Tìm kiếm "sự tích"

Chú thích

  1. Sao chổi
    Còn có tên gọi dân gian là sao cờ hoặc sao tua, một thiên thể gần giống một tiểu hành tinh nhưng cấu tạo chủ yếu không phải từ đất đá, mà từ băng. Chúng bay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo rất dẹt, khi đi vào vòng trong Hệ Mặt trời thì được mặt trời chiếu sáng, từ đó mới sinh ra các ánh sáng rực rỡ như ta thấy khi quan sát từ Trái Đất.

    Ngày xưa, theo quan niệm dân gian, sao chổi xuất hiện thường được cho là điềm loạn lạc.

    Sao chổi

    Sao chổi

  2. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  3. Cai Vàng
    Nguyễn Văn Thịnh (hay Nguyễn Thịnh), tục danh là Vàng, vì có thời làm cai tổng nên được gọi là Cai Vàng hay Cai Tổng Vàng. Năm 1862, lấy danh nghĩa "phù Lê," ông khởi binh chống lại triều đình Tự Đức ở vùng Bắc Ninh vào năm 1862. Ông tử trận ngày 30 tháng 8 năm đó, nhưng với tài chỉ huy của người vợ thứ (tục gọi là Bà Ba Cai Vàng), cuộc nổi dậy do ông khởi xướng vẫn tồn tại cho đến tháng 3 năm sau mới chấm dứt.
  4. Nguyễn Giản Thanh
    Trạng nguyên khoa thi Đoan Khánh năm thứ tư (1508), đời vua Lê Uy Mục. Ông người làng Ông Mặc, huyện Đông Ngàn (nay là Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Làng Ông Mặc có tên Nôm là làng Me, nên nhân dân cũng gọi ông là trạng Me.
  5. Hứa Tam Tỉnh
    Người làng Như Nguyệt (làng Ngọt), huyện Yên Phong (nay thuộc xã Tam Giang huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), đỗ Bảng nhãn khoa Mậu Thìn niên hiệu Đoan Khánh năm thứ 4 (1508) đời vua Lê Uy Mục.
  6. Trạng Me đè trạng Ngọt
    Tương truyền trong khoa thi đình năm Mậu Thìn (1508), Nguyễn Giản Thanh (người làng Me) vốn đỗ bảng nhãn, còn Hứa Tam Tỉnh (người làng Ngọt) đỗ trạng nguyên. Khi hai ông vào yết kiến mẹ nuôi nhà vua, bà này lại muốn Nguyễn Giản Thanh đỗ trạng nguyên, vì trông ông khôi ngô tuấn tú hơn. Chiều lòng mẹ, vua cất nhắc ông lên làm trạng, hạ Hứa Tam Tỉnh xuống bậc bảng nhãn, vì thế mà thành câu nói này. Đời sau vì thế cũng gọi Nguyễn Giản Thanh là “mạo trạng nguyên,” tức trạng nguyên nhờ dung mạo.
  7. Trân đồng Táo đồng Dành, Thành đồng Lau đồng Sậy
    Bà Nguyễn Thị Trân và ông Trương Văn Thành là hai vợ chồng quê ở làng Đạo Sử, huyện Lang Tài, nay thuộc xã Phá Lãng, huyện Gia Lương tỉnh Bắc Ninh, có công chiêu mộ được nhiều nghĩa quân theo cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu (thế kỷ 18). Sau hai vợ chồng được cử về làng chăm lo binh lương trên 4 cánh đồng: Táo, Dành, Lau, Sậy.
  8. Bạch Xỉ sinh, thiên hạ bình
    Bạch Xỉ sinh ra thì thiên hạ được thái bình. Đây tương truyền là câu sấm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng cũng có thể là do Đoàn Đức Tuân tự phao ra để giành lấy sự ủng hộ của nhân dân.
  9. Nói lái lại thành "thằng Tây."
  10. Đoàn Chí Tuân
    Có tài liệu ghi là Đoàn Đức Mậu, hiệu là Bạch Xỉ, sinh năm 1855 tại Hòa Ninh, xã Quảng Hoà, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông lập căn cứ chống Pháp ở vùng núi miền Nam Quảng Bình. Ông dùng "pháp thuật" để kêu gọi quần chúng, đồng thời tự xưng hoàng đế (hiệu Long Đức), nên bị nhiều sĩ phu yêu nước cùng thời (trong đó có Phan Đình Phùng) không đồng tình. Năm 1896, cuộc khởi nghĩa thất bại, Đoàn Chí Tuân bị bắt, đến cuối năm 1897 thì mất trong nhà lao của Pháp. Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hiện có một đường phố mang tên ông.
  11. Tuần Giang, Nho Hứa bán chúa lập công
    Vào năm Canh Ngọ (1780), Đoan Nam Vương Trịnh Khải bị Nguyễn Hữu Chỉnh theo Tây Sơn đánh bại, chạy khỏi thành Thăng Long, qua huyện Yên Lãng (nay là Mê Linh) gặp tiến sĩ Lý Trần Quán. Quán đón Khải về nhà ở Hạ Lôi giao cho học trò là Tuần Giang (có bản chép là Tuần Khang, hoặc Tuần Trang) đưa đi trốn. Giang mưu cùng Nho Hứa (có bản chép là Nho Nứa) đem Trịnh Khải nộp cho quân Tây Sơn. Lý Trần Quán sau đó tự vẫn để tỏ lòng trung thành với chúa Trịnh.
  12. Trần Quang Châu
    Cũng gọi là Trương Giao, một tướng nhà Lê vào thế kỉ 18. Ông đã cùng tướng nhà Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm giao chiến nhiều trận ở cửa sông Đuống. Năm 1789, khi quân Thanh sang nước ta, ông dẫn quân Thanh đánh Tây Sơn. Quân Thanh đại bại, ông chạy lên Yên Thế phối hợp với Dương Đình Tuấn, sau bị tướng Tây Sơn là Võ Văn Dũng bắt sống và hành quyết năm 1792.
  13. Dương Đình Tuấn
    Cũng gọi là Dáo Mao tuần lĩnh, người huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông là tướng nhà Lê, nhiều lần lập công và được Lê Chiêu Thống phong làm trấn thủ Kinh Bắc, Thái Nguyên. Về sau, ông bị quân Tây Sơn bao vây và chết trong rừng Yên Thế.
  14. Có phúc thì gặp Trương Giao, vô phúc thì gặp Dáo Mao tuần lĩnh
    Trong hành quân, so với Trương Giao (Trần Quang Châu), Dáo Mao tuần lĩnh (Dương Đình Tuấn) thường chém giết tùy tiện hơn.
  15. Vũ Mao
    Có tài liệu cho là Vũ Văn Nhậm, tướng nhà Tây Sơn. Tuy nhiên chúng tôi chưa tìm ra tư liệu về tên gọi này.
  16. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  17. Hoàng Hoa Thám
    Còn gọi là Đề Thám, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp (1885–1913), được nhân dân suy tôn là "Hùm thiêng Yên Thế." Ông sinh năm 1858 tại Tiên Lữ, Hưng Yên, tham gia chống Pháp khi mới 15 tuổi.Từ năm 1897, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đến năm 1913, do lực lượng giảm sút, nhiều người bỏ trốn, Đề Thám phải nhờ đến Lương Tam Kỳ hỗ trợ. Tuy nhiên, ngày 10-2-1913, ông bị hai tên thủ hạ Lương Tam Kỳ giết hại tại một khu rừng cách chợ Gồ 2km, nộp đầu cho Pháp lấy thưởng. Sự kiện này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.

