Tháng giêng nắng lắm
Nước biển mặn mòi
Vác mai đi xoi
Là bông hoa giếng
Hay bay hay liệng
Là hoa chim chim
Xuống biển mà chìm
Là bông hoa đá
Bầu bạn cùng cá
Là đá san hô …
Tìm kiếm "giăng mùng"
-
-
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ nồi cơm nguội, nhớ siêu nước chè
Nhớ hồi lên ngựa xuống xe
Nhớ bát nước chè, nhớ tộ đường non
Cá mòi, cá nục y con
Thịt heo y khúc lòng còn ước mơ
Nhớ khi rau muống bò bờ
Nhớ khi con nhện giăng tơ mới vào
Nhớ lê, nhớ lựu, nhớ đào
Đêm nằm tơ tưởng, chiêm bao mơ màng
Trông đò chẳng thấy đò sang
Cầm giằng quên gặt, nhớ đến nghĩa nàng, nàng ơi! -
Vè bán quán
Tui xin mời cô bác
Cùng quý vị gần xa
Đi chơi hay về nhà
Lâu lâu gặp bằng hữu
Tui mời cho đầy đủ
Không sót một người nào
Chủ quán xin mời vào
Dùng cơm hay hủ tiếu
Thịt quay cùng xá xíu
Hễ có tiền là ăn
Thịt chó xào rau cần
Thịt bò thì nhúng giấm
Gà tơ thì nấu nấm
Chim sẻ thì rô ti
Cua lột chiên bột mì
Cá lý ngư làm gỏi
Nem nướng rồi bánh hỏi
Trứng vịt, trứng gà ung
Hẹ bông nấu với lòng
Cá thu thì kho rục … -
Vè bánh trái
Lẳng lặng mà nghe
Tôi nói cái vè
Vè các thứ bánh
Mấy tay phong tình huê nguyệt
Thì sẵn có bánh trung thu
Mấy ông thầy tu
Bánh sen thơm ngát
Ai mà hảo ngọt
Thì có bánh cam
Những kẻ nhát gan
Này là bánh tét
Còn như bánh ếch
Để mấy ông câu
Hủ lậu từ lâu
Thì ưa bánh tổ … -
Giang tay đánh thiếp sao đành
Giang tay đánh thiếp sao đành
Tấm rách ai vá tấm lành ai mang. -
Giăng giăng nguyệt giọi sân đình
-
Ông giẳng ông giăng
-
Ông giẳng ông giăng, ông giằng búi tóc
Ông giẳng ông giăng
Ông giằng búi tóc
Ông khóc ông cười
Mười ông một cỗ
Đánh nhau lỗ đầu
Đi cầu hàng huyện
Đi kiện hàng phủ
Một lũ ông già
Mười ba ông điếc -
Tam Giang rộng lắm ai ơi
Tam Giang rộng lắm ai ơi
Có ai về Sịa với tôi thì về
Đất Sịa có lịch có lề
Có sông tắm mát, có nghề làm ănDị bản
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranhAnh có về Kinh Bắc quê em
Mà nghe quan họ, mà xem làng nghề
Quê em có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề cửi canhHỡi cô thắt dải bao xanh
Có về kẻ Bưởi với anh thì về
Làng anh có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề can seo
-
Ông giẳng ông giăng
Ông giẳng ông giăng
Ông giằng búi tóc
Ông khóc ông cười
Ông lười đi trâu
Mẹ ông đánh đau
Ông ngồi ông khóc
Ông phóc xuống đây
Dung dăng dung dẻ. -
Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết
-
Đem giăng sườn núi bắt được nai
-
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Đố tục giảng thanh
-
Vè cô Giang
Kể từ quân Pháp sang đây
Hại người cướp của bấy nay đã nhiều
Dân tình đồ thán đủ điều
Căm gan tức chí phải liều ra tay
Anh hùng đã tỏ tài trai
Nữ nhi cũng chẳng kém loài bồng tang
Nhớ xưa phất ngọn cờ vàng
Bà Trưng, Bà Triệu chiến trường xông pha
Cai Vàng lại có bà Ba
Tây Sơn bà Phó cũng là anh thư
Xúm tay xoay lại cơ đồ
Dân yên quốc thịnh phất cờ Việt Nam … -
Xóm trên giăng lưới, xóm dưới giăng câu
Xóm trên giăng lưới, xóm dưới giăng câu
Trách ai làm đêm thảm ngày sầu
Cơm ăn không đặng, nhai trầu giải khuâyDị bản
Ngồi xóm trên giăng lưới, xóm dưới giăng câu,
Ai làm cho trai thảm gái sầu,
Cơm ăn chẳng đặng, ăn trầu giải khuây.
