Tìm kiếm "CHỢ ĐÔNG BA"

Chú thích

  1. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  2. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  3. Mẫu
    Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
  4. Thủ Thiêm
    Địa danh nay là một phường thuộc quận 2 thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây có bến đò Thủ Thiêm, xuất hiện vào khoảng năm 1912 để vận chuyển người và hàng hóa từ Thủ Thiêm băng qua sông Sài Gòn. Theo Đại Nam nhất thống chí: “Ở thôn Giai Quý, huyện Nghĩa An có chợ tục gọi là Cựu Thiêm; trước chợ có sông Bình Giang, đối diện tỉnh Gia Định. Tàu biển, thuyền sông tấp nập, dân sở tại làm nghề chở đò ngang, đò dọc và theo dòng nước đem bán thực phẩm như cá, thịt, rau, quả” (Huyện Nghĩa An nay là quận 2 và quận 9. Sông Bình Giang tức sông Sài Gòn.)

    Thủ Thiêm nhìn từ bến Bạch Đằng

    Thủ Thiêm nhìn từ bến Bạch Đằng

  5. Đươn
    Đan (phương ngữ Nam Bộ)
  6. Đệm
    Miếng đệm dùng cho ghe đi trên sông, thường làm bằng cọng bàng. Vùng bán đảo Thủ Thiêm vốn là vùng trũng thuận lợi cho các loại bàng, lác phát triển. Đặc biệt là vùng đất Cây Bàng xưa rất nổi tiếng với nghề đan đệm buồm bằng cọng bàng.

    Sơ chế cỏ bàng để đươn đệm

    Sơ chế cỏ bàng để đươn đệm

  7. Giắt
    Cài vào, mắc vào.
  8. Ghim đan
    Dụng cụ hình que dùng để đan.
  9. Xiêm
    Tên gọi trước đây của nước Thái Lan, cũng gọi là Xiêm La.
  10. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  11. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  12. Đồng tịch đồng sàng
    Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
  13. Đồng sinh đồng tử
    Sống chết có nhau.
  14. Đồng lần
    Lần lượt như nhau, trước sau rồi ai cũng có, cũng phải làm, phải chịu hoặc phải trải qua.
  15. Quân thân
    Vua và cha mẹ (từ Hán Việt). Theo đạo Nho, trung với vua và hiếu với cha mẹ là hai phẩm chất đạo đức quan trọng nhất của con người.
  16. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  17. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  19. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  20. Xu xoa
    Một món giải khát rất phổ biến ở miền Trung. Xu xoa (có nơi gọi là xoa xoa) được nấu từ rau câu, đông lại như thạch dừa, khi ăn thì cắt thành nhiều miếng nhỏ hình vuông hoặc chữ nhật to khoảng đầu ngón tay cái, ăn kèm với mật đường mía, có thể cho thêm đá.

    Xu xoa

    Xu xoa

  21. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  22. Hòn Tàu
    Một dãy núi giáp ranh giữa các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn và Quế Sơn của tỉnh Quảng Nam, có diện tích gần 100 km², gồm nhiều núi hiểm trở như Nhà Muỗi, Cù Hang, Mặt Rạng...
  23. Hòn Kẽm Đá Dừng
    Một nơi phong cảnh sơn thủy hữu tình nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn, trước đây thuộc về hai xã Quế Phước và Quế Lâm, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; nay là ranh giới huyện Quế Sơn và Hiệp Đức. Có ý kiến cho rằng chỉ có tên ngọn núi là Hòn Kẽm, còn "đá dừng" là để mô tả vách đá dựng đứng, hiểm trở của ngọn núi này.

    Hòn Kẽm, Đá Dừng

    Hòn Kẽm, Đá Dừng

  24. Hòn Vung
    Tên một hòn núi ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, kề với núi Chúa, hòn Róng, hòn Tàu.

    Hòn Vung, núi Chúa

    Hòn Vung, núi Chúa

  25. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  26. Sông Chợ Củi
    Sông thuộc đoạn hạ lưu của dòng Thu Bồn, từ xã Điện Phong, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), ở về phía cuối Gò Nổi, băng qua cầu Mống (cầu Câu Lâu) ngang qua dinh trấn Thanh Chiêm xưa, nay là xã Điện Phương (huyện Điện Bàn). Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì vào năm Tự Đức thứ 3 (1850), sông Chợ Củi được đổi tên thành Sài Thị giang và được ghi vào điển thờ. Tên đoạn sông được lấy từ tên chợ.

