Tìm kiếm "sông Bạch Đằng"

Chú thích

  1. Ông phó
    Tên gọi dân gian của những người có học vị Phó bảng thời phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945). Đây là những người dự thi Hội mà không đủ điểm đỗ Tiến sĩ, được lấy đỗ thêm để khuyến khích, tên ghi vào một bảng phụ, nên gọi là Phó bảng. Theo Đại Nam thực lục, học vị này có từ năm 1829, do vua Minh Mạng chủ trương.
  2. Nâu sồng
    Màu được nhuộm từ củ nâu và lá của cây sồng; dùng để chỉ quần áo của nhà chùa hay của người dân quê miền Bắc thường mặc.

    Áo nâu sồng

    Áo nâu sồng

  3. Khăn vuông mỏ quạ
    Khăn hình vuông, được chít khéo léo thành hình nhọn như chiếc mỏ quạ trước trán. Áo tứ thân, yếm, khăn mỏ quạ, nón quai thao là những trang phục truyền thống của phụ nữ Kinh Bắc xưa.

    Phụ nữ miền Bắc trong trang phục truyền thống áo tứ thân, yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao

    Phụ nữ miền Bắc trong trang phục truyền thống áo tứ thân, yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao

  4. Rặc
    (Nước) Cạn, kiệt.
  5. Sông Bùng
    Tên một con sông bắt nguồn từ xã Minh Thành, huyện Yên Thành, chảy qua thị trấn Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

    Sông Bùng

    Vẻ đẹp sông Bùng

  6. Hai Vai
    Còn có tên là lèn Dặm hoặc núi Di Lĩnh, một ngọn núi đá vôi (lèn) nằm giáp ranh giữa 3 xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lèn Hai Vai có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Theo truyền thuyết, ông Đùng đánh giặc ngoại xâm đã đứng từ trên cao ném đá vào quân thù, tạo ra lèn Hai Vai, lèn Cờ, và lèn Trống.

    Lèn Hai Vai

    Lèn Hai Vai

  7. Trúc
    Trốc, đổ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  8. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Khu 4
    Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng Bắc Trung Bộ, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.
  10. Khu 3
    Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng đồng bằng sông Hồng, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh thành: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh, Hải Phòng.
  11. Nông Cống
    Tên một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trước đây còn có tên là Tư Nông.
  12. Hò sông Mã
    Một thể loại đặc sắc của Thanh Hóa, được những người chèo đò (gọi là trai đò) hát trên sông Mã. Hò sông Mã được gọi tên theo từng chặng khác nhau từ lúc đò rời bến cho đến khi cập bến: Hò rời bến, sắng đò ngược, hò xuôi dòng, hò đường trường, hò ru ngủ, hò mắc cạn, hò niệm Phật, hò cập bến...

    Xem phóng sự Điệu hò trên một dòng sông.

  13. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  14. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  15. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  16. Sông Bến Thóc
    Tên dân gian của sông Thoa, tên Hán Việt là Thốc Giang, một con sông đào có thể được tiến hành từ thời chúa Nguyễn (chưa rõ năm nào), xuất phát từ Phú An, đi qua các xã Đức Hòa, Đức Tân, Đức Phong (huyện Mộ Đức) và cuối cùng đổ ra cửa Mỹ Á thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Sông có tên như vậy vì ngoài việc cung cấp nước, sông còn có tác dụng về giao thông đường thủy, chở người, thóc lúa sản xuất được ngược lên để vào sông Vệ, thông thương đi nhiều nơi.

    Bắt ốc ở sông Thoa mùa nước cạn

    Bắt ốc ở sông Thoa mùa nước cạn

  17. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  18. Truồi
    Tên một vùng đất ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, gồm nhiều làng mạc trải rộng hai bên bờ sông Truồi. Lịch sử xứ Truồi bắt đầu hình thành sau khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và đẩy nhanh việc mở mang xứ Đàng Trong về phía Nam. Tại đây có núi Truồi - một đỉnh núi thuộc dãy Bạch Mã, còn gọi là Động Truồi - và sông Truồi - con sông bắt nguồn từ dãy Bạch Mã và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. "Xứ Truồi" là một địa danh rất thân thuộc với người dân Thừa Thiên-Huế.