-
Bạch Đằng giang là sông cửa ải
-
Truyện Kiều anh giảng đã tài
-
Cô giỏi cô giang, cô đang xúc tép
Cô giỏi cô giang, cô đang xúc tép
Cô thấy anh đẹp cô đổ tép đi -
Đại mộc lưu giang, bất đắc hồi cố
-
Trời vần vũ mây giăng bốn phía
Chú thích
-
- Mai
- Còn gọi cái thêu, thuổng hay xuổng, một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào cán dài, để đào, xắn đất.
-
- Xoi
- Đào, xới, làm cho thông, cho thoáng.
-
- Rau dừa
- Cũng gọi là cây hoa giếng, một loại cây thân thảo mọc bò, nổi trên mặt nước nhờ có phao xốp màu trắng, kết thành bè như rau muống, thường gặp ở các ao hồ. Trước đây những năm mất mùa, nhân dân ta thường vớt rau dừa về ăn độn.
-
- Chim chim
- Loại cây như dú dẻ, hoa thơm, trái hình rẻ quạt như nhánh chuối, nhưng rất nhỏ, hạt to, khi chín màu đỏ, ăn có vị ngọt.
-
- Sen đá
- Cũng gọi là cây hoa đá, một loại cây cây thân cỏ, nhiều nước, xanh quanh năm, thường được trồng làm cảnh. Phần lá phía trên dày, xếp thành hình tròn giống như hoa sen.
-
- Chè
- Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.
-
- Tộ
- Cái tô bằng đất nung, thường dùng để kho thịt, cá. Những món kho trong tộ gọi là kho tộ (thịt heo kho tộ, cá lóc kho tộ...)
-
- Đường non
- Đường được tạo thành từ mía qua một giai đoạn gọi là nấu đường. Nước ép mía được đổ vào những chảo gang, đặt trên lò lửa. Thợ lò chờ nước đường được nấu đến “độ” thì múc ra thùng gỗ, dùng chày đánh nước đường cho sánh đặc lại rồi rót vào những cái bát to làm bằng nhôm, có phết một lớp dầu phộng (để dễ gỡ đường). Một lát sau đường nguội thì gỡ ra, xếp theo cặp, cho vào những chiếc rổ to gánh về phơi cho khô. Loại đường này gọi là đường bát hay đường tán.
Đường non là nước đường nấu chưa tới "độ." Thợ lò múc một ít đường, đổ vào bẹ chuối và nghiêng cho đường tráng đều bẹ chuối là được. Khi đường non nguội thì sánh lại và có màu vàng, dẻo, vị ngọt thanh, rất thơm ngon.
-
- Cá mòi
- Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.
-
- Cá nục
- Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...
-
- Lê
- Một loại cây cho quả ngọt, nhiều nước, thịt hơi xốp. Nước ép quả lê có thể dùng làm thạch, mứt trái cây, hoặc ủ men làm rượu. Gỗ lê là một loại gỗ tốt, được dùng làm đồ nội thất, chạm khắc... Lê là một hình ảnh mang tính ước lệ thường gặp trong ca dao tục ngữ, tượng trưng cho người con trai hoặc con gái.