    Đề Thám (hình trong bộ sưu tập của ông Guy Lacombe)

    Đề Thám (hình trong bộ sưu tập của ông Guy Lacombe)

  18. Như Quỳnh
    Tên Nôm là làng Ghênh, xưa thuộc Gia Lâm, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, nay là địa phận thị trấn Như Quỳnh, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Đây là quê của thái phi Trương Thị Ngọc Chử, mẹ của chúa Trịnh Cương, bà nội của chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh.
  19. Liễu Ngạn
    Xưa có tên là làng Khe, nay thuộc xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
  20. Ghênh đẻ, Khe nuôi
    Tương truyền, khi thái phi Trương Thị Ngọc Chử (người làng Ghênh) sinh ra chúa Trịnh Cương thì bị mất sữa, chúa khóc ngằn ngặt suốt ngày đêm, ai dỗ cũng không nín. Khi ấy em con dì ruột của bà Chử là Nguyễn Thị Cảo lấy chồng về làng Khe cũng vừa sinh con nên bà vời vào cung nuôi con cùng. Khi bà Cảo bế cháu lên tay thì Trịnh Cương liền nín khóc và đòi bú. Từ đó bà Cảo ở lại trong cung nuôi con nuôi cháu, dần dần trong dân gian lưu truyền câu này.
  21. Tương truyền câu này xuất hiện khoảng năm Bính Ngọ (1906), khi Sài Gòn bị nạn dịch hạch làm chết rất nhiều người.
  22. Kỳ Đồng
    Tên thật là Nguyễn Văn Cẩm, sinh năm 1875 tại làng Trung Lập, phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên, nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ, 8 tuổi đã đỗ loại ưu kì thi hương (Kỳ Đồng là tên do vua Tự Đức sắc phong, nghĩa là "đứa trẻ kỳ tài"). Năm 1887, ông được Pháp cho đi du học tại Algérie, và quen thân với cựu hoàng Hàm Nghi đang bị đày ở đây. Sau ông từ chối lời mời làm quan của Pháp mà chỉ xin đất để mở mang việc làm ruộng ở Yên Thế vào năm 1897. Sợ ông liên lạc với Đề Thám, Pháp đã đày ông sang đảo Marquises, Tahiti. Ông mất ở Tahiti năm 1929.

