách chín cái lò
    Đem về:
    Cái kho canh ngò
    Cái kho canh cải
    Cái nấu nải chuối xanh
    Cái nấu canh rau má
    Cái nấu cá chim chim
    Cái kho rim thịt vịt
    Cái kho thịt con gà
    Cái kho cà, đu đủ
    Cái kho củ môn tây
    Trời chiều bóng xế trăng xây
    Ham chơi lê lựu, bỏ chín cái trách này quên nêm

    Dị bản

    • Tay em cầm mớ trách đặt quách lên lò
      Một cái kho ngò
      Hai cái kho cải
      Ba cái kho nải chuối xanh
      Bốn cái nấu canh rau má
      Năm cái kho cá chim chim
      Sáu cái kho rim trứng vịt
      Bảy cái làm thịt con gà
      Tám cái kho cà, thù đủ
      Chín cái kho củ môn tây
      Em theo anh cho đến đoạn này
      Tay chân đà bải hoải, chín cái trách này quên nêm .

  • Buồn về một tiết tháng giêng

    Buồn về một tiết tháng giêng
    May áo cổ kiềng người mặc cho ai
    Buồn về một tiết tháng hai
    Bông chửa ra đài người đã hái hoa
    Buồn về một tiết tháng ba
    Con mắt la đà trong dạ tương tư
    Buồn về một tiết tháng tư
    Con mắt lừ đừ cơm chả buồn ăn
    Buồn về một tiết tháng năm
    Chưa đặt mình nằm gà gáy chim kêu
    Buồn về tiết tháng sáu này
    Chồng cày vợ cấy chân chim đầy đồng
    Bấy giờ công lại hoàn công

    Dị bản

    • Buôn bấc rồi lại buôn dầu
      Buôn nhiễu đội đầu, buôn nhẫn lồng tay
      Sầu về một tiết tháng giêng
      May áo cổ kiềng người mặc cho ai
      Sầu về một tiết tháng hai
      Bông chửa ra đài người đã hái hoa
      Sầu về một tiết tháng ba
      Mưa héo ruộng cà nắng cháy ruộng dưa
      Sầu về một tiết tháng tư
      Con mắt lừ đừ cơm chẳng buồn ăn
      Sầu về một tiết tháng năm
      Chưa đặt mình nằm gà gáy sang canh

  • Nhà anh chỉ có một gian

    – Nhà anh chỉ có một gian
    Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng
    Nhà anh chẳng chiếu chẳng giường
    Chỉ ấm ổ rạ, nàng thương chăng là?
    – Yêu nhau chẳng quản cửa nhà
    Chuồng chim cũng lấy, chuồng gà cũng theo
    Yêu nhau chẳng quản giàu nghèo
    Không bùa không thuốc mà theo mới là.

  • Tôi lạy ông Cầu bà Quán

    Tôi lạy ông Cầu bà Quán
    Phù hộ cho mẹ đĩ nhà tôi
    Nó ăn nó chơi
    Như con ngựa ngáp
    Việc làm thì nhác
    Lại hay nỏ mồm
    Củ từ khoai môn
    Bao nhiêu cũng chứa
    Vớt bèo thì ngứa
    Xay thóc nhức đầu
    Chăn trâu ngã nắng
    Chồng giận có mắng
    Thì lại hờn cơm
    Ra chân đống rơm
    Cắn chắt trừ bữa
    Nhà có đám giỗ
    Luộc gà quăng mề
    Thổi cơm thì khê
    Rang vừng thì cháy
    Con mắt nhấp nháy
    Ăn vụng thành thần
    Lấy giẻ chùi chân
    Lấy rơm lau bát…

    Dị bản

    • Tôi lạy ông Cầu bà Quán
      Phù hộ cho mẹ đĩ nhà tôi
      Nó ăn nó chơi
      Nó tươi nó cười
      Như con ngựa ngáp
      Làm ăn chậm chạp
      Có tí nỏ mồm
      Đi chợ bao nhiêu khoai lang củ từ cũng chứa
      Vớt bèo thì ngứa
      Xay lúa nhức đầu
      Chăn trâu ngã nắng
      Chồng giận chồng mắng
      Có tính hờn cơm
      Ra chân đống rơm
      Cắn chắt trừ bữa
      Nay lần mai lữa
      Mày giống tính ai?

