Gió trên nhành rung cây nghiêng ngả
Ve kêu sầu trong dạ bâng khuâng
Gửi lời về nhắn với tình nhân
Bấm tay kể thử, ái ân ít nhiều
Nhớ khi mô khuya sớm mĩ miều
Gió đưa duyên đẩy, dật dìu lòng thương
Nhớ khi mô đạp tuyết, giày sương
Bóng trăng nghiêng, mặt trời ngả, khổ trăm đường bạn biết chưa?
Bạn không nhớ khi hồi miếng thuốc gửi, miếng trầu đưa,
Tình không thương sao hẹn sớm hò trưa hỡi mình?
Bạn nói bạn không tham giàu, phú quý coi khinh
Cớ sao bạn phụ nghĩa tình bạn ơi!
Con cá ham mồi lạ, quẩn khúc sông dài
Con chim ham cảnh lạ, đứng hót hoài nhành cây
Gật gù chim gáy lầu tây
Chim ca ơi, chim ca hỡi, lồng đây, hãy trở về.
Tìm kiếm "đắp chiếu"
-
-
Ai về Phú Lộc gửi lời
Ai về Phú Lộc gửi lời
Thư này một bức nhắn người tri âm
Mối tơ chín khúc ruột tằm
Khi tháng tháng đợi khi năm năm chờ
Vì tình ai lẽ làm lơ
Cắm sào quyết chí đợi chờ bến xuân
Ước sao chỉ Tấn tơ Tần
“Sắc cầm hòa hợp” lựa vần “quan thư”
Đôi bên ý hiệp lòng ưa
Đắp đền công thiếp lại vừa lòng anh
Thiếp thời tần tảo cửi canh
Chàng thời nấu sử sôi kinh kịp thì
Một mai chúa mở khoa thi
Bảng vàng chói lọi có đề tên anh -
Vuốt nổ, vuốt nổ
-
Ở đâu sáu tỉnh anh ơi
Ở đâu sáu tỉnh anh ơi
Sông nào chín cửa, nước chảy xuôi một nguồn
Sông nào có nước trong luôn
Núi nào có tiếng cả muôn dặm ngoài
Con gì có cánh không bay
Con gì không cẳng, chạy ngay trăm rừng
Con gì giống chó có sừng
Anh mà đáp được, em cùng theo anh
– Nam Kỳ sáu tỉnh em ơi
Sông Cửu Long chín cửa, nước chảy xuôi một nguồn
Sông Đồng Nai nước sạch trong luôn
Núi Thất Sơn danh tiếng cả muôn dặm ngoài
Con gà có cánh không bay
Con rắn không cẳng, chạy ngay trăm rừng
Con dê giống chó có sừng
Anh đà đáp được, em cùng theo anh -
Vè chim chóc
Thứ hay lớn tiếng
Tu hú ác là
Nhảy nhót lân la
Chích chòe bìm bịp
Tính hay ăn hiếp
Chim cú, diều hâu
Sang đứng lưng trâu
Sáo hành, sáo nghệ … -
Nào ai bị rớt xuống sông
Nào ai bị rớt xuống sông?
Nào ai thất lạc vườn hồng năm canh?
Nào ai phá ngục khai thành?
Nào ai bị trói năm canh bão bùng?
Nào ai giữ trọn hiếu trung?
Trai nam nhi đáp được gái nữ hồng kết duyên.
– Vân Tiên bị rớt dưới sông
Nguyệt Nga thất lạc vườn hồng năm canh
Hớn Minh phá ngục khai thành
Tiểu đồng bị trói năm canh bão bùng
Tử Trực giữ trọn hiếu trung
Trai nam nhi đây đối được gái nữ hồng tính sao? -
Vè ở đợ
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè Thiện Tân
Mầu mộng muôn phần
Cơm khuya không có
Đi thời tó hó
Về lại tăng hăng
Chờ đặng bữa ăn
Ngã lăn thần tướng
Thân tôi ở mướn
Nó cực vô hồi
Bởi chú nói rồi
Nên tôi mới mắc … -
Thân hươu lẩn khuất bóng tùng
Thân hươu lẩn khuất bóng tùng,
Biết nhau thương lấy nhau cùng ai ơi.
Tiếc công trước đã nặng nhời,
Tiếc công gắn bó mấy người đã lâu.
Tiếc công tình tự với nhau,
Tiếc công đi lại trước sau bấy giờ.
Tiếc công đắp đập be bờ,
Để cho người khác đem lờ đến đơm.
Tiếc thay cho hạt mưa trong,
Tiếc tờ giấy trắng vẽ nhằng vẽ xiên.