    Kỳ Đồng (đứng) và một viên chức pháp ở Tahiti

    Kỳ Đồng (đứng) và một viên chức Pháp ở Tahiti

  23. Trần Hữu Giảng
    Một nhà yêu nước hoạt động trong nhóm văn thân ở thôn Quần Anh (nên dân gian cũng gọi là bá hộ Quần Anh), nay thuộc xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 1897, ông đã bắt liên lạc với Kỳ Đồng, đồng thời cử người lên tăng cường cho lực lượng của Đề Thám.
  24. Đường Sau
    Tên một xóm ở làng Dương Lôi, nay thuộc phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây được xem là nơi hạ sinh Lý Thái Tổ, vị vua mở đầu triều Lý.
  25. Chùa Dận
    Tên chữ là Ứng Tâm, một ngôi chùa cổ nay thuộc địa phận phố chùa Dận, đường Trần Phú, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Chùa có từ thế kỉ 8, từng là nơi tu hành của các thiền sư có tiếng trong lịch sử là Định Không, Vạn Hạnh, Lý Khánh Vân. Theo truyền thuyết, bà Phạm Thị Ngà đau đẻ Lý Công Uẩn tại ngôi chùa này, vì vậy chùa được dân gian gọi là chùa Rặn, rồi dần gọi chệch thành chùa Dận.