-
- Lựu
- Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông
(Truyện Kiều)Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Đào
- Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Bằng hữu
- Bạn bè (từ Hán Việt).
-
- Hủ tiếu
- Cũng viết là hủ tíu, cách đọc tiếng Quảng Đông của 粿條 (quả điều), một món ăn của người Triều Châu và người Mân Nam, sau trở thành món ăn rất quen thuộc ở miền Nam. Đặc biệt là Sài Gòn, hầu như trên bất cứ con đường nào cũng có thể bắt gặp một quán hủ tiếu hoặc xe đẩy hủ tiếu (hủ tiếu gõ). Có thể nói Hủ tiếu là món ăn đặc trưng tại Sài gòn, tương tự như phở ở Hà Nội.
Nguyên liệu chính của món hủ tiếu là bánh hủ tiếu, nước dùng chính là với thịt bằm nhỏ và lòng heo, có thể ăn với thịt bò viên và tương.
-
- Xá xíu
- Cách phát âm của chữ Hán 叉燒 (xoa thiêu), món thịt heo quay theo kiểu Trung Quốc, thường gặp ở miền Nam. Món này vốn bắt nguồn từ cách lấy thịt heo, lạng bỏ xương, ướp gia vị, xỏ ghim rồi đem nướng trên lửa (xoa thiêu có nghĩ là nướng xâu). Thịt thường dùng là thịt vai, ướp mật ong, ngũ vị hương, xì dầu, chao, tương đen hoisin, phẩm màu đỏ, và rượu. Hỗn hợp gia vị trên làm cho món xá xíu có sắc đỏ. Đôi khi mạch nha được dùng quết lên để làm thịt óng ả thêm hấp dẫn. Thịt xá xíu thường có bán ở những hiệu thịt quay người Hoa, bán chung với vịt quay, heo quay, dùng làm nhân bánh bao, trộn với cơm chiên, hoặc ăn kèm với mì hay cơm trắng.
-
- Rau cần
- Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.
-
- Rô ti
- Quay (thịt). Từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp rôti.
-
- Cá chép
- Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.
Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.
-
- Nem nướng
- Một món ăn làm từ thịt heo nạc băm nhuyễn, thêm đường, hạt nêm, tiêu để cho ngấm rồi viên dài, xiên vào que tre đã chuẩn bị sẵn, nướng trên bếp than hồng, ăn với bánh tráng và rau sống (dấp cá, hẹ, húng quế, xà lách, dưa leo, chuối chát, khế...). Nem nướng nổi tiếng nhất có lẽ là ở Ninh Hòa.
-
- Bánh hỏi
- Một đặc sản có mặt ở nhiều vùng khác nhau: Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định, Sóc Trăng... Bánh được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Thường được ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo... đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi.
-
- Hẹ
- Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.
-
- Cá thu
- Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.
-
- Nguyệt hoa
- Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.
Cởi tình ra đếm, ra đong
Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?
(Tơ xuân - Huy Trụ)
-
- Bánh hạt sen
- Gọi tắt là bánh sen, một số nơi gọi là kẹo hạt sen, loại bánh ngọt làm bằng bột vo nhỏ như hạt sen, ngoài bọc bằng giấy bóng kính nhiều màu. Bánh thường gặp trong dịp Tết nguyên đán.
-
- Bánh cam
- Một loại bánh hình tròn nhìn giống quả cam, làm bằng bột nếp, nhân đậu xanh, bên ngoài phủ nhiều mè (vừng), được rán trong dầu, ăn rất ngọt và thơm. Bánh cam được bán nhiều ở các chợ và hàng rong, là một món quà mà trẻ em rất ưa thích. Miền Bắc gọi bánh này là bánh rán, ở một số địa phương miền Trung thì gọi là bánh ram.