Cuộc đời lắm lúc đảo điên,
Ai ơi để mãi lụy phiền đến hoa. -
Em là con gái nhà giàu
Em là con gái nhà giàu
Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao
Cưới em trăm tấm gấm đào
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời
Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi
Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng
Sắm xe tứ mã đem sang
Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu
Ba trăm nón Nghệ đội đầu
Một người một cái quạt Tàu thật xinh
Anh về sắm nhiễu Nghi Ðình
May chăn cho rộng ta mình đắp chung
Cưới em chín chĩnh mật ong
Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò
Cưới em tám vạn trâu bò
Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm
Lá đa mặt nguyệt hôm rằm
Răng nanh thằng Cuội, râu hàm Thiên Lôi
Gan ruồi mỡ muỗi cho tươi
Xin chàng chín chục con dơi góa chồng
Thách thế mới thỏa trong lòng
Chàng mà lo được thiếp cùng theo chân -
Văn chương phú lục chẳng hay
-
Thấy anh hay chữ, em đây hỏi thử đôi lời
Thấy anh hay chữ, em đây hỏi thử đôi lời
Đường từ Châu Đốc, Hà Tiên
Kinh nào chạy thẳng nối liền hai nơi?
Đất nào lắm dốc nhiều đồi?
Đèn nào cao nhất tiếng đời đều nghe?
Sông nào tấp nập thuyền bè?
Hồ nào với biển cập kè bên nhau?
Trai nào nổi tiếng anh hào?
Anh mà đáp đặng, má đào em trao
– Nghe em hỏi tức, anh đây nói phứt cho rồi
Đường từ Châu Đốc, Hà Tiên
Có kênh Vĩnh Tế nối liền hai nơi
Đất Nam Vang lắm dốc nhiều đồi
Đèn cao Châu Đốc mọi người đều nghe
Sông Cửu Long tấp nập thuyền bè
Biển Hồ hai chữ cập kè bên nhau
Trai Việt Nam nổi tiếng anh hào
Anh đà đáp đặng, vậy má đào em trao đây! -
Vè chợ
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè cái chợ
Sáng mơi xách rổ
Đi giáp một vòng
Hàng hóa mênh mông
Kêu bằng Chợ Lớn
Thiên hạ phát ớn
Là chợ Bình Đông
Ấm bụng no lòng
Kêu bằng Chợ Gạo
Thiệt là huyên náo
Là chợ Bến Thành
Xúm nhau giựt giành
Là chợ Bến Tranh
Ăn ở hiền lành
Đi chợ Thủ Đức … -
Vè chửi Thượng Bắc
Văn thân kéo giữa ban ngày,
Bắt ông Thượng Bắc đi đày ở đâu?
Tiếc ngài có một bộ râu,
Để cho bà lớn ăn sầu lo toan.
Ngày thường độc ác gian ngoan,
Giờ bà kêu khóc lạy van dân lành.
Bởi chưng ngài muốn giàu sang,
Theo Tây hại nước hại làng hại dân
Đạo trời nổi nghĩa Văn thân,
Giết quân phản tặc vinh thân hại nòi!
Đao gươm vây kín trong ngoài,
Gia nhân ngài Thượng rụng rời thất kinh.
Thân hào đốt cháy tư dinh,
Đập gãy ghế bành, tràng kỷ, án thư
Phá hết của nả riêng tư,
Xé tan cả bộ kinh Thư phẩm màu … -
Răng to mắt xếch người lùn
Răng to mắt xếch người lùn
Bay quen ác độc lại còn khoe hay
Ngô tao đang tốt xanh cây
Bay đem bắt nhổ cấy đay điền vào
Lúa, bông, lạc của dân tao
Bay cướp, bay giật, bay nào tha chi
Đi bộ bay chẳng muốn đi
Bay bắt phu kéo, bay thì quỵt công
Vác gươm hống hách đi rong
Buồn mồm chén phở, bay không trả tiền
Nhà tao con nối cha truyền
Bay vào bay ở, bay liền đuổi ra
Bay vơ mâm, bắt lợn gà
Bay hiếp con gái bà già xôn xao
Bay thù gì tổ tiên tao
Chết rồi bay vẫn còn đào mả lên
Đình chùa, nghè miếu thiêng liêng
Tiện đường bay đạp, chả kiêng chỗ nào
Tội bay ác độc là bao
Phải đâm, phải chém, phải cào mặt bay! -
Nghìn thu gặp hội thái bình
Nghìn thu gặp hội thái bình,
Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long.
Phố ngoài bao bọc thành trong,
Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng.
Ba mươi sáu mặt phố phường,
Hàng Giầy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào.
Người đài các, kẻ thanh tao,
Qua hàng thợ Tiện lại vào Hàng Gai.
Hàng Thêu, Hàng Trống, Hàng Bài,
Hàng Khay trở gót ra chơi Tràng Tiền
Nhác trông chẳng khác động tiên,
Trên đồn cờ kéo, dưới thuyền buồm giăng.
