Tìm kiếm "già la"

Chú thích

  1. Cậy
    Nhờ giúp đỡ, nhờ vả.

    Cậy em em có chịu lời
    Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

    (Truyện Kiều)

  2. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  3. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  4. Chín chữ cù lao
    Tức cửu tự cù lao, chỉ công lao khó nhọc của bố mẹ. (Cù 劬: nhọc nhằn; lao: khó nhọc). Theo Kinh Thi, chín chữ cù lao gồm: Sinh - đẻ, cúc - nâng đỡ, phủ - vuốt ve, súc - cho bú mớm lúc nhỏ, trưởng - nuôi cho lớn, dục - dạy dỗ, cố - trông nom săn sóc, phục - xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt, và phúc - giữ gìn.
  5. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  6. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  7. Lịnh
    Lệnh (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Thân phụ
    Cha (từ Hán Việt).
  9. Hổng
    Không (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. Chát là
    Ác là (phương ngữ Phú Yên).
  11. Chạp
    Tháng thứ mười hai âm lịch. Có thuyết cho chạp do đọc trạch từ tiếng Hán lạp nguyệt mà ra.
  12. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  13. Lai láng
    Tràn đầy khắp nơi như đâu cũng có. Từ này cũng được dùng để chỉ trạng thái tình cảm chứa chan, tràn ngập.

    Lòng thơ lai láng bồi hồi,
    Gốc cây lại vạch một bài cổ thi.

    (Truyện Kiều)

  14. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  15. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  16. Cá lịch
    Có nơi gọi là lệch hoặc nhệch, tên chung của một số loài cá-lươn phổ biến. Cá lịch có hình dạng tương tự con lươn, mình thon dài, da trơn không vảy, đuôi thon nhọn, mắt nhỏ. Tùy vào từng loài khác nhau, cá lịch có thể có vây hoặc không vây, cũng như màu da có thể là màu trơn hoặc có đốm hay có sọc. Các loài cá lịch thường sống ở biển hoặc ở vùng nước lợ (cửa sông), nhưng cũng có thể bơi ngược dòng đến sống ở sông ngòi hay ruộng đồng nước ngọt. Vào ban ngày, cá lịch chui rúc trong bùn, cát, đến đêm thì bơi ra kiếm ăn ở tầng đáy nước. Thức ăn của cá lịch là các loài cá hay giáp xác nhỏ. Đối với người Việt Nam, cá lịch là một loài thủy sản bổ dưỡng tương tự như lươn.

    Cá lịch cu

    Cá lịch cu

    Cá lịch đồng

    Cá lịch đồng

  17. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  18. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  19. Bói cá
    Tên chung của một số loài chim săn mồi có bộ lông rất sặc sỡ. Thức ăn chính của bói cá là cá, nhưng chúng có thể ăn cả các động vật nhỏ như ếch nhái, tôm, côn trùng, thằn lằn... Bói cá còn có các tên gọi khác như chim thầy bói, trả, tra trả, sả, thằng chài...

    Chim bói cá

    Chim bói cá

  20. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  21. Cam
    Bằng lòng chịu vì cho là không thể nào khác được.
  22. Om
    To tiếng, ồn ào, gây cảm giác khó chịu.
  23. Quạt nồng ấp lạnh
    Do chữ Đông ôn hạ sảnh: Quạt khi trời mát, đắp chiếu chăn ấm khi trời rét lạnh, nói đạo làm con phụng dưỡng cha mẹ. Tích quạt nồng ấp lạnh lấy từ sách Nhị thập tứ hiếu của Quách Cự Nghiệp đời nhà Nguyên, Trung Quốc: Ðời Hậu Hán có đứa trẻ lên chín tên là Hoàng Hương. Mẹ mất sớm, Hoàng Hương ở với cha. Vào muà hạ, thời tiết về đêm nóng nực oi bức, Hoàng Hương thường xuyên quạt màn chiếu, chăn đệm cho thoáng mát trước khi cha ngủ. Muà đông, tiết trời lạnh lẽo, đêm đêm trước khi cha đi ngủ, Hoàng Hương vào giường cha nằm lăn qua trở lại rất lâu, để mền chiếu ấm hơi người cho cha được ngon giấc.

    Xót người tựa cửa hôm mai
    Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
    (Truyện Kiều)