  • Vè chợ Lường

    Chợ Lường họp lại vui thay
    Đàng đông lúa gạo, đàng tây tru
    Xã đã khéo lo
    Lập lều hai dãy
    Hàng sồi hàng vải
    Thì kéo lên đình
    Hàng xén xung quanh
    Hàng thịt hàng lòng ở giữa
    Ngong vô trửa chợ
    Chộ thị với hồng
    Dòm ngang xuống sông
    Chộ thuyền với lái
    Ngong sang bên phải
    Chộ những vịt gà
    Hàng nhãn, hàng na
    Hàng trầu, hàng mấu
    Hàng ngô, hàng đậu
    Hàng mít, hàng cà
    Hàng bánh, hàng quà
    Hàng chi có cả
    Rồi nào hàng cá
    Hàng bưởi, hàng bòng

  • Tay bưng dĩa muối, chén tương

    Tay bưng dĩa muối, chén tương
    Tương chua muối chát, nhớ thương nghĩa chàng
    Bạn có gặp nhà ngói, nhà sàn
    Nhớ hồi áo rách lang thang chưa tề
    Bạn có gặp nơi hàng lụa phủ phê
    Nhớ hồi áo rách xưa tê không mình
    Ăn tiêu nhớ tới mùi hành
    Bạn có ăn nem gà, chả vịt, cũng nhớ rau canh thuở nào

  • Cưới nàng anh toan dẫn voi

    Cưới nàng anh toan dẫn voi
    Anh sợ quốc cấm nên voi không bàn
    Dẫn trâu sợ họ máu hàn
    Dẫn bò sợ họ nhà nàng co gân
    Miễn là có thú bốn chân
    Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng
    Chàng dẫn thế em lấy làm sang
    Nỡ nào em lại phá ngang như là…
    Người ta thách lợn thách gà
    Nhà em thách cưới một nhà khoai lang
    Củ to thì để mời làng
    Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi
    Bao nhiêu củ mẻ, chàng ơi!
    Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà
    Bao nhiêu củ rím, củ hà
    Để cho con lợn, con gà nó ăn…

  • Buồn về một nỗi tháng Giêng

    Buồn về một nỗi tháng Giêng
    Con chim, cái cú nằm nghiêng thở dài
    Buồn về một nỗi tháng Hai
    Ðêm ngắn, ngày dài thua thiệt người ta
    Buồn về một nỗi tháng Ba
    Mưa rầu, nắng lửa người ta lừ đừ
    Buồn về một nỗi tháng Tư
    Con mắt lừ đừ cơm chẳng muốn ăn
    Buồn về một nỗi tháng Năm
    Chửa đặt mình nằm gà gáy, chim kêu.
    Bước sang tháng Sáu lại đều
    Thiên hạ cày cấy râm riu ngoài đồng.

  • Anh nên kiếm lấy một người

    Anh nên kiếm lấy một người
    Cho xinh, cho đẹp, miệng cười hoa thơm
    Để về xay lúa, vần cơm
    Để về nói chuyện sớm hôm đỡ buồn
    Để về vãi cải trong vườn
    Để về vằm nhút, làm tương, muối cà
    Để về nuôi lợn, nuôi gà
    Kiếm quan tiền vốn sau mà nuôi thân

  • Em là con gái nhà quê

    Em là con gái nhà quê
    Ham bên tài sắc nhiều bề ái ân
    Chẳng ham tham phú phụ bần
    Duyên rằng duyên phải nợ nần nhau đây
    Chàng có sang, chàng phải chọn ngày
    Mối manh cho rõ xe dây xích thằng
    Cầm cân chàng nhấc cho bằng
    Một bên cối đá một đằng tiền cheo
    Hỏi chàng rằng có hay nghèo
    Lệ làng phải sửa bấy nhiêu mới từng

  • Hỡi anh làm thợ nơi nao

    Hỡi anh làm thợ nơi nao
    Để em gánh đục, gánh bào đi theo
    Cột queo anh đẽo cho ngay
    Anh bào cho thẳng, anh xoay một bề
    Bốn cửa chạm bốn con nghê
    Bốn con nghê đực chầu về xứ Đông
    Bốn cửa chạm bốn con rồng
    Ngày thời rồng ấp tối thời rồng leo
    Bốn cửa chạm bốn con mèo
    Đêm thời bắt chuột, ngày leo xà nhà
    Bốn cửa chạm bốn con gà
    Đêm thì gà gáy, ngày ra bới vườn
    Bốn cửa chạm bốm con lươn
    Ngày thì chui ống tối trườn xuống ao
    Bốn cửa chạm bốn con dao
    Chăm thì liếc sắc, chăm chào thì quen
    Bốn cửa chạm bốn cây đèn
    Ngày thì đèn tắt tối thì đèn chong
    Bốn cửa chạm bốn cái cong
    Để em gánh nước tưới hồng tưới hoa
    Ngày mai khi anh về nhà
    Trăm năm em gọi anh là chồng em