Phong quang lịch sự đâu bằng,
Dập dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe. … -
Vè xin xâu
Lẳng lặng mà nghe
Cái vè xin thuế
Mùa màng mất tệ
Buôn bán không ra
Kẻ gần người xa
Cũng nghèo cũng khổ
Hai đồng xâu nọ
Bảy ngày công sưu
Cao đã quá đầu
Kêu đà ngắn cổ
Ở đâu ở đó
Cũng rúc mà ra
Kẻ kéo xuống Tòa
Người nằm trên tỉnh
Đông đà quá đông
Trong tự Hà Đông
Ngoài từ Diên Phước … -
Vè đội Cấn
Năm Đinh Tỵ mười ba tháng bảy
Nước Nam mình phút dậy can qua
Thái Nguyên nay có một tòa
Khố xanh, khố đỏ được ba trăm người
Cũng chí toan chọc trời khuấy nước
Ông Đội ra đi trước cầm binh
Rủ nhau lập tiểu triều đình
Những là cai đội khố xanh bằng lòng
Duy phó quản bất tòng quân lệnh
Hóa cho nên hủy mệnh xót xa
Sai người mở cửa nhà pha
Đem tù ra điểm được là bao nhiêu?
Truyền tù nhân cứ theo quân lệnh
Chớ thị thường uổng mệnh như chơi
Rồi ra làm lễ tế trời
Cờ đề “Phục Quốc” tài bồi Nam bang … -
Vè Đông Kinh
Cơn mây gió trời Nam bảng lảng
Bước anh hùng nhiều chặng gian truân
Ngẫm xem con tạo xoay vần
Bày ra một cuộc duy tân cũng kì
Suốt thân sĩ ba kì Nam Bắc
Bỗng giật mình sực thức cơn mê
Học, thương, xoay đủ mọi nghề
Cái hồn ái quốc gọi về cũng mau
Hồn đã tỉnh, bảo nhau cùng dậy
Chưa học bò vội chạy đua theo
Khi lên như gió thổi diều
Trong hò xin thuế, ngoài reo hãm thành
Cách hoạt động người mình còn dại
Sức oai quyền ép lại càng mau
Tội nguyên đổ đám nho lưu
Bắc kì thân sĩ đứng đầu năm tên … -
Vè trái cây
Nghe vẻ nghe vè
Nghe vè trái cây
Dây ở trên mây
Là trái đậu rồng
Ðủ vợ đủ chồng
Là trái đu đủ
Cắt ra nhiều mủ
Là trái chuối chát
Mình tựa gà ác
Trái khóm, trái thơm.
Cái đầu chôm bôm
Là trái bắp nấu
Hình thù xâu xấu
Trái cà dái dê … -
Vì mày, tao phải đánh tao
Chú thích
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Lầu tây
- Thường được dùng như một hình ảnh ước lệ trong văn thơ xưa, để chỉ nơi có tình cảm thương nhớ, tương tư trong tình yêu đôi lứa.
-
- Tri âm
- Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
-
- Tằm
- Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.
-
- Tấn Tần
- Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.
Trộm toan kén lứa chọn đôi,
Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.
(Truyện Hoa Tiên)
-
- Sắt cầm
- Đàn sắt và đàn cầm, hai loại đàn của Trung Quốc. Tương truyền, đàn sắt do vua Phục Hy chế ra vào khoảng gần ba nghìn năm trước công nguyên, còn đàn cầm do vua Thuấn chế ra khoảng một nghìn năm sau đó. Đàn sắt và đàn cầm thường được đánh hòa với nhau, vì vậy chữ sắt cầm, duyên cầm sắt được dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.
Chàng dù nghĩ đến tình xa
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ
(Truyện Kiều)
-
- Quan thư
- Bài thơ mở đầu Kinh Thi. Thật ra những bài thơ trong Kinh Thi đều không có tiêu đề, người biên soạn thường lấy một hai từ đầu của bài thơ để đặt cho dễ nhớ. Riêng ở đây từ “quan thư” có thể hiểu là tiếng “chim thư kêu.” Bốn câu đầu của bài như sau:
Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu
-
- Hiệp
- Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Tảo tần
- Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
-
- Thì
- Thời, lúc.
-
- Chúa
- Chủ, vua.
-
- Hạt nổ
- Một thứ quả nhỏ, khi già vuốt tay thì nổ bung ra.
-
- Mây
- Tên chung của khoảng hơn 600 loài dây leo thuộc họ cọ, thân có nhiều gai, mọc nhiều ở các vùng rừng núi nước ta. Gỗ mây rất dẻo, được khai thác để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình như bàn, ghế, đan giỏ đựng... Loài mây được trồng và sử dụng nhiều nhất ở nước ta là mây nếp.