-
- Bánh tét
- Có nơi gọi là bánh đòn, một loại bánh của miền Trung và miền Nam, tương tự như bánh chưng ở miền Bắc. Bánh làm bằng gạo nếp, hình trụ dài, gói bằng lá chuối, có thể có nhân đậu và thịt mỡ hoặc không có nhân, khi ăn thì cắt thành khoanh tròn. Những dịp giỗ Tết không thể thiếu món bánh này.
-
- Bánh ít
- Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.
-
- Hủ lậu
- Cũ kĩ, lạc hậu, không còn hợp thời nữa.
-
- Bánh tổ
- Một loại bánh tết truyền thống của Quảng Nam. Bánh được chế biến từ nếp và đường, đựng trong những cái "rọ" bằng lá chuối. Bánh dẻo, ngọt, có thể cắt ăn ngay hoặc chiên giòn.
-
- Bánh chưng
- Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.
-
- Phá Tam Giang
- Tên một cái phá nay thuộc địa phận của ba huyện là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Phá Tam Giang có khúc cạn khúc sâu bất thường nên việc đi lại rất khó khăn nguy hiểm.
Ngày nay phá Tam Giang là một hệ sinh thái rộng 52 km², cung cấp hàng nghìn tấn hải sản hàng năm, đồng thời cũng là một địa điểm du lịch khá nổi tiếng của Huế.
-
- Sịa
- Một địa danh nay là tên thị trấn của huyện Quảng Điền nằm ở phía bắc của Thừa Thiên-Huế, cách thành phố Huế khoảng 30km theo hướng Đông trên Quốc lộ 1. Về tên Sịa, có một số giả thuyết:
- Sịa là cách đọc trại của sỉa, cũng như sẩy (trong sẩy chân), nghĩa là vùng trũng, vùng sỉa, lầy.
- Sịa là cách đọc trại của sẻ. Vùng Sịa xưa là vùng có nhiều lúa, chim sẻ thường về.
- Sịa là cách đọc trại của sậy, vì trước đây vùng này nhiều lau sậy.
-
- Đông Hồ
- Tên Nôm là làng Mái, một làng nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nổi tiếng với nghề làm tranh in truyền thống trên giấy điệp. Để làm giấy điệp in tranh, người làng Đông Hồ giã nát lớp vỏ mỏng của một loại sò biển tên là điệp, trộn với hồ nấu từ bột gạo tẻ, gạo nếp hoặc bột sắn rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang)... Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thường tranh Đông Hồ chỉ dùng nhiều nhất 4 màu.
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
(Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)
-
- Kinh Bắc
- Một địa danh thuộc miền Bắc trước đây, hiện nay bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng). Là nơi có ba kinh đô cổ của Việt Nam gồm: Cổ Loa, Mê Linh và Long Biên. Kinh Bắc cùng với xứ Đoài là hai vùng văn hóa cổ nhất so với xứ Sơn Nam và xứ Đông, với nhiều di tích lịch sử có giá trị như Cổ Loa, đền Sóc, chùa Phật Tích, đền thờ Hai Bà Trưng...
Quê hương Kinh Bắc có dân ca quan họ và lễ hội Gióng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
-
- Quan họ
- Lối hát dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung ở vùng văn hóa Kinh Bắc, tức tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Quan họ được chia làm hai loại: Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng Quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe, đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ, không có nhạc đệm và chủ yếu là hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội ở các làng quê. Quan họ mới còn được gọi là "hát Quan họ," có nhiều hình thức biểu diễn phong phú hơn, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa, được biểu diễn trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội...
Năm 2009, cùng đợt với ca trù, quan họ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.
Giã bạn - Người ơi người ở đừng về - Đến hẹn lại lên (Quan họ Bắc Ninh)
-
- Yên Thái
- Tên một làng nằm ở phía tây bắc thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội. Tên nôm của làng là làng Bưởi, cũng gọi là kẻ Bưởi. Theo truyền thuyết ngày xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công truyền thống là dệt lĩnh và làm giấy.