  • Đứng bên ni thấy chiếc thuyền năm ván

    Đứng bên ni thấy chiếc thuyền năm ván
    Ngó sang bên kia, thấy chiếc quán năm gian
    Thuyền năm ván đang đợi người thương nhớ
    Quán năm gian đang đợi người nhớ thương
    Một em nói rằng thương,
    Hai em nói rằng nhớ
    Trách ông trời làm lỡ duyên anh
    Anh ngồi gốc cây chanh
    Anh đứng cội cây dừa
    Nước mắt anh nhỏ như mưa
    Ướt cái quần cái áo
    Cái quần anh vắt chưa ráo
    Cái áo anh vắt chưa khô
    Thầy mẹ gả bán khi mô
    Tiếc công anh lặn suốt giang hồ
    Trời cao anh kêu không thấu
    Đất rộng anh kêu nọ thông
    Những người bòn của bòn công
    Nam mô A Di Đà Phật, anh phủi tay không anh về.

  • Ơn Phật ơn trời

    Ơn Phật, nhờ trời
    Cha mẹ sinh hạ được mười anh em
    Anh Cả nhàn thật là nhàn
    Cởi trần đóng khố, đốt than trong rừng
    Anh Hai vặn chão đánh thừng
    Anh Ba làm mướn kiếm lưng cơm người
    Anh Tư bắt ếch, mình ơi
    Anh Tư bắt rắn, bắt dơi ngoài đồng
    Anh Sáu đánh giậm dưới sông
    Anh Bảy kéo lưới ở đồng làng ta
    Anh Tám vác gạo trên ga
    Anh Chín gánh mướn chợ xa chợ gần
    Còn anh là út thanh tân
    Có nghe anh kể, lại gần mà nghe

  • Vè đánh Tây

    Tượng nghe:
    Nước có nguồn, cây có gốc
    Huống chi người có da, có tóc
    Mà sao không biết chúa, biết cha?
    Huống chi người có nóc có gia
    Mà sao không biết trung biết hiếu
    Hai vai nặng trĩu
    Gánh chi bằng gánh cang thường
    Một dạ trung lương
    Gồng chi bằng gồng xã tắc
    Bớ những người tai mắt
    Thử xem loại thú cầm:
    Trâu ngựa dòng điếc câm
    Còn biết đền ơn cho nhà chủ
    Muông gà loài gáy sủa
    Còn biết đáp nghĩa lại người nuôi

  • Cơ khổ cho đứa giữ trâu

    Cơ khổ cho đứa giữ trâu
    Ăn quán nằm cầu khóc mẹ kêu cha
    Hai hàng nước mắt nhỏ sa
    Cách sông trở hói biết nhà mẹ đâu?
    Tinh sương thức dậy mở trâu
    Nón nảy chẳng có lấy đầu che mưa
    Thân tôi đi sớm về trưa
    Vác cày vác bừa cho mỏi hai vai
    Chúa thuê quan mốt chẳng giả quan hai
    Tôi ở với ngài cho chẵn ba năm

  • Mày ơi tao đố hỏi mày

    – Mày ơi tao đố hỏi mày:
    Cái gì thì cay
    Cái gì thì nồng
    Cái gì dưới sông
    Cái gì trên đồng
    Cái gì trên non
    Cái gì nhiều con
    Cái gì thì son
    Cái gì thì tròn
    Vừa bằng bàn tay
    Cái gì thì dày
    Cái gì thì mỏng
    Cái gì no lòng
    Cái gì sống lâu
    Cái gì đội đầu
    Cái gì đựng trầu
    Cái gì cầm tay?

Chú thích

  1. Rái
    Sợ hãi, e ngại. Có chỗ đọc là dái.
  2. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  3. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  4. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  5. Ngò
    Còn gọi là ngò rí, rau mùi, loại rau có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vị.