-
- Nam Kỳ lục tỉnh
- Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:
1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.
-
- Sông Đồng Nai
- Con sông dài nhất chảy trên lãnh thổ nước ta, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây sông có tên là Phước Long, đặt tên theo phủ Phước Long (Biên Hòa - Thủ Dầu Một) hiện nay. Sông chảy qua thành phố Biên Hòa và đến Nhà Bè thì có thêm chi lưu là sông Sài Gòn.
-
- Thất Sơn
- Còn có tên là Bảy Núi, chỉ hệ thống 37 ngọn núi mọc giữa đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm trong địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bảy ngọn núi tiêu biểu được dùng để gọi tên cả dãy Thất Sơn bao gồm: Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Phụng Hoàng, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước. Hiện nay chưa rõ vì sao tên Bảy Núi lại được dùng.
-
- Đà
- Đã (từ cổ, phương ngữ).
-
- Tu hú
- Một loài chim có kích cỡ khá lớn, ăn quả và côn trùng, có tiếng kêu to dễ phân biệt. Chúng là chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loài chim khác, đặc biệt vào tổ của các loài chim dạng sẻ.
-
- Ác là
- Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.
-
- Chích chòe
- Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.
-
- Bìm bịp
- Tên chung để chỉ khoảng 30 loài chim do tiếng kêu của chúng tương tự như "bìm bịp" vào mùa sinh sản. Bìm bịp có lông cánh màu nâu như áo của thầy tu.
-
- Cú
- Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.
-
- Diều hâu
- Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.
-
- Sáo
- Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Lục Vân Tiên
- Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.
Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.
-
- Sau khi bị mù, Lục Vân Tiên bị Trịnh Hâm lừa đẩy xuống sông. Xem chú thích Trịnh Hâm.
-
- Kiều Nguyệt Nga
- Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.
Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.
-
- Hớn Minh
- Một nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Hớn Minh là một người trung nghĩa, trên đường đi thi gặp con quan huyện là Đặng Sinh đang hà hiếp dân lành, liền nổi giận, bẻ gãy giò hắn rồi ra đầu thú:
Đi vừa tới huyện Loan-minh,
Gặp con quan huyện Đặng Sinh là chàng.
Giàu sang ỷ thế nghinh ngang,
Gặp con gái tốt cưỡng gian không nghì
Tôi bèn nổi giận một khi,
Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò.
Mình làm nỡ để ai lo,
Bó tay chịu trói nộp cho huyện đàng.Hớn Minh vượt ngục, gặp gỡ và kết bạn với Lục Vân Tiên, rồi về sau cùng Vân Tiên cầm quân diệt giặc Phiên.
-
- Tiểu đồng
- Người đầy tớ trung thành đi theo hầu Lục Vân Tiên khi chàng lên kinh ứng thí. Khi Vân Tiên bị mù, Trịnh Hâm muốn hãm hại nên lừa tiểu đồng, nói là vào rừng kiếm thuốc, kì thực y trói tiểu đồng vào gốc cây cho cọp ăn thịt. Nhưng đến đêm khuya, tiểu đồng được thần núi hiện ra cởi trói cho.
Tiểu đồng bị trói khôn về,
Kêu la chẳng thấu bốn bề rừng hoang:
"Phận mình đã mắc tai nàn,
"Cảm thương họ Lục suối vàng bơ vơ.
"Xiết bao những nỗi dật dờ,
"Đà giang nào biết, bụi bờ nào hay.
"Vân Tiên hồn có linh rày,
"Đem tôi theo với đỡ tay chưn cùng!"
Vái rồi luỵ nhỏ ròng ròng,
Đêm khuya ngồi dựa cội tòng ngủ quên.
Sơn quân ghé lại một bên,
Cắn dây mở trói cõng lên ra đàng.
-
- Vương Tử Trực
- Tên một nhân vật trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên. Tử Trực gặp gỡ Vân Tiên tại nhà Võ công, hai người kết nghĩa anh em và cùng lên kinh đi thi. Tử Trực là người trượng nghĩa, khảng khái, khi Võ công ngỏ ý muốn gả người con gái (trước đó đã hứa gả cho Vân Tiên) cho mình, chàng đã nổi giận mắng Võ công.
Trực rằng: "Ai Lữ Phụng Tiên?
Hòng toan đem thói Ðiêu Thuyền trêu ngươi.
Mồ chồng ngọn cỏ còn tươi,
Lòng nào mà lỡ buông lời nguyệt hoa?
Hổ han vậy cũng người ta,
So loài cầm thú vậy mà khác chi?
Vân Tiên! Anh hỡi cố tri
Suối vàng có biết sự ni chăng là?"
Tay lau nước mắt trở ra,
Về nhà sắm sửa tìm qua Ðông Thành.
