Tìm kiếm "bao công"

Chú thích

  1. Mợ
    Mỡ (phương ngữ).
  2. Bão lụt năm Thìn
    Một trận bão lụt lớn xảy ra vào năm Giáp Thìn (1904), gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ, và còn lan ra đến tận Thừa Thiên-Huế. Trong quyển Gò Công xưa và nay của Huỳnh Minh và Gò Công cảnh cũ người xưa của Việt Cúc có viết về trận bão lụt năm Thìn này, như sau: Từ 10 giờ cho đến 3 giờ chiều ngày 16-3 âm lịch, mưa không ngớt hạt. Từ 4 giờ chiều cho đến về đêm, gió càng ngày càng thổi mạnh, trốc gốc cây, trốc nóc nhà, tường xiêu vách đổ. Sóng chụp cao 3,5m, cuốn mất nhà cửa và người ra biển. Rắn rít bò khắp nơi, cắn chết nhiều người. Qua ngày 17-3 âm lịch, nước dần rút, người người đi tìm xác thân nhân. Hôm sau mới thấy mặt đất, quang cảnh thật là hãi hùng. Mãi đến ngày 19-3 âm lịch chính quyền mới tổ chức chôn cất những người chết, hễ gặp đâu thì chôn đó. Bọn trộm cướp thừa cơ đi gỡ bông tai, vòng vàng trên các xác chết. Kết quả thống kê: Mỹ Tho thiệt hại 35%, các vùng phụ cận tỉnh Mỹ Tho từ Thừa Đức lên tới An Hồ 30% nhà cửa sập đổ, vườn dừa bị gãy; Gò Công trên 60%, 5.000 người chết trôi ở các làng ven biển vùng cửa Khâu, làng Kiểng Phước, Tân Bình Điền, Tân Thành, Tăng Hòa..., 60% nhà cửa bị sập, 80% gia súc chết.

    Vào các năm Nhâm Thìn (1952), Giáp Thìn (1964), Bính Thìn (1976) cũng xảy ra những trận lụt lớn.

  3. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  4. Đây là hai câu trong bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, một thi sĩ Trung Quốc thời Đường. Nguyên văn Hán Việt:

    Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
    Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
    Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
    Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

    Trần Trọng Kim dịch:

    Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
    Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
    Con thuyền đậu bến Cô Tô
    Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

  5. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  6. Vượt biên
    Trốn ra nước ngoài.
  7. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  8. Tuân Lộ
    Tên Nôm là Kẻ Dùa hay Dùa (nay quen gọi là Rùa), một làng nay thuộc xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Làng nổi tiếng với món đậu phụ gọi là đậu Rùa.

    Đình Tuân Lộ

    Đình Tuân Lộ

  9. Thanh Bào
    Tên một thôn nay thuộc xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
  10. Cù lao Bảo
    Một trong ba cù lao lớn hình thành nên tỉnh Bến Tre (gồm cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa). Hiện nay cù lao này gồm một phần huyện Châu Thành, huyện Giồng Trôm, huyện Ba Tri và thành phố Bến Tre. Ranh giới tự nhiên của cù lao Bảo và cù lao An Hóa là sông Ba Lai. Cù lao Bảo ngăn cách với cù lao Minh bởi con sông Hàm Luông dài ra tới biển Đông.
  11. Cù lao Minh
    Một trong ba cù lao lớn hình thành nên tỉnh Bến Tre (gồm cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa). Cù lao Minh được bao bọc bởi các nhánh của sông Tiền là sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, bao gồm địa giới hành chính của các huyện Chợ Lách, huyện Mỏ Cày Nam, huyện Mỏ Cày Bắc, huyện Thạnh Phú và một phần của huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
  12. Bình Khánh
    Địa danh trước đây thuộc huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.
  13. Bài cào
    Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
  14. Đồng bào
    Cùng chung (đồng) bào thai, nghĩa hẹp dùng để chỉ anh em ruột vì cùng một mẹ sinh ra, nghĩa rộng chỉ người trong cùng một nước vì cùng một tổ tiên.
  15. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  16. Hiếu
    Lòng biết ơn, phụng dưỡng cha mẹ (từ Hán Việt).
  17. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  18. Bào
    Đồ dùng nghề mộc, gồm hai lưỡi thép đặt trong khối gỗ, hai bên có tay cầm, dùng để làm nhẵn mặt gỗ. Động tác sử dụng bào cũng gọi là bào. Những việc đau lòng cũng được ví von là xót như bào, ruột xót gan bào...