-
- Seo
- Một công đoạn trong quá trình làm giấy dó. Vỏ cây dó được nấu và ngâm trong nước vôi với thời gian ba tháng, bóc bỏ lần vỏ đen đi, giã bằng cối và chày rồi dùng chất nhầy từ cây mò tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này gọi là "huyền phù" mà người thợ sẽ pha với nước độ lỏng hay đặc tùy theo loại giấy. Khi seo giấy, người thợ dùng "liềm seo" (khuôn có mành trúc, nứa hay dây đồng ken dày) chao đi chao lại trong bể bột dó. Lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi kết thúc công đoạn ép, phơi, sấy, nén hay cán phẳng. Xơ dó kết lại với nhau, như cái mạng nhện nhiều lớp, tạo nên tờ giấy dó.
-
- Dịch nghĩa:
Một sông hai nước (Việt - Pháp) không thể thương thuyết,
Bốn tháng ba vua điềm chẳng lànhSau khi vua Tự Đức mất, quyền hành ở triều đình Huế rơi vào tay Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Trong bốn tháng, từ tháng 7 đến tháng 11 năm 1983, hai ông đã phế và lập 3 vua: Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc. Câu này ra đời trong hoàn cảnh đó. Cái hay là cuối mỗi câu có tên hai ông: Thuyết và Tường.
-
- Vượt Vũ môn
- Ở thượng lưu sông Hoàng Hà (giữa huyện Hà Tân, Sơn Tây và Hán Thành, Thiểm Tây, Trung Quốc) có mõm đá như hình cái cửa. Tương truyền thời thượng cổ vua Vũ nhà Hạ trị thủy đã đục phá mõm đá này cho rộng ra, nên gọi là Vũ môn (cửa vua Vũ), cũng gọi là Cửa Vũ hay Cửa Võ. Theo Tam Tần Ký và Thủy Kinh Chú thì Vũ môn có sóng dữ, hàng năm vào tiết tháng ba cá chép khắp nơi kéo về vượt qua Vũ môn, con nào nhảy qua được thì hóa rồng. Nhân đó, cửa Vũ dùng chỉ chốn trường thi và thi đỗ gọi là vượt Vũ môn.
Theo Đại Nam nhất thống chí thì ở nước ta cũng có Vũ môn ở dãy núi Khai Trường huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là dòng suối có ba bậc. Tương truyền hàng năm đến tháng 4 mưa to, có nước nguồn thì cá chép ngược dòng chảy qua Vũ môn để hóa rồng.
-
- Cơi trầu
- Một đồ dùng thường làm bằng gỗ, phủ sơn, trông như một cái khay tròn có nắp đậy, dùng để đựng trầu. Tục xưa khi khách đến nhà, chủ thường mang cơi trầu ra mời khách ăn trầu.
-
- Đồ thán
- Nghĩa đen là bùn than (từ Hán Việt), nghĩa bóng chỉ sự khốn khổ của dân chúng.
-
- Tang bồng
- Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
-
- Hai Bà Trưng
- Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai nữ tướng của Giao Chỉ (Việt Nam ta lúc bấy giờ) đã nổi cờ khởi nghĩa vào năm 40 sau Công nguyên để chống lại sự nô thuộc của nhà Đông Hán. Khởi nghĩa thắng lợi, Thái thú Giao Chỉ người Hán là Tô Định bỏ chạy về phương Bắc, Trưng Trắc xưng vương, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, chọn kinh đô là Mê Linh, trị vì được ba năm, đến năm 43 bại trận dưới tay tướng nhà Hán là Mã Viện. Tục truyền do không muốn đầu hàng, hai Bà đã nhảy xuống sông tự tử, nhưng cũng có thuyết cho hai Bà đã bị quân Mã Viện bắt và xử tử.