-
- Mầu mộng
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mầu mộng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Ngã lăn thần tướng
- Ngã lăn quay ra đất (cách nói của Nam Bộ).
-
- Vô hồi
- Không ngừng, không hết, một cách nói của người Nam Bộ (cực vô hồi, mừng rỡ vô hồi...).
-
- Be bờ
- Đắp đất thành bờ để ngăn nước.
-
- Lờ
- Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.
Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…
-
- Gấm
- Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.
-
- Tráp
- Đồ dùng hình hộp nhỏ bằng gỗ, thời trước dùng để đựng các vật nhỏ hay giấy tờ, trầu cau. Ở miền Trung, từ này cũng được phát âm thành trắp.
-
- Thuốc xỉa
- Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
-
- Bình vôi
- Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.
-
- Xe tứ mã
- Xe bốn ngựa kéo.
-
- Quan viên
- (Kiểu cách) quan khách, những người tham dự cuộc vui nói chung.
-
- Nón Nghệ
- Thứ nón tốt xưa làm tại Nghệ An.
-
- Nhiễu
- Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
-
- Cót
- Đồ đựng được làm bằng tấm cót đan từ những nan tre nứa mỏng đan chéo và khít vào nhau, quây kín, đặt trên một cái nong.
-
- Xôi vò
- Xôi nấu rồi trộn đều với đậu xanh chín giã nhỏ.
-
- Vò
- Hũ lớn làm bằng sành sứ, thường để đựng nước uống, rượu.
-
- Cuội
- Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).
-
- Thiên Lôi
- Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
-
- Phú lục
- Gọi chung các thể loại văn chương sử dụng trong khoa cử thời xưa. Phú là thể loại giữa thơ và văn xuôi, là một loại văn xuôi sử dụng vần điệu. Lục là một thể loại văn xuôi ghi chép lại các sự việc.
-
- Hay
- Giỏi giang.
-
- Gàu sòng
- Thứ gàu có cán dài, treo vào một cái gạc ba chân, một người tát.
-
- Quẩy
- Hoặc quảy: động tác mang vật gì bằng cách dòng qua vai và áp sát lưng, thường thấy là cách dùng một đầu quang gánh.
-
- Sảy
- Cũng viết là sẩy, động tác hất cái nia hoặc sàng đựng lúa lên xuống đều đặn để tách vỏ và hạt lép ra khỏi hạt mẩy.
-
- Châu Đốc
- Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.
Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."
-
- Hà Tiên
- Địa danh nay là thị xã phía tây bắc tỉnh Kiên Giang, giáp với Campuchia. Tên gọi Hà Tiên bắt nguồn từ Tà Ten, cách người Khmer gọi tên con sông chảy ngang vùng đất này.
-
- Kinh
- Kênh, sông đào dùng để dẫn nước hoặc để đi lại bằng đường thủy (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Anh hào
- Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
(Truyện Kiều)
-
- Kênh Vĩnh Tế
- Một con kênh đào nằm song song với đường biên giới Việt Nam-Campuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay. Kênh được vua Gia Long cho bắt đầu đào với tháng 9 âm lịch năm 1819 đến tháng 5 âm lịch năm 1824 mới xong, qua hai lần tạm ngừng rồi tiếp tục đào. Đại Nam nhất thống chí chép: Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân mua bán đều được tiện lợi vô cùng.
-
- Nam Vang
- Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
-
- Đèn Châu Đốc
- Thời Pháp thuộc, Châu Đốc lần lượt là tên của một "hạt tham biện," rồi là một tỉnh lấy thị xã Châu Đốc ngày nay làm tỉnh lỵ. Trước mặt thị xã Châu Đốc là sông Hậu, vốn là tuyến đường thủy quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long. Do sông rất rộng và có nhiều cồn nhỏ ở giữa sông, người Pháp đã đặt một ngọn đèn cao (chưa rõ ở địa điểm nào) nhằm làm mốc cho thuyền bè qua lại.
-
- Biển Hồ
- Tên nhân dân ta thường dùng để gọi hồ Tonlé Sap, một hồ nước ngọt rộng lớn thuộc Campuchia. Từ thời Pháp thuộc, nhiều người dân Việt Nam đã đến đây lập nghiệp và sinh sống, tạo thành cộng đồng người Việt khá đông đúc cho đến bây giờ.
-
- Mơi
- Mai (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Chợ Lớn
- Tên chính thức là chợ Bình Tây, còn gọi là chợ Lớn mới để phân biệt với chợ Lớn cũ (nay không còn), hiện nay thuộc địa bàn quận 6, giáp ranh quận 5 và quận 10, được xem là trung tâm mua bán của người Việt gốc Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Chợ được Quách Đàm - một phú thương người Hoa - xây dựng vào năm 1928 (nên còn được gọi là chợ Quách Đàm), kiến trúc chợ mang nhiều nét Á Đông pha lẫn tân kì.
