Tìm kiếm "cá chép hoá rồng"

Chú thích

  1. Đồng Hới
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Bình. Trước đây Đồng Hới có tên là Động Hải, là một làng nằm ven cửa sông Nhật Lệ, chuyên làm nghề đánh cá, làm mắm và nấu muối. Trải qua một thời kỳ dài trong lịch sử, đây là khu vực tranh chấp giữa Vương quốc Champa và Đại Việt. Lịch sử đô thị Đồng Hới có lẽ được tính từ thời kỳ chúa Nguyễn Hoàng vượt dãy Hoành Sơn để tránh bị chúa Trịnh tiêu diệt vào cuối thế kỉ 16.

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

  2. Lý Hòa
    Tên một làng biển thuộc xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đèo Lý Hòa và làng Lý Hòa là một quần thể danh thắng thiên nhiên được Bộ văn hóa thông tin công nhận là "Di tích thắng cảnh" cấp quốc gia, cùng với Đèo Ngang là những danh thắng thiên nhiên của tỉnh này.
  3. Hồi
    Cũng gọi là tai vị, một loại cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Bắc, cho quả có nhiều cánh giống hoa nên thường được gọi là hoa hồi. Hồi là một loại dược liệu (hồi hương) và hương liệu, và cũng là một gia vị dùng khi nấu phở.

    Quả hồi

    Quả hồi

  4. Xóm Bóng
    Còn gọi là bến Bóng, một địa danh thuộc thành phố Nha Trang. Xóm Bóng gồm hai phần: một nằm bên bờ sông Cái, nơi sông đổ ra biển Đông qua cửa Lớn, và phần còn lại là cù lao trên sông. Giữa hai phần này là cầu xóm Bóng, đứng trên cầu có thể thấy tháp Bà Ponagar, thắng cảnh nổi tiếng của Khánh Hòa.

    Tên xóm Bóng bắt nguồn từ một thói quen của làng cù lao xưa: Vào các dịp lễ vía cúng bà, tức thánh Mẫu Thiên Y A Nam, những "cô bóng, bà bóng" của làng lại tập trung múa hát.

    Tháp bà Ponagar nhìn từ cầu xóm Bóng

    Tháp bà Ponagar nhìn từ cầu xóm Bóng

  5. Hà Ra
    Một địa danh thuộc thành phố Nha Trang, đối diện với xóm Bóng. Cây cầu bắc ngang qua sông Cái từ Hà Ra qua xóm Bóng cũng gọi là cầu Hà Ra.

    Cầu Hà Ra

    Cầu Hà Ra

  6. Hòn Chữ
    Một tảng đá lớn có những tảng nhỏ sát cạnh nằm ở cửa sông Cái (Nha Trang), chu vi chừng 100 m2, cao từ mặt nước lên khoảng vài mét, thường làm du khách chú ý khi đi dọc theo cầu Xóm Bóng hay từ trên khuôn viên Tháp Bà nhìn xuống hướng Đông Nam. Trên đá có in khắc chữ, một lối chữ hình giống như những con nòng nọc nối đuôi nhau, được cho là chữ cổ của người Chiêm Thành xưa.

    Hòn Chữ

    Hòn Chữ

  7. Thuyền thúng
    Một loại thuyền làm từ thúng lớn, trét dầu rái để không bị ngấm nước.

    Chèo thuyền thúng.

    Chèo thuyền thúng.

  8. Mạch
    Đường dẫn từ vật/ trạng thái này đến vật/ trạng thái kia. Ở đây mạch được hiểu là những kênh tiềm ẩn bên trong các vật che chắn như dừng, vách, có thể làm rò rỉ thông tin.
  9. Tai vách mạch dừng
    Lấy nghĩa từ câu tục ngữ "Dừng có mạch, vách có tai", nghĩa là đằng sau những vật che chắn như dừng, vách có thể có những cách làm rò rỉ thông tin. Đây là câu lưu ý những trường hợp cần giữ mồm giữ miệng khi ăn nói để tránh vạ vào thân.
  10. Hòn Chồng
    Một bãi đá với nhiều khối lớn được xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên, thuộc khóm Hòn Chồng, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Gần Hòn Chồng có một cụm đá khác có hình dáng một người phụ nữ ngồi nhìn ra biển, gọi là Hòn Vợ.