    Ngò

    Ngò

  6. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  7. Cá chim
    Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.

    Cá chim

    Cá chim

  8. Môn tây
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Môn tây, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  9. Thù đủ
    Đu đủ (phương ngữ Trung Bộ).
  10. Một, hai... ở đây là cách đếm thứ tự (cái thứ nhất, cái thứ hai...) chứ không phải là số lượng.
  11. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  12. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  13. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  14. Câu liêm
    Dụng cụ gồm một lưỡi quắm hình lưỡi liềm lắp vào cán dài, dùng để móc vào mà giật, cắt những vật ở trên cao. Ngày xưa câu liêm còn được dùng làm vũ khí.

    Câu liêm

    Câu liêm

  15. Liềm
    Một nông cụ cầm tay có lưỡi cong khác nhau tùy từng loại, phía lưỡi thường có răng cưa nhỏ (gọi là chấu), dùng để gặt lúa hoặc cắt cỏ. Liềm có thể được xem là biểu tượng của nông nghiệp.

    Cái liềm

    Cái liềm

  16. Có bản chép: Mười lăm.
  17. Trăng náu
    Có ý kiến cho rằng trăng náu bắt nguồn từ "trăng đáo" nghĩa là trăng đầy, đủ.
  18. Trăng treo
    Có ý kiến cho rằng trăng treo bắt nguồn từ "trăng chiêu," nghĩa là trăng sáng.
  19. Ông Cầu bà Quán
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Ông Cầu bà Quán, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  20. Nỏ mồm
    Lắm lời và lớn tiếng, thường hay cãi lại người khác.
  21. Khoai từ
    Loại khoai thuộc họ củ nâu. Ở Việt Nam, loại có gai phân bố ở Phú Quốc, loại không gai phân bố rộng rãi, ngoài ra còn có củ từ nước mọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khoai từ thường dùng làm lương thực, thực phẩm và là một vị thuốc với nhiều công dụng.

    Khoai từ luộc

    Khoai từ luộc

  22. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  23. Ngã nắng
    Hiện tượng kiệt sức, ra nhiều mồ hôi, thở nhanh, có thể ảnh hưởng đến tính mạng do ở lâu ngoài nắng.
  24. Hờn cơm
    Hờn dỗi, bỏ bữa ăn. Cũng gọi là dỗi cơm.
  25. Cắn chắt
    Cắn ăn hạt lúa (cho vui miệng hoặc đỡ đói).

    Về ngóng cô nàng xưa cắn chắt
    cười lia dăm hạt cốm
    giờ đã nằm sương giậu lả tầm xuân

    (Người không về - Hoàng Cầm)

  26. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  27. Chợ Lường
    Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
  28. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  29. Lụa sồi
    Lụa dệt bằng tơ tằm nhưng sợi thô, nếu sợi dệt xe đôi thì gọi là sồi xe, khác với lụa tơ tằm được dệt bằng tơ tằm sợi nhỏ nên mỏng, mềm và mịn hơn.
  30. Hàng xén
    Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...

    Những cô hàng xén răng đen
    Cười như mùa thu tỏa nắng
    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  31. Ngong
    Ngóng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  32. Trửa
    Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  33. Chộ
    Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  34. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  35. Mấu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mấu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  36. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  37. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  38. Tề
    Kìa (phương ngữ miền Trung).
  39. Kia (phương ngữ Trung Bộ).
  40. Quốc cấm
    Bị pháp luật cấm.
  41. Máu hàn
    Cơ thể ở tạng lạnh, với những biểu hiện như: sợ rét, chân tay lạnh...
  42. Người máu hàn không nên ăn thịt trâu vì thịt trâu có tính lạnh.
  43. Phá ngang
    Cố ý làm ảnh hưởng, làm hỏng công việc đang làm của người khác.
  44. Khoai hà
    Khoai bị bệnh đốm đen, khi luộc không mềm, vị đắng không ăn được, còn gọi là khoai rím.
  45. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  46. Vần cơm
    Xoay nồi cơm trong bếp cho chín đều.
  47. Vãi
    Ném vung ra.
  48. Nhút
    Còn gọi là rau rút, quyết, quyết thái, một loại cây thân xốp, mọc bò trên mặt nước, có mùi thơm đặc trưng. Thân và lá nhút thường được dùng để ăn sống hoặc chế biến thành nhiều món luộc, xào, lẩu, v.v. Nhút còn là vị thuốc Đông y có tác dụng giải nhiệt, nhuận tràng, an thần.