-
- Chợ Bình Đông
- Xưa là một trong bốn khu chợ lớn nhất quận 5. Năm 2008, chợ được xây lại và nay thuộc khu Bình Đông, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, gần bến Bình Đông trên kênh Tàu Hũ (theo Địa chí quận 5, xuất bản năm 2000).
-
- Chợ Gạo
- Một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang. Nơi đây có con sông Chợ Gạo là tuyến đường sông huyết mạch nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
-
- Chợ Bến Thành
- Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.
-
- Chợ Bến Tranh
- Một ngôi chợ thuộc tỉnh Tiền Giang, hiện là vựa nông sản của các xã ven thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
-
- Thủ Đức
- Một địa danh thuộc Sài Gòn, nay là quận ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Về tên gọi Thủ Đức, có ý kiến cho rằng xưa ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, đã góp phần khai khẩn lập ấp vùng Linh Chiểu và xây dựng ngôi chợ đầu tiên tại đây mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Lại có thuyết khác cho ông Tạ Dương Minh lấy tên vị quan tên Đức trấn thủ ngọn đồi nơi đây đặt tên chợ để tỏ lòng biết ơn.
-
- Văn thân
- Người có học thức ngày xưa, chọn khoa bảng làm đường tiến thân.
-
- Thượng Bắc
- Người Thanh Hóa, làm tay sai đắc lực cho Pháp.
-
- Bởi chưng
- Bởi vì (từ cổ).
-
- Án thư
- Bàn thời xưa dùng để sách vở bút nghiên trên đó.
-
- Ngũ Kinh
- Năm bộ sách kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo, được cho là do Khổng Tử san định, soạn thảo hay hiệu đính. Ngũ Kinh gồm có:
1. Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.
2. Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
3. Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước.
4. Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái...
5. Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử. Xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc đã xảy ra.
-
- Đay
- Một loại cây thuộc họ bông gòn, chiều cao từ 2 - 5 m, vỏ cây dùng để làm sợi. Trong Chiến tranh Đông Dương, Pháp và Nhật đã bắt dân ta "nhổ lúa trồng đay" nhằm phục vụ chiến tranh (sản xuất quân trang, quân phục), làm sản lượng lương thực bị giảm mạnh, góp phần gây nên nạn đói năm Ất Dậu ở miền Bắc.
-
- Bông vải
- Một loại cây thấp, được trồng từ rất sớm. Hoa bông mới trổ có màu trắng sữa, sau chuyển thành màu trắng phấn. Tiếp đó xuất hiện múi bông, sau 6 đến 9 tuần thì múi bông chín muồi chuyển sang màu nâu, khi nở lộ ra chất sợi mềm màu trắng. Sợi này là lông dài, mọc trên vỏ của hạt bông. Người ta thu hoạch bông để kéo sợi, dệt thành vải.
-
- Xe kéo
- Cũng gọi là xe tay, một loại xe hai bánh do một người kéo, thường dùng để chở khách. Xe kéo xuất hiện ở nước ta vào khoảng cuối thế kỉ 19, do người Pháp đem qua, và đã trở thành biểu tượng cho sự phân biệt giai cấp, người bóc lột người trong xã hội Pháp thuộc. Sau 1945, xe kéo bị cấm sử dụng ở Việt Nam.
Hàng xóm khóc bằng câu đối đỏ
Ông chồng thương đến cái xe tay
(Mồng hai Tết viếng cô Ký - Tú Xương)
-
- Nghè
- Một hình thức của đền miếu. Nghè có thể là nơi thờ thành hoàng ở làng nhỏ được tách ra từ làng gốc, cũng có thể là một ngôi đền nhỏ ở một thôn nhằm thuận tiện cho dân sở tại trong sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính của làng xã khó đáp ứng nhu cầu thờ cúng thường nhật.
-
- Miếu
- Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…
-
- Trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, chính phủ Pháp, vì đã đầu hàng Đức Quốc Xã, phải đồng ý cho quân đội Nhật Bản đổ bộ vào Đông Dương. Trong thời kì cai trị ở nước ta (1940 - 1945), các chính sách cai trị của quân đội Nhật đã khiến đời sống người dân thêm cơ cực, và đặc biệt góp phần gây nên nạn đói khủng khiếp từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945 (nạn đói năm Ất Dậu), làm từ nửa triệu đến hai triệu người chết đói. Bài ca dao này có lẽ ra đời vào khoảng thời gian này.
-
- Hoàng thành Thăng Long
- Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.