    Cái bào

    Cái bào

  19. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  20. Kẻ ăn rươi, người chịu bão
    Rươi thường xuất hiện trước khi có mưa bão. Khi có rươi, chỉ có một số ít người được ăn (tự đánh bắt hoặc mua), nhưng tất cả mọi người phải chịu chung cảnh mưa bão ấy.
  21. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  22. Bánh vẽ
    Hình vẽ chiếc bánh. Nghĩa bóng chỉ thứ trông có vẻ tốt đẹp nhưng không có thật, chỉ đưa ra để lừa bịp.
  23. Đông Ngạc
    Tên nôm là làng Vẽ hay kẻ Vẽ, một làng cổ ở nằm sát chân cầu Thăng Long, thuộc huyện Từ Liêm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km. Đông Ngạc được coi là một trong những làng cổ nhất của Hà Nội. Làng còn được gọi là "làng tiến sĩ" do có rất nhiều vị tiến sĩ Hán học và Tây học, đồng thời nổi tiếng với nghề truyền thống là làm nem.
  24. Bảo hộ
    Giúp đỡ và che chở. Trước đây thực dân Pháp lấy danh nghĩa bảo hộ để xâm lược nước ta và nhiều nước khác.
  25. Đáo lai
    Đến (từ Hán Việt).
  26. Thuế thân
    Cũng gọi là thuế đinh hay sưu, một loại đóng theo đầu người dưới chế độ phong kiến hoặc quân chủ. Trong lịch sử nước ta, thuế thân có từ thời nhà Lý, kéo dài đến hết thời thuộc Pháp.
  27. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  28. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  29. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  30. Tương tư
    Nhớ nhau (từ Hán Việt). Trong văn thơ, tương tư thường được dùng để chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương trong tình yêu trai gái.

    Gió mưa là bệnh của Trời
    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

    (Tương tư - Nguyễn Bính)

  31. Bảo Đại
    (1913-1997) Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đồng thời cũng là quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (3/1945) và Quốc gia Việt Nam (7/1949). Ông sinh tại Huế, là con vua Khải Định, có tên huý là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông có một câu nói nổi tiếng khi chính thức thoái vị và trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho cách mạng vào ngày 23 tháng 8 năm 1945: Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Cuối đời ông sống lưu vong tại Pháp và qua đời trong lặng lẽ vào ngày 31 tháng 7 năm 1997, thọ 85 tuổi.

    Vua Bảo Đại

    Vua Bảo Đại

  32. Bảo Đại tứ niên
    Bảo Đại năm thứ 4, tức năm 1929.
  33. Sâu keo
    Một loại sâu ăn lúa, phá hoại mùa màng, phát triển mạnh có thể tạo thành nạn dịch.

    Sâu keo

    Sâu keo

  34. Ngũ tỉnh
    Năm tỉnh giáp với Hà Nội: Thái Nguyên ở phía bắc, Bắc Ninh và Hưng Yên ở phía đông và đông nam, Hà Tây và Vĩnh Phúc ở phía nam và phía tây. Khái niệm này được dùng trong một số giai đoạn lịch sử của nước ta.
  35. Đồn điền
    Trang trại có quy mô lớn, trồng những loại cây công nghiệp như bông gòn, thuốc lá, cà phê, chè, mía, cao su, cây lấy gỗ hoặc cây ăn trái. Vào thời Pháp thuộc, người Pháp mở rất nhiều đồn điền cao su, cà phê... ở các tỉnh Nam Kỳ, mộ dân phu làm lụng vô cùng cực nhọc với mức công rẻ mạt.

    Phu đồn điền cao su

    Phu đồn điền cao su

  36. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  37. Nghĩa Hành
    Địa danh nay là huyện trung du duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi.
  38. Tam Bảo
    Tên một phiên chợ ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Chợ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa người Kinh và người Thượng thuộc các quận Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ và Sơn Hà. Đây có lẽ là phiên chợ xuất hiện lâu đời nhất tại Quảng Ngãi và còn tồn tại mãi cho đến sau này. Không rõ đích xác chợ xuất hiện lần đầu tiên vào năm nào, và nơi họp đầu tiên là ở đâu, nhưng đến đời vua Tự Đức thì chợ chính thức tọa lạc tại Kim Thành Hạ (Nghĩa Hành). Chợ họp ngày mồng hai và mồng bảy âm lịch mỗi tháng, với nhiều mặt hàng, trong đó nổi tiếng có chè bó, chè búp.
  39. Cồn
    Đảo nhỏ và thấp. Ở miền Trung và Nam Bộ, cồn còn được gọi là cù lao hoặc bãi giữa, là dải đất hình thành ở giữa các con sông lớn (sông cái) nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm.

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

  40. Cá sặc
    Một loại cá đồng, có rất nhiều ở vùng Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân Nam Bộ thường đánh bắt cá sặc để làm khô cá, mắm sặc, hoặc nấu thành nhiều món ăn ngon như gỏi, cháo, canh chua bông súng...

    Khô cá sặc

    Khô cá sặc

  41. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