Tìm kiếm "cà đắng"

Chú thích

  1. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  2. Giã
    Như từ giã. Chào để rời đi xa.
  3. Thành Ô Ma
    Tên tiếng Pháp là Camp aux Mares (trại ở nơi có nhiều ao), một trại lính do người Pháp lập nên vào cuối thế kỉ 19. Trên bản đồ Sài Gòn 1947, khu vực Thành Ô Ma được đánh số 132, trên khu đất bao quanh bởi các con đường:

    (1) Rue Chasseloup Laubat (trước 1975 là Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn Thị Minh Khai)
    (2) Rue de Nancy (trước 1975 là Cộng Hòa, nay là Nguyễn Văn Cừ)
    (3) Rue Frère Louis (nay là một phần đường Nguyễn Trãi)
    (4) Rue d'Arras (nay là đường Cống Quỳnh)

    Lính An Nam luyện tập trong thành Ô Ma

    Lính An Nam luyện tập trong thành Ô Ma

  4. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  6. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  7. Nhiễu điều
    Tấm nhiễu màu đỏ, dùng phủ lên những đồ vật quý để trang trí và che bụi.
  8. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  9. Nam mô
    Phiên âm của từ Namo नमो (nghĩa là tôn kính hoặc hướng về) trong tiếng Sanskrit, để thể hiện sự sùng kính hoặc quy ngưỡng. Người theo đạo Phật thường dùng tiếng "Nam mô" để khởi đầu cho câu niệm danh hiệu các Phật và Bồ Tát. "Nam mô" còn đọc là "Nam vô" 南無 theo phiên âm từ tiếng Hán.
  10. Tràng hạt
    Một vòng dây gồm nhiều hạt xâu lại với nhau. Khi tụng niệm, người tụng dùng tay lần từng hạt để đếm.

    Chuỗi tràng hạt

    Chuỗi tràng hạt

  11. Đá mài
    Ngày xưa (và ở một số vùng nông thôn, miền núi bây giờ) nhân dân ta mài dao cho sắc bằng một hòn đá rất cứng gọi là đá mài. Trước và trong khi mài, người ta vuốt nước lên hòn đá ấy.

    Mài dao kéo

    Mài dao kéo

  12. Đồng Đăng
    Một địa danh nay thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, giáp biên giữa Việt Nam và Trung Quốc.
  13. Kỳ Lừa
    Tên một phố chợ, ngày xưa từng được xếp vào một trong "Trấn doanh bát cảnh" của Lạng Sơn. Hiện nay phố chợ Kỳ Lừa hiện nằm trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Đây là chợ đêm, chuyên bán các loại hàng hóa phục vụ khách du lịch vào buổi tối. Ngoài việc là nơi mua bán các loại sản phẩm từ thổ cẩm, thưởng thức các món đặc sản, chợ còn là nơi giao lưu, kết bạn, hát giao duyên của bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao…

    Chợ Kỳ Lừa ngày trước

    Chợ Kỳ Lừa ngày trước

  14. Tô Thị
    Một nhân vật trong chuyện cổ tích Việt Nam Hòn vọng phu. Nàng Tô Thị và chồng là Tô Văn là một cặp vợ chồng sống với nhau hạnh phúc. Một ngày nọ, Tô Văn nhận ra vợ chính là em gái ruột của mình nhờ một cái sẹo trên đầu. Chàng bàng hoàng bỏ đi. Tô Thị ngày ngày bồng con lên núi ngóng chồng, đến một hôm thì hóa đá. Hòn đá ấy gọi là đá Vọng Phu, là một thắng cảnh tự nhiên ở Lạng Sơn. Tuy nhiên đến ngày 27/07/1991, tượng đá nàng Tô Thị bị sụp đổ do tác dụng của hiện tượng ăn mòn tự nhiên. Sau này, tượng đá được thay thế bằng một tượng xi-măng.

    Đá Vọng Phu

    Đá Vọng Phu

  15. Chùa Tam Thanh
    Tên một ngôi chùa nằm trong động núi đá (nên còn được gọi tên khác là Động Tam Thanh) nay thuộc địa phận phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì chùa Tam Thanh có từ thời nhà Lê, thuộc địa phận xã Vĩnh Trại, Châu Thoát Lãng. Nơi đây được mệnh danh là "Đệ nhất bát cảnh Xứ Lạng" (gồm bốn điểm: động Nhị Thanh, động Tam Thanh, thành nhà Mạc và Nàng Tô Thị). Vào ngày mười lăm tháng giêng (âm lịch) hàng năm, nơi đây có tổ chức lễ hội.