    Hồ Truồi

    Hồ Truồi

  19. Xúp lê
    Cũng viết là súp lê, phiên âm từ tiếng Pháp của động từ souffler (kéo còi tàu thủy). Còn được hiểu là còi tàu.
  20. Tàu kéo ba hồi còi cách nhau. Hồi một là chuẩn bị. Hồi hai là thúc giục khách lên tàu. Hồi ba là lúc nhổ neo.
  21. Tài công
    Người phụ trách lái tàu, thuyền chạy bằng máy. Từ này có gốc từ giọng Quảng Đông của "tải công."
  22. Ngỡi
    Tiếng địa phương Nam Bộ của "ngãi" (nghĩa, tình nghĩa).
  23. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  24. Gò Công
    Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.

    Phong cảnh Gò Công Đông

    Phong cảnh Gò Công Đông

  25. Rạch Lá
    Tên gọi khác của sông Tra, một nhánh của sông Vàm Cỏ. Trong cuộc khởi nghĩa Gò Công của người anh hùng Trương Định, rạch Gò Công và rạch Lá là hai chiến lũy quan trọng.
  26. Võ Tánh
    Danh tướng triều Nguyễn dưới thời Nguyễn Ánh. Ông có công giúp Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn và mất trước khi nhà Nguyễn chính thức thành lập.

    Năm 1800, ông và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ thành Bình Định. Thành bị hai đại tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bao vây suốt 18 tháng liền. Đến ngày 7/7/1801, nhắm không cầm cự được nữa, ông cho người trao Trần Quang Diệu bức thư xin tha chết cho quân sĩ trong thành, rồi sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào, châm ngòi tự vẫn.

    Đương thời, ông được xếp cùng với Đỗ Thành Nhơn và Châu Văn Tiếp là "Gia Định tam hùng" (ba người hùng đất Gia Định). Ông giữ chức Hậu quân nên nhân dân yêu mến gọi ông là quan Hậu, hoặc ông Hậu.

    Lăng Võ Tánh

    Lăng Võ Tánh

  27. Thực ra quê của Võ Tánh là ở Biên Hòa, nhưng vì lúc khởi binh chống nhà Tây Sơn ông đã chiếm cả vùng Gò Công và giương cờ "Khổng Tước Nguyên Võ" (tiếng Hán: Nguyên = Gò; Khổng Tước = Công) nên được kể đến trong câu ca dao này.
  28. Trương Định
    Còn có tên là Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định, một võ quan dưới thời vua Tự Đức triều Nguyễn và là thủ lĩnh chống Pháp trong giai đoạn 1859-1864. Ông sinh tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Tháng 2 năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền của mình lên đóng ở Thuận Kiều, bắt đầu chống Pháp. Ông tổ chức lực lượng, triển khai tác chiến trong các vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười và kéo dài đến tận biên giới Campuchia. Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình Huế ký kết hòa ước với Pháp, ra lệnh cho tất cả các lực lượng chống Pháp phải bãi binh. Trương Định kháng mệnh vua, rút quân về Gò Công, xưng là Trung thiên tướng quân, và được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, tiếp tục đánh Pháp. Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh Đám lá tối trời thất thủ, Trương Định bị trọng thương và rút gươm tự sát lúc rạng sáng ngày 20. Khi ấy, ông 44 tuổi.

    Trương Định

    Trương Định

    Xem vở cải lương Cờ nghĩa giồng Sơn Quy nói về cuộc khởi nghĩa Trương Định.

  29. Cố hương
    Quê cũ (từ Hán Việt).

    Sao chưa về cố hương?
    Chiều chiều nghe vượn hú
    Hoa lá rụng buồn buồn
    Tiễn đưa về cửa biển
    Những giọt nước lìa nguồn

    (Hương rừng Cà Mau - Sơn Nam)

  30. Đồng Lẫm
    Một làng nay là thôn Đồng Lẫm, xã La Sơn, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, gồm hai xóm là Lẫm Hạ và Lẫm Thượng. Tại đây ngày 11, 12 tháng 2 âm lịch hằng năm có tổ chức rước sắc Đức Hưng Đạo Đại Vương, Thành Hoàng làng Đông Hải Đại Vương và Đức mẫu Quế Anh.