    Canh cua rau nhút

    Canh cua rau nhút

  49. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  50. Ái ân
    Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
  51. Tham phú phụ bần
    Vì ham giàu (phú) mà phụ bạc người nghèo khó (bần).
  52. Mối manh
    Làm mối (đồng nghĩa với mai mối).
  53. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  54. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  55. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  56. Bào
    Đồ dùng nghề mộc, gồm hai lưỡi thép đặt trong khối gỗ, hai bên có tay cầm, dùng để làm nhẵn mặt gỗ. Động tác sử dụng bào cũng gọi là bào. Những việc đau lòng cũng được ví von là xót như bào, ruột xót gan bào...

    Cái bào

    Cái bào

  57. Queo
    Cong, bị biến dạng.
  58. Nghê
    Một loài vật trong thần thoại Việt Nam, tương tự như lân trong thần thoại Trung Hoa. Nghê có hình dạng giống chó, không có sừng, mình thon nhỏ, chân như chân chó, dáng thanh, đuôi dài vắt ngược lên lưng. Trước cửa các đền chùa, miếu mạo thường có đặt tượng nghê đá.

    Nghê đá tại cổng vào đền Gióng ở Gia Lâm

    Nghê đá tại cổng vào đền Gióng ở Gia Lâm

  59. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  60. Rồng ấp
    Hay rồng phủ, giao long (交龍), một loại họa tiết cổ thường thấy trong các kiến trúc thời Lý, Trần, có hình hai con rồng quấn nhau hay đuôi xoắn vào nhau.

    Họa tiết rồng ấp trên cột đá chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh)

    Họa tiết rồng ấp trên cột đá chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh)

  61. Liếc
    Miết đi miết lại lưỡi dao vào đá mài hoặc vật cứng để dao sắc hơn.
  62. Cong
    Đồ đựng nước hoặc gạo, làm bằng sành, hông phình, miệng rộng, hình dáng như cái .
  63. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  64. Giang hồ
    Từ hai chữ Tam giang (ba dòng sông: Kinh Giang thuộc Hồ Bắc, Tùng Giang thuộc Giang Tô, Chiết Giang thuộc tỉnh Chiết Giang) và Ngũ hồ (năm cái hồ: Bà Dương Hồ thuộc Giang Tây, Thanh Thảo Hồ và Động Đình Hồ thuộc Hồ Nam, Đan Dương Hồ và Thái Hồ thuộc Giang Tô) đều là các địa danh được nhiều người đến ngao du, ngoạn cảnh ở Trung Hoa ngày xưa. Từ giang hồ vì thế chỉ những người sống phóng khoáng, hay đi đây đi đó, không nhà cửa. Nếu dùng cho phụ nữ, từ này lại mang nghĩa là trăng hoa, không đứng đắn.

    Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
    Hình như ta mới khóc hôm qua
    Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
    Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

    (Giang hồ - Phạm Hữu Quang)

  65. Nam mô A Di Đà Phật
    Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
  66. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  67. Dây chão
    Dây thừng loại to, rất bền chắc.
  68. Giậm
    Đồ đan bằng tre, miệng rộng hình bán cầu, có cán cầm, dùng để đánh bắt tôm cá. Việc đánh bắt tôm cá bằng giậm gọi là đánh giậm.

    Đánh giậm

    Đánh giậm

  69. Thanh tân
    Tươi trẻ, trong sáng (thường dùng để nói về người phụ nữ).
  70. Có bản chép:
    Còn em là út thanh tân
    Có nghe em kể, lại gần mà nghe
  71. Gia
    Nhà (từ Hán Việt).
  72. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  73. Trung lương
    Trung chính và lương thiện.
  74. Xã tắc
    Đất nước ( là đất, tắc là một loại lúa).
  75. Cơ khổ
    Cơ (chữ Hán 飢) nghĩa là đói. Cơ khổ nghĩa là đói khổ, thường được dùng để than vãn.
  76. Hói
    Nhánh sông con, nhỏ, hẹp, do tự nhiên hình thành hoặc được đào để dẫn nước, tiêu nước.

    Hói Quy Hậu

    Hói Quy Hậu

  77. Chúa
    Chủ, vua.
  78. Giả
    Trả (phương ngữ Bắc Bộ).
  79. Son
    Màu đỏ.