    Hòn Chồng

    Hòn Chồng

  11. Hòn Yến
    Tên gọi chung cho Hòn Nội và Hòn Ngoại, hai hòn đảo có nhiều tổ yến của tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang chừng 300 km. Đây cũng là địa điểm du lịch có tiếng của Nha Trang.

    Bãi tắm đôi ở Hòn Nội

    Bãi tắm đôi ở Hòn Nội

  12. Tháp Po Nagar
    Thường gọi là Tháp Bà, một ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái tại Nha Trang, Khánh Hoà, nay thuộc phường Vĩnh Phước, thờ nữ vương Po Ina Nagar. Tên gọi "Tháp Po Nagar" được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất, cao khoảng 23 mét.

    Tháp Bà là biểu tượng văn hoá của tỉnh Khánh Hoà, với lễ hội Tháp Bà hằng năm thu hút rất nhiều khách thập phương.

    Tháp Bà (Po Nagar)

    Tháp Bà (Po Nagar)

  13. Sinh Trung
    Một ngọn núi nằm trong lòng thành phố biển Nha Trang, Khánh Hoà, gần cầu Hà Ra. Trên ngọn núi này trước đây có một ngôi miếu thờ thần được xây dựng từ năm Ất Mão (1795), nay trở thành Kỳ Viên Trung Nghĩa Tự, nhân dân quen gọi là chùa Kỳ Viên.

    Vườn tượng chùa Kỳ Viên

    Vườn tượng chùa Kỳ Viên

  14. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Cù Huân
    Dân gian còn gọi là cửa Lớn, cửa biển nơi con sông Cái đổ ra biển, nay thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Huyện Diên Khánh là địa bàn hoạt động và chiến đấu của nghĩa quân Trịnh Phong, một thủ lĩnh kháng Pháp của phong trào Cần Vương.
  16. Công lênh
    Cũng đọc công linh, công sức bỏ vào việc gì (từ cổ).
  17. Liệt nữ
    Người phụ nữ có khí phách anh hùng, không chịu khuất phục.
  18. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  19. Cẩm tú
    Gấm thêu (từ Hán Việt), thường dùng để ví cảnh thiên nhiên tươi đẹp hoặc văn thơ hay.

    Mai sinh là bậc thiên tài,
    Câu văn cẩm tú, vẻ người y quan.
    (Nhị Độ Mai)

  20. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  21. Chao
    Dùng rổ sâu, giậm, cái chao mà múc, xúc hay hớt lấy vật gì.
  22. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.
  23. Nác
    Nước (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  24. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  25. Đèo Cả
    Một cái đèo thuộc dãy núi Đại Lãnh, ngăn giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Đèo có nhiều vòng cua nguy hiểm, một bên là tảng đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Trước kia, khu vực này là một nơi sản xuất trầm hươngkỳ nam nổi tiếng. Nay vẫn còn nhiều cây quý mọc tại đây như cẩm, thị, sao, chò, dầu, kiền kiền, và đát.

    Đèo Cả cùng với Vũng Rô tạo thành một bức tranh sơn thuỷ hữu tình, là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng cả nước.