-
- Hoàng thành từ thời Lý mở ra 4 cửa: Diệu Đức (cửa Bắc), Đại Hưng (cửa Nam), Quảng Phúc (cửa Tây), Tường Phù (cửa Đông). Giám là khu tập trung các sở quan lại, trung tâm văn hóa, giáo dục (Quốc Tử Giám, Khâm Thiên Giám, Giảng Võ Đường...).
-
- Ba mươi sáu phố
- Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.
"Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.
-
- Hàng Giầy
- Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Giầy, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Giầy xưa là nơi tập trung những người thợ đóng giầy dép gốc làng Chắm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lên Thăng Long làm ăn.
-
- Hàng Bạc
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bạc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Lê, trường đúc bạc của triều đình đặt ở đây, đến thời Nguyễn mới dời vào Huế. Phố Hàng Bạc xưa là nơi tập trung nhiều cửa hiệu làm đồ kim hoàn, đúc vàng bạc và đổi tiền.
-
- Hàng Ngang
- Tên một phố cổ của Hà Nội. Vào thế kỉ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, chuyên bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỉ 19 có tên là phố Việt Đông do có nhiều người Trung Hoa gốc Quảng Đông sinh sống. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.
-
- Hàng Đào
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phía nam là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sát bờ hồ Hoàn Kiếm, đầu phía bắc giáp phố Hàng Ngang. Ở đây còn di tích của trường Đông Kinh Nghĩa Thục (nhà số 10). Tên phố có nguồn gốc từ mặt hàng vải nhuộm đỏ được bán nhiều ở phố.
-
- Đài các
- Từ chữ Hán đài 臺: lầu cao, và các 閣: tầng gác. Chỉ những chỗ cao sang, quyền quý.
-
- Hàng Tiện
- Một phố cổ của Hà Nội, nay là phố Tô Tịch, thuộc quận Hoàn Kiếm. Phố lập nên do những người thợ gốc ở làng tiện Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Tây cũ) đến buôn bán và hành nghề. Thời đó thợ tiện dùng bàn tiện đạp hai chân làm ra các đồ thờ, các vật dụng hàng ngày như mâm, bát hay đồ chơi gỗ cho trẻ em bằng gỗ mít, xoan hoặc gỗ tạp…
-
- Hàng Gai
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Gai, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Gai thời Lê có nhiều cửa hàng bán các loại dây gai, dây đay, võng, thừng, nên dân gian còn gọi là phố Hàng Thừng. Sang thời Nguyễn, các sản phẩm này mai một dần, phố Hàng Gai trở thành khu in ấn và bán sách.
-
- Hàng Thêu
- Một phố cổ của Hà Nội, xưa chuyên bày bán các mặt hàng thêu thùa. Phố dài khoảng 40 mét, cùng với Hàng Tranh, Hàng Trống hợp thành phố Hàng Trống ngày nay, thuộc quận Hoàn Kiếm.
-
- Hàng Trống
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đi từ cuối phố Hàng Gai đến giữa phố Lê Thái Tổ. Gọi là Hàng Trống do trước đây những người dân làm trống làng Liêu Thượng (nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tới đây cư trú và buôn bán. Ngoài ra còn có nghề làm lọng của dân làng Đào Xá (Thường Tín, Hà Tây cũ), nghề vẽ tranh của dân làng Tự Tháp.
-
- Hàng Bài
- Một phố nằm trong khu phố cổ Hà Nội, được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc thôn Hậu Lâu, tổng Hữu Túc và hai thôn Vũ Thạch Hạ, Hàm Châu, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Xưa ở đầu phố có chợ Mới (chợ Hàng Bài) có bày bán nhiều cỗ bài lá nên phố mới có tên gọi Hàng Bài.
-
- Hàng Khay
- Còn gọi là phố Thợ Khảm, một phố của Hà Nội xưa, chạy dọc theo bờ nam hồ Hoàn Kiếm, tương ứng với phố Hàng Khay và đoạn cuối phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay. Mặt hàng chính của phố Hàng Khay xưa là các sản phẩm gỗ khảm xà cừ như khay, mâm, sập, gụ, tủ, bàn.
-
- Tràng Tiền
- Tên một khu phố của Thăng Long-Hà Nội, nằm theo hướng Đông - Tây, kéo dài từ đầu hồ Gươm, chỗ phố Hàng Khay, cho tới nhà hát Lớn. Có ý kiến cho rằng phố có tên gọi như vậy là vì vào khoảng năm 1808, tại đây là nơi đúc tiền được nhà Nguyễn lập ra, tên gọi Nôm là Tràng Tiền (xem Quan xưởng Tràng Tiền). Dưới thời Pháp thuộc, phố có tên gọi là Rue (phố) Paul Bert, đặt theo tên một nhà khoa học của Pháp. Từ xưa đến nay, đây luôn là một trong những khu phố nhộn nhịp nhất Hà Thành.