    Sông Chợ Củi

    Sông Chợ Củi

  27. Cù lao Chàm
    Một cụm đảo thuộc Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách bờ biển Cửa Đại khoảng 15 cây số. Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai, Hòn Ông, Hòn Lá, và Hòn Khô chia làm hai: Hòn Khô Mẹ (Hòn Khô Lớn) và Hòn Khô Con (Hòn Khô Nhỏ), trong đó năm đảo lớn nhất là thuộc cụm đảo chính là Hòn Lao (đảo lớn nhất), Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ và Hòn Tai. Đảo Hòn Ông còn gọi là Hòn Nồm nằm tách biệt khỏi cụm này khoảng hai mươi cây số về hướng Đông Nam.

    Hiện nay Cù lao Chàm đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời là một điểm du lịch nổi tiếng.

    Phong cảnh cù lao Chàm

    Phong cảnh cù lao Chàm

  28. Cuội
    Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).
  29. Cậy
    Nhờ giúp đỡ, nhờ vả.

    Cậy em em có chịu lời
    Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

    (Truyện Kiều)

  30. Lụa
    Một loại vải mịn dệt từ tơ kén của các loài sâu bướm, thường nhất từ tơ tằm. Lụa có thể dệt trơn và hay dệt có hoa hoa từ tơ nõn (tơ bên trong của kén tằm) sao cho sợi dọc và sợi ngang khít với nhau, tạo nên vẻ mịn màng, óng ả và độ dày vừa phải. Lụa tơ tằm cổ truyền thường được nhuộm màu từ những nguyên liệu thiên nhiên như củ nâu, nước bùn, cánh kiến, ...
    Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
    Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
    Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
    Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

    (Áo lụa Hà Đông - Thơ Nguyên Sa)
  31. Nả
    Số lượng hay khoảng thời gian, thường được dùng sau bao, mấy (phương ngữ Bắc Bộ).

    Xác không vốn những cậy tay người,
    Bao nả công trình, tạch cái thôi!
    Kêu lắm lại càng tan tác lắm,
    Thế nào cũng một tiếng mà thôi.

    (Vịnh cái pháo - Nguyễn Hữu Chỉnh)

  32. Địa danh Đồng Nai trong câu ca dao này có lẽ nói về tỉnh Đồng Nai Thượng dưới thời Pháp thuộc, là một khu vực cao nguyên rộng lớn bao gồm thành phố Bảo Lộc ngày nay, cao nguyên Lâm Đồng, cao nguyên Di Linh và một phần cao nguyên Lâm Viên. Bảo Lộc là nơi có khí hậu và đất đai rất thích hợp với cây dâu tằm, vì vậy nghề nuôi tằm dệt lụa rất phát triển ở đây. Hiện nay, nghề tơ tằm vẫn là một ngành kinh tế chính của thành phố Bảo Lộc.
  33. Câu ca dao này nói về sự chia cắt hai miền Nam Bắc trong chiến tranh Việt Nam.
  34. Hào
    Đồng hào, dùng để gieo quẻ trong bói toán.

    Đồ nghề bói toán

  35. Gàu giai
    Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.

    Tát nước bằng gàu giai

    Tát nước bằng gàu giai

  36. Gàu sòng
    Thứ gàu có cán dài, treo vào một cái gạc ba chân, một người tát.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  37. Se
    Khô.
  38. Nho sĩ
    Người theo học chữ Nho, đạo Nho. Thường dùng để chỉ học trò thời xưa.
  39. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  40. Bảng vàng
    Từ chữ kim bảng 金榜, chỉ tấm biển đề tên những thí sinh thi đỗ dưới thời phong kiến. "Chiếm bảng vàng" hay "giật bảng vàng" vì thế nghĩa là thi cử đỗ đạt.
  41. Quế hòe
    Đời Ngũ đại (Trung Quốc) ở hạt Yên Sơn có người tên là Đậu Vũ Quân sinh được năm người con đều đỗ đạt, người đời gọi là Yên Sơn ngũ quế (năm cây quế ở Yên Sơn). Đến đời Tống lại có Vương Hựu trồng trước sân ba cây hòe, nguyện rằng "Con ta sau sẽ làm quan tam công," về sau quả nhiên con là Vương Đán làm đến tể tướng. "Quế hòe" (hoặc sân quế sân hòe) vì thế chỉ việc con cái phát đạt.
  42. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  43. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.
  44. Vinh quy
    Trở về một cách vẻ vang (thường nói về người thi đỗ các khoa thi xưa kia). Từ này thường được dùng trong cụm "vinh quy bái tổ" (trở về bái lạy tổ tiên).

    Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
    Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
    Tôi ra đón tận gốc bàng
    Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem.

    (Thời trước - Nguyễn Bính)

  45. Chúc minh
    Sáng rỡ (chúc 燭 là ngọn đuốc).
  46. Bạn vàng
    Bạn thân, bạn quý. Thường dùng để chỉ người yêu.
  47. Chắn đăng
    Giăng đăng ở những vịnh, vũng để đón cá theo con nước xuống.
  48. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  49. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  50. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  51. Lòng tong
    Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.

    Cá lòng tong chỉ vàng

    Cá lòng tong chỉ vàng