    Đèo Cả

    Đèo Cả

  26. Cao Biền
    Một viên tướng của nhà Đường (Trung Hoa), giữ chức Tiết độ sứ, cai quản Giao Châu (tên gọi của nước ta khi ấy) từ năm 866 đến năm 875. Theo Cựu Đường thư, Cao Biền liệt truyện thì Cao Biền thuộc dòng dõi thế gia, từ bé đã giỏi văn chương, lại có tài võ nghệ. Trong văn hóa Việt Nam có nhiều huyền thoại về nhân vật này như Cao Biền giỏi địa lí, thuật số, thường cưỡi diều bay đi yểm những chỗ có long mạch, hay chuyện Cao Biền rải đậu thành binh...
  27. Theo truyền thuyết dân gian, Cao Biền đánh nhau với thần Đá Bia và chết tại núi Đá Bia thuộc Đèo Cả. Thật ra Cao Biền làm phản nhà Đường và bị giết vào năm 887 ở Trung Quốc.
  28. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  29. The
    Hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng, không bóng, thời xưa thường dùng để may áo dài hoặc khăn, màn.

    Áo dài the

    Áo dài the

  30. Đồng bạc Mexicana
    Đồng bạc của nước Cộng hòa Mexico (Republica Mexicana), do thực dân Pháp cho phép lưu hành ở nước ta từ năm 1862, tới 1906 thì chính thức cấm lưu hành trên toàn Đông Dương. Đồng bạc hình tròn, chính giữa có hình con ó biển cổ cong, nhân dân gọi là đồng bạc con cò (còn gọi là điểu ngân - đồng tiền có hình chim, hoặc đồng hoa xòe, vì mặt sau có hình chiếc nón tỏa hào quang trông như bông hoa đang xòe ra). Đồng con cò trị giá 600 đồng tiền kẽm, bằng giá với một quan tiền cổ truyền.

    Đồng bạc con cò

    Đồng bạc con cò

  31. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  32. Có bản chép: Thân anh như cái chày vồ.
  33. Dộng
    Đánh đấm, thụi (bằng nắm tay hoặc vũ khí dạng gậy gộc). Cũng hiểu là giáng mạnh vật gì đó.
  34. Hoàng thành Thăng Long
    Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

  35. Thanh Hóa
    Một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, là một trong những cái nôi của người Việt. Cư dân Việt từ xa xưa đã sinh sống trên đồng bằng các sông lớn như sông Mã hay sông Chu. Nền văn minh Đông Sơn được coi là sớm nhất của người Việt cũng thuộc tỉnh này.

    Trong lịch sử, đã có giai đoạn Thanh Hóa được gọi là Thanh Hoa. Nhưng đến thời nhà Nguyễn, do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa mà tên tỉnh được đổi thành Thanh Hóa cho đến nay.

    Thanh Hóa có nhiều danh lam thắng cảnh và lịch sử nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, bãi biển Sầm Sơn, khu di tích Lam Kinh, cầu Hàm Rồng... Đây cũng là nơi địa linh nhân kiệt, là quê hương của các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, các chúa Trịnh, Nguyễn...

    Suối cá thần Cẩm Lương

    Suối cá thần Cẩm Lương

  36. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  37. Có bản chép: con bướm xảo gian.
  38. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  39. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  40. Mì Quảng
    Một món ăn đặc trưng của tỉnh Quảng Nam, làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... vào bát mì để thêm hương vị.

    Mì Quảng

    Mì Quảng

  41. Phú Chiêm
    Tên một làng thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nổi tiếng với đặc sản mì Quảng Phú Chiêm.

    Mì Quảng Phú Chiêm

    Mì Quảng Phú Chiêm

  42. Cao lầu
    Món mì được xem là đặc sản của thị xã Hội An. Cao lầu nhìn khá giống mì Quảng với có sợi mì màu vàng, được dùng với tôm, thịt heo, các loại rau sống... Khác với mì Quảng, cao lầu có rất ít nước dùng.