-
- Sưu thuế
- Sưu (hay xâu) là số ngày người dân phải tham gia lao động công ích, nhưng cho phép nộp bằng tiền để thuê người làm thay; thuế là số tiền (hoặc hiện vật) người dân phải nộp cho chính quyền.
-
- Hà Đông
- Vùng đất nay là thành phố Tam Kỳ, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. Huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên – Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện được nâng lên thành phủ Hà Đông, và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ.
-
- Diên Phước
- Tên một huyện ở phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày trước (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
-
- Can qua
- Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
-
- Thái Nguyên
- Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).
-
- Lính tập
- Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.
-
- Đội Cấn
- Tên thật là Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918), người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông còn có tên khác là Trịnh Văn Đạt, là viên đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến - một chí sĩ yêu nước bị giam tại nhà tù ở Thái Nguyên - lãnh đạo binh lính người Việt đứng lên chống Pháp vào đêm 30/8/1917. Từ đó đến ngày 5/9, các cuộc tấn công của địch liên tiếp nổ ra. Do không chống nổi lực lượng của địch, nghĩa quân phải rút lui. Ngày 10/1/1918, trong trận chiến đấu với quân Pháp tại núi Pháo, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát.
-
- Cai
- Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.
-
- Nhà pha
- Nhà tù (từ cũ). Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Pháp bagne, nghĩa là giam cầm.
-
- Thị thường
- Xem thường.
-
- Tài bồi
- Vun đắp, vun trồng (từ Hán Việt).
-
- Nam bang
- Bờ cõi nước Nam.
-
- Phong trào Duy tân
- Cuộc vận động cải cách công khai ở miền Trung Việt Nam, kéo dài từ 1906 đến 1908 do Phan Chu Trinh phát động.
Phong trào Duy tân (duy tân: theo cái mới) chủ trương bất bạo động, mở mang dân trí, đổi mới giáo dục, văn hóa và kinh tế để tạo nên thế tự lực tự cường cho người Việt - lúc bấy giờ ở dưới nền thống trị thuộc địa của Pháp. Phong trào mang khẩu hiệu: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
Cùng thời và cùng theo tư tưởng cải cách còn có Duy tân hội (1904-1912) của Phan Bội Châu, do hoạt động bí mật nên được gọi là Ám xã (Hội trong bóng tối). Phong trào Duy tân hoạt động công khai, được gọi là Minh xã (Hội ngoài ánh sáng).
Một trong những đỉnh cao của phong trào Duy tân là Đông Kinh nghĩa thục (3/1907 - 11/1907).
-
- Thân sĩ
- Thân nghĩa là đai áo chầu. Thân sĩ là từ chỉ các quan đã về hưu.
-
- Ái quốc
- Yêu nước (từ Hán Việt).
-
- Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ
- Còn gọi là Trung kỳ dân biến, khởi phát bằng cuộc đấu tranh chống sưu thuế của nhân dân Quảng Nam vào đầu tháng 3 năm 1908, kéo dài hơn một tháng và lan ra các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Do nhiều người lãnh đạo chủ chốt trong phong trào này cũng tham gia phong trào Duy Tân nên chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp cả hai. Đến cuối tháng 5 năm 1908, cả hai phong trào đều kết thúc.
Xem bài Vè xin xâu liên quan đến phong trào này.
-
- Chỉ vụ Hà thành đầu độc năm 1908.
-
- Tội nguyên
- Người đứng đầu chịu tội.
-
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Đậu rồng
- Còn gọi là đậu khế, hay đậu xương rồng, hoặc đậu cánh, thuộc loại thân thảo leo, nếu được dựng giàn, đậu rồng có thể bò lan trên 3m. Đậu rồng sinh trưởng và phát triển chủ yếu ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, giàu dinh dưỡng lại rất dễ trồng.
-
- Đu đủ
- Loại cây ăn quả rất thường gặp ở Việt Nam. Quả đu đủ có thể ăn xanh (làm nộm, hầm, hoặc làm mắm) hoặc ăn chín.
-
- Chuối chát
- Chuối hột lúc còn non, thường được dùng trong các món trộn hoặc rau sống.
-
- Khóm
- Loại cây có họ hàng với dứa, ở mép lá có răng như gai nhọn, khi chín quả không có màu vàng như dứa. Ở một số vùng người ta cũng gọi chung khóm và dứa là một.
-
- Dứa
- Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.
-
- Cà dái dê
- Còn có tên là cà tím, quả mọng nhiều cùi thịt, chứa nhiều hạt nhỏ và mềm, được dùng để chế biến thức ăn trong nhiều nền ẩm thực Á, Âu. Tên cà tím và cà dái dê đều không thực chính xác vì có nhiều quả cà tím không mang màu tím, hay không có hình thù như dái dê.