-
- Bà Triệu
- Tên gọi dân gian của Triệu Quốc Trinh, nữ anh hùng dân tộc, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại ách thống trị của nhà Ngô (Trung Quốc) vào năm 248. Theo truyền thuyết, mỗi khi ra trận bà cưỡi con voi trắng một ngà, tự tay đánh cồng để khích lệ tinh thần quân sĩ. Quân Ngô khiếp sợ trước uy bà, có câu:
Hoành qua đương hổ dị
Đối diện Bà vương nan(Vung giáo chống cọp dễ
Giáp mặt vua Bà khó)Theo Việt Nam sử lược, sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi.
-
- Cai Vàng
- Nguyễn Văn Thịnh (hay Nguyễn Thịnh), tục danh là Vàng, vì có thời làm cai tổng nên được gọi là Cai Vàng hay Cai Tổng Vàng. Năm 1862, lấy danh nghĩa "phù Lê," ông khởi binh chống lại triều đình Tự Đức ở vùng Bắc Ninh vào năm 1862. Ông tử trận ngày 30 tháng 8 năm đó, nhưng với tài chỉ huy của người vợ thứ (tục gọi là Bà Ba Cai Vàng), cuộc nổi dậy do ông khởi xướng vẫn tồn tại cho đến tháng 3 năm sau mới chấm dứt.
-
- Bà Ba Cai Vàng
- Người vợ thứ ba của Cai Vàng. Bà tên thật là Nguyễn Thị Miên, biệt hiệu là Hồng Y liệt nữ, người ở thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi Cai Vàng tử trận vào tháng 8 năm 1862, bà tiếp tục lãnh đạo nghĩa binh chiến đấu đến gần một năm sau mới giải tán lực lượng, rồi đi tu.
-
- Tây Sơn
- Tên cuộc khởi nghĩa nông dân của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, đồng thời cũng là tên vương triều được lập ra từ cuộc khởi nghĩa này và kéo dài từ 1788 đến 1802. Khởi nghĩa và vương triều Tây Sơn có công rất lớn trong việc bình định đất nước, chấm dứt thời kì loạn lạc Trịnh-Nguyễn phân tranh, đồng thời giữ vững bờ cõi trước sự xâm lược của quân Thanh. Tây Sơn gắn liền với hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.
-
- Bùi Thị Xuân
- Nữ tướng của vương triều Tây Sơn, đồng thời là vợ Thái phó Trần Quang Diệu (nên nhân dân cũng gọi là bà Phó). Bà là người thôn Xuân Hòa, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Tài năng và dũng cảm, bà cùng chồng là hai trụ cột của vương triều Tây Sơn. Khi triều Tây Sơn sụp đổ, bà cùng con gái bị voi giày (năm 1802).
-
- Anh thư
- Người phụ nữ anh hùng, tài năng hơn người (từ Hán Việt).
Kìa cái chết bậc anh thư ngày trước
Muôn nghìn năm quốc sử ngát trầm hương
(Hận Nam Quan - Hoàng Cầm)
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Bạch Đằng
- Một đòng sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình, chảy theo ranh giới hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đổ ra biển bằng cửa Nam Triệu, vịnh Hạ Long. Bạch Đằng (nghĩa là "sóng trắng" vì sông thường có sóng bạc đầu) còn có tên gọi là sông Rừng, là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với những trận thủy chiến lừng lẫy chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như trận Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo thắng Nguyên-Mông...
-
- Hà Nam
- Tên một tổng nay thuộc địa phận thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, xưa kia là một bãi bồi ở cửa sông Bạch Đằng. Trong trận Bạch Đằng thời nhà Trần, thuyền giặc bị vướng cọc nhọn ở bãi ngầm dưới sông, một số hoảng loạn bỏ thuyền lên bờ tháo chạy. Quân ta trên bờ phục sẵn cùng quân thủy đuổi theo truy kích, tiêu diệt nốt tại bãi sông này.
-
- Truyện Kiều
- Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.
Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...
-
- Phu thê
- Vợ chồng (từ Hán Việt).
Có âm dương, có vợ chồng,
Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.
(Cung oán ngâm khúc)