    Cao lầu

    Cao lầu

  43. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  44. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  45. Cẩm Hà
    Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
  46. Tam Kỳ
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trung tâm tỉnh. Trước đây (đến nửa đầu thế kỷ 20), địa danh Tam Kỳ còn dùng để chỉ một xã thuộc tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và “làng Tam Kỳ” cùng “làng Tứ Bàn” là hai trong các làng địa phương trước Cách mạng tháng Tám trực thuộc xã ấy.
  47. Cơm gà Tam Kỳ
    Đặc sản cơm gà của Tam Kỳ, Quảng Nam. Khác với cơm gà ở những nơi khác, cơm gà ở Tam Kỳ chỉ được làm từ gà thả vườn (gà ta), thịt chắc, dai, thơm, có vị ngọt đặc trưng. Phần cơm vàng ươm ăn kèm cũng được nấu kì công không kém. Gạo nấu cơm phải là loại thơm, khi chín dẻo và không bị nát. Gạo được vo thật sạch, để ráo nước rồi cho vào nấu với nước luộc gà cùng ít bột nghệ. Khi nấu phải canh lửa và nước để cơm chín vàng ươm, dẻo, nhưng tơi chứ không dính vào nhau, lại thoang thoảng hương thơm hấp dẫn.

    Cơm gà Tam Kỳ

    Cơm gà Tam Kỳ

  48. Nam Ô
    Cũng gọi là Nam Ổ hay Năm Ổ, tên cũ là Nam Hoa, một vùng nay thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nam Ô có dải núi gành và bãi biển đẹp nổi tiếng, cùng với nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời. Có ý kiến cho rằng vùng này có tên gọi Nam Ô vì trước đây là phía Nam của châu Ô (cùng với Châu Lý là hai vùng đất cũ của Vương quốc Chăm Pa).

    Bãi biển Nam Ô

    Bãi biển Nam Ô

  49. Đại Lộc
    Tên một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng, phía Đông giáp huyện Điện Bàn, phía Đông Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Nam giáp huyện Quế Sơn, phía Tây Nam giáp huyện Nam Giang, phía Tây Bắc giáp huyện Đông Giang. Người dân sinh sống chủ yếu bằng các nghề trồng lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày, cây hoa màu, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, đan lát, làm nhang, thợ hồ, chế tác đá, đi rừng, tìm trầm, kỳ nam, khai thác dầu rái, buôn bán trao đổi...
  50. Bòn bon
    Một loại cây cho trái ăn được, mọc nhiều ở các vùng rừng núi Quảng Nam (nơi bòn bon còn được gọi là lòn bon). Trái bòn bon còn có hai tên quý phái hơn do vua nhà Nguyễn ban: nam trân, tức "(trái) quý ở phương nam" và trung quân, tương truyền vì trong khi trốn tránh quân Tây Sơn, nhờ có trái bòn bon ăn cứu đói mà nhóm quân phò chúa mới cầm cự được. Ưu ái này còn được biểu hiện qua việc chạm hình bòn bon vào Nhân đỉnh, tức đỉnh thứ nhì trong Cửu Đỉnh ở sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Trước năm 1854 triều đình có đặt quan trông coi việc thu hoạch bòn bon ở thượng nguồn sông Ô Gia, tỉnh Quảng Nam để tiến kinh. Ba huyện Đại Lộc, Quế Sơn và Tiên Phước nay vẫn nổi tiếng là xuất xứ bòn bon ngon và ngọt.

    Bòn bon

    Bòn bon

  51. Trà Đỏa
    Còn gọi là Trà Đóa hoặc Tiên Đõa, một vùng quê nay là thôn Trà Đỏa, thuộc xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tại đây đất cát có độ ẩm sâu, lớp dưới hạt rời, chịu được nắng nóng nên thích hợp với giống khoai lang củ tròn to, bột mịn và ngọt. Khoai lang Trà Đỏa là đặc sản nổi tiếng của miền quê Quảng Nam.
  52. Quế Sơn
    Tên một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Có ý kiến cho rằng gọi tên như vậy vì khu vực này có một ngọn núi này mọc rất nhiều cây quế.

    Nghe bài hát Quế Sơn đất mẹ ân tình của nhạc sĩ Đình Thậm.