    Mặt tiền điện tam bảo chùa Dận

    Mặt tiền điện tam bảo chùa Dận

  26. Nở Đường Sau, đau chùa Dận
    Tương truyền bà Phạm Thị Ngà, mẫu thân vua Lý Thái Tổ, ngụ tại xóm Đường Sau, nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, lúc đầu bán hàng nước, sau làm thủ hộ ở chùa Dận. Đến ngày sinh nở, bà vẫn ở chùa Dận, đau mãi không đẻ được bèn trở về nhà. Đến cánh đồng Đường Sau thì bà sinh.
  27. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  28. Thờ Ngô, vồ mả
    Tương truyền ở vùng Liễu Đôi ngày xưa quân xâm lược Trung Quốc bị tiêu diệt nhiều, thây thối rữa mấy tháng không chôn hết, uế khí lan tràn gây nên bệnh tật. Những người nhẹ dạ, mê tín cho rằng ma Ngô báo hại nên bày thờ cúng để cầu yên ổn. Câu tục ngữ này phê phán việc thờ cúng ma Ngô, cho rằng làm như vậy là tự giày xéo lên mồ mả tổ tiên mình.
  29. Ba Giai
    Một danh sĩ sống vào cuối thế kỉ 19, được biết đến chủ yếu qua các giai thoại về Ba Giai-Tú Xuất. Hiện không còn nhiều thông tin về ông, tuy nhiên theo một số nhà nghiên cứu thì ông tên thật là Nguyễn Văn Giai, sống ở khoảng triều Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883). Ông cũng được cho là tác giả của Hà thành chính khí ca, thi phẩm gồm 140 câu thơ lục bát về sự kiện thành Hà Nội bị quân Pháp xâm chiếm ngày 25 tháng 4 năm1882.
  30. Tú Xuất
    Một danh sĩ sống vào khoảng cuối thế kỉ 18. Theo các tài liệu, ông tên thật là Nguyễn Đình Xuất, người gốc làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ. Ông là một người thông minh, tri thức hơn người nhưng hay gặp thất bại trong khoa cử, từ đó sinh ra tính hay bông đùa, trêu cợt, đặc biệt là thích đả kích những thói hư tật xấu của người đời. Cùng với Ba Giai, ông tạo thành cặp Ba Giai-Tú Xuất nổi tiếng trong văn hóa dân gian.
  31. De Montpezat, Tartarin và Chesnay là ba trong số các đồn điền lớn nhất mà thực dân Pháp lập ra ở nước ta vào cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20.
  32. Đề Vang
    Một thủ lĩnh tài năng trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Ông tên thật là Vương Văn Vang, sinh ở làng Thuận An, nay thuộc xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh . Trong quá trình chống Pháp, ông tự xưng là Đề đốc họ Vương, còn được gọi là Đề Vang, Tuần Vang, hoặc Đội Văn. Ngày 7/11/1889, ông bị Pháp chém đầu tại vườn hoa Pônbe (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội), đầu bêu ở tỉnh Bắc Ninh, xác ném xuống sông Hồng.
  33. Đốc Tít
    Tên thật là Nguyễn Xuân Tiết (1853 - 1916), một thủ lĩnh của khởi nghĩa Bãi Sậy. Ông nguyên gốc họ Mạc, sinh trưởng tại làng yên Lưu Thượng, phủ Kinh Môn, Hải Dương. Trong phong trào chống Pháp ở Bắc Kỳ, ông được phong là Đề đốc Hải Dương (nên cũng gọi là Đốc Tít - chữ "Tít" là do người Pháp phát âm sai tên ông). Tháng 7/1889, Hoàng Cao Khải phối hợp cùng quân Pháp bao vây Đốc Tít ở căn cứ Trại Sơn. Thế cùng lực kiệt, ngày 12/8/1889, Đốc Tít cùng với toàn quân ra hàng. Rút kinh nghiệm Đề Vang trá hàng lúc trước nên người Pháp cho đày ông đi Algeri. Ông qua đời tại đây ngày 21/12/1916, thọ 63 tuổi.
  34. Vang lừng đất Bắc, Tít bổng trời Đông
    Nói về hai thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy là Đề VangĐốc Tít. Câu này có chơi chữ.
  35. Chữ thất 失 (mất, như trong thất thủ 失守, tam sao thất bản 三抄失本), gồm có năm nét: hai nét ngang, ba nét phết.
  36. Nguyễn Văn Tường
    Một nhân vật lịch sử của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh năm 1824 tại Triệu Phong, Quảng Trị, làm quan đến chức phụ chính đại thần dưới triều Nguyễn, chủ trương đánh Pháp. Năm 1874, do tình thế bắt buộc, ông phải đại diện triều đình kí kết hòa ước Giáp Tuất, công nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Năm 1884, ông cùng Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi lên ngôi. Năm 1885, trận Kinh thành Huế thất bại, ông cùng Tôn Thất Thuyết phò vua bôn tẩu khắp nơi. Sau ông về trở về hợp tác với Pháp, chịu nhiều nghi kị. Sau ông bị đày đi Tahiti và mất ở đó vào ngày 30/7/1886.

    Từng có nhiều nhận xét khen chê của hậu thế về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Tường, nhưng cho đến nay đã thống nhất: ông là người có công với dân tộc.

    Nguyễn Văn Tường

    Nguyễn Văn Tường

  37. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  38. Dừ
    Giờ, bây giờ. Còn đọc là giừ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  39. Vàng Danh
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Uông Bí, đã được khai thác từ thời Pháp thuộc.
  40. Khôn
    Khó mà, không thể.
  41. Vua Lê chúa Trịnh
    Một thời kì trong lịch sử nước ta, kéo dài từ năm 1545, khi Trịnh Kiểm thâu tóm toàn bộ binh quyền nhà Lê, cho đến năm 1786, khi quân Tây Sơn kéo ra Bắc đánh Thăng Long "phù Lê diệt Trịnh." Trong giai đoạn này mặc dù nhà Lê trên danh nghĩa vẫn tồn tại, nhưng thực chất quyền hành nằm cả trong tay các chúa Trịnh. Quan hệ vua Lê-chúa Trịnh thật ra là quan hệ cộng sinh: Vua Lê muốn tồn tại được phải nhờ cậy vào thế lực của chúa Trịnh; ngược lại, Chúa Trịnh muốn tiêu diệt được các đối thủ của mình cũng phải dựa vào “cái bóng” của vua Lê.
  42. Bài này nói về dòng họ của Thoại Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y. "Ba vua" gồm có: Dục Đức (con trai của Thoại Thái Vương, bị phế truất và bỏ đói cho đến chết), Thành Thái (con trai của vua Dục Đức, chủ trương chống Pháp nên bị đày ra đảo Réunion), và Duy Tân (con trai vua Thành Thái, cùng bị đày với cha).