    Chùa Tam Thanh

    Chùa Tam Thanh

  16. Lạng Sơn
    Còn gọi là xứ Lạng, một tỉnh ở vùng Đông Bắc nước ta. Lạng Sơn có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như động Nhị Thanh, chùa Tam Thanh, ải Chi Lăng, núi Tô Thị...

    Phong cảnh Lạng Sơn

    Phong cảnh Lạng Sơn

  17. Bõ công
    Đáng công.
  18. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  19. Bầu
    Đồ đựng rượu làm từ vỏ bầu khô, hình thuôn, đáy tròn lớn, miệng nhỏ, giữa thắt lại.

    Bầu rượu

    Bầu rượu

  20. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  21. Liễn
    Dải vải hoặc giấy, hoặc tấm gỗ dài dùng từng đôi một, trên có viết câu đối, thường mang ý nghĩa tốt đẹp, cầu hạnh phúc may mắn cho chủ nhà. Liễn thường được treo song song với nhau, gọi là cặp (đôi) liễn.

    Liễn

    Liễn

  22. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  23. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tam Quăng.
  24. An Dương
    Một làng nay thuộc xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Xưa kia làng có nhiều người học giỏi, đỗ đạt.
  25. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  26. Hát hố
    Một loại hình sinh hoạt dân gian phổ biến ở vùng đồng bằng Quảng Ngãi. Người hát có thể hát theo bài sẵn có hoặc ứng tác. Hát hố thường gắn liền với việc đồng áng, sinh hoạt ngày mùa như: tát nước, cuốc đất, đập đất, giã gạo, thu hoạch, chế biến bắp, khoai lang, khoai mì... Mở đầu câu hát là “hố khoan lại hò khoan” rồi ngắt nhịp, lúc lấy hơi hay kết thúc câu hát cũng hô lên “hố khoan lại hò khoan”. Không chỉ một mình người hát mà cả người trong nhóm và khác nhóm đều cao giọng “hố, hò” nâng đỡ câu hát, tạo thành giai điệu.
  27. Rầy
    La mắng (phương ngữ).
  28. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  29. Cày
    Nông cụ dùng sức kéo của trâu, bò hay của máy cày, để xúc và lật đất. Cày gồm hai bộ phận chính: Lưỡi cày (ban đầu làm bằng gỗ, sau bằng sắt hoặc thép) và bắp cày bằng gỗ. Nếu cày bằng trâu bò, lại có thêm gọng cày nối từ bắp cày chạy dài đến ách để gác lên vai trâu, bò.

    Cái cày

    Cái cày

  30. Tân trào
    Nghĩa đen là "triều đại mới", còn gọi là đàng mới, phương ngữ Nam Bộ chỉ chính phủ người Pháp lập ra để cai trị nước ta và thời kì (triều / trào) dân ta sống dưới sự cai trị này. Đối lập với tân tràođàng cựu hay cựu trào chỉ chính quyền triều Nguyễn trước khi người Pháp tới.
  31. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  32. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  33. Xu
    Phiên âm từ tiêng Pháp sou, một đơn vị tiền tệ thời Pháp thuộc có trị giá bằng một phần trăm của đồng bạc Đông Dương.

    Đồng một xu Đông Dương năm 1896

    Đồng một xu Đông Dương năm 1896

  34. Lúi
    Tiền (theo Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí, xuất bản năm 1971).
  35. Trăng gió
    Từ từ Hán Việt phong nguyệt, thú tiêu khiển hóng gió xem trăng, cũng chỉ sự tình tự hẹn hò của trai gái (thường hàm ý chê bai).
  36. Đường Mới
    Theo Sơn Nam: Đường Mới thời trước nổi danh về du đãng, nay là đường Huỳnh Tịnh Của, chợ Bến Thành.
  37. Bài này có sự chơi chữ thuần Việt / Hán Việt: sông / giang (dang), ngày / nhật, đêm / dạ.