  53. Cẩm Sa
    Tên một ngôi làng cũ ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tên địa danh này có nghĩa là "vùng cát đẹp." Tại đây từng xảy ra trận đánh quan trọng giữa quân Trịnh và quân Tây Sơn vào cuối thế kỉ 18.
  54. Bàn Lãnh
    Tên một làng nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nằm bên bờ sông Thu Bồn.
  55. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  56. Cá trôi
    Một loại cá nước ngọt thuộc họ cá chép, có thể nặng đến vài kí. Thị cá trôi ăn mát và ngọt, thường dùng nấu canh chua hoặc kho. Phần đầu là phần ngon nhất của cá trôi.

    Cá trôi

    Cá trôi

  57. Sông Thu Bồn
    Tên con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum (phần thượng lưu này được gọi là Đak Di), chảy lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam (đoạn chảy qua các huyện Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh - bắt đầu qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên mới được gọi là Thu Bồn), đổ ra biển tại cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia tạo thành hệ thống sông lớn gọi là hệ thống sông Thu Bồn, có vai trò quan trọng đối với đời sống và văn hóa người Quảng.

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

  58. Vĩnh Điện
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  59. Sương sa
    Tên một loại thạch trắng được chế biến từ một số loại rong biển, tảo biển không độc. Sương sa hay được dùng chung với nước đường và nước cốt dừa để làm món giải khát, rất được ưa chuộng trong mùa hè.

    Sương sa cacao-dừa

    Sương sa cacao-dừa

  60. Khúc Lũy
    Tên một thôn thuộc địa phận xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  61. Chợ Cầu Mống
    Tên một cái chợ nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tại đây có đặc sản bê thui Cầu Mống rất nổi tiếng.

    Bê thui Cầu Mống

    Bê thui Cầu Mống

  62. Quán Rường
    Một địa danh thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
  63. Chợ Được
    Một địa danh thuộc xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Theo truyền thuyết, vào năm 1852 (năm Tự Đức thứ 5) một lần nữ thần Phường Chào vân du qua thôn Phước Toản (Phước Ấm) thấy nơi đây có cỏ cây rậm rạp, thôn cư hẻo lánh, trông ra bóng nắng trên cát chói lòa nhưng phong cảnh lại hữu tình nên muốn lập chợ. Ban đầu, Bà hóa thân thành một cô gái mở một quán nước bên đường, người qua kẻ lại ngày một đông, dần dà phát triển thành chợ. Để ghi nhớ công ơn Bà, nhân dân lập miếu thờ gọi là Lăng Bà, đặt tên chợ bà lập là chợ Được, và tổ chức lễ rước Bà hằng năm.

    Lễ rước Bà Chợ Được

    Lễ rước Bà Chợ Được

  64. Câu Lâu
    Tên một cây cầu bắc ngang sông Chợ Củi ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong chiến tranh Việt Nam thì được xây dựng lại lần thứ hai. Đầu thế kỷ 21, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.

    Về tên cây cầu này, có một sự tích: Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, người chồng bị cuốn đi. Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về, cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Khi hiểu ra sự việc, nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước. Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu.

    Thật ra Câu Lâu là một địa danh gốc Champa, biến âm từ chữ Pulau có nghĩa là "hòn đảo."

    Cầu Câu Lâu

    Cầu Câu Lâu

  65. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  66. Cá nục hấp cuốn bánh tráng
    Một đặc sản của các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam. Món này gồm cá nục (to nhỏ tùy cách ăn và tùy địa phương) được hấp chín, cuộn với bánh tráng và rau muống, chấm với các loại nước chấm như nước mắm hoặc mắm cái. Bánh tráng có thể là bánh tráng sống hoặc nướng, được trụng sơ với nước cho mềm.

    Cá nục cuốn bánh tráng

    Cá nục cuốn bánh tráng

  67. Tu Bông
    Một địa danh thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Tại đây có núi Hoa Sơn, còn gọi là Tô Sơn, sau đọc trại ra thành Tu Hoa, rồi Tu Bông. Tại đây nổi tiếng nhiều gió nên còn có tên là Tụ Phong Xứ (nơi tụ gió). Vùng đất này ngày xưa cũng nổi tiếng có nhiều trầm hương.