    Lễ rước sắc ở Đồng Lẫm

    Lễ rước sắc ở Đồng Lẫm

  31. Sông Đá
    Tên một dòng sông chảy qua thôn Dương Đá, nay thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
  32. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  33. Hai thân
    Cha mẹ (từ Hán Việt song thân).
  34. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  35. Trà Khúc
    Tên con sông lớn nhất chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi, còn gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Sông Trà Khúc

    Sông Trà Khúc

  36. Thu Xà
    Một địa danh nay thuộc thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Phố Thu Xà trước đây là một trung tâm buôn bán sầm uất, có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi xưa kia. Đây chính là quê hương của Bích Khê, thi sĩ nổi tiếng thuộc phong trào Thơ Mới.
  37. Thị Nại
    Còn có tên là Thi Nại hoặc cửa Giã, một cửa biển nằm ở Bình Định trước kia, nay đã bị phù sa bồi lấp thành đầm Thị Nại thuộc thành phố Quy Nhơn. Tại đây từng xảy ra nhiều trận thủy chiến khốc liệt: trận Giáp Thân (1284) giữa quân Thoát Hoan (Mông Cổ) và thủy quân Chiêm Thành, các trận Nhâm Tý (1792), Quý Sửu (1793), Kỷ Tỵ (1799)... giữa quân Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. Ngày nay Thị Nại là một danh thắng của tỉnh Bình Định.

    Đầm Thị Nại

    Đầm Thị Nại

  38. Phương Mai
    Tên một hòn núi nhỏ nằm ở phía Đông của đầm Thị Nại (trước là cửa biển Thị Nại) thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đồng thời cũng là tên bán đảo và vịnh ở đây.

    Tượng Hưng Đạo Đại Vương trên núi Phương Mai

    Tượng Hưng Đạo Đại Vương trên núi Phương Mai

  39. Trà Bồng
    Tên một huyện miền núi nằm ở phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây từ xưa nổi tiếng với nghề trồng quế.
  40. Núi Vồng
    Tên một ngọn núi cao nằm ở phía Bắc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam hiện nay.
  41. Sông Châu Giang
    Một con sông thuộc hệ thống sông Hồng- sông Thái Bình của miền Bắc, nằm trọn trong địa phận tỉnh Hà Nam. Đây là một con sông có vị trí quan trọng nằm trong lưu vực sông Nhuệ- Đáy. Một đầu của sông được nối với sông Đáy tại Phủ Lý nên sông còn gọi là sông Phủ Lý. Đoạn sông chảy qua xã Yên Lệnh, huyện Duy Tiên gọi là sông Lệnh.

    Châu Giang là phân lưu cũ của sông Hồng, nối với sông Hồng bằng hai cửa: cửa Yên Lệnh-Mạc (Duy Tiên- Lý Nhân) và cửa Hữu Bị, xã Nhân Hậu (Lý Nhân).

  42. Cầu Tràng Kênh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cầu Tràng Kênh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  43. Dầu
    Dù (phương ngữ Nam Bộ).
  44. Lệ Thủy
    Một địa danh nay là huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây nổi tiếng với sông Kiến Giang, khu nghỉ mát suối nước khoáng Bang, văn hóa đặc trưng Hò khoan Lệ Thủy, trong đó có điệu hò khoan chèo đò, hò giã gạo. Hằng năm, vào ngày 2 tháng 9, nơi đây diễn ra đua thuyền truyền thống. Tương truyền đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, là quê hương của Sùng Nham hầu Dương Văn An, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Kim tử Vinh Lộc Đại phu Đặng Đại Lược, Thạc Đức hầu Đặng Đại Độ, Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân, Vũ Đăng Phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm...

    Đua thuyền ở Lệ Thủy

    Đua thuyền ở Lệ Thủy

  45. Phá
    Vùng nước mặn có dải đất cát ngăn cách với biển, thông ra bởi một dòng nước hẹp.

    Phá Tam Giang

    Phá Tam Giang

  46. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  47. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  48. Chỉ mành
    Sợi chỉ mỏng manh. Từ này thường dùng để chỉ những sự vật, sự việc không chắc chắn.
  49. Ngân Hà
    Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.

    Nguồn: Rick Whitacre.

    Dải Ngân Hà. Nguồn: Rick Whitacre.

  50. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  51. Linh đinh
    Lênh đênh (phương ngữ Nam Bộ). Nghĩa rộng là nay đây mai đó.
  52. Cửa
    Cách nó tắt của cửa sông hoặc cửa biển, nơi các con sông gặp nhau hoặc đổ ra biển. Chữ Hán gọi là thủy khẩu.

    Cửa sông

    Cửa sông